Banner trang chủ

Xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng

30/09/2014

    Các Bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường kiểm tra, giám sát, xây dựng Kế hoạch xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng thuộc phạm vi quản lý. Đó là ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tại Thông báo 378/TB-VPCP về kiểm điểm tình hình thực hiện Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg và Quyết định số 1788/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Kế hoạch xử lý triệt để cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đến năm 2020.

     Kế hoạch xử lý triệt để các cơ sở ô nhiễm môi trường nghiêm trọng là chủ trương và quyết tâm lớn của Chính phủ nhằm giải quyết các điểm nóng về ô nhiễm môi trường, thực hiện nghiêm Luật Bảo vệ môi trường. Quyết định số 64, được tiếp nối là Quyết định 1788 sau này, đã thống kê, rà soát khoảng 5.000 cơ sở và tiến hành phân loại xử lý với nhiều cấp độ khác nhau trên phạm vi cả nước.

     Theo báo cáo của các cơ quan chức năng, sau hơn 10 năm thực hiện, số lượng lớn các cơ sở ô nhiễm môi trường đã được xử lý triệt để, góp phần giảm đáng kể các điểm nóng về ô nhiễm môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Trước khi Quyết định 1788 ban hành, có 378 cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng đã hoàn thành các biện pháp xử lý. TPHCM đã di dời 1.261/1.402 cơ sở gây ô nhiễm, TP. Hà Nội xây dựng kế hoạch di dời 400 cơ sở.

 

 

     Quyết định 1788 được Thủ tướng Chính phủ ban hành vào tháng 10/2013, có một nội dung quan trọng là đến cuối 2015 sẽ tập trung xử lý triệt để, dứt điểm 229 cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng còn lại đến thời điểm đó. Trong đó có 13 cơ sở, 20 bãi rác, 10 bệnh viện “tồn” của Quyết định 64; 8 bãi rác của các tỉnh, 5 bệnh viện trực thuộc bộ, 42 bệnh viện tuyến Trung ương, tuyến tỉnh; 2 bệnh viện tư nhân, 21 trung tâm chữa bệnh, giáo dục, lao động và 108 cơ sở sản xuất, kinh doanh phát sinh gây ô nhiễm.

     Cho đến thời điểm này, việc thực hiện yêu cầu của Thủ tướng vẫn đang diễn ra khá chậm so với mục tiêu, số cơ sở được công nhận hoàn thành xử lý triệt để mới chỉ đạt 15-20%, trong khi nhiều cơ sở đã quá thời hạn xử lý theo yêu cầu.

     Do đó, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ TN&MT , trong năm 2015 xây dựng và công bố các tiêu chí đánh giá để xếp hạng về chất lượng bảo vệ môi trường đối với các địa phương và cả nước.

     Bộ TN&MT phối hợp với các Bộ, ngành liên quan nhanh chóng hoàn thiện hệ thống văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Bảo vệ môi trường và xử lý cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; nghiên cứu, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ ban hành các quy định gắn trách nhiệm của lãnh đạo Bộ, ngành, địa phương và người đứng đầu các cơ sở gây ô nhiễm trong việc xử lý triệt để các cơ sở ô nhiễm môi trường nghiêm trọng thuộc phạm vi quản lý.

    Đồng thời Bộ TN&MT chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra cùng với hướng dẫn và giám sát thực hiện tại các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; đặc biệt quan tâm đến việc thanh tra, kiểm tra các cơ sở xử lý chất thải nguy hại có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

     Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ TN&MT khẩn trương củng cố Ban Chỉ đạo liên ngành thực hiện Kế hoạch xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đến năm 2020; hoàn thiện và ban hành Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo theo đó phân công, làm rõ trách nhiệm của các Bộ, ngành trong vai trò, trách nhiệm quản lý nhà nước đối với  ngành, lĩnh vực trong phạm vi cả nước.

 

Theo Chinhphu.vn

Ý kiến của bạn