Banner trang chủ

Chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính theo mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050

02/11/2022

    Ngày 26/7/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 896/QĐ-TTg ngày 26/7/2022 phê duyệt Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050 nhằm chủ động thích ứng hiệu quả, giảm mức độ dễ bị tổn thương, tổn thất và thiệt hại do biến đổi khí hậu (BĐKH);giảm phát thải khí nhà kính (KNK) theo mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, đóng góp tích cực và trách nhiệm với cộng đồng quốc tế trong bảo vệ hệ thống khí hậu Trái đất; tận dụng cơ hội từ ứng phó BĐKH để chuyển dịch mô hình tăng trưởng, nâng cao sức chống chịu và cạnh tranh của nền kinh tế.

    Nỗ lực đạt mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050

    Tại Hội nghị lần thứ 26 các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về BĐKH (Hội nghị COP26), Thủ tướng Chính phủ đã tuyên bố Việt Nam đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Đạt mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050 là mục tiêu phát triển tất yếu của thế giới, thực hiện chủ yếu thông qua chuyển đổi năng lượng mạnh mẽ, phát triển phát thải thấp. Những cam kết mạnh mẽ và những đóng góp có trách nhiệm của Việt Nam tại Hội nghị COP26 đã được cộng đồng quốc tế đánh giá cao và mở ra nhiều cơ hội hợp tác về tăng trưởng ít phát thải, thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn, thích ứng với BĐKH. Trước xu thế BĐKH và bối cảnh toàn cầu mới, ứng phó với BĐKH ở nước ta phải chuyển sang một giai đoạn mới, cần được đặt ở vị trí trung tâm, hướng tới thực hiện mục tiêu toàn cầu và được thực hiện hiệu quả, thực chất và minh bạch, đồng thời thúc đẩy xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, Chiến lược quốc gia về BĐKH giai đoạn đến năm 2050 được xây dựng nhằm cập nhật những xu thế mới của quốc tế cũng như định hướng rõ các vấn đề cấp bách, ưu tiên gắn với việc thực hiện Thỏa thuận Paris, các cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26 đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.

    Theo đó, Chiến lược đưa ra mục tiêu tổng quát, chủ động thích ứng hiệu quả, giảm mức độ dễ bị tổn thương, tổn thất và thiệt hại do BĐKH; giảm phát thải KNK theo mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, đóng góp tích cực và trách nhiệm với cộng đồng quốc tế trong bảo vệ hệ thống khí hậu Trái đất; tận dụng cơ hội từ ứng phó BĐKH để chuyển dịch mô hình tăng trưởng, nâng cao sức chống chịu và cạnh tranh của nền kinh tế.

    Mục tiêu cụ thể, bao gồm: Giảm mức độ dễ bị tổn thương và rủi ro trước tác động của BĐKH thông qua nâng cao khả năng chống chịu và năng lực thích ứng của hệ thống tự nhiên, kinh tế - xã hội, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai và khí hậu cực đoan gia tăng do BĐKH; trong đó đề ra các mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể đến năm 2030 và đến năm 2050. Nỗ lực đạt mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, tích cực đóng góp có trách nhiệm cùng cộng đồng quốc tế bảo vệ hệ thống khí hậu Trái đất; nâng cao chất lượng tăng trưởng, sức cạnh tranh của nền kinh tế; trong đó, đề ra các mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể đối với từng lĩnh vực đến năm 2030 và đến năm 2050”.

Năng lượng sạch - Ảnh: Trần Văn Túy 

    Đến năm 2030, bảo đảm tổng lượng phát thải KNK quốc gia giảm 43,5% so với kịch bản phát triển thông thường (BAU). Trong đó, lĩnh vực năng lượng giảm 32,6%, lượng phát thải không vượt quá 457 triệu tấn CO2 tương đương (CO2); lĩnh vực nông nghiệp giảm 43,0%, lượng phát thải không vượt quá 64 triệu tấn CO2; lĩnh vực lâm nghiệp, sử dụng đất giảm 70% lượng phát thải và tăng 20% lượng hấp thụ các-bon, tổng lượng phát thải và hấp thụ đạt ít nhất -95 triệu tấn CO2; lĩnh vực chất thải giảm 60,7%, lượng phát thải không vượt quá 18 triệu tấn CO2; lĩnh vực các quá trình công nghiệp giảm 38,3%, lượng phát thải không vượt quá 86 triệu tấn CO2. Các cơ sở có mức phát thải KNK hằng năm từ 2.000 tấn CO2 trở lên phải thực hiện giảm phát thải KNK.

    Đến năm 2050, bảo đảm tổng lượng phát thải KNK quốc gia đạt mức phát thải ròng bằng “0”; lượng phát thải đạt đỉnh vào năm 2035, sau đó giảm nhanh. Trong đó, lĩnh vực năng lượng giảm 91,6%, lượng phát thải không vượt quá 101 triệu tấn CO2; lĩnh vực nông nghiệp giảm 63,1%, lượng phát thải không vượt quá 56 triệu tấn CO2; lĩnh vực lâm nghiệp, sử dụng đất giảm 90% lượng phát thải, tăng 30% lượng hấp thụ các-bon, tổng lượng phát thải và hấp thụ đạt ít nhất -185 triệu tấn CO2; lĩnh vực chất thải giảm 90,7%, lượng phát thải không vượt quá 8 triệu tấn CO2; lĩnh vực các quá trình công nghiệp giảm 84,8%, lượng phát thải không vượt quá 20 triệu tấn CO2. Các cơ sở có mức phát thải KNK hằng năm từ 200 tấn CO2 trở lên phải thực hiện giảm phát thải KNK.

    Một số nhiệm vụ và giải pháp thực hiện

    Thứ nhất, chủ động thích ứng với BĐKH: Nâng cao khả năng chống chịu và năng lực thích ứng của hệ thống tự nhiên, kinh tế - xã hội, đảm bảo sinh kế bền vững. Chủ động thích ứng với BĐKH: (i) Nhóm nhiệm vụ nâng cao khả năng chống chịu và năng lực thích ứng của hệ thống tự nhiên, kinh tế - xã hội, đảm bảo sinh kế bền vững bao gồm: Ngăn chặn tình trạng suy giảm, suy thoái, phục hồi các nguồn tài nguyên; Phát triển nông nghiệp và bảo đảm an ninh lương thực; Quản lý, bảo vệ rừng và các hệ sinh thái; Phát triển hạ tầng thích ứng với BĐKH; Phát triển y tế và chăm sóc sức khỏe; Bảo đảm an sinh xã hội và bình đẳng giới; (ii) Nhóm nhiệm vụ, giải pháp giảm thiểu thiệt hại do thiên tai và khí hậu cực đoan gia tăng do BĐKH bao gồm: Dự báo và cảnh báo sớm; Phát triển các công trình phòng chống thiên tai; Bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản người dân trước tác động của BĐKH.

    Thứ hai, về giảm phát thải KNK: Bao gồm các nhiệm vụ chung về giảm phát thải KNK và giảm phát thải KNK theo các lĩnh vực: năng lượng; nông nghiệp; lâm nghiệp và sử dụng đất; chất thải; các quá trình công nghiệp và sử dụng sản phẩm công nghiệp. Trong đó đã đề ra lộ trình, đối tượng thực hiện kiểm kê KNK và giảm phát thải KNK đến năm 2050. Việc thực hiện giảm phát thải KNK trong các hoạt động hằng ngày dần trở thành vấn đề đạo đức kinh doanh, trách nhiệm xã hội của các tổ chức, doanh nghiệp.

    Thứ ba, về hoàn thiện thể chế, phát huy tiềm năng và nguồn lực ứng phó hiệu quả với BĐKH, bao gồm: Xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về BĐKH phù hợp với các mục tiêu Chiến lược; Truyền thông, nâng cao nhận thức và thu hút sự tham gia của cộng đồng trong ứng phó với BĐKH; Phát triển nguồn nhân lực; Nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; Huy động nguồn lực tài chính cho ứng phó với BĐKH; Đẩy mạnh hợp tác quốc tế và ngoại giao khí hậu.

    Thứ tư, nguồn vốn để thực hiện Chiến lược: Nguồn vốn từ ngân sách nhà nước, vốn của tổ chức, cá nhân, tài trợ quốc tế và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.

Chu Thị Thanh Hương

Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 10/2022)

 

Ý kiến của bạn