07/01/2022
UBND tỉnh Bình Dương vừa ban hành Kế hoạch số 6613/KH-UBND về việc tăng cường công tác quản lý chất thải nhựa trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2026.
Theo đó, Bình Dương sẽ tăng cường quản lý chất thải nhựa trên địa bàn tỉnh, góp phần thực hiện thành công Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 07/5/2018; tăng cường quản lý tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa theo Chỉ thị số 33/CT-TTg ngày 20/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ và hoàn thành Đề án tăng cường công tác quản lý chất thải nhựa ở Việt Nam theo Quyết định số 1316/QĐ-TTg ngày 22/7/2021; tăng cường tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải nhựa…; góp phần xây dựng mô hình kinh tế tuần hoàn với định hướng giảm sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy.
Đồng thời, phấn đấu đến năm 2025, Bình Dương sẽ sử dụng 100% túi ni lông, bao bì thân thiện với môi trường tại các trung tâm thương mại, siêu thị phục vụ cho mục đích sinh hoạt thay thế cho túi ni lông khó phân hủy; đảm bảo thu gom, tái sử dụng, tái chế, xử lý 85% lượng chất thải nhựa phát sinh; phấn đấu 100% các khu du lịch, các cơ sở lưu trú du lịch, khách sạn không sử dụng túi ni lông khó phân hủy và sản phẩm nhựa dùng một lần. Cùng với đó, giảm dần mức sản xuất và sử dụng túi ni lông khó phân hủy và sản phẩm nhựa dùng một lần trong sinh hoạt; nâng cao nhận thức của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cộng đồng và người dân trong sản xuất, tiêu thụ, thải bỏ chất thải nhựa, túi ni lông khó phân hủy và sản phẩm nhựa dùng một lần trong sinh hoạt.
Sở TN&MT Bình Dương được giao là cơ quan đầu mối theo dõi, đôn đốc và tổng hợp kết quả triển khai thực hiện Kế hoạch này của các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố và tổ chính trị xã hội; tổng hợp, báo cáo kết quả định kỳ và đột xuất cho UBND tỉnh Bình Dương; rà soát, sửa đổi, bổ sung, xây dựng mới các quy định về giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế, xử lý chất thải nhựa trên địa bàn tỉnh phù hợp với quy định hiện hành. Đồng thời, Sở TN&MT xây dựng, lồng ghép các tài liệu, nội dung truyền thông, tuyên truyền về tác hại của chất thải nhựa đối với con người, lợi ích của các hoạt động phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn và giảm thiểu, phân loại, thu gom, tái sử dụng, tái chế chất thải nhựa vào các chương trình, kế hoạch, sự kiện truyền thông về bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu hàng năm.
Cùng với đó, Sở TN&MT Bình Dương sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục nâng cao nhận thức về BVMT cho các đơn vị sản xuất, phân phối, tiêu thụ sản phẩm nhựa cũng như các tổ chức, cá nhân sử dụng, thải bỏ chất thải nhựa; rà soát, đánh giá hiện trạng sản xuất, kinh doanh và sử dụng bao bì nhựa khó phân hủy sinh học và sản phẩm nhựa dùng một lần trên địa bàn tỉnh; phối hợp với các cơ quan chức năng đề xuất giải pháp phù hợp, hiệu quả để tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa trên địa bàn tỉnh. Trước mắt, Sở TN&MT Bình Dương cần ưu tiên thực hiện việc rà soát, đánh giá hiện trạng và đề xuất giải pháp đối với túi ni lông khó phân hủy; phấn đấu đến năm 2025, thu gom, tái sử dụng, tái chế, xử lý đảm bảo đạt 85% lượng chất thải nhựa phát sinh.
Ngoài ra, Sở TN&MT Bình Dương cũng sẽ phối hợp với các Sở, ban, ngành, UBND các địa phương và các cơ quan, đơn vị khác có liên quan trong việc nghiên cứu, phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn chất thải nhựa trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn; hỗ trợ hướng dẫn triển khai các mô hình thí điểm trong cộng đồng dân cư khi có yêu cầu; chủ trì phối hợp với các đơn vị có liên quan tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về BVMT đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn tỉnh; tham mưu xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm các quy định về BVMT nói chung, quản lý chất thải, chất thải nhựa nói riêng. Đồng thời, tham mưu UBND tỉnh Bình Dương tuyên dương, khen thưởng các tổ chức, cá nhân thực hiện tốt phong trào "Chống rác thải nhựa" hoặc sáng kiến có giá trị về quản lý rác thải nhựa trên địa bàn tỉnh.
Châu Loan