06/12/2021
Hiện nay, trên thế giới cũng như ở nước ta, xu hướng tiến ra biển, làm giàu từ biển và khai thác các nguồn tài nguyên từ biển, đặc biệt khai thác hải sản đang ngày càng gia tăng, cùng với đó là tình trạng ô nhiễm môi trường biển, phá hủy đa dạng sinh học (ĐDSH), cạn kiện tài nguyên biển cũng trở nên đáng báo động, gây suy thoái ĐDSH biển, ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững kinh tế - xã hội. Do đó, công tác bảo tồn ĐDSH biển nói chung, các khu bảo tồn biển (KBTB) nói riêng là giải pháp giúp tăng cường quản lý phát triển bền vững tài nguyên môi trường biển.
Xu thế phát triển bảo tồn biển trên thế giới
Để bảo đảm tính bền vững của các vùng biển và ngành kinh tế biển dựa vào nguồn lợi tự nhiên, các KBTB (MPA) được các tổ chức bảo tồn thiên nhiên quốc tế như Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN), Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF), Ủy ban Thế giới về các khu vực bảo hộ (WCPA) xem là một công cụ quản lý hữu hiệu. KBTB là nơi ươm giống hải sản và có tính ĐDSH cao, có thể phát tán thủy sinh theo dòng hải lưu đến các khu vực biển lân cận khoảng cách hàng trăm km. Theo mục tiêu phát triển trong Công ước của Liên hợp quốc về ĐDSH, độ bao phủ của MPA trên các vùng biển, đại dương vào năm 2020 là 10% đối với các quốc gia có biển, đến năm 2030 mục tiêu là 30% và xa hơn đến năm 2050 có thể là 50%. Hiện đã có 17.855 khu MPA trên toàn thế giới và đã giúp tăng cường công tác bảo vệ ĐDSH biển của các quốc gia và là điểm nhấn chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển toàn câu trong bối cảnh đại dương ấm lên.
Năm 2016, theo báo cáo đánh giá toàn cầu mới nhất của IUCN cho thấy, 10,2% vùng biển thuộc thẩm quyền tài phán quốc gia hiện nằm trong các KBTB. Đối với toàn bộ đại dương thế giới bao gồm cả biển khơi, độ bao phủ của KBTB là 4,1%. Năm 2021, theo cơ sở dữ liệu bảo tồn thế giới (WDPA), trên toàn bộ đại dương thế giới, độ bao phủ của KBTB chiếm 7,91% diện tích biển được bảo tồn (gia tăng gần gấp 2 lần).
Giá trị bảo tồn biển và ĐDSH biển Việt Nam
Việt Nam được ghi nhận là một trong những nước có ĐDSH cao của thế giới với nhiều kiểu hệ sinh thái, các loài sinh vật và nguồn gen phong phú, đặc hữu. ĐDSH của các hệ sinh thái biển là nền tảng cho việc phát triển bền vững một số ngành kinh tế biển dựa vào tài nguyên thiên nhiên như du lịch, thủy sản, y dược biển. Vì vậy, việc xây dựng ĐDSH biển trở thành thương hiệu cho Việt Nam trong hội nhập quốc tế là thực sự cần thiết trong thời điểm hiện nay. Ngày 26/5/2010, tại Quyết định số 742/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch hệ thống KBTB Việt Nam đến năm 2020 với danh mục 16 KBTB. Đến nay, cả nước đã thành lập và đưa vào hoạt động được 11 mạng lưới KBTB trong tổng số 16 KBTB tại Việt Nam gồm: Cát Bà, Bạch Long Vỹ, Cồn Cỏ, Cù Lao Chàm, Lý Sơn, vịnh Nha Trang, Núi Chúa, Hòn Cau, Côn Đảo, Phú Quốc, Cô Tô-Đảo Trần. Hiện còn 4 khu chưa có hồ sơ phê duyệt là Hòn Mê, Sơn Chà-Hải Vân, Phú Quý, Nam Yết.
Vùng biển Việt Nam có hơn 20 kiểu hệ sinh thái khác nhau với một số hệ sinh thái điển hình như hệ sinh thái cửa sông ven biển, hệ sinh thái bãi bồi, vùng triều, hệ sinh thái rừng ngập mặn, hệ sinh thái rạn san hô. Trong các kiểu hệ sinh thái đó, tính đa dạng thành phần loài cũng rất phong phú, có nhiều nhóm được ghi nhận trên 1.000 loài như 1.969 loài động vật thân mềm trong hệ sinh thái rừng ngập mặn, 1258 loài cá rạn san hô trong hệ sinh thái rạn san hô. Hệ sinh thái cửa sông ven biển đã xác định được 77 loài thực vật ngập mặn, 150 - 280 loài thực vật phù du, 40 - 180 loài động vật phù du, trên 400 loài động vật đáy, 14 loài cỏ biển, 615 loài cá biển. Trong khi đó, sự đa dạng về thành phần loài khác nhau giữa các vùng miền rõ rệt, trong đó vùng cửa sông đồng bằng Bắc Bộ đã thống kê được 185 loài thực vật phù du, 170 loài động vật phù du, 400 loài động vật đáy. Các vùng cửa sông ven biển miền Trung có 171 loài thực vật phù du, 33 loài động vật phù du, 150 loài động vật đáy. Vùng Đông Nam Bộ có 63 loài thực vật phù du, 19 loài động vật phù du, 116 loài động vật đáy và khu vực cửa sông Cửu Long ghi nhận 119 loài thực vật phù du, 79 loài động vật phù du và 82 loài động vật đáy.
Các khu MPA trên thế giới
Hiện nay, mặc dù nước ta đã nghiên cứu trồng và phục hồi, tái tạo thành công san hô ngoài tự nhiên, nhưng diện tích được phục hồi còn thấp. Bên cạnh đó, việc khai thác và đánh bắt cá quá mức đã làm suy thoái một số loài, đến nay đã ghi nhận khoảng 100 loài sinh vật biển nước ta có nguy cơ bị đe dọa, nhiều loài quý hiếm đã được đưa vào Sách đỏ Việt Nam và Danh mục đỏ IUCN để yêu cầu phải có biện pháp bảo vệ (37 loài cá biển, 6 loài san hô, 5 loài da gai, 4 loài tôm rồng, 1 loài sam, 21 loài ốc, 6 loài hai mảnh vỏ, 3 loài mực).
Cần sớm có giải pháp phát triển bền vững các KBTB
Trước nhiều khó khăn, thách thức như ô nhiễm môi trường, khai thác đánh bắt cá quá mức, ĐDSH biển bị đe dọa, đã làm cho công tác bảo tồn biển, gìn giữ ĐDSH biển, ngăn ngừa tình trạng ô nhiễm môi trường biển cũng như bảo vệ và khai thác hợp lý tài nguyên thiên nhiên biển trở nên cấp bách. Trong xu thế hội nhập quốc tế về bảo tồn biển, năm 2018, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) đã ban hành Nghị quyết số 36-NQ/TW về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với mục tiêu phát triển diện tích các KBTB 2030 là 6%, 2045 là 10%. Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết số 26/NQ-CP thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW, trong đó ưu tiên và chú trọng hoạt động bảo tồn thiên nhiên biển và xem nó như một trong những giải pháp để phát triển bền vững kinh tế biển đất nước trong tương lai. Việc duy trì được tính đa dạng hệ sinh thái và các loài sinh vật biển chính là bảo toàn “nguồn vốn tự nhiên”, tạo ra sự phát triển ổn định cho kinh tế biển Việt Nam. Vì vậy, bảo tồn biển và phát triển kinh tế là hai mặt của một vấn đề trong việc phát triển bền vững hướng tới hình thành nền kinh tế biển xanh.
Ngày 1/11/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 29/CT-TTg về một số giải pháp cấp bách nhằm tăng cường hiệu quả công tác quản lý khu bảo tồn biển Việt Nam. Chỉ thị yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương thực hiện một số giải pháp cấp bách nhằm tăng cường hiệu quả công tác quản lý KBTB Việt Nam bao gồm:
Xây dựng và triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, đề án, dự án làm cơ sở khoa học đề xuất thành lập mới, mở rộng hệ thống KBTB và phục hồi, phát triển các hệ sinh thái biển; đôn đốc, hướng dẫn địa phương khẩn trương thành lập, quản lý KBTB đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; chỉ đạo lực lượng Kiểm ngư tuần tra, kiểm soát, thực thi pháp luật thủy sản, xử lý các hành vi vi phạm tại các KBTB và trên các vùng biển; xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về hệ thống KBTB; Nghiên cứu xây dựng cơ chế tài chính bền vững cho KBTB, ban hành lượng giá giá trị của các hệ sinh thái biển làm cơ sở đề xuất phương án thu chi phí dịch vụ hệ sinh thái biển tại các KBTB; thực hiện nhiệm vụ điều tra, thu thập số liệu về ĐDSH trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt mở rộng hệ thống KBTB Việt Nam theo đúng chủ trương đã được đề ra tại Nghị quyết số 36-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; hỗ trợ, hướng dẫn các địa phương trong công tác thành lập, quản lý KBTB; tổ chức tập huấn, nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác bảo tồn tại địa phương… Hàng năm, tổ chức đánh giá việc thực hiện Chỉ thị này, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Cần xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về hệ thống KBTB; nghiên cứu xây dựng cơ chế tài chính bền vững cho KBTB, ban hành lượng giá giá trị của các hệ sinh thái biển làm cơ sở đề xuất phương án thu chi phí dịch vụ hệ sinh thái biển tại các KBTB; thực hiện nhiệm vụ điều tra, thu thập số liệu về ĐDSH trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt mở rộng hệ thống KBTB Việt Nam theo đúng chủ trương đã được đề ra tại Nghị quyết số 36-NQ/TW.
Tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, thanh tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định pháp luật về BVMT, ĐDSH biển; kiểm soát nghiêm ngặt hoạt động nhận chìm ở biển, hoạt động lấn biển, hoạt động khai thác khoáng sản trên biển để hạn chế tối đa tác động, ảnh hưởng xấu đến môi trường biển, hệ sinh thái biển và nguồn lợi thủy sản.
Đẩy mạnh điều tra, xử lý nghiêm các vụ vi phạm pháp luật về BVMT, ĐDSH biển; phối hợp rà soát, thẩm định các dự án tại các khu vực biển, đảo, tránh tác động xấu đến môi trường, hệ sinh thái, KBTB và an ninh quốc phòng.
Tăng cường tuần tra, kiểm soát phát hiện, ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về BVMT, bảo tồn ĐDSH, bảo tồn biển trên các vùng biển, hải đảo theo quy định của pháp luật; nâng cao năng lực và tổ chức lực lượng sẵn sàng ứng phó các sự cố môi trường trên các vùng biển, hải đảo; phối hợp với chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng của các bộ, ngành khác tuyên truyền vận động nhân dân chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về bảo vệ tài nguyên, môi trường biển, hải đảo.
Chỉ đạo công tác thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng và hệ thống thông tin cơ sở về vai trò, tầm quan trọng của bảo tồn biển; các gương người tốt, việc tốt trong công tác quản lý, BVMT, ĐDSH biển, tạo sự chuyển biến trong nhận thức của nhân dân; phản ánh trung thực, tạo nhận thức và hành động thống nhất trong đấu tranh, phòng ngừa đối với các hành vi vi phạm pháp luật.
Chỉ thị yêu cầu, UBND các tỉnh, thành phố ven biển tổ chức rà soát, đánh giá tác động của các dự án có liên quan đến KBTB, đặc biệt là các dự án phát triển du lịch, khu nghỉ dưỡng, khu đô thị lấn biển, khu đô thị ven biển, dự án nuôi trồng hải sản được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt hoặc hoạt động không đúng theo quy hoạch từ trước đến nay; kiên quyết thu hồi diện tích biển, đảo, ven đảo thuộc các dự án vi phạm pháp luật, không thực hiện đúng nội dung được phê duyệt; không cấp phép các dự án đầu tư phát triển trên phần diện tích đã quy hoạch thành lập KBTB, khu vực có phân bổ của các hệ sinh thái rạn san hô, cỏ biển, rừng ngập mặn; thẩm định chặt chẽ, đánh giá kỹ năng lực, điều kiện và tính khả thi đối với các dự án đầu tư, giao khu vực biển, cấp phép nhận chìm ở biển, xây dựng khu nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái tại các khu vực ven biển, đảo..., phù hợp với quy hoạch ngành, không gây tổn hại đến sinh thái, môi trường tại khu vực biển, đảo, KBTB, đảm bảo quy định pháp luật, lợi ích kinh tế và an ninh quốc phòng.
Bên cạnh đó, UBND các tỉnh, thành phố ven biển chỉ đạo các cơ quan liên quan phối hợp với ban quản lý KBTB trong công tác tuần tra, kiểm soát, phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến quản lý KBTB; kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn tình trạng xâm phạm KBTB, gây ô nhiễm môi trường và hủy hoại hệ sinh thái biển, khai thác nguồn lợi hải sản trái phép tại các KBTB; tăng cường công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng ở địa phương để giáo dục, phòng ngừa các vi phạm liên quan đến KBTB. Đồng thời, chủ động bố trí nguồn lực của địa phương để hỗ trợ cộng đồng ngư dân sống trong và xung quanh KBTB chuyển đổi nghề từ đánh bắt, khai thác nguồn lợi hải sản gần bờ sang các nghề khác, nhằm giảm áp lực lên KBTB, đảm bảo hiệu quả công tác quản lý KBTB.
Dư Văn Toán
Viện nghiên cứu biển và hải đảo
(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 11/2021)