Banner trang chủ

Xử lý nghiêm khắc đối với hành vi buôn bán động vật hoang dã

15/06/2018

     Thời gian gần đây, nhiều vụ việc vi phạm pháp luật liên quan đến động vật hoang dã được phát hiện, xử lý. Tuy nhiên, các vi phạm về lĩnh vực này vẫn chưa có dấu hiệu giảm, đang đặt ra những yêu cầu cấp bách, thường xuyên đối với các cơ quan bảo vệ pháp luật và cả cộng đồng xã hội.

     Hình thức xử phạt chưa tương xứng với hành vi phạm tội

     Ngày 2/5/2018, nhờ tin báo của người dân qua đường dây nóng, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (Công an tỉnh Quảng Bình) đã giải cứu 1 cá thể voọc Hà Tĩnh bị nuôi nhốt tại một công trường ở địa phương. Cá thể voọc sau đó được chuyển về Trung tâm cứu hộ của Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng. Cùng ngày, Chi cục Kiểm lâm TP. Hồ Chí Minh tịch thu 1 cá thể khỉ nặng 2 kg bị nuôi nhốt ở một nhà hàng trong TP, chuyển giao về Trung tâm cứu hộ động vật hoang dã Củ Chi. Cảnh sát Môi trường Hà Nội cũng đã tịch thu một số bình rượu ngâm tê tê và rắn hổ mang chúa do một đối tượng ở Ðông Anh (Hà Nội) rao bán trên internet. Trước đó, cuối tháng 4/2018, Cảnh sát Môi trường và Chi cục Thủy sản tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đã tiến hành kiểm tra, tịch thu 1 cá thể rùa biển nặng 4 kg, sau đó thả về vùng biển tại địa phương. Hạt Kiểm lâm Uông Bí (Quảng Ninh) giải cứu một cá thể khỉ bị nuôi nhốt ở một nhà hàng.

     Ðầu tháng 5/2018, tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, vụ nhập khẩu trái phép 3,3 tấn vảy tê tê từ châu Phi về Việt Nam được Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn Khu vực 1 (Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh) phát hiện và bắt giữ. Trước đó, cơ quan này cũng phát hiện, bắt giữ gần 4 tấn vảy tê tê cất giấu trong các khúc gỗ hộp, nhập khẩu từ châu Phi về Việt Nam, ước tính trị giá tang vật của hai vụ trên là hơn 60 tỷ đồng. Theo Tổng cục Hải quan, từ năm 2010 đến nay, cơ quan Hải quan cả nước đã phát hiện, bắt giữ, xử lý gần 200 vụ buôn lậu, vận chuyển trái phép động thực vật hoang dã, trong đó có 65 vụ liên quan đến buôn lậu, vận chuyển trái phép ngà voi và 25 vụ liên quan đến sừng tê giác.

 

Cá thể Voọc Hà Tĩnh quý hiếm được giải cứu

 

     Kết quả nêu trên thể hiện sự quyết tâm, nỗ lực, hiệu quả trong hoạt động kiểm soát chống buôn bán, vận chuyển trái phép động thực vật hoang dã của các lực lượng chức năng trong thời gian qua.

     Tuy nhiên, do lợi nhuận lớn, mức xử phạt nhẹ, chưa đủ sức răn đe, vì vậy, số vụ vi phạm về động vật hoang dã (ÐVHD) vẫn không giảm. Vụ trộm trứng rùa biển ở Côn Ðảo xảy ra năm 2017 là một ví dụ. Ðây là lần đầu một vụ án buôn bán trứng rùa biển được đưa ra xét xử. Tòa đã tuyên án ba bị cáo, trong đó có hai án cải tạo không giam giữ và một án phạt 50 triệu đồng. Một vụ việc khác được coi là trọng điểm về tội phạm ÐVHD là vụ án "Nguyễn Mậu Chiến và đồng bọn vận chuyển, tàng trữ hàng cấm" được Tòa án nhân dân (TAND) quận Hà Ðông (TP. Hà Nội) đưa ra xét xử vào tháng 3 vừa qua. Nhưng đối tượng Nguyễn Mậu Chiến bị tình nghi cầm đầu đường dây buôn bán trái phép sừng tê giác, ngà voi và các sản phẩm ÐVHD khác từ châu Phi về Việt Nam, chỉ bị kết án 13 tháng tù và phạt bổ sung 10 triệu đồng. Ngay sau phiên tòa, Trung tâm Giáo dục thiên nhiên (ENV) đã có văn bản gửi Viện Kiểm sát, TAND TP. Hà Nội, cho rằng việc xử phạt đối tượng Chiến 13 tháng tù là bất hợp lý, không có ý nghĩa răn đe, phòng ngừa tội phạm về ÐVHD, đồng thời đề xuất kháng nghị bản án sơ thẩm theo hướng tăng nặng hình phạt đối với Nguyễn Mậu Chiến.

     Cần xử lý nghiêm

     Năm 1994, Việt Nam đã trở thành thành viên chính thức của Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES). Ðể thực hiện CITES, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 82/2006/NÐ-CP về quản lý hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, tái xuất khẩu, nhập nội từ biển, quá cảnh, nuôi sinh sản, nuôi sinh trưởng và trồng cấy nhân tạo các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm. Thủ tướng Chính phủ cũng đã có Chỉ thị về việc tăng cường chỉ đạo và thực hiện các biện pháp kiểm soát, bảo tồn các loài ĐVHĐ nguy cấp, quý, hiếm, thể hiện cam kết chính trị ở cấp cao nhất trong công tác đấu tranh với tội phạm vi phạm luật bảo vệ ĐVHD. Bộ NN&PTNT ban hành Thông tư số 04/2017/TT-BNNPTNT về việc ban hành Danh mục các loài động, thực vật hoang dã quy định trong các Phụ lục của Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp. Ðể thể hiện sự nghiêm khắc giáo dục, răn đe, đối tượng có hành vi nuôi nhốt, tàng trữ ÐVHD trái phép có thể bị xử phạt vi phạm hành chính lên đến 500 triệu đồng theo Nghị định số 157/2013/NÐ-CP và Nghị định số 103/2013/NÐ-CP (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 41/2017/NÐ-CP), hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự lên đến 15 năm tù theo quy định tại Bộ luật Hình sự 2015.

     Quy định như vậy nhưng thực tế các vụ án khi khởi tố, xét xử hiện nay vẫn còn những tranh cãi, chưa thống nhất khi áp dụng chế tài xử lý đối với các đối tượng phạm tội, dẫn đến mức xử phạt đối tượng không tương xứng với hành vi phạm tội. Thậm chí, một số địa phương đã chọn xử lý hành chính, thay vì phải truy cứu trách nhiệm hình sự tội phạm cho nên đã vô tình bỏ lọt tội phạm, làm giảm sức răn đe, giáo dục, từ đó ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác phòng, chống tội phạm ÐVHD. Ðây có thể coi là những kẽ hở, hạn chế, thiếu tính cụ thể của các quy định.

     Do vậy, trong thời gian tới, cùng với việc nâng cao ý thức của người dân, các cơ quan bảo vệ và xây dựng pháp luật cần sớm sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật phù hợp để không bỏ sót tội phạm cũng như cần xử lý nghiêm khắc loại tội phạm này. Có như vậy, công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm ÐVHD mới thật sự phát huy hiệu quả.

 

Vũ Nhung (Theo nhandan.com.vn)

Ý kiến của bạn