Banner trang chủ

Hà Nội: Phát huy mọi nguồn lực để thực thi hiệu quả Luật Bảo vệ môi trường năm 2020

30/06/2023

    Luật BVMT năm 2020 được đánh giá có nhiều điểm mới nhằm khắc phục những hạn chế của Luật BVMT năm 2014.  Cụ thể, Luật mới chia các dự án đầu tư thành 4 nhóm, dựa trên đánh giá từ nhiều tiêu chí khác nhau, như: Quy mô, công suất, loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; diện tích sử dụng đất, đất có mặt nước, khu vực biển; quy mô khai thác tài nguyên thiên nhiên; yếu tố nhạy cảm về môi trường. Bên cạnh đó, Luật tiếp cận phương pháp quản lý môi trường xuyên suốt, khoa học đối với dự án đầu tư dựa trên các tiêu chí môi trường. Thêm vào đó, việc bổ sung tiêu chí môi trường và đối tượng phải đánh giá tác động môi trường có thể coi là căn cứ để các doanh nghiệp chủ động hơn trong việc nộp đúng và đủ hồ sơ, giúp cơ quan quản lý nhà nước nâng cao hiệu quả kiểm tra, giám sát... Luật mới cũng cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, thông qua việc tích hợp các giấy phép, giấy xác nhận về môi trường vào một giấy phép môi trường, qua đó giảm chi phí cho doanh nghiệp và giúp cơ quan quản lý nhà nước kiểm soát hiệu quả tác động môi trường đến từ hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ...

    Nhận thức được tầm quan trọng của Luật BVMT năm 2020 trong việc BVMT và phát triển kinh tế - xã hội, thời gian qua, các cấp chính quyền TP. Hà Nội luôn quan tâm chỉ đạo, sớm đưa Luật vào thực tiễn cuộc sống. Cụ thể, Sở TN&MT Hà Nội đã tham mưu UBND Thành phố ban hành Kế hoạch số 196/KH-UBND ngày 27/8/2021 và nhiều văn bản về triển khai thi hành Luật trên địa bàn Thành phố; đôn đốc các sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã triển khai Kế hoạch số 196/KH-UBND và tuyên truyền, triển khai Luật BVMT năm 2020. Bên cạnh đó, Sở tham mưu, trình UBND Thành phố Hà Nội ban hành Quyết định số 1040/QĐ-UBND ngày 25/3/2022 về công bố danh mục thủ tục hành chính mới ban hành; thủ tục hành chính thay thế, thủ tục hành chính bị bãi bỏ trong lĩnh vực môi trường thuộc thẩm quyền; hướng dẫn UBND cấp huyện, xã phê duyệt, bãi bỏ những quy trình nội bộ trong lĩnh vực môi trường không còn phù hợp với luật mới… Ngoài ra, Sở TN&MT Hà Nội đã chủ động ban hành Văn bản số 988/STNMT-CCBVMT ngày 18/2/2022 gửi các sở, ban, ngành thành phố và UBND các quận, huyện, thị xã đề nghị đẩy mạnh tuyên truyền, thực hiện Luật. Đồng thời, xây dựng Sổ tay hướng dẫn, tổ chức hội nghị tập huấn; ban hành bộ giải đáp câu hỏi thường gặp liên quan đến quá trình triển khai luật. Trên cơ sở đó, các đơn vị, địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến Luật BVMT năm 2020 bằng nhiều hình thức để nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân và doanh nghiệp. Mặt khác, Sở đã có Văn bản số 10298/STNMT-QLCTR ngày 28/12/2022 báo cáo UBND Thành phố Hà Nội về việc rà soát, đề xuất điều chỉnh quy hoạch xử lý chất thải rắn Thủ đô; tham mưu Thành phố xây dựng lộ trình giải quyết dứt điểm những vấn đề còn tồn tại để thi hành Luật, đảm bảo đạt hiệu quả cao nhất trong cuộc sống.

    Đặc biệt, trong quy định mới của Luật BVMT năm 2020 có nội dung chậm nhất đến ngày 31/12/2024 phải thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt từ các hộ gia đình, cá nhân thành 3 loại: Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; chất thải thực phẩm; chất thải rắn sinh hoạt khác. Thực hiện quy định này, UBND TP. Hà Nội đã ban hành kế hoạch, văn bản chỉ đạo như Kế hoạch số 196/KH-UBND ngày 20/8/2021 về triển khai thi hành Luật BVMT năm 2020; Kế hoạch số 62/KH-UBND ngày 6/2/2023 về việc thực hiện Điều 79, Luật BVMT năm 2020; yêu cầu rà soát tổng thể quy hoạch xử lý chất thải rắn Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 để xây dựng hạ tầng đồng bộ phục vụ công tác phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải sau phân loại.

    Thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố, Sở TN&MT đã phối hợp với các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã xây dựng Đề án phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2023 - 2030, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Phương Linh

Ý kiến của bạn