Banner trang chủ

Giới thiệu Thông tư quy định chi tiết thi hành một số điều Luật Bảo vệ môi trường

02/03/2022

1. Quan điểm xây dựng Thông tư

    Ngày 10/1/2022 Bộ TN&MT ban hành Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật  BVMT (Thông tư 02). Thông tư số 02 được xây dựng trên cơ sở quan điểm: (a) Bảo đảm phù hợp Luật BVMT năm 2020, Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/1/2022 và các văn bản Luật khác có liên quan, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với các văn bản pháp luật khác trong hệ thống pháp luật hiện hành; phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; (b) Bảo đảm phù hợp với thực tế, tính hợp lý, nâng cao tính minh bạch, rõ ràng và dễ tiếp cận; đơn giản hóa thủ tục hành chính và cắt giảm điều kiện kinh doanh, chuyển đổi phương thức quản lý nhà nước từ tiền kiểm sang hậu kiểm; (c) Kế thừa, phát triển những quy định của các thông tư còn phù hợp với Luật BVMT năm 2020; bổ sung những quy định mới để khắc phục một cách cơ bản các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong thực tế của pháp luật về BVMT hiện hành; (d) Xây dựng các quy định bảo đảm tính đầy đủ, chi tiết, có tính khả thi để triển khai thi hành Luật BVMT, bảo đảm sự phù hợp và thống nhất với các văn bản pháp luật có liên quan như pháp luật về đầu tư, pháp luật về xây dựng, tài nguyên nước, đất đai, quy hoạch, thông tin, di sản văn hóa, lâm nghiệp… Qua đó, tạo thuận lợi, dễ dàng cho hoạt động đầu tư kinh doanh, đồng thời đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến và chuyển đổi số.

2. Phạm vi điều chỉnh

    Thông tư số 02 quy định chi tiết một số điều khoản được giao tại Luật BVMT và Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/1/2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật, bao gồm: Các nội dung, trình tự thực hiện, biểu mẫu, mẫu văn bản, mẫu quyết định, mẫu báo cáo có liên quan đến BVMT nước, đất, di sản thiên nhiên; nội dung BVMT trong quy hoạch tỉnh, đánh giá môi trường chiến lược (ĐMC), đánh giá tác động môi trường (ĐTM), giấy phép môi trường (GPMT) và đăng ký môi trường; quản lý chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH), CTR công nghiệp thông thường, chất thải nguy hại (CTNH); quản lý nước thải tại chỗ, chất thải đặc thù; đánh giá sự phù hợp quy chuẩn kỹ thuật môi trường đối với phế liệu nhập khẩu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất; quản lý chất ô nhiễm khó phân hủy và nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, sản phẩm, hàng hóa, thiết bị có chứa chất ô nhiễm khó phân hủy; quan trắc môi trường, thông tin, cơ sở dữ liệu môi trường và báo cáo môi trường; báo cáo hiện trạng môi trường; phục hồi môi trường sau sự cố môi trường; chi trả dịch vụ hệ sinh thái tự nhiên; đánh giá sản phẩm, dịch vụ đáp ứng tiêu chí nhãn sinh thái Việt Nam; trách nhiệm tái chế sản phẩm, bao bì và xử lý chất thải của tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu; kiểm tra chấp hành pháp luật về BVMT, thống kê, theo dõi, công bố nguồn lực chi BVMT.

3. Bố cục và nội dung chính

    Thông tư số 02 gồm có 7 Chương 85 Điều và 10 phụ lục, cụ thể:

    Chương I quy định về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, giải thích từ ngữ.

    Trong Thông tư số 02: Chủ nguồn thải được hiểu là tổ chức, cá nhân sở hữu hoặc được giao quản lý, điều hành cơ sở phát sinh chất thải; Chất thải rắn cồng kềnh là vật dụng gia đình được thải bỏ có kích thước lớn như tủ, giường, nệm, bàn, ghế hoặc các vật dụng tương tự khác hoặc gốc cây, thân cây, cành cây.

Thông tư quy định yêu cầu kỹ thuật về BVMT đối với điểm tập kết, trạm trung chuyển CTRSH

    Bảo vệ các thành phần môi trường, di sản thiên nhiên được quy định tại Chương II, gồm các nội dung về đánh giá khả năng chịu tải của môi trường nước mặt; BVMT nước dưới đất; nguyên tắc và tiêu chí xác định, phân loại khu vực ô nhiễm môi trường đất; điều tra, đánh giá sơ bộ chất lượng môi trường đất; điều tra, đánh giá chi tiết khu vực ô nhiễm môi trường đất; mẫu biểu đề nghị thẩm định, báo cáo dự án xác lập và báo cáo điều tra, đánh giá di sản thiên nhiên; xây dựng, phê duyệt quy chế, kế hoạch quản lý và BVMT di sản thiên nhiên.

    Việc BVMT nước dưới đất trong hoạt động thăm dò, khai thác nước dưới đất được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 75/2017/TT-BTNMT ngày 29/12/2017 của Bộ trưởng Bộ TN&MT quy định về bảo vệ nước dưới đất trong các hoạt động khoan, đào, thăm dò, khai thác nước dưới đất.

    Nội dung BVMT trong quy hoạch tỉnh, ĐMC, ĐTM, GPMT và đăng ký môi trường quy định tại Chương III, bao gồm: Nội dung BVMT trong quy hoạch tỉnh; nội dung ĐMC; nội dung của báo cáo ĐTM và biên bản họp tham vấn; tổ chức và hoạt động của hội đồng thẩm định báo cáo ĐTM, hội đồng thẩm định phương án cải tạo, phục hồi môi trường trong khai thác khoáng sản; công khai danh sách hội đồng thẩm định báo cáo ĐTM; mẫu văn bản, tài liệu, hồ sơ thẩm định báo cáo ĐTM; quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo ĐTM; thời hạn lấy ý kiến phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo ĐTM đối với dự án đầu tư có hoạt động xả nước thải vào công trình thủy lợi; mẫu văn bản, tài liệu, hồ sơ thẩm định, quyết định phê duyệt kết quả thẩm định phương án cải tạo, phục hồi môi trường và hướng dẫn kỹ thuật cải tạo, phục hồi môi trường; nguyên tắc làm việc và trách nhiệm của hội đồng thẩm định, tổ thẩm định, đoàn kiểm tra, tổ kiểm tra cấp GPMT; mẫu văn bản thực hiện cấp giấy phép môi trường, thu hồi GPMT, kiểm tra thực tế quá trình vận hành thử nghiệm công trình xử lý chất thải; quan trắc chất thải trong quá trình cấp GPMT cho cơ sở đang hoạt động; quan trắc chất thải trong quá trình vận hành thử nghiệm công trình xử lý chất thải của dự án, cơ sở; hồ sơ, thủ tục đăng ký môi trường; tiếp nhận đăng ký môi trường.

    Tại Chương này, Hồ sơ đăng ký môi trường được quy định đơn giản, rõ ràng, bao gồm: Văn bản đăng ký môi trường của chủ dự án đầu tư, cơ sở theo quy định tại Mẫu số 47 Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư số 02; Bản sao Quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án đầu tư, cơ sở (nếu có).

    Chủ dự án đầu tư, cơ sở gửi hồ sơ đăng ký môi trường đến UBND cấp xã nơi triển khai dự án đầu tư. UBND cấp xã tiếp nhận và cập nhật dữ liệu về đăng ký môi trường vào hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu môi trường quốc gia.

    Về nội dung quản lý chất thải, phế liệu nhập khẩu và kiểm soát các chất ô nhiễm, tại Chương IV quy định về danh mục CTNH, danh mục chất thải công nghiệp phải kiểm soát và danh mục CTR công nghiệp thông thường; đơn vị tính khối lượng chất thải; yêu cầu kỹ thuật về BVMT đối với điểm tập kết, trạm trung chuyển CTRSH; yêu cầu kỹ thuật về BVMT đối với phương tiện vận chuyển CTRSH; tiêu chí về công nghệ xử lý CTRSH; giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH; hình thức thu giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH theo khối lượng hoặc thể tích chất thải; phương pháp định giá dịch vụ xử lý CTRSH áp dụng đối với nhà đầu tư và cung cấp dịch vụ xử lý CTR sinh hoạt; đóng bãi chôn lấp CTRSH sau khi kết thúc hoạt động; yêu cầu kỹ thuật về bảo vệ môi trường đối với việc lưu giữ CTR công nghiệp thông thường; yêu cầu kỹ thuật về BVMT đối với phương tiện vận chuyển CTR công nghiệp thông thường và mẫu biên bản bàn giao CTR công nghiệp thông thường; khai báo, phân loại, thu gom, lưu giữ CTNH đối với chủ nguồn thải CTNH và mẫu chứng từ CTNH; yêu cầu kỹ thuật về bao bì, thiết bị lưu chứa, khu vực lưu giữ CTNH đối với chủ xử lý CTNH; yêu cầu kỹ thuật về BVMT đối với phương tiện vận chuyển CTNH; đăng ký vận chuyển xuyên biên giới CTNH theo Công ước Basel về kiểm soát vận chuyển xuyên biên giới CTNH và việc tiêu hủy chúng; tiêu chí về công nghệ xử lý CTNH; các hoạt động không phải là hoạt động vận chuyển, xử lý CTNH và không phải cấp phép xử lý CTNH; công trình, thiết bị xử lý nước thải, khí thải tại chỗ đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ quy mô hộ gia đình; vận chuyển, xử lý chất thải y tế; thu gom, xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật phát sinh trong hoạt động nông nghiệp; quản lý chất thải đối với hoạt động dầu khí trên biển; đánh giá năng lực của tổ chức đánh giá sự phù hợp quy chuẩn kỹ thuật môi trường đối với phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất; tổ chức đánh giá năng lực thực tế tổ chức đăng ký tham gia hoạt động đánh giá sự phù hợp quy chuẩn đối với phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất; kiểm tra, đánh giá hồ sơ đăng ký miễn trừ các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy (POP) làm nguyên liệu sản xuất trực tiếp; dán nhãn, công bố thông tin, đánh giá sự phù hợp và kiểm tra đối với chất ô nhiễm khó phân hủy và nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, sản phẩm, hàng hóa, thiết bị có chứa chất ô nhiễm khó phân hủy.

    Đối với nội dung  quan trắc môi trường, thông tin, cơ sở dữ liệu môi trường và báo cáo môi trường, tại Chương V quy định về thẩm định điều kiện hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường; nhiệm vụ và quyền hạn của cơ quan thường trực thẩm định; nguyên tắc làm việc của hội đồng thẩm định cấp, điều chỉnh nội dung giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường; báo cáo về việc đáp ứng yêu cầu kỹ thuật về quan trắc môi trường tự động, liên tục trước khi công bố thông tin cho cộng đồng; quan trắc môi trường đối với hoạt động khai thác dầu khí; văn bản thông báo miễn quan trắc định kỳ của dự án, cơ sở; thông báo kết quả quan trắc của dự án, cơ sở vượt quy chuẩn kỹ thuật môi trường; yêu cầu chung của hệ thống thông tin môi trường, cơ sở dữ liệu môi trường; chức năng cơ bản của hệ thống thông tin môi trường; yêu cầu kỹ thuật đối với hệ thống thông tin môi trường; yêu cầu về kết nối, chia sẻ, liên thông giữa các cơ sở dữ liệu môi trường quốc gia, bộ, ngành và cấp tỉnh; bảo đảm sự toàn vẹn và tính pháp lý của thông tin, dữ liệu môi trường trong cơ sở dữ liệu môi trường các cấp; thông tin, dữ liệu cơ bản của cơ sở dữ liệu môi trường; dữ liệu danh mục dùng chung của cơ sở dữ liệu môi trường; dữ liệu chia sẻ mặc định của cơ sở dữ liệu môi trường; nội dung báo cáo công tác bảo vệ môi trường; xây dựng báo cáo công tác bảo vệ môi trường và đánh giá kết quả công tác bảo vệ môi trường; hình thức, phương thức gửi báo cáo công tác bảo vệ môi trường; nội dung, hình thức và thời gian gửi báo cáo công tác bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; phương pháp lập báo cáo hiện trạng môi trường; trách nhiệm và kinh phí lập báo cáo hiện trạng môi trường; tổ chức lập báo cáo hiện trạng môi trường; cấu trúc, nội dung báo cáo hiện trạng môi trường; trình, phê duyệt báo cáo hiện trạng môi trường.

    Một số nội dung khác được quy định tại Chương VI về lập, phê duyệt kế hoạch phục hồi môi trường sau sự cố môi trường; nội dung kế hoạch phục hồi môi trường; kiểm tra, giám sát, nghiệm thu hoàn thành kế hoạch phục hồi môi trường; biểu mẫu văn bản về chi trả dịch vụ hệ sinh thái tự nhiên; quyết định ban hành tiêu chí Nhãn sinh thái Việt Nam; đánh giá sản phẩm, dịch vụ đáp ứng bộ tiêu chí Nhãn sinh thái Việt Nam; mẫu biểu thực hiện trách nhiệm tái chế, xử lý sản phẩm, bao bì thải bỏ của tổ chức, cá nhân nhập khẩu; tiếp nhận đăng ký kế hoạch tái chế, báo cáo kết quả tái chế, bản kê khai đóng góp tài chính; tài khoản tiếp nhận đóng góp tài chính hỗ trợ hoạt động tái chế, xử lý chất thải; mẫu quyết định về kiểm tra việc chấp hành pháp luật về BVMT; thống kê, theo dõi và công bố nguồn lực chi cho BVMT.

    Về tổ chức thực hiện, tại Chương VII nêu rõ, sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 76/2017/TT-BTNMT ngày 29/12/2017 của Bộ trưởng Bộ TN&MT quy định về đánh giá khả năng tiếp nhận nước thải, sức chịu tải của nguồn nước sông, hồ; điều khoản chuyển tiếp (về sử dụng mã chất thải nguy hại); hiệu lực thi hành; trách nhiệm thực hiện.

    Nội dung về đánh giá khả năng chịu tải của môi trường nước mặt trong Thông tư số 02 kế thừa từ Thông tư số 76/2017/TT-BTNMT, chỉ thay đổi một số nội dung về kỹ thuật và quản lý như: Thay đổi một vài thông số đánh giá khả năng chịu tải, đó là “nitrat và photphat” thành “tổng Ni-tơ, tổng Phốt-pho”; Điều chỉnh về công thức chung để tính toán khả năng chịu tải, làm cho căn cứ khoa học đầy đủ hơn, trong đó thể hiện rõ việc phải tính toán, xác định tải lượng ô nhiễm từ các nguồn thải diện; Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 15 Thông tư số 76/2017/TT-BTNMT, đó là “Cục Quản lý tài nguyên nước chủ trì, phối hợp với Tổng cục Môi trường tham mưu, giúp Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức điều tra, đánh giá khả năng tiếp nhận nước thải…” thành “Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức điều tra, đánh giá khả năng tiếp nhận nước thải, sức chịu tải…”; Sửa đổi khoản 2 Điều 15 Thông tư số 76/2017/TT-BTNMT (không quy định thời gian 5 năm một lần tổ chức thực hiện việc đánh giá khả năng tiếp nhận nước thải, sức chịu tải mà việc đánh này thực hiện theo thời kỳ của kế hoạch quản lý chất lượng nước mặt).

    Hiệu lực thi hành, để kịp thời xử lý các vấn đề thực tiễn phát sinh và các văn bản quy định chi tiết cùng Luật BVMT năm 2020 song hành đi vào cuộc sống, Thông tư số 02 được ban hành theo trình tự thủ tục rút gọn theo quy định tại khoản 1 Điều 146 và Điều 147 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2020). Thông tư số 02 có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký (ngày 10/1/2022).

Các phụ lục bao gồm: Phụ lục I. Các mẫu biểu về bảo vệ các thành phần môi trường, di sản thiên nhiên (có 10 mẫu biểu); Phụ lục II. Các mẫu biểu về ĐMC, ĐTM, GPMT và đăng ký môi trường (có 47 mẫu biểu); Phụ lục III. Mẫu biểu về quản lý chất thải và kiểm soát các chất ô nhiễm khác (có 15 mẫu biểu); Phụ lục IV. Mẫu biểu về quan trắc môi trường (có 10 mẫu biểu); Phụ lục V. Mẫu biểu về thông tin, dữ liệu môi trường (có 3 mẫu biểu); Phụ lục VI. Mẫu biểu về báo cáo công tác BVMT(có 8 mẫu biểu); Phụ lục VII. Mẫu biểu về chi trả dịch vụ hệ sinh thái tự nhiên (có 8 biểu mẫu); Phụ lục VIII. Mẫu biểu về đánh giá sản phẩm, dịch vụ đáp ứng tiêu chí nhân sinh thái việt nam (có 5 mẫu biểu); Phụ lục IX. Mẫu biểu thực hiện trách nhiệm tái chế sản phẩm, bao bì và xử lý sản phẩm, bao bì của nhà sản xuất, nhập khẩu (có 10 mẫu biểu); Phụ lục X. Mẫu quyết định về kiểm tra việc chấp hành pháp luật về BVMT.

 

ThS. Nguyễn Thị Thu Hà - Phó Vụ trưởng

Vụ Chính sách, Pháp chế và Thanh tra, Tổng cục Môi trường

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 2/2022)

 

Ý kiến của bạn