30/06/2021
Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, chủng virus mới và các biến chủng có khả năng lây nhiễm nhanh hơn hiện nay trên địa bàn, đặc biệt là tại các khu công nghiệp (KCN), tỉnh Bắc Giang đã tập trung thực hiện nhiều biện pháp cấp bách, ban hành các văn bản hướng dẫn cụ thể việc thu gom, quản lý, xử lý chất thải phát sinh tại các khu điều trị, khu cách ly tập trung (KCLTT), khu dân cư cách ly y tế, điểm chốt phòng dịch Covid-19 và doanh nghiệp.
Thực hiện nhiều biện pháp quản lý chất thải
Tính từ ngày 27/4 - 8/6/2021, Bắc Giang có 3.461 ca mắc Covid-19 và số ca mắc mới vẫn tiếp tục tăng, chủ yếu nằm trong khu vực đã cách ly, phong tỏa. Hiện tỉnh có 240 KCLTT với khoảng 13.000 công dân. Về cơ bản, công tác cách ly đã khoanh vùng được tất cả những điểm nóng, số ca F0 chủ yếu trong các KCLTT. Đại dịch Covid-19 cũng đang kéo theo sự gia tăng nhanh chóng của rác thải y tế, đặc biệt tại các cơ sở y tế, khu điều trị bệnh nhân, KCLTT, khu dân cư cách ly, KCN, việc sử dụng những sản phẩm phòng chống dịch như khẩu trang, găng tay, tấm che giọt bắn và áo bảo hộ là thường xuyên.
Theo thống kê ngày 5/6/2021, tại Bệnh viện (BV): Ung bướu, Đa khoa tỉnh, Sản nhi, Phục hồi chức năng và các huyện: Yên Dũng, Việt Yên, Hiệp Hòa thu gom được 19.925 kg chất thải; BV Y Học cổ truyền (TP. Bắc Giang) phát sinh 60 m3/ngày nước thải và 443 kg/ngày chất thải rắn; tại Khu cách ly y tế cho người dương tính với SARS-CoV-2 chưa có triệu chứng ở Trung tâm điều dưỡng người có công tỉnh phát sinh 50 - 60 m3/ngày nước thải và 350 kg/ngày chất thải rắn. Ngày 6/6/2021, tại các BV: Ung bướu, Đa khoa, Tâm thần và huyện: Yên Dũng, Lạng Giang, Việt Yên thu gom được 13.196 kg chất thải; BV Phục hồi chức năng tỉnh phát sinh 60m3/ngày và 286 kg/ngày chất thải rắn; BV Dã chiến số 1 (Xã Tân Mỹ, TP. Bắc Giang) phát sinh 60 m3/ngày nước thải và 895 kg/ngày chất thải rắn.
Để đảm bảo công tác phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý nước thải, chất thải phát sinh do dịch bệnh Covid-19 từ các cơ sở, địa phương, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang yêu cầu các Sở, cơ quan, đơn vị tập trung thực hiện các biện pháp cấp bách trong quản lý chất thải phát sinh do dịch bệnh Covid-19. Theo đó, các cơ sở y tế, BV dã chiến, cơ sở điều trị và chăm sóc bệnh nhân, khu xét nghiệm, khu vực cách ly trên địa bàn tỉnh khẩn trương xây dựng, điều chỉnh và tổ chức thực hiện kế hoạch thu gom, vận chuyển, lưu giữ, và xử lý chất thải, đặc biệt đối với chất thải y tế phát sinh tại các khu vực trên đảm bảo phù hợp với việc điều chỉnh thời gian cách ly tập trung, thời gian quản lý sau khi kết thúc cách ly tập trung và xét nghiệm phòng chống dịch Covid-19 tại Công điện số 600/CĐ-BCĐ ngày 5/5/2021 của Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch Covid-19. Đồng thời, bố trí bộ phận phụ trách vấn đề môi trường, làm tốt việc thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải sinh hoạt, chất thải y tế phát sinh tại cơ sở, địa phương theo hướng dẫn của các cơ quan chức năng, đảm bảo không để tồn đọng, phát sinh dịch bệnh, ô nhiễm môi trường.
Đối với chất thải y tế có nguy cơ lây nhiễm, Sở Y tế, UBND các huyện, TP phổ biến, hướng dẫn các cơ sở y tế, BV dã chiến, KCLTT… thực hiện nghiêm túc việc phân loại, thu gom, xử lý chất thải y tế phát sinh tại cơ sở, địa phương theo đúng hướng dẫn của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 và Bộ Y tế. Các cơ sở y tế, BV dã chiến, đơn vị quản lý các KCLTT chủ động liên hệ, trực tiếp ký hợp đồng với Công ty CP Xử lý, tái chế chất thải công nghiệp Hòa Bình (là cơ sở đang hoạt động trên địa bàn tỉnh Bắc Giang có năng lực, chức năng xử lý chất thải công nghiệp, nguy hại) để thực hiện việc thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải y tế phát sinh trong ngày. UBND các huyện, TP (đang thuộc diện bị phong tỏa, cách ly y tế, giãn cách xã hội) chỉ đạo UBND các xã, phường tăng cường tuyên truyền, phổ biến các quy định, hướng dẫn về việc thu gom, phân loại, quản lý chất thải, vệ sinh môi trường, khử khuẩn đối với các khu vực cách ly y tế, nơi lưu trú, điểm chốt phòng, chống dịch Covid-19; trực tiếp ký hợp đồng với Công ty CP Xử lý, tái chế chất thải công nghiệp Hòa Bình để thực hiện việc vận chuyển, xử lý chất thải y tế phát sinh trên địa bàn.
Lực lượng phòng hóa Quân khu phun khử khuẩn tại KCN Vân Trung (huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang)
Với nước thải y tế, Sở Y tế chỉ đạo các BV (Tâm thần, Phục hồi chức năng, Phổi, Nội tiết, Đa khoa tỉnh) và Trung tâm Y tế huyện Yên Dũng thực hiện tiếp nhận, xử lý nước thải y tế phát sinh từ các BV dã chiến của tỉnh trong phạm vi công suất hoạt động của Trạm xử lý theo thiết kế và đảm bảo nước thải sau xử lý đạt Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải y tế trước khi xả thải ra ngoài môi trường. UBND TP. Bắc Giang chỉ đạo Công ty CP Quản lý công trình đô thị Bắc Giang hàng ngày bố trí xe bồn chuyên dụng vận chuyển nước thải phát sinh từ cơ sở y tế, BV dã chiến trên địa bàn TP và khu vực lân cận về Trạm xử lý nước thải của các BV, Trung tâm Y tế huyện Yên Dũng để xử lý theo quy định. Đồng thời, các đơn vị quản lý, vận hành BV dã chiến phải thực hiện nghiêm túc việc xử lý và khử trùng nước thải y tế (bằng Clorin viên nén nồng độ 90%) trước khi chuyển giao cho đơn vị tiếp nhận để vận chuyển đi xử lý theo quy định; chủ động liên hệ, ký hợp đồng với Công ty CP Xử lý, tái chế chất thải công nghiệp Hòa Bình để vận chuyển, xử lý nước thải y tế phát sinh từ cơ sở, đơn vị trong trường hợp Trạm xử lý nước thải y tế của các BV trên và Trung tâm Y tế huyện Yên Dũng không còn khả năng tiếp nhận
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 hiện nay trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là tại các KCN và vướng mắc của các huyện, Sở TN&MT cũng đã có hướng dẫn cụ thể việc thu gom, quản lý, xử lý chất thải phát sinh tại các khu điều trị, KCLTT, khu dân cư cách ly y tế, các điểm chốt phòng dịch Covid-19, tại doanh nghiệp.
Đối với các khu điều trị người mắc Covid-19, toàn bộ chất thải rắn phát sinh từ khu vực điều trị người mắc Covid-19 trong cơ sở y tế được coi là chất thải lây nhiễm và phải được thu gom, quản lý như đối với chất thải y tế nguy hại, cụ thể như sau: Chất thải phát sinh phải được phân loại ngay vào thùng màu vàng đựng chất thải lây nhiễm có nắp đậy, có lót túi, có biểu tượng cảnh báo chất thải có chứa chất gây bệnh. Bên ngoài túi, thùng có dán nhãn “CHẤT THẢI CÓ NGUY CƠ CHỨA SARS-CoV-2”. Trước khi thu gom, túi đựng chất thải có nguy cơ chứa SARS-CoV-2 phải buộc kín miệng túi và tiếp tục bỏ vào túi đựng chất thải lây nhiễm thứ 2, buộc kín miệng túi và bỏ vào thùng có dán nhãn “CHẤT THẢI CÓ NGUY CƠ CHỨA SARS-CoV-2”. Thùng thu gom chất thải phải có thành cứng, có bánh xe đẩy và được lưu giữ tạm thời tại khu vực riêng biệt, tối thiểu 1 lần/ngày được thu gom về khu lưu giữ tập trung trong khuôn viên của cơ sở y tế. Trong quá trình thu gom, thùng đựng chất thải phải đậy nắp kín, đảm bảo không bị rơi, rò rỉ chất thải ra ngoài, sau đó, sử dụng xe chuyên dụng hoặc các phương tiện khác đã được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận, thùng đựng chất thải phải có thành cứng chịu được va đập, có nắp đậy kín, đảm bảo không bị rơi hoặc rò rỉ chất thải, bên ngoài thùng có dán nhãn “CHẤT THẢI CÓ NGUY CƠ CHỨA SARSCoV-2”. Đặc biệt, ưu tiên xử lý tại cơ sở y tế ngay trong ngày bằng lò đốt chất thải rắn y tế hoặc bằng thiết bị hấp chất thải lây nhiễm hoặc thiết bị khử khuẩn khác đã được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận, đảm bảo đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường. Vận chuyển chất thải ngay trong ngày đến cơ sở xử lý chất thải y tế nguy hại tập trung hoặc cơ sở xử lý chất thải nguy hại có chức năng. Ngoài ra, nước thải phát sinh phải được thu gom vào hệ thống xử lý nước thải tập trung của cơ sở y tế và tăng cường xử lý khử khuẩn nước thải đầu ra, đảm bảo đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải y tế (QCVN 28:2010/BTNMT) trước khi xả thải ra môi trường.
Với khu vực cách ly tập trung, toàn bộ chất thải rắn phát sinh (trừ rác thải sinh hoạt khu vực nhà bếp, rác thải vệ sinh khuôn viên... chưa có sự tiếp xúc có khả năng nhiễm SARSCoV-2) được coi là chất thải lây nhiễm và phải được thu gom, quản lý như đối với chất thải tại mục 1 nêu trên. Đối với rác thải sinh hoạt chưa có sự tiếp xúc có khả năng nhiễm SARSCoV-2 được thu gom, xử lý ngay trong ngày theo quy định về quản lý rác thải sinh hoạt. Trước khi đưa rác thải sinh hoạt lên xe vận chuyển để đưa đi xử lý phải thực hiện phun khử trùng. Trường hợp, rác thải sinh hoạt xử lý bằng phương pháp chôn lấp phải được phun khử trùng, rắc vôi bột và phủ 1 lớp đất hoặc cát dày 20 cm lên trên. Nước thải phát sinh từ khu vực cách ly tập trung phải bố trí bể hoặc thiết bị khử trùng trước khi thải ra môi trường.
Tại khu dân cư cách ly y tế, với chất thải là khẩu trang, khăn, giấy lau mũi miệng thải bỏ của người được cách ly phải được thu gom vào túi đựng chất thải sau đó xịt cồn 70 độ để khử trùng, buộc chặt miệng túi và cho vào thùng có nắp đậy kín ngay tại nhà. UBND cấp huyện, cấp xã bố trí đơn vị đến thu gom vận chuyển, xử lý. Việc thu gom, xử lý chất thải lây nhiễm được thực hiện theo hướng dẫn như trên. Chất thải rắn sinh hoạt trước khi đưa lên xe vận chuyển để đưa đi xử lý phải thực hiện phun khử trùng. Trường hợp rác thải sinh hoạt xử lý bằng phương pháp chôn lấp phải được phun khử trùng, rắc vôi bột và phủ 1 lớp đất hoặc cát dày 20 cm lên trên. Đối với các điểm chốt phòng, chống dịch Covid-19, chất thải (quần áo bảo hộ, khẩu trang, găng tay, thức ăn thừa...) tại các điểm chốt được thu gom vào túi, xịt cồn 70 độ để khử trùng, buộc chặt miệng túi và cho vào thùng chứa rác có nắp đậy, sau đó được thu gom, xử lý cùng rác thải sinh hoạt của địa phương (trên địa bàn đặt chốt). Nếu rác thải sinh hoạt xử lý bằng phương pháp chôn lấp phải được phun khử trùng, rắc vôi bột và phủ 1 lớp đất hoặc cát dày 20 cm lên trên.
Bên cạnh đó, Ban quản lý các KCN tỉnh cũng hướng dẫn các doanh nghiệp hoạt động trong KCN thực hiện các biện pháp thu gom, xử lý chất thải theo nội dung Báo cáo đánh giá tác động môi trường, Kế hoạch BVMT đã được phê duyệt, xác nhận, khuyến khích các doanh nghiệp tổ chức phun khử trùng chất thải trước khi chuyển giao cho đơn vị có chức năng vận chuyển, xử lý; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát hoạt động thu gom, vận chuyển, chất thải của các doanh nghiệp trong KCN để kịp thời có biện pháp xử lý theo quy định.
Đặc biệt, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các đơn vị có chức năng thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải công nghiệp, nguy hại ở ngoài địa bàn tỉnh Bắc Giang không thể vào thu gom, vận chuyển, xử lý cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã gây ra tình trạng tồn đọng rác thải lâu ngày ở các doanh nghiệp trong các KCN, đồng thời phát sinh chất thải y tế từ các KCLTT, khu điều trị và rác thải từ các BV dã chiến điều trị bệnh nhân mắc Covid-19... Vì vậy, Sở TN&MT đã ban hành Công văn số 1722/TNMT-BVMT ngày 21/5/2021 về việc hướng dẫn xử lý rác thải tồn đọng tại các điểm phòng, chống dịch Covid-19, gửi các cơ sở y tế và các đơn vị, doanh nghiệp; trong đó đề nghị các đơn vị, tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm quản lý chất thải y tế, chất thải công nghiệp, chất thải nguy hại... ở các cơ sở, BV, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là ở các địa phương, KCN... đang thuộc diện bị phong tỏa, cách ly y tế, giãn cách xã hội thực hiện quản lý chất thải theo hướng dẫn trên, đồng thời liên hệ với đơn vị có chức năng xử lý chất thải công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã được Bộ TN&MT cấp phép là Công ty cổ phần xử lý và tái chế chất thải công nghiệp Hòa Bình để thu gom, vận chuyển và xử lý tại các điểm phòng, chống dịch trên địa bàn tỉnh, không để tồn đọng, nguy cơ gây bệnh dịch phát sinh, ô nhiễm môi trường tích lũy.
Kiểm tra thường xuyên công tác xử lý môi trường tại các khu cách ly
Nhằm đảm bảo môi trường trong các khu cách ly, cơ sở điều trị bệnh nhân Covid-19, tránh lây lan dịch bệnh trong quá trình xử lý nước thải, thu gom chất thải y tế, ngày 21/5/2021, Sở TN&MT đã tổ chức khảo sát thực tế hoạt động thu gom, xử lý rác thải, nước thải tại BV dã chiến số 2 của Bộ Quốc phòng (Quế Nham - Tân Yên). Qua khảo sát cho thấy, BV đã bố trí các thiết bị lưu chứa chuyên dụng tại mỗi phòng bệnh, mỗi tầng và khu chứa tạm thời chất thải có nguy cơ lây nhiễm. Tuy nhiên, toàn bộ nước thải sinh hoạt từ các khu vệ sinh được thu gom, xử lý qua bể tự hoại, nước thải từ quá trình tắm, giặt… thu gom vào 1 đường thoát riêng, thải vào hệ thống thoát nước mưa của khu vực, sau đó thải ra ngoài môi trường, do đó, chưa đảm bảo yêu cầu xử lý khi tiếp nhận, điều trị bệnh nhân. BV đang thi công 1 bể chứa nước thải tập trung với dung tích khoảng 200 m3. Chính vì thế, Sở đã đề nghị BV thực hiện bố trí đường ống (hoặc sử dụng téc chứa) để khử khuẩn nước thải sinh hoạt và nước thải y tế bằng Clorin viên nén, nồng độ 90% trước khi đưa về bể chứa nước thải tập trung và tiếp tục được khử trùng bằng Clorin, thường xuyên phun khử khuẩn khu vực bể chứa nước thải, bố trí vị trí thuận lợi để đơn vị có chức năng đến vận chuyển nước thải từ bể chứa đi xử lý; thực hiện thu gom, phân loại, quản lý chất thải rắn phát sinh theo quy định tại Thông tư số 58/2015/TTLT-BYT-BTNMT về quản lý chất thải y tế và Thông tư số 36/2015/TT-BTNMT về việc quản lý chất thải nguy hại.
Ngoài ra, Sở cũng đề xuất Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh phối hợp với UBND TP chỉ đạo Công ty CP quản lý công trình đô thị Bắc Giang bố trí xe bồn để thu gom, vận chuyển trong ngày nước thải của BV dã chiến số 2 đến trạm xử lý (Nhày máy xử lý nước thải tập trung của TP hoặc đơn vị khác có chức năng). Nếu không xử lý nước thải tại Nhày máy xử lý nước thải tập trung của TP Bắc Giang, thì Sở Y tế, BV Phục hồi chức năng, BV tâm thần, BV Phổi tỉnh có thể hỗ trợ xử lý nước thải này tại Trạm xử lý nước thải tập trung của các BV (các BV này đều có Trạm xử lý nước thải, công suất 150 m3/ngày), hoặc hướng dẫn BV dã chiến số 2 ký hợp đồng với đơn vị có chức năng để thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải có nguy cơ chứa SARSCoV-2.
Đồng thời, Sở đã thành lập các tổ kiểm tra, giám sát công tác xử lý môi trường tại các khu cách ly, cơ sở thu dung, điều trị bệnh nhân Covid-19; nếu phát hiện các cơ sở thực hiện chưa dảm bảo an toàn vệ sinh môi trường thì kịp thời hướng dẫn khắc phục theo thẩm quyền hoặc báo cáo, đề xuất Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, xử lý theo quy định.
Trương Công Đại
Chi cục trưởng Chi cục BVMT tỉnh Bắc Giang
(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 6/2021)