Banner trang chủ

Giới thiệu khung pháp lý thực hiện kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam

25/01/2022

    Phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn (KTTH) để sử dụng hiệu quả đầu ra của quá trình sản xuất là một trong những nhiệm vụ được chỉ ra nhằm thực hiện định hướng quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên, BVMT và ứng phó với biến đổi khí hậu của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) 2021 - 2030. Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) năm 2020 với nhiều các quy định mới, phù hợp với kinh nghiệm quốc tế được kỳ vọng sẽ làm thay đổi hành vi của các chủ thể trong xã hội, tạo ra những động lực mới để khuyến khích đầu tư cho BVMT theo cách tiếp cận dựa vào thị trường. Một số công cụ điển hình như quy định về phân loại chất thải tại nguồn, quy định về trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất; kiểm toán môi trường... Đồng thời, lần đầu tiên Luật BVMT năm 2020 có Chương riêng với nhiều quy định về các công cụ kinh tế, chính sách và nguồn lực cho BVMT như thuế, phí, chi trả dịch vụ hệ sinh thái, thị trường các bon, KTTH, phát triển công nghiệp môi trường, dịch vụ môi trường, tín dụng xanh và trái phiếu xanh… Đặc biệt, Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên ở ASEAN thể chế hóa quy định về KTTH trong Luật tại Điều 142 về KTTH và nhiều quy định khác được xem như công cụ chính sách để thúc đẩy thực hiện KTTH từ giai đoạn khai thác tài nguyên, chế biến, sản xuất, phân phối, tiêu dùng, thải bỏ và đưa chất thải thành tài nguyên.

1. Nhận thức về KTTH

    KTTH là vấn đề mới, việc thể chế hóa quy định pháp luật về KTTH phải phản ánh được các đặc trưng, phù hợp với kinh nghiệm quốc tế và thể chế của Việt Nam. Dưới đây là một số điểm chính được tổng kết cần lưu ý khi thể chế quy định về KTTH, cụ thể:

    Thúc đẩy quá trình chuyển đổi từ mô hình kinh tế tuyến tính - chỉ quan tâm đến việc khai thác tài nguyên, sản xuất và vứt bỏ sau tiêu thụ, dẫn đến việc tạo ra một lượng phế thải khổng lồ sang mô hình chú trọng việc quản lý và tái tạo tài nguyên theo một vòng khép kín nhằm tránh tạo ra phế thải - mô hình KTTH.

    KTTH là một hệ thống công nghiệp được phục hồi và tái tạo theo thiết kế, dựa trên 3 nguyên tắc chính là duy trì và tăng cường vốn tự nhiên; tối ưu hóa năng suất tài nguyên và thúc đẩy hiệu suất toàn hệ thống bằng cách tối thiểu các ngoại ứng tiêu cực ở tất cả các cấp độ nỗ lực khác nhau. Theo đó, trong KTTH giá trị của sản phẩm, nguyên vật liệu và tài nguyên được duy trì trong nền kinh tế càng lâu càng tốt và tạo ra chất thải tối thiểu”.

    Các biện pháp thực hiện KTTH rất đa dạng thông qua các nhiều hình thức khác nhau như như từ chối sử dụng các sản phẩm gây hại cho môi trường, áp dụng các biện pháp sửa chữa, tái sử dụng, tái sản xuất, tái chế, cộng sinh công nghiệp để đạt được mục tiêu giảm tiêu hao nguyên liệu, nhiên liệu, kéo dài vòng đời sản phẩm, hạn chế tối đa lượng chất thải ra môi trường.

    KTTH vận hành theo cách tiếp cận hệ thống với đầy đủ 5 khâu gồm thiết kế, sản xuất, tiêu dùng, quản lý chất thải và chuyển chất thải thành tài nguyên. KTTH không chỉ là quản lý chất thải, tận dụng chất thải nhưng quản lý chất thải là trọng tâm của KTTH.

    KTTH có thể nhận diện, đánh giá ở nhiều cấp độ khác nhau gồm cấp vĩ mô (một quốc gia, một vùng), cấp độ trung gian theo không gian của một khu đô thị để hình thành ra khu đô thị tuần hoàn, cấp độ vi mô theo từng doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh cụ thể hoặc cấp độ từng sản phẩm.

    Lợi ích kinh tế, môi trường và xã hội là những động lực chính để thúc đẩy áp dụng thực hiện KTTH. Việc áp dụng các biện pháp của KTTH vào quá trình quản trị ở các cấp, xây dựng dự án kinh doanh, thiết kế từng sản phẩm của mỗi doanh nghiệp sẽ góp phần hình thành ra các mô hình kinh doanh mới theo hướng của KTTH.

    KTTH đòi hỏi phải có tư duy hệ thống để thiết kế hoạt động phát triển kinh tế nhằm mang lại các lợi ích cho doanh nghiệp, xã hội và môi trường để thúc đẩy các tác nhân để thúc đẩy đổi mới, sáng tạo. Thực hiện KTTH cần có sự tham gia của tất cả các bên liên quan từ khu vực nhà nước ở trung ương và địa phương, doanh nghiệp khai thác khoáng sản và nguyên liệu thô, các nhà chế biến, sản xuất, phân phối, bán lẻ, người tiêu dùng, người thu gom rác... Tuy nhiên, khu vực công đóng vai trò quan trọng để kiến tạo và thúc đẩy hệ sinh thái tuần hoàn, khuyến khích đổi mới sáng tạo trong áp dụng các biện pháp, phát triển các mô hình KTTH.

Nguồn: Bettina, 2020

Hình 1. Tính hệ thống trong hình thành hệ sinh thái tuần hoàn

    Tôn trọng các nguyên tắc, quy luật của kinh tế thị trường trong việc thể chế hóa các quy định để thúc đẩy thực hiện kinh tế tuần hoàn. Do đó, hệ thống quy định pháp luật, cơ chế, chính sách hướng đến tạo hành lang pháp lý cho hình thành, phát triển các yếu tố thị trường, các dạng thị trường và hoạt động của các chủ thể thị trường; điều tiết hành vi của các chủ thể, qua đó điều tiết hoạt động của nền kinh tế và can thiệp giải quyết những khiếm khuyết của thị trường… trên cơ sở tôn trọng các nguyên tắc, quy luật như giá trị, cạnh tranh, cung cầu của KTTT để doanh nghiệp, giá cả và sản xuất được vận hành một cách tự nhiên theo quy luật cung - cầu của hàng hóa và dịch vụ hơn là sự can thiệp của Nhà nước.

    Việc thiết kế các quy định pháp luật thực hiện KTTH phải xem xét đầy đủ các yếu tố có vai trò thúc đẩy thực hiện KTTH như: thể chế, chính sách; cơ sở hạ tầng; sự phát triển của khoa học và công nghệ, internet vạn vật; trách nhiệm xã hội, văn hóa, ý thức và hành vi... để hạn chế tối đa các rào cản để thực hiện KTTH như văn hóa, các quy định, tài chính và tầm nhìn là những vấn đề nổi cộm để thực hiện chuyển đổi sang nền KTTH mà Chính phủ các nước gặp phải bao gồm văn hóa, thể chế, nguồn lực tài chính, tầm nhìn toàn diện, thông tin đầy đủ, quy định không rõ ràng, rủi ro về tài chính, nhận thức, quy mô, kỹ thuật, nguồn lực con người, sự tham gia của khu vực tư nhân, sự sẵn sàng của thể chế và các giải pháp công nghệ. Cùng với đó, các quy định về KTTH cần tạo ra không gian để kích thích sự đổi mới, sáng tạo của tất cả các tổ chức, cá nhân trong xã hội, phát huy vai trò và đặc trưng riêng của từng ngành, lĩnh vực và địa phương để thực hiện KTTH.

2. KTTH thực tiễn ở Việt Nam

    Vận dụng tiếp cận hệ thống của một nền kinh tế, theo các góc độ tiếp cận khác nhau để xem xét sự vận hành của các hoạt động KT - XH cho thấy, dưới mỗi cách tiếp nhận sẽ biểu hiện và khả năng phát triển KTTH như: nhìn nhận theo khu vực sản xuất, khu vực tiêu dùng hay khu vực trung gian (khu, cụm công nghiệp; khu đô thị, khu dân cư).

    Thực tiễn cho thấy, Việt Nam chưa có những mô hình KTTH mang đầy đủ nội hàm nhưng xét theo mục tiêu, nội dung thì đã có những mô hình hay phương thức kinh doanh mang những biểu hiện của mô hình này khá sớm. Đối với các ngành được phân loại ở cấp 1 đều có thể ứng dụng KTTH vào quá trình vận hành trong chuỗi giá trị gia tăng hoặc gián tiếp có vai trò hỗ trợ trong quá trình ứng dụng lý thuyết của KTTH. Bảng 2 cho thấy, những biểu hiện trên thực tiễn về áp dụng các biện pháp thực hiện KTTH trong một số ngành, lĩnh vực ở Việt Nam.

Bảng 1. Biểu hiện kinh tế tuần hoàn theo một số ngành, lĩnh vực ở Việt Nam

TT

Tên một số ngành, lĩnh vực

Một số biểu hiện của KTTH

1

Nông, lâm, ngư nghiệp

- Mô hình VAC, mô hình VACR trong nông nghiệp…) hướng đến tận dụng Biomas…; mô hình thu gom phế phẩm nông nghiệp như thân các loại cây, rơm, vỏ trấu; mô hình bioaquatic trong nuôi trồng thủy sản..

2

Khai khoáng

- Các hoạt động khai thác khoáng sản có tiềm năng áp dụng các nguyên tắc của KTTH ngay từ giai đoạn thiết kế các dự án khai thác mỏ để sử dụng hiệu quả chất thải từ quá trình khai thác, giảm thiểu các tác động xấu đến môi trường; tuần hoàn ngay trong quá trình vận hành các hoạt động khai thác, tuyển khoáng.

3

Công nghiệp chế biến, chế tạo

- Tuần hoàn nước, các nguyên vật liệu… trong các cơ sở sản xuất, kinh doanh đã được áp dụng; sản xuất ra các sản phẩm thân thiện với môi trường; hoạt động của lĩnh vực sửa chữa điện, điện tử; các cửa hàng buôn bán đồ cũ cũng; mô hình chuyển từ sản phẩm thành dịch vụ như trong lĩnh vực pin, ắc quy xe điện…

4

Cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải

- Các đơn vị thu gom, phân loại, xử lý chất thải đóng vai trò là trung gian trong thúc đẩy tái chế, tái sử dụng và giảm thiểu chất thải do các hoạt động kinh tế, dân sinh gây ra. Trên thực tiễn đã có nhiều mô hình đã và đang thực hiện theo hướng này như các mô hình xử lý chất thải nhựa, ủ, chế biến phân từ rác thải, phát triển năng lượng điện từ rác thải…

5

Xây dựng

- Tận dụng, tái sử dụng, tái chế các loại chất thải trong quá trình xây dựng như đát đá, chất thải rắn từ vật liệu xây dựng như gạch, ngói, vữa, bê tông, vật liệu kết dính quá hạn sử dụng được tái chế làm vật liệu xây dựng hoặc tái sử dụng làm vật liệu san lấp cho các công trình xây dựng.

Nguồn: tập thể tác giả, 2019

    Nhìn chung, ở Việt Nam các ngành, lĩnh vực và ở mỗi địa phương đều có những khía cạnh đã, đang và có thể ứng dụng nguyên tắc của KTTH hướng tới mục tiêu chung. Các tác nhân quan trọng trong mắt xích hướng tới KTTH đầu tiên phải kể đến trong nội tại các ngành, tiếp đến là các công ty cung cấp dịch vụ môi trường (bên trung gian), các cơ sở, làng nghề thu gom, tái chế, của hàng buôn bán, trao đổi đồ cũ… Vì vậy, cần có những chính sách thích hợp để thúc đẩy mạnh mẽ sự hoạt động và tham gia sâu vào quá trình tuần hoàn của những tác nhân này, tiếp tục có các biện pháp chính sách để khuyến khích các sáng kiến, mô hình đã, đang và sẽ áp dụng các giải pháp thực hiện KTTH. Cùng với đó, để KTTH thực sự trở thành một xu hướng phổ biến đòi hỏi cần phải dựa trên tiếp cận hệ thống với có sự tham gia, phối hợp chặt chẽ của tất cả các bên. Do đó, cần có những quy định xác định trách nhiệm của các các cơ quan nhà nước, các tổ chức, cá nhân trong thực hiện KTTH.

3. KTTH trong Luật BVMT năm 2020

    Cùng với quá trình nghiên cứu, đề xuất nội dung về KTTH trong Chiến lược phát triển KT - XH 10 năm 2021 - 2030; Kế hoạch 5 năm 2021 - 2025, quy định pháp luật về KTTH cũng được nghiên cứu và thể chế hóa thành quy định trong Luật  BVMT năm 2020.

    Tại khoản 11 Điều 5 của Luật BVMT năm 2020, chính sách của Nhà nước về BVMT khẳng định “Lồng ghép, thúc đẩy các mô hình KTTH, kinh tế xanh trong xây dựng và thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án, dự án phát triển KT- XH”. Tiếp đó, tại Điều 142 của Luật có quy định riêng về KTTH.

    Theo đó, KTTH ở Việt Nam được xác định là “là mô hình kinh tế trong đó các hoạt động thiết kế, sản xuất, tiêu dùng và dịch vụ nhằm giảm khai thác nguyên liệu, vật liệu, kéo dài vòng đời sản phẩm, hạn chế chất thải phát sinh và giảm thiểu tác động xấu đến môi trường”. Ngoài khái niệm về KTTH thì Luật đưa ra trách nhiệm cho các Bộ, cơ quan ngang Bộ, UBND cấp tỉnh trong việc thực hiện lồng ghép KTTH ngay từ giai đoạn xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án phát triển; quản lý, tái chế, tái sử dụng chất thải”; “cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có trách nhiệm thiết lập hệ thống quản lý và thực hiện các biện pháp để giảm khai thác tài nguyên, giảm chất thải, nâng cao mức độ tái sử dụng và tái chế chất thải ngay từ giai đoạn xây dựng dự án, thiết kế sản phẩm, hàng hóa đến giai đoạn sản xuất, phân phối. Đặc biệt, Luật giao Chính phủ quy định tiêu chí, lộ trình, cơ chế khuyến khích thực hiện KTTH phù hợp với điều kiện KT - XH của đất nước.

    Ngoài ra, đối chiếu với các biện pháp chính sách để thực hiện KTTH của các quốc gia trên thế giới cho thấy, tư duy về chuyển đổi sang KTTH còn được thể hiện bằng nhiều công cụ, chính sách khác nhau. So sánh chính sách trong các định hướng chiến lược, quy định pháp luật về thúc đẩy áp dụng KTTH của Việt Nam với các quốc gia trên thế giới điển hình trong chuyển đổi sang KTTH như Trung Quốc, Khối Liên minh châu Âu (bao gồm các quốc gia thành viên điển hình như Pháp, Hà Lan, Đức, Na Uy…) cho thấy, Việt Nam đã xây dựng được nền tảng chính sách, pháp lý khá đầy đủ để thúc đẩy thực hiện KTTH theo các ngành, lĩnh vực, khu vực khác nhau của nền kinh tế như phân loại chất thải tại nguồn; mua sắm công xanh (GPP); mở rộng trách nghiệm của nhà sản xuất (EPR); thúc đẩy các thị trường tái chế; các biện pháp ưu đãi, hỗ trợ; phát triển ngành công nghiệp môi trường, dịch vụ môi trường, mua sắm xanh, tín dụng xanh, trái phiếu xanh....

4. Tiêu chí, lộ trình và cơ chế khuyến khích phát triển kinh tế tuần hoàn

Quy định chung về KTTH

    Trên cơ sở khái niệm được nêu trong Luật BVMT năm 2020, Nghị định hướng dẫn thi hành Luật cũng đưa ra những quy định chi tiết hơn về tiêu chí, lộ trình và cơ chế khuyến khích thực hiện KTTH ở Việt Nam. Theo đó, xác định 3 trụ cột đại diện cho 3 nhóm tiêu chí chung về KTTH, bao gồm:

    Nhóm thứ nhất: Giảm khai thác, sử dụng tài nguyên không tái tạo, tài nguyên nước; tăng hiệu quả sử dụng tài nguyên, nguyên liệu thô, vật liệu; tiết kiệm năng lượng;

    Nhóm thứ hai: Kéo dài thời gian sử dụng vật liệu, thiết bị, sản phẩm, hàng hóa, các linh kiện, cấu kiện;

    Nhóm thứ ba: Hạn chế chất thải phát sinh và giảm thiểu tác động xấu đến môi trường, bao gồm: giảm chất thải rắn, nước thải, khí thải; giảm sử dụng hóa chất độc hại; tái chế chất thải, thu hồi năng lượng; giảm sản phẩm sử dụng một lần; mua sắm xanh.

    Dựa vào các nhóm biện pháp ưu tiên thực hiện KTTH, các biện pháp ưu tiên để thực hiện KTTH đối với các chủ dự án đầu tư, cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ được quy định theo theo thứ tự ưu tiên sau: (i) nhóm biện pháp hạn chế sử dụng các sản phẩm không thân thiện môi trường; tối ưu hóa sử dụng thiết bị, sản phẩm; tăng hiệu quả sản xuất, sử dụng hiệu quả tài nguyên, nguyên liệu, vật liệu; (ii) nhóm biện pháp hướng đến kéo dài vòng đời sản phẩm và các linh kiện, cấu kiện của sản phẩm như tái sử dụng, tăng cường sửa chữa hoặc bảo trì các sản phẩm bị lỗi để kéo dài thời gian sử dụng, tân trang thông qua phục hồi và nâng cấp sản phẩm cũ; tái sản xuất bằng việc gia tăng sử dụng các thành phần, linh kiện, cấu kiện của các sản phẩm thải bỏ vào các chức năng tương tự, hoặc sử dụng lại các sản phẩm hoặc các linh kiện, cấu kiện của sản phẩm thải bỏ cho sản phẩm mới có chức năng khác; (iii) nhóm thứ ba là giảm chất thải phát sinh thông qua thực hiện tái chế chất thải để xử lý, chế biến chất thải để chuyển hóa thành nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu có ích; thu hồi năng lượng thông qua thiêu đốt chất thải.

    Ngoài ra, những quy định đối với chủ dự án đầu tư, cơ sở, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp căn cứ kế hoạch hành động thực hiện một hoặc nhiều biện pháp sau đây để đạt được tiêu chí KTTH: (i) thiết kế mặt bằng tổng thể tối ưu, liên kết giữa các dự án đầu tư, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ để nâng cao hiệu quả sử dụng và giảm định mức tiêu thụ tài nguyên đất, nước, khoáng sản, năng lượng; nâng cao tỷ lệ tái chế và giảm thiểu tổng khối lượng chất thải phát sinh; các giải pháp khác quy định tại khoản 3 Điều này; (ii) phát triển, sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo theo quy định của pháp luật; (iii) thu gom, lưu trữ để tái sử dụng nước mưa; thu gom, xử lý, tái sử dụng nước thải; (iv) thực hiện các hoạt động cộng sinh công nghiệp theo quy định của pháp luật về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế. Tiếp đó, đối với chủ dự án đầu tư khu đô thị, khu dân cư tập trung thực hiện thiết kế, tổ chức quản lý và thực hiện các biện pháp sau đây để đạt được tiêu chí kinh tế tuần hoàn, bao gồm: (i) thiết kế mặt bằng tổng thể tối ưu nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng và giảm định mức tiêu thụ tài nguyên đất, nước, năng lượng; (ii) áp dụng các giải pháp giao thông thân thiện với môi trường, giảm phát thải khí nhà kính; (iii) phát triển, sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo theo quy định của pháp luật; (iv) thực hiện các biện pháp khác về BVMT theo quy định của pháp luật.

Về lộ trình, trách nhiệm thực hiện KTTH

    Bộ TN&MT có trách nhiệm: (i) chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang bộ, UBND cấp tỉnh xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành kế hoạch hành động quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn; (ii) xây dựng, vận hành nền tảng kết nối thông tin, chia sẻ dữ liệu về áp dụng mô hình KTTH; (iii) xây dựng, ban hành khung hướng dẫn áp dụng, đánh giá việc thực hiện KTTH;

    Các Bộ, cơ quan ngang Bộ căn cứ chức năng, nhiệm vụ và lĩnh vực quản lý nhà nước được giao, có trách nhiệm: (i) Xây dựng, phê duyệt kế hoạch hành động thực hiện KTTH của ngành, lĩnh vực, sản phẩm phù hợp với kế hoạch hành động quốc gia; (ii) tổ chức tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật, giáo dục, đào tạo về nội dung KTTH; (iii) lồng ghép các tiêu chí cụ thể thực hiện KTTH ngay trong quá trình xây dựng các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án phát triển; quản lý, tái sử dụng, tái chế chất thải; (iv) quản lý, cập nhật thông tin, dữ liệu thực hiện KTTH và tích hợp với hệ thống thông tin dữ liệu của Bộ TN&MT; (v) tổ chức áp dụng thí điểm mô hình KTTH đối với ngành, lĩnh vực năng lượng, nguyên liệu, chất thải theo kế hoạch hành động; (vi) thực hiện các trách nhiệm khác liên quan đến KTTH theo quy định về BVMT .

    UBND cấp tỉnh có trách nhiệm thực hiện: (i) xây dựng, lấy ý kiến của các Bộ, cơ quan ngang bộ có liên quan và phê duyệt kế hoạch hành động thực hiện KTTH cấp tỉnh phù hợp với các kế hoạch hành động quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn; (ii) tổ chức áp dụng thí điểm mô hình KTTH đối với ngành, lĩnh vực năng lượng, nguyên liệu, chất thải theo kế hoạch hành động; (iii) thực hiện các biện pháp tuyên truyền, phổ biến, chia sẻ thông tin, dữ liệu thực hiện KTTH và các quy định khác.

    Nội dung của kế hoạch hành động quốc gia thực hiện KTTH bao gồm các nội dung chính sau: (i) Phân tích tổng quan về hiện trạng khai thác và sử dụng tài nguyên; sản xuất và tiêu dùng; tình hình và dự báo phát sinh chất thải; bối cảnh trong nước và quốc tế về thực hiện KTTH; (ii) xây dựng quan điểm, mục tiêu tổng quát, mục tiêu và chỉ tiêu cụ thể thực hiện KTTH trong thời kỳ kế hoạch hành động quốc gia 10 năm; (iii) xác định nhiệm vụ, lộ trình thực hiện kinh tế tuần hoàn đối với các ngành, lĩnh vực, trong đó xác định các ngành, lĩnh vực ưu tiên thực hiện theo từng giai đoạn; xây dựng danh mục các ngành, lĩnh vực đặc thù phải có hướng dẫn áp dụng KTTH; (iv) xác định các loại hình dự án đầu tư, cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ, sản phẩm phải thực hiện thiết kế để đạt được các tiêu chí KTTH; áp dụng sản xuất sạch hơn, sản xuất sản phẩm thân thiện môi trường, sản xuất sử dụng nguyên liệu tái chế, quản lý vòng đời của các loại hóa chất và chất thải; (v) định hướng các giải pháp thực hiện KTTH bao gồm: tuyên truyền, giáo dục, đào tạo, tập huấn, phổ biến kiến thức, pháp luật; phát triển khoa học và công nghệ; phát triển nguồn nhân lực; phát triển hạ tầng kỹ thuật; kết nối, chia sẻ thông tin, dữ liệu; huy động các nguồn vốn; hợp tác quốc tế và các giải pháp khác; (vi) tổ chức thực hiện bao gồm: phân công trách nhiệm của cơ quan chủ trì và các cơ quan phối hợp; chế độ giám sát, báo cáo; phân bổ nguồn lực thực hiện.

    Đặc biệt, để phát huy sự tham gia của toàn xã hội trong thực hiện KTTH, các chủ dự án đầu tư, cơ sở, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp ngoài việc có trách nhiệm thực hiện KTTH theo kế hoạch hành động thì dự thảo Nghị định đã đưa ra những quy định mở theo hướng khuyến khích việc áp dụng KTTH sớm hơn lộ trình được xác định trong các kế hoạch hành động. Đối với các chủ dự án đầu tư, cơ sở, chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp hoạt động trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành được khuyến khích tiếp tục duy trì việc áp dụng một hoặc nhiều biện pháp để thực hiện KTTH (nếu có).

Cơ chế khuyến khích thực hiện KTTH

    Trên cơ sở những nhận thức về các nguyên tắc, biện pháp và yêu cầu của KTTH trong tiến trình hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, các cơ chế khuyến khích thực hiện KTTH được đề xuất bao gồm.

    Về các chính sách đầu tư của Nhà nước được xây dựng theo hướng ưu tiên đầu tư phát triển KTTH đối với các hoạt động sau nghiên cứu khoa học, phát triển ứng dụng, chuyển giao công nghệ và sản xuất thiết bị, đào tạo nhân lực để thực hiện KTTH; cung cấp nền tảng chia sẻ thông tin, dữ liệu về KTTH.

    Về chính sách ưu đãi, hỗ trợ được áp dụng theo quy định về ưu đãi, hỗ trợ theo quy định của pháp luật về BVMT, pháp luật khác có liên quan. Theo đó, các tổ chức, cá nhân thực hiện KTTH thuộc các hoạt động đầu tư công trình BVMT; hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ về BVMT thuộc dự án, ngành, nghề ưu đãi đầu tư được quy định trong Nghị định sẽ được hưởng các chính sách tương ứng về đất đai, vốn đấu tư, thuế, phí và lệ phí, trợ giá sản phẩm, dịch vụ, mua sắm công xanh. Cùng với đó, các tổ chức, cá nhân thực hiện KTTH thuộc danh mục dự án xanh được áp dụng chính sách cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh.

    Ngoài ra, các biện pháp khuyến khích khác được đưa ra như: (i) khuyến khích các hoạt động phát triển KTTH như nghiên cứu, phát triển công nghệ, giải pháp kỹ thuật, cung cấp các dịch vụ tư vấn, thiết kế, đánh giá thực hiện KTTH; (ii) khuyến khích phát triển các mô hình liên kết, chia sẻ việc sử dụng tuần hoàn sản phẩm và chất thải; thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, liên minh tái chế, các mô hình liên kết vùng, liên kết đô thị với nông thôn và các mô hình khác theo quy định của pháp luật để thực hiện các hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh, dịch vụ đạt được tiêu chí của KTTH; áp dụng các biện pháp cộng sinh công nghiệp theo quy định của pháp luật về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế; (iii) khuyến khích phát triển thị trường tái sử dụng sản phẩm thải bỏ, tái chế chất thải; huy động các nguồn lực trong xã hội để thực hiện KTTH theo quy định của pháp luật; hợp tác quốc tế, trao đổi kinh nghiệm, kiến thức, công nghệ về KTTH theo quy định của pháp luật.

5. Kết luận và kiến nghị

    Áp dụng KTTH đang là một xu hướng mạnh mẽ ở nhiều quốc gia trên thế giới bởi chính những lợi ích về cả kinh tế, môi trường và xã hội mà nó được kỳ vọng mang lại như: tạo ra cơ hội tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm và giảm tác động môi trường, thực hiện 17 mục tiêu phát triển bền vững. Thực hiện KTTH có thể xem là một trong những giải pháp đột phá để giải quyết mối quan hệ giữa kinh tế với môi trường trong bối cảnh phát triển công nghiệp, đô thị, thay đổi về tiêu dùng và lối sống. Đặc biệt, trong bối cảnh nguồn cung nguyên liệu, nhiên liệu đang bị đứt gãy do giãn cách xã hội, thực hiện KTTH còn đang được xem xét như là một trong những giải pháp góp phần phục hồi nền kinh tế hậu Covid-19. Việc sớm công nhận và thể chế hóa khái niệm, quy định về KTTH trong khung khổ chính sách, pháp luật của Việt Nam đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế, đồng thuận của giới khoa học và đã có những tín hiệu ủng hộ, hưởng ứng bằng hành động cụ thể của cộng đồng doanh nghiệp đối với mô hình kinh tế nhiều tiềm năng này. Tuy nhiên, để đưa KTTH vào thực tiễn đòi hỏi sự nỗ lực vào cuộc của tất cả các cấp, các ngành để hướng dẫn, tạo điều kiện thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nâng cao trách nhiệm của xã hội trong việc thực hiện KTTH. Trong ngắn hạn, Việt Nam cần sớm thực hiện các biện pháp tuyên truyền, tập huấn, đào tạo về KTTH nói riêng và pháp luật về BVMT nói chung. Trong dài hạn cần tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện các quy định pháp luật khác để hình thành ra một khung thể chế toàn diện nhằm thúc đẩy việc vận dụng các nguyên tắc, biện pháp của KTTH kết hợp với đổi mới, sáng tạo, thành tựu của khoa học và công nghệ, internet vạn vật để hình thành ra các vòng lặp tuần hoàn có tính hệ thống, kết nối liên ngành, liên vùng, đô thị với nông thôn để thực hiện thành công KTTH ở Việt Nam.

Tài liệu tham khảo:

[*]

Thành viên nhóm Nghiên cứu mạnh về kinh doanh, thương mại và phát triển bền vững; Học viện Nông nghiệp Việt Nam

[1]

Đảng cộng sản Việt Nam, "Chiến lược phát triển KTXH 2021 - 2020," Hà Nội, 2021.

[2]

Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam, Luật BVMT, Hà Nội: Nxb Chính trị Quốc gia Sự thật, 2021.

[3]

Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật  BVMT.

[4]

Andrew Morl, Delivering the circular economy: a toolkit for policymakers, Foundation Ellen MacArthur, 2015.

[5]

European Commission, Communication from the commission to European paliament, the council, the european economic and social comittee and the committee of regions: on a monitoring framework for the circular economy, Strasbourg,: European Commission,, 2018.

[6]

William McDonough, Circular Economy in Cities Evolving the model for a sustainable urban future, Switzerland : World Economic Forum, 2018.

[7]

UNEP, Towards a green economy: monitoring the Transition Towards a Green Economy, UNEP, 2011.

[8]

European Recycling Platform, "Circular Economy: Roles and Responsibilities for involved stakeholders," https://erp-recycling.org/wp-content/uploads/2017/11/ERP-Circular-Economy-Roles-and-Responsibilities.pdf, 2017.

TS. Mai Thế Toản, TS. Lại Văn Mạnh*

                                        Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 1/2022)

Ý kiến của bạn