Banner trang chủ

Việt Nam phấn đấu trở thành quốc gia tiên phong trong khu vực về giảm thiểu rác thải nhựa đại dương

02/01/2020

     Ngày 4/12/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1746/QĐ-TTg về việc ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa (RTN) đại dương đến năm 2030, nhằm thực hiện có kết quả các sáng kiến và cam kết của Việt Nam với quốc tế về việc giải quyết các vấn đề RTN mà trọng tâm là RTN đại dương, bảo đảm ngăn ngừa việc xả RTN từ các nguồn thải trên đất liền và các hoạt động trên biển, phấn đấu đưa Việt Nam trở thành quốc gia tiên phong trong khu vực về giảm thiểu RTN đại dương.

     Biển và đại dương là nguồn sống, không gian sinh tồn vô cùng quan trọng của con người và là nền tảng cơ bản cho phát triển bền vững. Tuy nhiên, hiện nay biển và đại dương đang phải đối mặt với nhiều vấn đề nghiêm trọng, điển hình nhất là ô nhiễm do rác thải đại dương, chiếm tỷ lệ lớn trong đó là RTN. RTN có kích thước từ mi-cro-mét đến hàng mét, được phân thành nhựa có kích thước lớn và vi nhựa - các mảnh nhựa có đường kính dưới 5 mi-li-mét, chứa nhiều trong mỹ phẩm và sản phẩm chăm sóc cá nhân. Bằng nhiều phương thức khác nhau, RTN trên đất liền đổ ra biển cùng với RTN phát sinh trực tiếp từ các hoạt động trên biển, tạo ra một lượng lớn RTN ở biển và đại dương. Trong môi trường biển, do đặc điểm cấu trúc và tác động của nhiều quá trình tự nhiên, RTN phát tán, lan truyền nhanh trên phạm vi rộng, RTN có kích thước lớn tiếp tục biến đổi thành vi nhựa có khả năng tích tụ kim loại nặng và các hợp chất ô nhiễm hữu cơ bền, đi vào chuỗi thức ăn, ảnh hưởng đến các sinh vật và sức khỏe của con người.

     Những tác động có hại của RTN tới môi trường và hệ sinh thái biển đã được Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) đặt ở mức cảnh báo từ năm 2014 và trở thành một vấn đề môi trường toàn cầu, được chính phủ các nước, các tổ chức quốc tế, các nhà khoa học, các tổ chức phi chính phủ và người dân trên toàn thế giới hết sức quan tâm. Cùng với nỗ lực của cộng đồng quốc tế, trong thời gian qua, Chính phủ Việt Nam đã đề xuất các sáng kiến quốc tế, cam kết chính trị mạnh mẽ và triển khai nhiều hoạt động thiết thực, nhằm quản lý và giảm thiểu RTN. Tại Kỳ họp lần thứ sáu Đại hội đồng Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF6), Việt Nam đã đề xuất sáng kiến “Thiết lập mối quan hệ đối tác khu vực các biển Đông Á về quản lý RTN đại dương”. Trong Lễ ra quân toàn quốc Phong trào chống RTN ngày 9/6/2019, Thủ tướng Chính phủ đã nêu rõ mục tiêu “Phấn đấu đến năm 2021, các cửa hàng, chợ, siêu thị ở đô thị không sử dụng đồ nhựa dùng một lần; đến năm 2025, cả nước không sử dụng đồ nhựa dùng một lần”.

     Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đặt mục tiêu “Ngăn ngừa, kiểm soát và giảm đáng kể ô nhiễm môi trường biển; tiên phong trong khu vực về giảm thiểu chất thải nhựa đại dương”. Thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW, trong bối cảnh tình hình nêu trên, Bộ TN&MT đã xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý RTN đại dương đến năm 2030 (Kế hoạch).

     Phấn đấu đến năm 2025, giảm thiểu 50% RTN trên biển và đại dương

     Kế hoạch đã khái quát được hiện trạng RTN đại dương và tình hình quản lý, ngăn ngừa RTN đại dương ở Việt Nam và thế giới, từ đó đặt ra yêu cầu cấp thiết trong việc xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý RTN đại dương đến năm 2030. Kế hoạch được xây dựng trên quan điểm: Quản lý RTN đại dương là nhiệm vụ trọng tâm của các bộ, ngành, địa phương, được tiến hành liên tục và có lộ trình giảm thiểu RTN phù hợp với điều kiện của Việt Nam; dựa trên cơ sở khoa học, công nghệ và thực tiễn; góp phần quan trọng vào việc thực hiện thành công Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Quản lý RTN đại dương là trách nhiệm của các cấp, các ngành, địa phương, tổ chức, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư và từng người dân; cần sự hỗ trợ, chia sẻ và hợp tác với các tổ chức quốc tế, các nước trong khu vực và trên thế giới; Chuyển dịch mô hình tăng trưởng theo hướng xây dựng nền kinh tế tuần hoàn, đặc biệt trong giảm sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy, tăng cường tái chế, tái sử dụng sản phẩm nhựa, nâng cao hiệu quả xử lý RTN, coi RTN là nguồn tài nguyên.

 

Các tình nguyện viên tham gia dọn rác trên bãi biển Bãi Cháy

 

     Trên cơ sở đó, Kế hoạch đã đặt ra mục tiêu cụ thể là phấn đấu đến năm 2025, giảm thiểu 50% RTN trên biển và đại dương; 50% ngư cụ khai thác thủy sản bị mất hoặc bị vứt bỏ được thu gom; 80% các khu, điểm du lịch, cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch và dịch vụ du lịch khác ven biển không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy; bảo đảm tối thiểu một năm hai lần phát động tổ chức chiến dịch thu gom, làm sạch các bãi tắm biển trên toàn quốc; 80% các khu bảo tồn biển không còn RTN. Thực hiện việc quan trắc hằng năm và định kỳ 5 năm một lần đánh giá hiện trạng RTN đại dương tại một số cửa sông thuộc 5 lưu vực sông chính tại Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, Trung Trung Bộ, Nam Trung Bộ, Nam Bộ và tại các đảo có tiềm năng phát triển du lịch thuộc 12 huyện đảo. Đến năm 2030, giảm thiểu 75% RTN trên biển và đại dương; 100% ngư cụ khai thác thủy sản bị mất hoặc bị vứt bỏ được thu gom, chấm dứt việc thải bỏ ngư cụ trực tiếp xuống biển; 100% các khu, điểm du lịch, cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch và dịch vụ du lịch khác ven biển không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy; 100% các khu bảo tồn biển không còn RTN. Mở rộng quan trắc hằng năm và định kỳ 5 năm một lần đánh giá hiện trạng RTN đại dương tại một số cửa sông thuộc 11 lưu vực sông chính và tại 12 huyện đảo. Để đạt được mục tiêu trên, Kế hoạch đề ra 5 nhiệm vụ, giải pháp:

     Tuyên truyền, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, ứng xử với các sản phẩm nhựa và RTN đại dương: Xây dựng và thực hiện các chương trình truyền thông về tác hại của các sản phẩm sử dụng một lần có nguồn gốc từ nhựa, túi ni lông khó phân hủy đối với biển và đại dương, các hệ sinh thái biển, môi trường và sức khỏe con người. Kịp thời biểu dương, khen thưởng các tổ chức, cá nhân có thành tích tốt, các sáng kiến có giá trị, đồng thời triển khai nhân rộng mô hình tốt trong phong trào thu gom, phân loại, vận chuyển và xử lý chất thải, RTN ở khu vực ven biển, trên biển. Thông tin cụ thể, chính xác về những trường hợp vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, nhất là các trường hợp vứt, đổ chất thải, RTN không đúng nơi quy định, gây ô nhiễm môi trường. Đào tạo, tập huấn, nâng cao nhận thức, tinh thần trách nhiệm, thay đổi thói quen sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần, túi ni lông khó phân hủy và hành vi xả rác thải, RTN ra môi trường đối với cộng đồng cư dân ven biển, ngư dân, thủy thủ, khách du lịch và các tổ chức, doanh nghiệp; nâng cao năng lực, kinh nghiệm quản lý chất thải, RTN cho đội ngũ cán bộ quản lý các cấp ở các địa phương có biển. Tuyên truyền, kêu gọi các tổ chức, cá nhân tăng cường tái chế, tái sử dụng chất thải nhựa, thúc đẩy xây dựng nền kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh.

     Thu gom, phân loại, lưu giữ, vận chuyển và xử lý chất thải, RTN từ các hoạt động ở khu vực ven biển và trên biển:  Tổ chức thực hiện có hiệu quả các phong trào, chiến dịch thu gom, làm sạch bãi biển quy mô quốc gia, địa phương và cộng đồng dân cư ven biển tối thiểu một năm hai lần; bố trí các thiết bị lưu chứa và các điểm tập kết chất thải, RTN phù hợp, an toàn, thuận lợi, bảo đảm mỹ quan và vệ sinh môi trường. Huy động sự tham gia của người dân trong thu gom, thống kê, phân loại RTN đại dương và phối hợp xây dựng cơ sở thông tin, dữ liệu về RTN đại dương thống nhất, phù hợp với cơ sở dữ liệu quốc gia về nguồn thải. Tạo điều kiện, khuyến khích và hỗ trợ các tổ chức, cá nhân thực hiện các hoạt động thu gom, phân loại, lưu giữ, vận chuyển, tái chế, tái sử dụng chất thải nhựa ở các lưu vực sông, khu vực các hệ sinh thái ven biển, rừng ngập mặn, các bãi tắm, vùng nước ven biển.

     Kiểm soát RTN từ nguồn: Điều tra, thống kê, phân loại, đánh giá các nguồn thải nhựa phát sinh từ đất liền và từ các hoạt động trên biển, hải đảo; thực hiện tốt mô hình phân loại chất thải, RTN tại nguồn; xây dựng, hoàn thiện hệ thống thu gom, phân loại, vận chuyển, xử lý chất thải nhựa tại các khu công nghiệp, đô thị, khu du lịch, khu dân cư tập trung ven biển, ven sông, cảng biển theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường. Lồng ghép thực hiện việc điều tra, thống kê, phân loại, đánh giá các nguồn thải nhựa từ đất liền, từ các hoạt động trên biển và hải đảo với các giải pháp, biện pháp quản lý tổng hợp lưu vực sông, các đô thị ven biển, cửa sông; tăng cường kiểm soát, quản lý việc xả thải vào nguồn nước và có biện pháp xử lý vi nhựa từ nước thải khu đô thị và khu công nghiệp, nhất là tại vùng ven biển, cửa sông, vùng biển ven bờ. Kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về thu gom và xử lý chất thải nhựa phát sinh từ các hoạt động kinh tế thuần biển, bao gồm: du lịch và dịch vụ biển, kinh tế hàng hải, khai thác dầu khí và các tài nguyên khoáng sản biển, nuôi trồng và khai thác thủy sản, năng lượng biển, đặc biệt tại các đảo có tiềm năng phát triển du lịch, dịch vụ biển và đa dạng sinh học cao thuộc 12 huyện đảo và các cấu trúc trên biển có người sinh sống. Ngăn ngừa, giảm thiểu việc thải bỏ, làm thất lạc ngư cụ khai thác thủy sản đi đôi với thực hiện nghiêm các chế tài, công cụ xử phạt vi phạm; tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý thường xuyên và đột xuất các trường hợp vi phạm về xả thải trên biển.

     Hợp tác quốc tế, nghiên cứu khoa học, ứng dụng, phát triển, chuyển giao công nghệ về xử lý RTN đại dương: Tham gia có trách nhiệm cùng cộng đồng quốc tế giải quyết vấn đề chất thải nhựa đại dương, đặc biệt với các quốc gia ASEAN và các nước khu vực biển Đông Á. Duy trì và phát triển quan hệ hợp tác với các tổ chức quốc tế về biển; chủ động ký kết và thực hiện các điều ước quốc tế; phối hợp trong việc kiểm soát, quản lý RTN đại dương. Huy động nguồn lực quốc tế trong hỗ trợ kỹ thuật, đầu tư kiểm soát RTN đại dương. Nghiên cứu, phát triển, ứng dụng, chuyển giao công nghệ, kỹ thuật trong xử lý và giảm thiểu RTN đại dương. Tổ chức vận hành Trung tâm quốc tế về RTN đại dương sau khi được thành lập; xây dựng và quản lý cơ sở dữ liệu quốc gia về RTN đại dương. Xây dựng và thực hiện các đề tài, dự án nghiên cứu xây dựng luận cứ khoa học, cơ sở thực tiễn về RTN đại dương; đánh giá các nguy cơ, rủi ro ô nhiễm và các tác động của RTN, đặc biệt là vi nhựa đối với biển và đại dương, các hệ sinh thái biển, môi trường và sức khỏe con người. Xây dựng hệ thống quan trắc, giám sát RTN đại dương dựa trên công nghệ viễn thám, giải đoán hình ảnh và hệ thống thông tin địa lý kết hợp với trí tuệ nhân tạo và tri thức bản địa.

     Điều tra, khảo sát, rà soát, nghiên cứu, xây dựng cơ chế quản lý RTN đại dương đảm bảo đồng bộ, thống nhất, hiệu lực, hiệu quả.

     Việc ban hành Kế hoạch là cơ sở để các Bộ, ngành, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của đơn vị chủ động xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện các nhiệm vụ được phân công, bảo đảm đúng tiến độ, chất lượng, hiệu quả nhằm giải quyết vấn đề cấp bách hiện nay trong quản lý môi trường biển, bảo đảm thực hiện thành công các sáng kiến của Việt Nam về quản lý RTN đại dương, góp phần thực hiện thành công Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

 

Vũ Kim Liên

Bộ TN&MT

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 12/2019)

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

    

 

Ý kiến của bạn