28/12/2021
Hoạt động kinh tế của Việt Nam từ trước đến nay chủ yếu dựa trên cách tiếp cận truyền thống dẫn đến tình trạng suy giảm, thiếu hụt các nguồn tài nguyên thiên nhiên và gây ra các tác động ô nhiễm môi trường. Đề phát triển bền vững, kinh tế tuần hoàn (KTTH) đang là xu hướng tất yếu của các quốc gia trên thế giới và Việt Nam. Nước ta đang dần thay đổi cách tiếp cận, chuyển đổi từ mô hình “kinh tế truyền thống” sang “kinh tế tuần hoàn”. Mặc dù chưa có quy định pháp luật cụ thể và cách tiếp cận một cách hệ thống về triển khai mô hình KTTH, nhưng nhiều chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước đã đề cập đến nhiều nội dung quan trọng của KTTH như: Sử dụng hợp lý và tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên; giảm thiểu, thu gom, tái sử dụng và tái chế chất thải; phát triển sản phẩm thân thiện với môi trường, cộng sinh công nghiệp… và nhiều mô hình thực tiễn về KTTH cũng đã được triển khai. Chính vì vậy, đây là thời điểm thuận lợi để hệ thống hóa một cách bài bản hơn các vấn đề liên quan đến KTTH, chuẩn bị đưa vào chiến lược phát triển trong thời gian tới của Việt Nam.
1. Khái niệm kinh tế tuần hoàn
Khái niệm KTTH được sử dụng chính thức lần đầu tiên bởi Pearce và Turner [1]. Mô hình kinh tế này dựa trên nguyên lý cơ bản “mọi thứ đều là đầu vào đối với thứ khác”, khác hoàn toàn đối với nền kinh tế tuyến tính truyền thống. Tại Hội nghị KTTH năm 2012, tổ chức Ellen MacArthur đã trình bày một định nghĩa về KTTH được thừa nhận rộng rãi cho đến nay. Theo đó, “KTTH là một hệ thống có tính tái tạo và khôi phục thông qua các kế hoạch và thiết kế chủ động” [2].
Khoảng 114 khái niệm về KTTH đã được Kirchherr và cộng sự [3] khảo lược, tóm lại “KTTH là một hệ thống kinh tế phát triển trên nền tảng các mô hình kinh doanh (business models). Trong đó, khái niệm kết thúc vòng đời (end-of-life) được thay thế bằng việc giảm sử dụng (reduce), sử dụng lại (reuse), tái chế (recycle) và phục hồi vật liệu (recover materials) trong quá trình sản xuất, phân bố và tiêu thụ sản phẩm. Do vậy, nó (nền KTTH) sẽ áp dụng ở các cấp độ nhỏ (sản xuất, công ty, người tiêu dùng), vừa (khu công nghiệp sinh thái), lớn (thành phố, vùng, quốc gia và xuyên quốc gia). Nền KTTH hướng đến sự phát triển bền vững trong đó tạo chất lượng môi trường, kinh tế sung túc, công bằng xã hội. Tất cả cùng mang lại lợi ích cho thế hệ hiện tại và tương lai”.
Nền KTTH mô tả một hệ thống kinh tế dựa vào các mô hình kinh doanh thay thế khái niệm “kết thúc vòng đời” bằng việc giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế và thu hồi các nguyên liệu trong các quá trình sản xuất/phân phối và tiêu dùng ở các cấp độ vi mô (sản xuất, các doanh nghiệp, người tiêu dùng), cấp độ trung gian (ví dụ như các khu công nghiệp sinh thái), cấp độ vĩ mô (thành phố, vùng, quốc gia và rộng hơn nữa), với mục tiêu đạt được phát triển bền vững với ngụ ý tạo ra chất lượng môi trường, sự thịnh vượng về kinh tế và công bằng xã hội, đáp ứng lợi ích hiện tại và tương lai [4].
Theo Ủy ban Châu Âu: “Một nền KTTH được giải thích là một nền kinh tế mà trong đó giá trị của sản phẩm, nguyên vật liệu và tài nguyên được duy trì trong nền kinh tế càng lâu càng tốt, và tạo ra chất thải tối thiểu” [5]. Nền KTTH có thể là một đòn bẩy quan trọng để đạt được các mục tiêu quan trọng của các nhà hoạch định chính sách như tạo ra tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm và giảm tác động môi trường [6].
Tại Việt Nam, Luật BVMT năm 2020 [7] quy định “Kinh tế tuần hoàn” (Điều 142) là “Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) và được xem là một trong những chính sách ưu đãi, hỗ trợ và phát triển kinh tế môi trường, sẽ góp phần đẩy nhanh việc phát triển kinh tế tại Việt Nam”. Theo đó, KTTH là mô hình kinh tế, trong đó các hoạt động thiết kế, sản xuất, tiêu dùng và dịch vụ nhằm giảm khai thác nguyên liệu, vật liệu, kéo dài vòng đời sản phẩm, hạn chế chất thải phát sinh và giảm thiểu tác động xấu đến môi trường.
Tổng hợp 45 Chiến lược về KTTH và hơn 100 trường hợp trên thế giới, Kalmykova và cộng sự [8] đã rút ra kết luận rằng, về mặt chính sách, hiện nay có hai cách tiếp cận thực hiện KTTH, đó là:
Tiếp cận theo hệ thống nền kinh tế: Nền kinh tế ở đây không chỉ là nền kinh tế của một quốc gia, mà có nhiều cấp độ khác nhau về quy mô. Đó có thể là nền kinh tế ở cấp địa phương (khu công nghiệp, thành phố, tỉnh) hay nền kinh tế ở cấp vùng (liên tỉnh, liên thành phố), cấp quốc gia hoặc thậm chí là cấp liên quốc gia. Về cơ bản, cách thực hiện này là kết nối các hoạt động kinh doanh và sản xuất thành các vòng tuần hoàn vật liệu trong một không gian kinh tế nhất định.
Tiếp cận theo nhóm ngành, sản phẩm, nguyên liệu hoặc vật liệu: Cách tiếp cận này không giới hạn ở phạm vi một không gian hay một hệ thống kinh tế nhất định, mà tập trung theo nhóm ngành, sản phẩm hoặc nguyên vật liệu. Để ngắn gọn, có thể gọi đây là cách tiếp cận theo vật liệu. Theo đó, các quốc gia nên lựa chọn một số vật liệu và từ đó xác định các ngành liên quan tới vật liệu đó làm ưu tiên cho việc thực hiện KTTH.
2. Cách tiếp cận KTTH trong hệ thống văn bản pháp luật Việt Nam
Chủ trương của Đảng
Thuật ngữ “kinh tế tuần hoàn” giai đoạn trước năm 2020 vẫn chưa chính thức được sử dụng trong các văn bản chủ trương của Đảng, nhưng nội hàm vẫn được thể hiện qua các thuật ngữ khác nhau. Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 15/11/2004 của Bộ Chính trị về BVMT trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước với quan điểm “BVMT phải theo phương châm lấy phòng ngừa và hạn chế tác động xấu đối với môi trường là chính kết hợp với xử lý ô nhiễm, khắc phục suy thoái, cải thiện môi trường và bảo tồn thiên nhiên…”. Trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên Chủ nghĩa xã hội (bổ sung phát triển năm 2011) đưa ra những định hướng lớn về phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh: “BVMT là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của toàn xã hội và nghĩa vụ của mọi công dân. Kết hợp chặt chẽ giữa kiểm soát, ngăn ngừa, khắc phục ô nhiễm với khôi phục và BVMT sinh thái. Phát triển năng lượng sạch, sản xuất sạch và tiêu dùng sạch. Coi trọng nghiên cứu, dự báo và thực hiện các giải pháp ứng phó với quá trình biến đổi khí hậu (BĐKH) và thảm họa thiên nhiên. Quản lý, bảo vệ, tái tạo và sử dụng hợp lý, có hiệu quả tài nguyên quốc gia”. Đặc biệt là Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương ngày 3/6/2013 về chủ động ứng phó với BĐKH với nhiệm vụ chung là “Thúc đẩy chuyển đổi mô hình tăng trưởng gắn với cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh và phát triển bền vững”.
Tại Kết luận 56-KL/TW ngày 23/8/2019 kết luận của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa XI về chủ động ứng phó với BĐKH, tăng cường quản lý tài nguyên và BVMT đã đưa ra nhiệm vụ và giải pháp “quản lý, khai thác, sử dụng có hiệu quả tài nguyên và BVMT”. Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về Định hướng chiến lược phát triển triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với quan điểm chỉ đạo là “Phát triển đồng bộ, hợp lý và đa dạng hóa các loại hình năng lượng; ưu tiên khai thác, sử dụng triệt để và hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới, năng lượng sạch; khai thác và sử dụng hợp lý các nguồn năng lượng hóa thạch trong nước” và “ứng dụng những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”, “Sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, BVMT”. Mới đây, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đưa ra một trong những định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030 đó là “xây dựng nền kinh tế xanh, KTTH, thân thiện với môi trường”. Chiến lược Phát triển KT-XH 2021-2030 tầm nhìn 2045 “Phải đổi mới tư duy và hành động, chủ động nắm bắt kịp thời, tận dụng hiệu quả các cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư gắn với quá trình hội nhập quốc tế để cơ cấu lại nền kinh tế, phát triển kinh tế số, xã hội số, coi đây là nhân tố quyết định để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Phát huy tối đa lợi thế của các vùng, miền; phát triển hài hòa giữa kinh tế với văn hóa, xã hội, BVMT và thích ứng với BĐKH”.
Có thể nói phát triển bền vững đã trở thành quan điểm xuyên suốt trong chủ trương, chính sách của Đảng và đã được lồng ghép trong các Chiến lược, Nghị quyết của Đảng.
Chính sách, pháp luật của Nhà nước
Tương tự chủ trương của Đảng, các chính sách và pháp luật của Nhà nước ta đa số cũng chưa chính thức sử dụng thuật ngữ “Kinh tế tuần hoàn” nhưng cũng đã đề cập đến nhiều nội dung liên quan tới KTTH. Hàng loạt các chính sách, quy định pháp luật liên quan đến KTTH đã được Nhà nước ta ban hành như Đề án phát triển ngành công nghiệp môi trường, chiến lược sản xuất sạch hơn, chiến lược phát triển bền vững, Chiến lược BVMT quốc gia, chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, các chương trình hành động cũng như các Nghị quyết về phát triển bền vững với các thuật ngữ được sử dụng như “sử dụng bền vững tài nguyên”, “nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên thiên nhiên, nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu”, “bảo đảm phát triển bền vững”, “công nghệ hiện đại, sạch và thân thiện với môi trường”, “phát triển bền vững”, “Tăng trưởng xanh, tiến tới nền kinh tế các-bon thấp, làm giàu vốn tự nhiên”, “thúc đẩy sử dụng tiết kiệm năng lượng, phát triển và sử dụng năng lượng tái tạo; thúc đẩy tiêu dùng sản phẩm tái chế, sản phẩm thân thiện với môi trường”, “phát triển công nghiệp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, công nghiệp vật liệu mới và công nghiệp môi trường”, “thực hiện sản xuất và tiêu dùng bền vững theo hướng tiếp cận vòng đời sản phẩm, đẩy mạnh liên kết trong các khâu của vòng đời sản phẩm; ứng dụng, đổi mới công nghệ, cải tiến thiết bị, quy trình quản lý nhằm sử dụng có hiệu quả tài nguyên, giảm thiểu phát sinh chất thải và ô nhiễm môi trường; thay đổi hành vi người tiêu dùng trong quá trình mua sắm, sử dụng và thải bỏ sản phẩm”, “tăng đáng kể tỷ lệ năng lượng tái tạo”, “quản lý bền vững và sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên; khai thác hợp lý và sử dụng tiết kiệm, bền vững tài nguyên khoáng sản”, “quản lý tốt vòng đời của các loại hóa chất và chất thải”, “tăng cường giá trị kinh tế của nguồn tài nguyên chất thải thông qua việc phòng ngừa, giảm thiểu, tái chế và tái sử dụng, thu hồi năng lượng từ xử lý chất thải”, “quản lý toàn bộ vòng đời chất thải từ khi phát sinh đến khi xử lý cuối cùng”, “cộng sinh công nghiệp”, “khu công nghiệp sinh thái”, “quy trình khép kín”, “đô thị sinh thái”, “đô thị thông minh”, “sản phẩm thân thiện môi trường”, “nhãn xanh Việt Nam”…
Tại Hội nghị toàn quốc về phát triển bền vững năm 2019, theo Thông báo số 358/TB-VPCP ngày 8/10/2019 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó giao nhiệm vụ cụ thể “Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công Thương, Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và các cơ quan liên quan nghiên cứu, xây dựng chính sách khuyến khích áp dụng các mô hình KTTH trong sản xuất kinh doanh”. Cũng như trong Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021-2030 theo Quyết định số 889/QĐ-TTg ngày 24/06/2020 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó mô hình KTTH được xác định là một trong những giải pháp quan trọng thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững “Thúc đẩy quản lý, khai thác và sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên, nhiên liệu, nguyên vật liệu, khuyến khích phát triển các nguồn tài nguyên, nhiên liệu, nguyên vật liệu và sản phẩm thân thiện môi trường, có thể tái tạo, tái sử dụng và tái chế; thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững trên nền tảng đổi mới, sáng tạo, thực hành và phát triển các mô hình sản xuất và tiêu dùng bền vững, đẩy mạnh sản xuất và tiêu dùng nội địa bền vững, tạo việc làm ổn định và việc làm xanh, thúc đẩy lối sống bền vững và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, hướng đến phát triển nền KTTH ở Việt Nam.”. Đặc biệt, Luật BVMT năm 2020, lần đầu tiên dành riêng một điều khoản cụ thể để quy định về KTTH. Theo đó, khoản 1 Điều 142 đã đưa ra định nghĩa về KTTH “KTTH là mô hình kinh tế trong đó các hoạt động thiết kế, sản xuất, tiêu dùng và dịch vụ nhằm giảm khai thác nguyên liệu, vật liệu, kéo dài vòng đời sản phẩm, hạn chế chất thải phát sinh và giảm thiểu tác động xấu đến môi trường”. Định nghĩa này đã kế thừa quan điểm từ Chương trình Môi trường Liên hợp quốc và Liên minh châu Âu, giúp tạo sự thống nhất khi triển khai thực hiện KTTH tại Việt Nam. Đồng thời, Luật BVMT 2020 cũng nhấn mạnh yêu cầu Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện lồng ghép KTTH ngay từ giai đoạn xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án phát triển; quản lý, tái sử dụng, tái chế chất thải. Chính phủ quy định tiêu chí, lộ trình, cơ chế khuyến khích thực hiện KTTH phù hợp với điều kiện KT-XH của đất nước.
Quá trình chuyển đổi từ kinh tế tuyến tính sang KTTH đòi hỏi nỗ lực của tất cả các ngành và toàn xã hội, không chỉ trong lĩnh vực môi trường. Thời gian qua, Nhà nước ta đã có những chủ trương, chính sách riêng theo định hướng KTTH cho nhiều ngành, lĩnh vực như BVMT, sử dụng hợp lý tài nguyên, khoáng sản,… Vấn đề đặt ra là cần phải cụ thể hóa các quy định này để đưa vào thực tiễn nhằm đóng góp vào mặt pháp lý, thực tiễn trong quá trình tiến tới nền KTTH của Việt Nam.
3. Kết luận
Phát triển KTTH là yêu cầu tất yếu của phát triển bền vững trong bối cảnh mới, là xu hướng tất yếu của các quốc gia trên thế giới và Việt Nam. Mặc dù trong giai đoạn vừa qua, Việt Nam chưa có khung chương trình quốc gia về KTTH nhưng nội dung về KTTH đã được thể hiện trong rất nhiều các chiến lược, chính sách phát triển đất nước. Hiện nay khái niệm KTTH đã được đưa vào Nghị quyết của Đại hội XIII của Đảng, được thể chế hóa thông qua Luật BVMT 2020 cho thấy tầm quan trọng của KTTH trong việc phát triển KT-XH, là một trong những định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030. Việc chuyển đổi sang nền KTTH là một cơ hội lớn để chuyển đổi và phát triển nền kinh tế một cách bền vững hơn, đóng góp cho các mục tiêu khí hậu và bảo tồn tài nguyên trong khi vẫn tạo việc làm mới, đảm bảo mục tiêu tang trưởng và tạo ra lợi thế cạnh tranh. Đây cũng chính là chìa khóa để giải bài toán làm thế nào sử dụng ít tài nguyên thiên nhiên, ít nguyên vật liệu nhất nhưng sản xuất ra nhiều sản phẩm nhất đồng thời là các sản phẩm thân thiện với môi trường. Vấn đề hiện nay là cần phải cụ thể hóa quy định về KTTH trong phát triển KT-XH và trong bảo vệ tài nguyên môi trường và ứng phó với BĐKH.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
GS.TS. Lê Thanh Hải
Viện Môi trường và Tài nguyên
(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 12/2021)