Banner trang chủ

Ban hành Nghị định quy định về bảo vệ môi trường trong hoạt động đường thủy nội địa

04/02/2021

     Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 08/2021/NĐ-CP ngày 28/1/2021 quy định về quản lý hoạt động đường thủy nội địa, trong đó có quy định về BVMT trong hoạt động đường thủy nội địa.

     Nghị định quy định, về BVMT trong đầu tư xây dựng, bảo trì, cải tạo, nâng cấp kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa, chủ dự án các công trình xây dựng, bảo trì, cải tạo, nâng cấp kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa có trách nhiệm tổ chức lập báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc kế hoạch BVMT, trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt hoặc xác nhận theo quy định của pháp luật về BVMT.

     Bên cạnh đó, xác định và bố trí kinh phí cho công tác BVMT trong tổng mức đầu tư của dự án; đưa biện pháp xử lý chất thải, biện pháp giảm thiểu tác động xấu đến môi trường trong báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc kế hoạch BVMT đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt hoặc xác nhận vào thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật và hồ sơ mời thầu, hợp đồng với các nhà thầu thi công xây dựng của dự án.

     Tổ chức quản lý, giám sát và báo cáo cơ quan nhà nước có thẩm quyền công tác BVMT trong hoạt động thi công xây dựng dự án theo quy định của pháp luật xây dựng và BVMT.

Ảnh minh họa

     Nhà thầu thi công xây dựng phải tuân thủ các quy định của pháp luật BVMT, các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật môi trường và đáp ứng đầy đủ yêu cầu về BVMT trong hợp đồng đã ký với chủ dự án.

     Nhà thầu tư vấn quan trắc, giám sát môi trường phải tuân thủ các quy trình kỹ thuật quan trắc môi trường, quy chuẩn kỹ thuật môi trường và chịu trách nhiệm trước chủ dự án, trước pháp luật về các thông tin, số liệu do mình tạo lập trong thực hiện công tác quan trắc, giám sát môi trường.

     Nghị định cũng quy định cụ thể về BVMT trong khai thác cảng, bến thủy nội địa. Theo đó, người quản lý khai thác cảng, bến thủy nội địa có trách nhiệm xây dựng và thực hiện kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu theo quy định đối với cảng thủy nội địa và bến thủy nội địa kinh doanh xăng dầu; bố trí nhân sự quản lý, thực hiện công tác BVMT cảng, bến.

     Thu gom, xử lý nước thải phát sinh trong quá trình hoạt động của cảng, bến bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật môi trường; thực hiện quan trắc định kỳ nước thải trước và sau khi xử lý theo yêu cầu trong hồ sơ được duyệt; lưu giữ số liệu quan trắc để phục vụ kiểm tra hoạt động của hệ thống xử lý nước thải.

     Thu gom, phân loại, lưu giữ các loại chất thải rắn, chất thải nguy hại phát sinh trong quá trình hoạt động của cảng, bến để xử lý hoặc thuê tổ chức có chức năng xử lý chất thải để tiếp nhận, vận chuyển và xử lý theo quy định.

     Bố trí phương tiện, dụng cụ, thiết bị tại cảng, bến để tiếp nhận chất thải rắn thông thường từ phương tiện, tàu biển, phương tiện thủy nước ngoài, thủy phi cơ; niêm yết, cung cấp danh sách tổ chức có chức năng xử lý chất thải nguy hại để tiếp nhận, vận chuyển và xử lý chất thải nguy hại phát sinh từ phương tiện tàu biển, phương tiện thủy nước ngoài, thủy phi cơ.

     Giảm thiểu bụi và hạn chế tiếng ồn, độ rung gây ảnh hưởng xấu đối với môi trường xung quanh và người lao động; bố trí cách ly và bảo đảm khoảng cách an toàn trong tiếp nhận, lưu kho hàng hóa nguy hiểm, hàng hóa dễ cháy nổ theo quy định.

     Ngoài ra, Nghị định cũng quy định BVMT trong hoạt động đóng mới, sửa chữa, hoán cải, phục hồi và phá dỡ phương tiện; BVMT đối với phương tiện, tàu biển, thủy phi cơ, phương tiện thủy nước ngoài hoạt động trên đường thủy nội địa.

Châu Long

 

Ý kiến của bạn