01/06/2018
Hiện nay, tình trạng xả thải vào các công trình thủy lợi (CTTL) diễn ra phổ biến ở hầu hết các tỉnh, TP, trong đó có TP. Hà Nội. Tuy nhiên, việc xử lý vi phạm vẫn còn hạn chế, ảnh hưởng đến hoạt động tưới tiêu, phục vụ sản xuất nông nghiệp của người dân.
Các dòng sông, kênh, rạch đang “hấp hối”
Thống kê của Sở NN&PTNT Hà Nội, trên địa bàn TP có 1.638 tuyến kênh cấp 1, cấp 2 dài 2.853 km và hàng nghìn cống tưới tiêu nước. Ngoài ra, còn có gần 10.000 km kênh mương cấp 3; 18 hồ chứa nước, đập dâng do 5 công ty thủy lợi của TP quản lý, phục vụ tưới cho 281.600 ha canh tác. Hệ thống CTTL trải dài trên địa bàn các quận, huyện, thị xã, phục vụ tưới, tiêu, chống ngập úng cho địa bàn nội và ngoại thành trong mùa mưa bão. Tuy nhiên, hiện nay, nguồn nước của hệ thống CTTL trên địa bàn TP đang bị ô nhiễm và luôn biến động theo không gian, thời gian.
Kênh thoát nước trong xã Phùng Xá, huyện Thạch Thất (Hà Nội) bị ô nhiễm bởi nước thải từ các nhà máy trong KCN Thạch Thất - Quốc Oai
Cách đây hơn chục năm, nguồn nước của kênh T2 Sơn Đồng (huyện Hoài Đức) rất trong xanh, nhưng hiện đang bị ô nhiễm nghiêm trọng, bốc mùi hôi thối... Qua tìm hiểu được biết, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do nước thải từ hoạt động sản xuất tại các làng nghề chế biến nông sản như Cát Quế, Minh Khai, Dương Liễu đều đổ về đây. Ngoài ra, hệ thống thủy lợi của Hà Nội đang bị người dân, cơ sở sản xuất, kinh doanh biến thành nơi chứa chất thải nông nghiệp, công nghiệp, xác động vật chết, rác thải sinh hoạt… Cụ thể, trên tuyến kênh tiêu sông Cầu Bây, hiện có 38 điểm xả nước thải của thị trấn Trâu Quỳ, các xã Đa Tốn, Kiêu Kỵ (huyện Gia Lâm) và phường Việt Hưng, Sài Đồng, Phúc Lợi, Thạch Bàn (quận Long Biên)... Theo kết quả phân tích chất lượng nguồn nước sông Cầu Bây của Sở TN&MT Hà Nội đầu năm 2017, tất cả 16 thông số đều không đạt quy chuẩn cho phép, trong đó chỉ tiêu NH4 vượt từ 6,6 - 33,8 lần; dầu mỡ vượt 13,2 - 16,1 lần; coliform vượt 1,2 - 9,6 lần... Chất lượng nguồn nước sông không đủ điều kiện dùng cho tưới tiêu thủy lợi, bảo tồn động, thực vật thủy sinh.
Khó khăn trong xử lý vi phạm xả thải vào CTTL
Để chấn chỉnh tình trạng vi phạm Pháp lệnh Khai thác và bảo vệ CTTL, cũng như hoạt động xả nước thải vào CTTL, các Sở, ngành liên quan cần phối hợp chặt chẽ trong việc cấp phép xả thải vào CTTL; tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng nguồn nước thải của các tổ chức, cá nhân trước khi xả ra môi trường, nhất là các doanh nghiệp nằm sát bờ sông, trục kênh mương. UBND các quận, huyện tập trung rà soát, thống kê cơ sở có xả thải gây ô nhiễm nguồn nước, đặc biệt lưu ý đến việc xả thải vào hệ thống CTTL phục vụ sản xuất nông nghiệp của địa phương. Các doanh nghiệp thủy lợi trên địa bàn TP cần tăng cường kiểm tra các vi phạm về xả thải, kịp thời báo cáo cơ quan liên quan để xử lý đối tượng vi phạm. Đồng thời, nghiên cứu, đề xuất giải pháp quản lý, đấu nối các điểm xả thải vào hệ thống CTTL. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương, lực lượng cảnh sát môi trường cần xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm; đẩy nhanh tiến độ đầu tư, xây dựng hệ thống thu gom nước thải tập trung và nhà máy xử lý trước khi xả ra môi trường… Nhờ đó, sẽ hạn chế được tình trạng xả thải vào CTTL, gây ô nhiễm nguồn nước tưới cho sản xuất nông nghiệp của người dân.
Nguyễn Thị Thu Hà
Viện Quy hoạch Thủy lợi
Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 5/2018