29/03/2022
Ngày 23/3/2022, UBND TP. Đà Nẵng đã ban hành Kế hoạch số 54/KH-UBND về triển khai kế hoạch phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn thành phố năm 2022.
Kế hoạch phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn TP. Đà Nẵng hướng đến mục tiêu: 100% quận, huyện, Sở, ngành liên quan (ở các lĩnh vực chính gồm công nghiệp, y tế, giáo dục và đào tạo, du lịch, dịch vụ) có phương án tổ chức, triển khai chi tiết công tác phân loại, thu gom chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn ban hành trong tháng 4/2022; Trên 90% tổ dân phố triển khai phân loại rác tại nguồn và 85% hộ gia đình thực hiện phân loại rác thải tại nguồn hiệu quả tại địa bàn khu dân cư; Trên 90% cơ sở công nghiệp trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp triển khai phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn đảm bảo theo phương thức chung của thành phố; Trên 70% cơ sở dịch vụ, du lịch đang hoạt động triển khai phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn theo phương thức chung của thành phố; 100% trường học, cơ sở y tế triển khai phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn theo phương thức chung của thành phố. Đồng thời, trên 80% chợ, siêu thị, trung tâm thương mại được tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn; Thí điểm triển khai mô hình tổ chức phân loại rác thải phế thải xây dựng, rác kích cỡ lớn tại quận Sơn Trà; Tổ chức rà soát, cập nhật phương thức chung về tổ chức phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn thành phố để đề xuất áp dụng trong giai đoạn 2023 - 2025.
UBND thành phố đề nghị UBND các quận, huyện, Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các Khu công nghiệp, các Sở Công thương, Y tế, Giáo dục và đào tạo, Du lịch rà soát, cập nhật phương án tổ chức chi tiết tại địa phương và của ngành, lĩnh vực chậm nhất trong quý I/2022 để hoàn thiện phương thức tổ chức thu gom chất thải rắn sinh hoạt trên toàn địa bàn quận, huyện và của ngành, lĩnh vực có mục tiêu cụ thể.
Đối với UBND các quận, huyện, UBND thành phố đề nghị xây dmg kế hoạch tổ chức có tính đến phương thức tổ chức thu gom đối với chất thải thực phẩm và chất thải rắn sinh hoạt khác (theo quy mô thí điểm hoặc thử nghiệm), chất thải rắn sinh hoạt và rác thải xây dựng, rác cồng kềnh (kích thước lớn).
UBND thành phố giao Sở TN&MT chịu trách nhiệm đầu mối cập nhật, tham mưu UBND thành phố triển khai Kế hoạch; hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Kế hoạch bảo đảm chất lượng, hiệu quả, đúng tiến độ; họp định kỳ, đột xuất để giải quyết khó khăn, vướng mắc các Sở, ngành, đơn vị, UBND các quận, huyện; báo cáo UBND thành phố theo định kỳ hàng năm và đột xuất.
UBND các quận, huyện xây dựng, ban hành kế hoạch và tổ chức triển khai hoạt động phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn theo quy định, bảo đảm đúng tiến độ, chất lượng, hiệu quả, đáp ứng với quy định Luật BVMT năm 2020 và các văn bản pháp luật hướng dẫn có liên quan.
UBND các phường, xã xây dựng, ban hành kế hoạch và tổ chức triển khai hoạt động phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn theo quy định, đảm bảo thực hiện trách nhiệm liên quan được quy định tại khoản 7 Điều 77 Luật BVMT năm 2020 và các văn bản pháp luật hướng dẫn có liên quan…
Hồng Cẩm