04/03/2022
Luật BVMT năm 2020 là khung pháp lý quan trọng, với nhiều điểm mới, đột phá, định hướng cho công tác BVMT trong thời kỳ mới. Để tuyên truyền, phổ biến Luật BVMT và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật, Tạp chí Môi trường có cuộc trao đổi với ông Đặng Sơn Hải, Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu về việc triển khai áp dụng quy định mới của Luật vào thực tế tại địa phương trong thời gian tới.
Ông Đặng Sơn Hải, Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
PV: Vừa qua, Chính phủ và Bộ TN&MT đã ban hành các văn bản quan trọng hướng dẫn thi hành Luật. Vậy để Luật BVMT năm 2020 đi vào thực tiễn cuộc sống, Sở TN&MT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã triển khai các hoạt động này như thế nào?
Ông Đặng Sơn Hải: Triển khai thực hiện Quyết định số 3470/QĐ-UBND ngày 26/10/2021 của UBND tỉnh ban hành Kế hoạch điều chỉnh nội dung thực hiện hoạt động truyền thông BVMT năm 2021, Sở TN&MT đã (giao Trung tâm Công nghệ thông tin Tài nguyên và Môi trường) xây dựng 3 video clip tuyên truyền một số quy định của Luật BVMT năm 2020, nội dung về: Trách nhiệm quản lý nhà nước về BVMT của UBND cấp tỉnh, UBND cấp huyện, vai trò và trách nhiệm của các tổ chức, doanh nghiệp trong việc thực hiện các quy định liên quan đến (1) Đánh giá sơ bộ tác động môi trường; (2) Đánh giá tác động môi trường; (3) Cấp phép môi trường; (4) Quản lý chất thải. Hiện nay, các video clip đang được hoàn thiện và trong thời gian tới, sẽ công bố, trình chiếu trên các phương tiện thông tin đại chúng, Trang thông tin điện tử (Website) và hệ thống PanoLED do Sở TN&MT vận hành.
Đồng thời, Sở TN&MT cũng ban hành văn bản số 849/STNMT-CCBVMT ngày 18/2/2022 triển khai Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/1/2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật BVMT và Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT ngày 10/1/2022 của Bộ TN&MT quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật BVMT đến các Sở, ban, ngành; UBND các huyện, thị xã, thành phố; Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũng Tàu; Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu để thực hiện và phối hợp triển khai đến các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. Đồng thời, Sở cũng đề nghị các cơ quan thông tin đại chúng phối hợp tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật nêu trên.
PV: Điểm mới của Luật BVMT năm 2020 đó là bảo vệ các thành phần môi trường và di sản thiên nhiên. Là tỉnh được thiên nhiên ưu đãi với nhiều cảnh quan, di sản thiên nhiên quý giá. Việc triển khai áp dụng quy định vào thực tế như thế nào trong thời gian tới, thưa ông?
Ông Đặng Sơn Hải: Hiện nay, đối với các thành phần môi trường (gồm đất, nước, không khí, sinh vật, âm thanh, ánh sáng và các hình thái vật chất khác), UBND tỉnh cũng đã có những chỉ đạo/chủ trương giao Sở TN&MT thực hiện như: Nhiệm vụ, giải pháp về bảo đảm an ninh, an toàn nguồn nước sạch trên địa bàn tỉnh; phối hợp với đơn vị tư vấn xây dựng Kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí cấp tỉnh trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Bên cạnh đó, để góp phần BVMT di sản thiên nhiên trên địa bàn tỉnh, hiện nay Sở TN&MT đã thường xuyên triển khai thực hiện Quyết định số 3792/QĐ-UBND ngày 31/12/2019 của UBND tỉnh ban hành Kế hoạch hành động đa dạng sinh học trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Trong quá trình thực hiện, Sở TN&MT sẽ tiếp tục rà soát theo quy định tại Điều 21 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP của Chính phủ để tham mưu điều chỉnh Kế hoạch hành động cho phù hợp.
PV: Thưa ông, một vấn đề đang được rất nhiều người quan tâm là việc người dân sẽ phải thực hiện phân loại rác thải tại nguồn và trả chi phí xử lý rác thải theo khối lượng. Vậy việc triển khai nội dung này ở địa phương như thế nào?
Ông Đặng Sơn Hải: Hiện nay, UBND tỉnh đã giao nhiệm vụ cho Sở TN&MT tham mưu xây dựng Đề án Quản lý CTR và phân loại CTRSH tại nguồn trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến 2030 (Sở TN&MT đã đăng tải hồ sơ mời thầu đơn vị tư vấn thực hiện). Dự kiến Đề án sẽ được thẩm định trong Quý IV/2022, trong đó sẽ xác định kế hoạch, lộ trình triển khai việc thực hiện phân loại CTRSH tại nguồn và chi phí chi trả theo khối lượng theo quy định tại Điều 75, 79 và đảm bảo lộ trình thực hiện theo quy định tại Khoản 7, Điều 79 của Luật BVMT (chậm nhất là ngày 31/12/2024).
PV: Để các tổ chức, doanh nghiệp và người dân hiểu rõ những quy định của Luật BVMT năm 2020 và các văn bản hướng dẫn thi hành trong thời gian tới, tỉnh đã có kế hoạch gì để triển khai hoạt động tuyên truyền, phổ biến, thưa ông?
Ông Đặng Sơn Hải: Thực hiện Quy chế phối hợp trong công tác BVMT trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (được ban hành tại Quyết định số 1505/QĐ-UBND ngày 7/6/2021 của UBND tỉnh); hiện nay, Sở TN&MT đã phối hợp với các Sở, ban, ngành; các tổ chức đoàn thể, chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh tham mưu dự thảo Quyết định của UBND tỉnh ban hành Kế hoạch truyền thông nâng cao nhận thức trong hoạt động quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên một cách hiệu quả và BVMT trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu năm 2022; theo đó, các hoạt động truyền thông môi trường sẽ được các cơ quan, đơn vị tập trung vào nội dung phổ biến kiến thức, tuyên truyền Luật BVMT năm 2020.
Bên cạnh đó, để triển khai một số quy định về công tác BVMT trên địa bàn tỉnh, Sở TN&MT cũng đã có văn bản số 706/STNMT-TTr ngày 11/2/2022 đăng ký danh mục xây dựng Nghị quyết trình Hội đồng nhân dân tỉnh và Quyết định của UBND tỉnh trong năm 2022.
Hiện nay, Bộ TN&MT đã ban hành Quyết định số Quyết định số 87/QĐ-BTNMT ngày 14/1/2022 về việc công bố TTHC mới ban hành; TTHC sửa đổi, bổ sung; TTHC thay thế; TTHC bị bãi bỏ trong lĩnh vực môi trường thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ TNMT. Trên cơ sở đó, trong thời gian tới, Sở TN&MT sẽ tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định công bố TTHC trong lĩnh vực môi trường thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở TN&MT; UBND cấp huyện; UBND cấp xã trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu theo Quyết định số 87/QĐ-BTNMT của Bộ TN&MT.
Hội nghị Tập huấn triển khai phổ biến các quy định về TN&MT trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
PV: Nhân dịp này, ông có đề xuất, kiến nghị gì về công tác quản lý BVMT tại địa phương thời gian tới?
Ông Đặng Sơn Hải: Công tác BVMT cần có sự tham gia của cả hệ thống chính trị và cộng đồng dân cư, qua đây tôi kiến nghị sau:
Tất cả các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và tất cả các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh góp phần và tiếp tục nâng cao ý thức trong phòng ngừa, giảm thiểu, thu gom, vận chuyển, phân loại, tái chế, tái sử dụng về xử lý chất thải đáp ứng yêu cầu về môi trường theo quy định.
Bộ TN&MT tiếp tục phối hợp với các Bộ có liên quan tham mưu Chính phủ có chính sách rõ ràng, cụ thể và khả thi để tăng cường nguồn lực triển khai công tác quản lý BVMT ở cấp địa phương (đặc biệt là ở cấp huyện và cấp xã).
Cần Sửa đổi, bổ sung Nghị định số 155/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực BVMT, Nghị định số 55/2021/NĐ-CP ngày 24/5/2021 sửa đổi Nghị định số 155/2016/NĐ-CP cho phù hợp với Luật BVMT năm 2020.
PV: Trân trọng cảm ơn ông đã trả lời phỏng vấn.
Nam Hưng (Thực hiện)
(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 2/2022)