Banner trang chủ

Bắc Giang: Tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo vệ môi trường

24/01/2022

    Nhận thức được tầm quan trọng của BVMT trong phát triển bền vững của địa phương, những năm qua, cấp ủy, chính quyền các cấp, ngành trong tỉnh Bắc Giang nói chung, ngành TN&MT nói riêng đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt, cụ thể hóa và quyết liệt thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về BVMT và đạt được những kết quả quan trọng.

Những kết quả tích cực

    Năm 2021, tỉnh Bắc Giang đã ban hành một số văn bản về BVMT như: Kết luận số 99-KL/TU ngày 18/5/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc tập trung đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 17-CT/TU ngày 27/02/2020 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc huy động toàn dân tập trung thu gom, xử lý rác thải ra môi trường; Quyết định số 25/2021/QĐ-UBND ngày 1/7/2021 của UBND tỉnh về việc ban hành quy định quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Bắc Giang; Kế hoạch số 485/KH-UBND ngày 4/10/2021 của UBND tỉnh triển khai thi hành Luật BVMT năm 2020.

    Với trách nhiệm quản lý nhà nước về BVMT quy định tại khoản 1 Điều 143 và trong các điều, khoản khác của Luật BVMT, các văn bản hướng dẫn thi hành, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành 8 văn bản; đôn đốc triển khai thực hiện Chỉ thị số 17-CT/TU ngày 27/2/2020, Kết luận số 99-KL/TU ngày 18/5/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; Kế hoạch số 58/KH-UBND ngày 16/3/2020 và Kế hoạch số 278/KH-UBND ngày 18/6/2021 của UBND tỉnh; Xây dựng, quản lý hệ thống quan trắc môi trường của địa phương phù hợp với quy hoạch tổng thể quan trắc môi trường quốc gia. Đồng thời, thực hiện nhiệm vụ kế hoạch quan trắc hiện trạng môi trường hàng năm theo các điểm mạng lưới quan trắc môi trường tỉnh Bắc Giang với tổng số 153 điểm, trong đó: 53 điểm quan trắc môi trường không khí xung quanh, 21 điểm quan trắc môi trường đất 29 vị trí nước dưới đất, tại 50 vị trí quan trắc nước mặt; hoàn thiện và tiếp nhận, quản lý, vận hành hệ thống tiếp nhận quan trắc tự động đối với 19 cơ sở với 32 trạm quan trắc nước thải, khí thải.

    Ngay khi dịch bệnh bắt đầu xuất hiện và có xu hướng diễn biến phức tạp, Chủ tịch UBND tỉnh đã kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo về BVMT liên quan đến công tác thu gom, xử lý chất thải trong phòng chống dịch bệnh như: Công văn số 2498/UBND-KTN ngày 28/5/2021 thực hiện thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải, nước thải y tế trong giai đoạn dịch Covid-19; Công văn số 2674/UBND-KTN ngày 6/6/2021 phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải phát sinh từ các trung tâm y tế, bệnh viện dã chiến, khu cách ly, cơ sở thu dung, điều trị bệnh nhân Covid-19; Kế hoạch số 289/KH-UBND ngày 24/6/2021 tổ chức tập trung khử khuẩn, xử lý môi trường để đảm bảo hoạt động sản xuất, kinh doanh trong tình hình mới...

    Nhằm tập trung thực hiện các biện pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh do bị tác động của dịch Covid-19, UBND tỉnh chỉ đạo các ngành điều chỉnh giảm kế hoạch thanh tra, kiểm tra đối với các DN. Tuy nhiên, việc giám sát, nắm bắt tình hình của các DN trong việc thực hiện quy định của pháp luật về BVMT vẫn được thực hiện thường xuyên. Trong đó, cấp tỉnh tổ chức kiểm tra việc chấp hành pháp luật về BVMT và tài nguyên nước đối với 18 cơ sở, đề nghị người có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính đối với 3 cơ sở vi phạm với số tiền 764 triệu đồng. Cấp huyện tổ chức kiểm tra chấp hành pháp luật về BVMT đối với 47 cơ sở, đề nghị người có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính đối với 17 cơ sở vi phạm với số tiền 483 triệu đồng. Các ngành chức năng của tỉnh kiểm tra, xử lý vụ việc vận chuyển chất thải nguy hại trái phép tại xã Tân Dĩnh (huyện Lạng Giang), xã Lục Sơn (huyện Lục Nam); kiểm tra việc chôn lấp chất thải trái phép tại Công ty TNHH Khải Hồng Việt Nam. Ngành Công an cũng đã xử lý hành vi vi phạm và phối hợp với cơ quan chức năng, phát hiện, xử lý 23 vụ liên quan đến lĩnh vực BVMT, xử lý vi phạm hành chính với số tiền 3,541 tỷ đồng.

    Trong năm 2021, tỉnh đã chỉ đạo thực hiện nhiều biện pháp kiểm soát các nguồn thải phát sinh và BVMT làng nghề như: Lập phương án BVMT làng nghề; xây dựng hạ tầng (TP. Bắc Giang đang xây dựng CCN Bãi Ổi, CCN làng nghề Đa Mai để di dời các cơ sở sản xuất trong khu vực làng nghề, khu vực dân cư tập trung. Làng nghề nấu rượu Vân Hà đã được đầu tư các công trình BVMT đưa ra khỏi cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng); Thành lập các tổ tự quản về BVMT trong các làng nghề. Hiện có 20 làng nghề truyền thống được UBND cấp xã lập phương án BVMT trình UBND cấp huyện phê duyệt, theo đó làng nghề có tổ tự quản về BVMT, có quy định về trách nhiệm, nghĩa vụ BVMT, đóng góp thuế, phí, tài chính cho việc xử lý, khắc phục ô nhiễm, cải thiện môi trường.

    Bên cạnh đó, hạ tầng xử lý chất thải cũng được tỉnh quan tâm đầu tư, dần đáp ứng thu gom, xử lý rác thải. Toàn tỉnh đã có 188/209 xã, phường, thị trấn được đầu tư các khu xử lý quy mô, huyện, xã và cụm xã (tổng số 220 khu xử lý rác thải, 58 lò đốt rác công nghệ và bố trí 1.394 điểm tập kết); hoàn thành giải phóng mặt bằng khu xử lý tập trung tại xã Lan Mẫu, huyện Lục Nam (9,8 ha), xã Đông Lỗ, huyện Hiệp Hòa (5 ha); đầu tư Nhà máy xử lý rác Kiên Thành - Lục Ngạn công suất 100 tấn/ngày; Nhà máy xử lý rác Thượng Lan - Việt Yên công suất 100 tấn/ngày; lắp đặt lò đốt khu xử lý rác Nham Biền - Yên Dũng công suất 60 tấn/ngày; các huyện thực hiện đầu tư lắp đặt lò đốt rác công nghệ theo Nghị quyết số 06/2020/NQ-HĐND của HĐND tỉnh, có 9/25 lò đốt công nghệ đã được lắp đặt. Phương tiện thu gom, vận chuyển xử lý rác thải có 24 xe ép rác chuyên dụng, 93 xe ô tô, 3.343 xe đẩy tay, xe thô sơ, xe tự chế khác.

Đoàn viên thanh niên tích cực thu gom rác tại huyện Yên Dũng, Bắc Giang

Tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp BVMT

    Có thể nói, công tác BVMT của tỉnh Bắc Giang trong năm 2021 đạt được nhiều kết quả tích cực. Nhận thức về BVMT của các tổ chức kinh tế, tầng lớp nhân dân được nâng lên rõ rệt; công tác quản lý nhà nước về BVMT được tăng cường; việc phòng ngừa, kiểm soát nguồn gây ô nhiễm môi trường được chú trọng… Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, công tác BVMT trên địa bàn tỉnh còn tồn tại một số khó khăn, vướng mắc như: Hạ tầng kỹ thuật xử lý nước thải các cụm công nghiệp, đô thị chưa đồng bộ, chưa được quan tâm đầu tư đúng mức (còn 19/30 CCN và 15/16 đô thị chưa có trạm xử lý nước thải tập trung); Tiến độ đầu tư công trình hạ tầng xử lý rác thải sinh hoạt còn chậm (nhà máy xử lý rác tập trung tại TP. Bắc Giang, huyện Hiệp Hòa, huyện Lục Nam); Tình trạng vi phạm pháp luật về BVMT của các tổ chức, cá nhân, cơ sở sản xuất vẫn còn diễn ra (xả thải nước thải vượt quy chuẩn; chôn lấp chất thải trái phép; sự cố hóa chất…).

    Để công tác BVMT đạt hiệu quả cao trong thời gian tới, tỉnh Bắc Giang tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp:

    Thứ nhất, đẩy mạnh truyên truyền, giáo dục, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, thống nhất cao hơn trong nhận thức của cả hệ thống chính trị, cán bộ, đảng viên, công chức, DN và các tầng lớp nhân dân về BVMT. Tăng cường gắn trách nhiệm và duy trì nền nếp chế độ đi cơ sở kiểm tra tình hình môi trường của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp. Tập trung tổ chức tuyên truyền, triển khai Luật BVMT năm 2020 (có hiệu lực từ ngày 1/1/2022) và các văn bản hướng dẫn thi hành trên địa bàn tỉnh. Năm 2022, tỉnh sẽ đầu tư hoàn thiện 3 điểm quan trắc môi trường đối với nguồn nước sông và 1 điểm quan trắc môi trường không khí xung quanh trên địa bàn tỉnh.

    Thứ hai, tăng cường tổ chức bộ máy, bố trí thêm cán bộ công chức làm công tác BVMT, đặc biệt là ở cấp cơ sở. Tăng cường kinh phí, huy động các nguồn kinh phí đầu tư lắp đặt hệ thống quan trắc tự động môi trường nước mặt, môi trường không khí để kịp thời cảnh báo, giám sát từ xa chất lượng các thành phần môi trường trên địa bàn tỉnh. Đẩy mạnh công tác thu giá dịch vụ vệ sinh môi trường, hàng năm tăng kinh phí sự nghiệp môi trường và các nguồn đầu tư khác cho các hoạt động BVMT trên địa bàn tỉnh. Rà soát, hoàn thiện các quy định về BVMT phù hợp với điều kiện thực tiễn; thực hiện Quy hoạch BVMT trong Quy hoạch tỉnh Bắc Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt). Chú trọng lồng ghép nội dung BVMT trong quy hoạch, kế hoạch phát triển của ngành, địa phương, các phong trào, cuộc vận động xã hội.

    Thứ ba, tiếp tục thực hiện nghiêm túc quy định về đánh giá tác động môi trường đối với các dự án đầu tư; rà soát, đôn đốc, yêu cầu các cơ sở đầu tư công trình BVMT và thực hiện xác nhận hoàn thành theo quy định. Kiểm tra, xử lý và yêu cầu các đơn vị chưa có thủ tục môi trường phải hoàn thành theo quy định. Kiểm soát chặt chẽ, ngăn ngừa triệt để tình trạng xả thải nước thải chưa qua xử lý, xả trộm ra môi trường của các nhà máy. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong công tác BVMT các dự án, cơ sở sản xuất, giám sát các cơ sở thu mua phế liệu có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.

    Thứ tư, tập trung giải quyết một số vấn đề môi trường cấp bách: Tiếp tục thực hiện Kết luận số 99-KL/TU về tập trung thực hiện Chỉ thị số 17-CT/TU ngày 27/2/2020 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Đẩy nhanh tiến độ đầu tư các nhà máy xử lý tập trung của tỉnh; tập trung rà soát, đề xuất xây dựng, lắp đặt lò đốt năm 2022 đảm bảo theo tiến độ đề ra, khắc phục tình trạng chậm tiến độ của năm 2021 đối với các lò đốt rác được hỗ trợ kinh phí theo Nghị quyết số 06/2020/NQ-HĐND của HĐND tỉnh. Chú trọng và nâng cao năng lực hoạt động có hiệu quả của các đơn vị chuyên trách thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải; phát huy tối đa công suất xử lý rác thải y tế, rác thải nguy của đơn vị có chức năng hiện có trên địa bàn tỉnh (Công ty CP xử lý, tái chế chất thải công nghiệp Hòa Bình - Nhà máy xử lý tại thị trấn Nham Biền, huyện Yên Dũng). Chỉ đạo UBND các huyện tập trung triển khai đầu tư, lắp đặt lò đốt rác công nghệ (bổ sung thêm 9 lò đốt: Huyện Lục Nam thêm 3 lò, huyện Hiệp Hòa thêm 2 lò, huyện Lạng Giang thêm 4 lò)…

Trương Công Đại

Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh Bắc Giang

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 1/2022)

Ý kiến của bạn