26/06/2023
Năm 2022, Trung tâm Quan trắc môi trường miền Trung và Tây Nguyên đơn vị thuộc Tổng cục Môi trường trước đây (hiện nay thuộc Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường) được giao thực hiện Chương trình quan trắc môi trường nước mặt được thực hiện tại 36 điểm trên 2 lưu vực sông (LVS): Hương, Vu Gia - Thu Bồn tại 4 tỉnh, TP (Kon Tum, Quảng Nam, TP. Đà Nẵng và Thừa Thiên - Huế). Chất lượng môi trường nước mặt được đánh giá dựa theo chỉ số chất lượng nước của Việt Nam (VN_WQI) do Tổng cục Môi trường ban hành theo Quyết định số 1460/QĐ - TCMT ngày 12/11/2019 về việc ban hành hướng dẫn kỹ thuật tính toán và công bố chỉ số chất lượng nước Việt Nam và được tính theo các thông số quan trắc đặc trưng bao gồm: nhiệt độ, pH, một số thông số kim loại nặng, thuốc bảo vệ thực vật, hữu cơ và dinh dưỡng. Sau đây là diễn biến chất lượng môi trường nước mặt năm 2022 (thực hiện từ tháng 3/2022 đến tháng 11/2022).
Chất lượng môi trường nước mặt năm 2022
Kết quả quan trắc môi trường nước mặt tại 8 đợt trên LVS Hương (6 điểm quan trắc) và LVS Vu Gia - Thu Bồn (30 điểm quan trắc) cho thấy, chỉ số VN_WQI trung bình năm 2022 dao động từ 81 - 93, trong đó: 8/36 điểm quan trắc có chất lượng nước sử dụng tốt cho mục đích cấp nước sinh hoạt (chiếm tỷ lệ 22,2%) và 28/36 điểm quan trắc có chất lượng nước sử dụng cho mục đích cấp nước sinh hoạt nhưng cần các biện pháp xử lý phù hợp (chiếm tỷ lệ 77,8%).
Biểu đồ 1. Chất lượng môi trường nước theo chỉ số VN_WQI trên 2 LVS tại miền Trung và Tây Nguyên năm 2022
LVS Hương
Chất lượng nước trên LVS Hương năm 2022 có giá trị VN_WQI trung bình nằm trong khoảng 84 - 92, trong đó: có 01/06 điểm quan trắc có chất lượng nước sử dụng tốt cho mục đích cấp nước sinh hoạt (chiếm tỷ lệ 16,7%) và 05/06 điểm quan trắc nước có chất lượng nước có thể sử dụng cho mục đích cấp nước sinh hoạt nhưng cần các biện pháp xử lý phù hợp (chiếm tỷ lệ 83,3%).
Biểu đồ 2. Chất lượng môi trường nước theo chỉ số VN_WQI trên Sông Hương năm 2022
LVS Vu Gia - Thu Bồn
Chất lượng nước trên LVS Vu Gia - Thu Bồn năm 2022 có giá trị VN_WQI trung bình nằm trong khoảng 81 - 93, trong đó: có 23/30 điểm quan trắc có chất lượng nước có thể sử dụng cho mục đích cấp nước sinh hoạt nhưng cần các biện pháp xử lý phù hợp (chiếm tỷ lệ 76,7%) và 7/30 điểm quan trắc có chất lượng nước sử dụng tốt cho mục đích cấp nước sinh hoạt (chiếm tỷ lệ 23,3%).
Biểu đồ 3. Chất lượng môi trường nước theo chỉ số VN_WQI trên sông Thu Bồn năm 2022
Biểu đồ 4. Chất lượng môi trường nước theo chỉ số VN_WQI trên sông Vu Gia năm 2022
Kết luận
Từ kết quả quan trắc môi trường thuộc Chương trình quan trắc môi trường nước quốc gia năm 2022 cho thấy, chất lượng nước mặt trên LVS Hương và LVS Vu Gia - Thu Bồn còn khá tốt, đa số các điểm quan trắc có chất lượng nước sử dụng cho mục đích cấp nước sinh hoạt nhưng cần các biện pháp xử lý phù hợp. Tuy nhiên, tại một số điểm quan trắc: Khu vực chợ Đông Ba - Thừa Thiên - Huế (hạ lưu LVS Hương), đoạn từ cầu Tuyên Sơn đến cầu Thuận Phước - TP. Đà Nẵng (hạ lưu sông Vu Gia) chất lượng nước sông suy giảm nhẹ do ảnh hưởng của nước thải sinh hoạt chưa được xử lý đạt chuẩn thải ra. Các thông số ô nhiễm tập trung chủ yếu là: TSS; nhóm hữu cơ (COD, BOD5); nhóm dinh dưỡng (N-NH4+, N-NO2-); Cl- và Fe.
ThS. Phạm Quang Hiếu
ThS. Phạm Thị Hữu
ThS. Đỗ Hải Hà
ThS. Lê Châu Quang Viễn
Trung tâm Quan trắc môi trường miền Trung và Tây Nguyên
Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường
(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 3/2023)