Banner trang chủ

Công tác kiểm kê đất đai, lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất năm 2024

09/05/2024

    Đất đai là tài nguyên quốc gia vô cùng quý giá, là tư liệu sản xuất đặc biệt, là thành phần quan trọng hàng đầu của môi trường sống, là địa bàn phân bố các khu dân cư, xây dựng các cơ sở kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng và an ninh; Điều 54 Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 quy định “Đất đai là tài nguyên đặc biệt của Quốc gia, nguồn lực quan trọng phát triển đất nước, được quản lý theo pháp luật”. Chính vì vậy, việc quản lý, sử dụng đất đai có hiệu quả, tiết kiệm là nhiệm vụ quan trọng của Nhà nước, là yếu tố quyết định sự phát triển một cách bền vững của nền kinh tế, đảm bảo mục tiêu ổn định chính trị - xã hội.

1. Nội dung chính trong công tác kiểm kê đất đai, lập bản đồ hiện trạng sử sụng đất năm 2024

    Kiểm kê đất đai, lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất năm 2024 nhằm lượng hóa thực trạng tình hình quản lý, sử dụng đất đai của từng đơn vị hành chính các cấp xã, huyện, tỉnh, các vùng kinh tế - xã hội (KT – XH) và cả nước, đánh giá tình hình quản lý, sử dụng đất đai của các cấp trong 5 năm qua và đề xuất cơ chế, chính sách, biện pháp nhằm tăng cường quản lý nhà nước về đất đai, nâng cao hiệu quả sử dụng đất; cung cấp chỉ tiêu thống kê quốc gia 0101 (chỉ tiêu diện tích và cơ cấu đất), phục vụ nhu cầu thông tin đất đai cho các hoạt động KT - XH, quốc phòng, an ninh, nghiên cứu khoa học, giáo dục, đào tạo, các nhu cầu khác của Nhà nước, xã hội, làm cơ sở cho việc điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc phòng, đất an ninh và của các cấp giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050. Việc kiểm kê đất đai, lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất năm 2024 phải được thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, chính xác, đúng thời gian; bảo đảm tính khách quan, trung thực, phản ánh đúng thực tế hiện trạng sử dụng đất.

    Kết quả kiểm kê đất đai năm 2024 còn phục vụ cho các nhiệm vụ quản lý nhà nước về đất đai khác như: Việc giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi thu hồi đất; đăng ký đất đai, lập và quản lý hồ sơ địa chính, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; điều tra, đánh giá tài nguyên đất; điều tra xây dựng giá đất; xây dựng hệ thống thông tin đất đai…; đồng thời, cung cấp số liệu để xây dựng niên giám thống kê các cấp và phục vụ nhu cầu thông tin đất đai cho các hoạt động KT - XH, quốc phòng, an ninh, nghiên cứu khoa học, giáo dục và đào tạo và các nhu cầu khác của Nhà nước và xã hội…

    Công tác kiểm kê đất đai năm 2024 thực hiện đối với từng loại đất theo quy định tại Điều 10 của Luật Đất đai năm 2013, đồng thời đáp ứng yêu cầu của Luật Đất đai năm 2024 (số 31/2024/QH15 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV, kỳ họp bất thường lần thứ năm thông qua ngày 18/1/2024) các chỉ tiêu về đối tượng quản lý, sử dụng đất quy định tại Điều 6, Điều 7 và chỉ tiêu về loại đất quy định tại Điều 9 của Luật Đất đai năm 2024. Trong kỳ kiểm kê đất đai này sẽ thực hiện kiểm kê, đánh giá về tình hình quản lý, sử dụng đất sân gôn (golf); cảng hàng không, sân bay; khu vực đất sạt lở, bồi đắp và các chuyên đề khác làm cơ sở để thực hiện các biện pháp tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng đất đối với các loại đất này.

    Trong kỳ kiểm kê đất đai, lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất năm 2024, việc tổ chức của từng đơn vị hành chính các cấp tập trung vào những nội dung chính gồm: Diện tích các loại đất theo quy định tại Điều 10 của Luật Đất đai năm 2013; diện tích các loại đối tượng đang sử dụng đất, đối tượng đang quản lý đất theo quy định tại Điều 5 và Điều 8 của Luật Đất đai năm 2013; đồng thời, đáp ứng yêu cầu của Luật Đất đai năm 2024 về loại đất quy định tại Điều 9 và đối tượng đang quản lý, sử dụng đất quy định tại Điều 6, Điều 7 của Luật Đất đai năm 2024; tình hình quản lý, sử dụng đất sân gôn (golf); cảng hàng không, sân bay; khu vực có nguy cơ sạt lở, bồi đắp; đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường và các chuyên đề khác.

    Việc kiểm kê đất đai, lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất năm 2024 phải đánh giá được thực trạng tình hình quản lý, sử dụng đất; tình hình biến động đất đai trong 5 năm qua của từng địa phương và cả nước; nhất là việc quản lý, thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; việc chấp hành pháp luật đất đai của các tổ chức, cá nhân đang sử dụng đất; làm rõ nguyên nhân hạn chế, tồn tại; đề xuất các biện pháp tăng cường quản lý, sử dụng đất để nâng cao hiệu quả sử dụng đất. Theo đó, việc kiểm kê đất đai, lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất năm 2024 được thực hiện trên cơ sở tài liệu, dữ liệu đất đai hiện có, kết hợp với điều tra thực tế, khoanh vẽ, chỉnh lý lên bản đồ đối với các trường hợp biến động trong kỳ kiểm kê đất đai (từ năm 2020 đến hết năm 2024) và tổng hợp kết quả kiểm kê đất đai năm 2024. Ngoài ra, việc kiểm kê đất đai chuyên đề được thực hiện bằng phương pháp điều tra trực tiếp và các phương pháp khác có liên quan để tổng hợp, báo cáo…

    Thời điểm triển khai kiểm kê đất đai, lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất năm 2024 được thực hiện thống nhất trên phạm vi cả nước từ ngày 1/8/2024. Số liệu kiểm kê đất đai năm 2024 được tính đến hết ngày 31/12/2024. Trong đó quy định thời gian hoàn thành của các các cấp, cụ thể: Cấp xã trước ngày 16/1/2025; cấp huyện trước ngày 1/3/2025; cấp tỉnh trước ngày 16/4/2025.

2. Kiểm kê đất đai, lập bản đồ hiện trạng đất năm 2024 trong chuyển đổi số và thông tin dữ liệu TN&MT

    Ngày 17/3/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 37/NQ-CP về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về "Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao".

    Theo đó, công tác kiểm kê đất đai, lập bản đồ hiện trạng đất năm 2024 là một nội dung cụ thể hóa trong việc thực hiện mục tiêu đến năm 2025 hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu số và hệ thống thông tin quốc gia về đất đai thống nhất, đồng bộ và kết nối liên thông, các Bộ, ngành có liên quan, góp phần đẩy mạnh phân cấp trong việc quy định trình tự, thủ tục hành chính về đất đai và gắn với trách nhiệm giải quyết của từng cấp chính quyền địa phương; giảm đầu mối, giảm trung gian, gắn với cải cách hành chính, giảm phiền hà, tiêu cực; đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực quản lý và sử dụng đất; xây dựng và hoàn thiện đúng tiến độ hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia; bảo đảm quản lý, vận hành, kết nối và chia sẻ thông tin tập trung, thống nhất từ Trung ương đến địa phương, đảm bảo mọi người dân được tiếp cận thông tin về quản lý, quy hoạch và sử dụng đất. Việc tổ chức công tác kiểm kê đất đai, lập bản đồ hiện trạng đất năm 2024 được thực hiện trên cơ sở tập trung nguồn lực đầu tư cho công tác điều tra, đánh giá tài nguyên đất; thống kê, kiểm kê đất đai; giám sát sử dụng đất. Thông qua công tác kiểm kê đất đai 2024, lập bản đồ hiện trạng đất năm 2024 góp phần đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực, trình độ cán bộ, công chức ngành quản lý đất đai; nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị, đáp ứng yêu cầu quản lý hiện đại.

    Như vậy có thể khẳng định, việc đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số về đất đai cần phải được thực hiện quyết liệt trong các nhiệm vụ trọng tâm của ngành quản lý đất đai, trong đó có công tác kiểm kê đất đai, góp phần vào công tác kiểm kê đất đai năm 2024 hướng tới mục tiêu: Đánh giá thực trạng tình hình sử dụng đất của từng đơn vị hành chính các cấp xã, huyện, tỉnh, vùng KT - XH cả nước để làm cơ sở đánh giá tình hình quản lý, sử dụng đất đai của các cấp trong 5 năm qua và đề xuất cơ chế, chính sách, biện pháp nhằm tăng cường quản lý Nhà nước về đất đai, nâng cao hiệu quả sử dụng đất; đồng thời làm cơ sở cho việc điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất các cấp giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2020. Đây cũng là cơ sở quan trọng để thực hiện Chiến lược phát triển KT- XH, quốc phòng an ninh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

3. Một số kiến nghị, đề xuất

    Để công tác kiểm kê đất đai năm 2024 đạt hiệu quả cần có sự vào cuộc của các Bộ, ngành có liên quan và các địa phương triển khai thực hiện nghiêm túc; có sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của các cấp, ngành có liên quan; sự tham gia hỗ trợ tích cực của các lực lượng chuyên môn về điều tra, đo đạc trong và ngoài ngành TN&MT trên phạm vi cả nước. Trong đó: Bộ TN&MT nghiên cứu, tham mưu trong việc xây dựng, báo cáo Thủ tướng Chính phủ sớm phê duyệt Đề án, Chỉ thị về việc kiểm kê đất đai, lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất năm 2024; đồng thời phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành có liên quan, kịp thời nghiên cứu, giải quyết, đề xuất cử lý vướng mắc, khó khăn trong quá trình tổ chức thực hiện; Các Bộ, ngành Trung ương trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ phối hợp với Bộ TN&MT, UBND cấp tỉnh trong việc tổ chức thực hiện kiểm kê đất đai, lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất năm 2024; UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện các nội dung sau:

    Thứ nhất, tăng cường rà soát kiểm tra, thanh tra việc sử dụng đất; xử lý kiên quyết, kịp thời, dứt điểm các trường hợp người sử dụng đất vi phạm pháp luật đất đai nhất là tình trạng tự ý chuyển mục đích sử dụng đất mà không xin phép; tình trạng giao đất, cho thuê đất mà không sử dụng đất quá thời hạn quy định gây lãng phí đất đai; tình trạng cho thuê, cho mượn đất trái quy định của pháp luật. Đăng công khai trên cổng thông tin điện tử của địa phương về các trường hợp vi phạm pháp luật đất đai theo quy định của pháp luật đất đai; đồng thời làm rõ và xử lý trách nhiệm của chính quyền các cấp ở các địa phương để xảy ra nhiều sai phạm trong sử dụng đất đai; thực hiện quản lý đất đai theo quy hoạch, kiên quyết thu hồi diện tích đất các dự án không sử dụng, chậm tiến độ, sử dụng sai mục đích theo đúng quy định của Luật Đất đai.

    Thứ hai, chỉ đạo cơ quan chuyên môn cập nhật thường xuyên những thay đổi trong quá trình sử dụng đất vào hồ sơ địa chính, bản đồ địa chính và bản đồ kết quả điều tra kiểm kê để công tác quản lý được dễ dàng, khoa học và chặt chẽ hơn.

    Thứ ba, tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật về đất đai; thanh tra, kiểm tra việc quản lý, sử dụng đất trên địa bàn, việc đấu giá quyền sử dụng đất, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo về đất đai.

    Thứ tư, xây dựng và tổ chức thực hiện dự kiểm kê đất đai, lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất năm 2024.

    Thứ năm, trong quá trình thực hiện kịp thời báo cáo vướng mắc, khó khăn của địa phương lên cấp có thẩm quyền để có phương án giải quyết, đảm bảo đúng yêu cầu về nội dung và thời gian thực hiện.

Phạm Ngô Hiếu, Phó Cục trưởng

Bạch Song Lân

Cục Đăng ký và Dữ liệu thông tin đất đai

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 4/2024)

Ý kiến của bạn