Banner trang chủ

Bình Dương: Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực môi trường theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020

01/08/2022

    Ngày 1/1/2022, Luật BVMT năm 2020 chính thức có hiệu lực, khởi đầu cho việc cải cách mạnh mẽ các thủ tục hành chính (TTHC) trong lĩnh vực môi trường. Để tìm hiểu rõ hơn về việc triển khai những quy định mới tại địa phương, Tạp chí Môi trường có cuộc phỏng vấn ông Ngô Quang Sự - Giám đốc Sở TN&MT Bình Dương về nội dung này.

PV: Xin ông cho biết, những thay đổi đáng lưu ý đối với một số TTHC trong lĩnh vực môi trường? Ông đánh giá như thế nào về việc bãi bỏ nhiều TTHC như vậy?

Ông Ngô Quang Sự: Luật BVMT năm 2020 có nhiều chính sách mới, nội dung mang tính đột phá, trong đó đáng quan tâm là việc cắt giảm TTHC, cụ thể:

    Thứ nhất, theo Luật BVMT năm 2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành, có 53 TTHC (từ cấp Trung ương đến địa phương). Hiện nay, theo Luật BVMT năm 2020 và các văn bản liên quan chỉ còn có 35 TTHC, giảm được 18 TTHC so với trước đây.

    Thứ hai, Luật BVMT năm 2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành có 7 loại giấy phép, còn theo Luật BVMT năm 2020 và Nghị định số 08/2022/NĐ-CP, doanh nghiệp chỉ phải thực hiện thủ tục đề nghị cấp 1 loại giấy phép là Giấy phép môi trường (trong đó tích hợp Giấy xác nhận hoàn thành công trình BVMT, Giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn môi trường, Giấy xác nhận đủ điều kiện về BVMT trong nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất, Giấy phép xử lý chất thải nguy hại, Sổ đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại, Giấy phép xả nước thải vào nguồn nước, Giấy phép xả nước thải vào công trình thủy lợi).

    Ngoài ra, các Luật BVMT trước đây chủ yếu căn cứ vào tiêu chí mức độ tác động xấu đến môi trường và diện tích sử dụng đất để phân loại dự án đầu tư, còn Luật BVMT năm 2020 quy định rõ hơn về quy mô, công suất, loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và yếu tố nhạy cảm về môi trường. Theo đó, dự án đầu tư được phân thành 4 nhóm: Có nguy cơ tác động xấu đến môi trường mức độ cao, có nguy cơ, ít có nguy cơ hoặc không có nguy cơ tác động xấu đến môi trường. Tương ứng với từng đối tượng dự án cụ thể, cơ quan quản lý nhà nước về môi trường sẽ áp dụng các cơ chế quản lý phù hợp, cụ thể là: chỉ đối tượng có nguy cơ tác động xấu đến môi trường mức độ cao (Nhóm I) mới phải đánh giá sơ bộ tác động môi trường. Quy định này nhằm khắc phục các hạn chế, bất cập của pháp luật hiện hành, góp phần giảm TTHC cho nhiều nhà đầu tư, theo đó các dự án không thuộc Nhóm I sẽ không phải đánh giá sơ bộ tác động môi trường nhằm tiết kiệm được thời gian và chi phí.

    Dù bãi bỏ nhiều TTHC như vậy, nhưng nhìn chung Luật BVMT năm 2020 đã đưa ra được những quy định theo sát thực tiễn về BVMT, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế nước nhà đang thực hiện đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Điều này giúp tiết kiệm thời gian và giảm thiểu đáng kể được các quy trình, thủ tục, cắt giảm tới hơn 40% TTHC, giảm thời gian thực hiện các TTHC từ 20 - 85 ngày, góp phần giảm chi phí tuân thủ của doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc quy định thẩm định cấp Giấy phép môi trường theo nhiều hình thức (Hội đồng, Tổ thẩm định, Đoàn kiểm tra) và sử dụng nhiều biểu mẫu tương ứng cho các loại hình dự án, cơ sở hoạt động và theo thẩm quyền cấp phép cũng gây lúng túng, khó khăn cho cơ quan quản lý nhà nước và chủ dự án, cơ sở.

PV: Để kịp thời chỉ đạo, phổ biến, quán triệt các quy định mới về cải cách TTHC trong Luật BVMT năm 2020, tháo gỡ các khó khăn trong quá trình thực hiện, Sở đã triển khai các hoạt động gì?

Ông Ngô Quang Sự: Về triển khai thi hành Luật trên địa bàn tỉnh, tỉnh đã tham mưu Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết số 17/2021/NQ-HĐND ngày 10/12/2021 quy định về chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định cấp, cấp lại, điều chỉnh Giấy phép môi trường thuộc thẩm quyền cấp giấy phép môi trường của Ủy ban nhân dân tỉnh và Ủy ban nhân dân cấp huyện trên địa bàn tỉnh Bình Dương để tạo hành lang pháp lý đồng bộ triển khai việc thẩm định cấp Giấy phép môi trường trên toàn tỉnh. Cùng với đó, ban hành Quyết định số 934/QĐ-UBND ngày 19/4/2022 để công bố TTHC 3 cấp (cấp tỉnh, huyện, xã) nhằm thực hiện quy trình cấp Giấy phép môi trường trên địa bàn tỉnh được công khai minh bạch, chuẩn hóa.

    Ngoài ra, nhằm cải cách TTHC, rút ngắn thời gian cấp phép so với quy định của Luật và Nghị định hướng dẫn, đẩy nhanh tiến độ cấp Giấy phép môi trường cho các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh cũng đã ban hành các Quyết định số 428/QĐ-UBND ngày 22/2/2022, số 975/QĐ-UBND ngày 26/4/2022 để ủy quyền cho Sở TN&MT, Ban Quản lý các khu công nghiệp Bình Dương thực hiện việc thẩm định, cấp Giấy phép môi trường cho các dự án đầu tư, cơ sở trong và ngoài khu công nghiệp thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân tỉnh. Đồng thời, đăng ký thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đối với các TTHC thuộc lĩnh vực môi trường qua Cổng dịch vụ công trực tuyến tỉnh Bình Dương.

    Tỉnh cũng đã có văn bản đề nghị Bộ TN&MT hướng dẫn, giải đáp các vướng mắc, các quy định chưa rõ ràng hay còn chồng chéo trong Luật và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật để kịp thời giải quyết việc cấp Giấy phép môi trường cho các tổ chức, cá nhân đúng trình tự, thủ tục và đúng quy định.

 Đối với tuyên truyền, phổ biến các nội dung của Luật và văn bản hướng dẫn thi hành Luật

    Để phổ biến các nội dung quy định của Luật, ngay từ cuối năm 2021, tỉnh Bình Dương đã tổ chức các Hội nghị tập huấn, triển khai Luật cho các cán bộ môi trường của Ban quản lý các Khu công nghiệp, các Phòng TN&MT của huyện, thị xã, thành phố, Ủy ban nhân dân cấp xã và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương (tổng cộng khoảng 5.000 người đại diện các doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương). Cùng với đó, đẩy mạnh tuyên truyền các nội dung, các điểm mới của Luật BVMT năm 2020 trên các chuyên mục Tài nguyên môi trường, tổ chức tọa đàm về nội dung của Luật BVMT năm 2020 trên Đài Phát thanh truyền hình, Báo Bình Dương, Báo TN&MT; Triển khai in ấn Luật BVMT năm 2020 để phổ biến cho Lãnh đạo các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, các Hiệp hội ngành nghề và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh; Thường xuyên tiếp nhận các câu hỏi từ Cổng thông tin điện tử, đường dây nóng và kịp thời giải đáp các thắc mắc của tổ chức, công dân về các quy định của Luật BVMT năm 2020 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật.

Quang cảnh Hội nghị Tập huấn Luật BVMT năm 2020 tại Bình Dương, ngày 27/5/2022

Về công tác tiếp nhận và thụ lý hồ sơ cấp Giấy phép môi trường (tính đến ngày 1/7/2022)

    Đối với cấp tỉnh, đã tiếp nhận và thụ lý Báo cáo đề xuất cấp Giấy phép môi trường của các tổ chức, cá nhân ngay sau khi Luật có hiệu lực thi hành (trong thời gian trước tháng 4/2022 khi tỉnh chưa ban hành TTHC thì việc tiếp nhận hồ sơ được thực hiện thông qua hình thức nhận công văn đến, sau khi tỉnh ban hành TTHC thì việc tiếp nhận hồ sơ được nhận thông qua Bộ phận một cửa tại Trung tâm Hành chính công), không có tình trạng để tổ chức, cá nhân phải chờ đợi. Tính đến nay, cấp tỉnh đã tiếp nhận và thẩm định hồ sơ cấp Giấy phép môi trường cho khoảng 100 dự án, cơ sở trong đó đã cấp phép cho 9 dự án, cơ sở (Bao gồm các hồ sơ xác nhận hoàn thành công trình biện pháp BVMT theo quy định tại điều khoản chuyển tiếp của luật BVMT 2020).

    Đối với cấp huyện, ngay sau khi được tập huấn, triển khai các nội dung quy định liên quan về cấp Giấy phép môi trường, các huyện cũng đã xây dựng và ban hành ngay bộ TTHC về cấp Giấy phép môi trường cho các đối tượng thuộc thẩm quyền và tiếp nhận hồ sơ, thẩm định cấp phép theo quy định. Tính đến nay, cấp huyện đã tiếp nhận và thẩm định hồ sơ cấp Giấy phép môi trường cho 76 dự án, cơ sở, trong đó đã cấp phép cho 5 dự án, cơ sở.

PV: Qua đây, ông đề xuất kiến nghị gì nhằm tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính và minh bạch hóa TTHC hiện nay trong lĩnh vực môi trường?

Ông Ngô Quang Sự: Nhằm đẩy mạnh công tác cải cách hành chính và minh bạch hóa TTHC hiện nay trong lĩnh vực môi trường, trong thời gian tới, tỉnh Bình Dương sẽ tiếp tục tổ chức các Hội nghị tại các huyện để triển khai tập huấn Luật và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, phối hợp với Bộ TN&MT để hướng dẫn, giải đáp các vướng mắc, các quy định chưa rõ ràng hay còn chồng chéo trong Luật và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật, kịp thời giải quyết việc cấp Giấy phép môi trường cho các tổ chức, cá nhân đúng trình tự, thủ tục và đúng quy định; Ban hành quy trình giải quyết các TTHC thuộc lĩnh vực môi trường áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2005 để thống nhất cách giải quyết các thủ tục này trong nội bộ Sở; Chỉ đạo công chức thực hiện nhiệm vụ tiếp nhận hồ sơ tại Bộ phận một cửa lưu ý hướng dẫn tổ chức, công dân nộp hồ sơ TTHC thuộc lĩnh vực môi trường qua dịch vụ công trực tuyến mức độ 4.

    Đặc biệt, rà soát, thống kê, hướng dẫn, nhắc nhở và đôn đốc các dự án, cơ sở thuộc đối tượng cấp Giấy phép môi trường theo quy định nộp báo cáo đề xuất cấp Giấy phép môi trường, đảm bảo tất cả các cơ sở đang hoạt động thuộc đối tượng cấp phép môi trường được cấp giấy phép môi trường trước ngày 1/1/2025; Cập nhật dữ liệu về cấp Giấy phép môi trường vào hệ thống thông tin điện tử, cơ sở dữ liệu môi trường…

    Xin trân trọng cảm ơn ông.

Đỗ Hương (Thực hiện)

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 7/2022)

 

Ý kiến của bạn