12/09/2016
Vào đầu tháng 7/2016, theo sự phản ánh của người dân, phóng viên báo Người đưa tin thuộc Hội Luật gia Việt Nam và một số phóng viên báo khác đã phát hiện một lượng lớn rác thải có nguồn gốc từ Công ty Formosa Hà Tĩnh được Công ty Cổ phần tư vấn xây dựng quản lý môi trường đô thị Kỳ Anh (Công ty Kỳ Anh) hợp đồng vận chuyển và bí mật chôn lấp trái phép tại một trang trại thuộc đồi Con Trò, phường Kỳ Trinh, thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh, đã gây ra những bức xúc trong dư luận. Ngay sau khi vụ việc được phát hiện, Bộ TN&MT đã vào cuộc để xử lý, giải quyết vụ việc.
Lực lượng chức năng đóng gói chất thải bùn tại trang trại thuộc địa bàn thị xã Kỳ Anh |
Tiến hành khảo sát nơi chốn lấp bùn thải
Ngày 13/7/2016, Bộ TN&MT đã cử Đoàn công tác vào phối hợp với UBND tỉnh Hà Tĩnh để xử lý và giải quyết vụ việc. Trước tiên, Đoàn công tác đã tiến hành khảo sát nơi chôn lấp bùn thải tại trang trại của ông Lê Quang Hòa - Giám đốc Công ty Kỳ Anh, thuộc đồi Con Trò, phường Kỳ Trinh, thị xã Kỳ Anh và khẳng định việc chôn lấp bùn thải của Công ty Kỳ Anh là trái với quy định của pháp luật. Tiếp đến ngày 16/7/2016, Đoàn công tác tiếp tục phát hiện Công ty Kỳ Anh chôn bùn thải trái phép tại Công viên Xanh nằm trong khuôn viên của Công ty (thuộc tổ dân phố Hưng Thịnh, phường Sông Trí, thị xã Kỳ Anh). Công ty Kỳ Anh đã tự ý đào khoảng 18 m3 bùn thải lẫn đất, chở về đổ tại bãi rác thôn Nam Xuân Sơn, xã Kỳ Tân, huyện Kỳ Anh (Bãi rác Kỳ Tân).
Sau khi nắm được tình hình của vụ việc, Đoàn công tác đã yêu cầu Công ty Kỳ Anh phải có trách nhiệm đào, thu gom, đóng gói toàn bộ lượng chất thải đã chôn lấp trái phép và hợp đồng với đơn vị có chức năng về việc vận chuyển, lưu giữ lượng chất thải thu được. Theo đó, tổng số khối lượng bùn thải Công ty Kỳ Anh mang chôn lấp trái phép được phát hiện đến ngày 17/7/2016 là 390,72 tấn, bao gồm 341,18 tấn thu từ trang trại của ông Lê Quang Hòa; 21,92 tấn thu từ Công viên xanh và 27,62 tấn thu từ bãi rác Kỳ Tân. Hiện toàn bộ lượng chất thải này đã được thu gom, vận chuyển về lưu giữ có niêm phong của cơ quan chức năng tại cơ sở xử lý chất thải của Công ty TNHH MTV chế biến chất thải công nghiệp Hà Tĩnh. Quá trình thu gom, vận chuyển chất thải được thực hiện dưới sự giám sát chặt chẽ của Đoàn công tác.
Đoàn công tác đã lập Biên bản và yêu cầu Công ty Kỳ Anh có trách nhiệm phối hợp với UBND thị xã Kỳ Anh, UBND phường Kỳ Trinh bảo vệ hiện trường khu đất đã chôn lấp bùn thải, không để cho gia súc và người không có trách nhiệm vào khu đất trước khi có các phương án xử lý tiếp theo.
Tổ chức phân tích mẫu đảm bảo tính chính xác, khách quan, khoa học
Để xác định bùn thải bị chôn lấp là chất thải nguy hại hay là chất thải thông thường, đồng thời đánh giá mức độ ô nhiễm môi trường xung quanh khu vực chôn lấp, Đoàn công tác của Bộ TN&MT đã tiến hành lấy mẫu bùn thải, mẫu đất và mẫu nước mặt tại các khu vực chôn lấp chất thải nêu trên (bao gồm 38 mẫu bùn thải, 30 mẫu đất tại vị trí chôn lấp và khu vực đất xung quanh, 1 mẫu nước giếng khoan và 3 mẫu nước suối trong khu vực). Phương pháp lấy mẫu được thực hiện theo quy định của Thông tư số 33/2011/TT-BTNMT ngày 1/8/2011 của Bộ TN&MT quy định quy trình kỹ thuật quan trắc môi trường đất, Thông tư số 29/2011/TT-BTNMT ngày 1/8/2011 của Bộ TN&MT quy định quy trình kỹ thuật quan trắc môi trường nước mặt lục địa và Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 07: 2009/BTNMT về ngưỡng chất thải nguy hại.
Do số lượng mẫu, thông số cần phân tích là trên 30 thông số môi trường/mẫu, cùng với quy trình phân tích phức tạp nên đòi hỏi phải có thời gian mới có kết quả cuối cùng. Để phân tích mẫu bùn cần thực hiện việc phơi khô mẫu trong không khí (tùy tính chất của mẫu có thể mất từ vài ngày đến 2 tuần), sau đó xử lý kích thước hạt, chuẩn bị mẫu, ngâm chiết mẫu, thực hiện các bước phân tích từng thông số, đánh giá, kiểm soát chất lượng (QA/QC) như: phân tích mẫu lặp hoặc mẫu thêm chuẩn... Ngoài ra, để đảm bảo tính chính xác, khách quan, khoa học, thận trọng, Bộ TN&MT đã giao cho 3 Phòng thí nghiệm đủ tiêu chuẩn xử lý, phân tích và đối chứng. Kết quả cho thấy, nguồn nước mặt, nước ngầm và đất tại vị trí chôn lấp bùn thải và khu vực xung quanh không bị ô nhiễm; tuy nhiên một số mẫu bùn thải chôn lấp trái phép có chứa thông số xyanua (CN-) vượt ngưỡng chất thải nguy hại.
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 85 Luật BVMT năm 2015: “Chất thải thông thường có lẫn chất thải nguy hại vượt ngưỡng quy định mà không thể phân loại được thì phải quản lý theo quy định của pháp luật về chất thải nguy hại”. Như vậy, lượng bùn thải bị chôn lấp trái phép đã được bốc xúc, lưu giữ với khối lượng là 390,72 tấn phải được quản lý theo quy định về chất thải nguy hại và phải được chuyển giao cho đơn vị có chức năng phù hợp để xử lý.
Làm rõ và xử lý trách nhiệm các bên liên quan
Từ kết quả phân tích mẫu nêu trên, Đoàn công tác đã làm rõ trách nhiệm của các bên liên quan:
Đối với chủ nguồn thải là Công ty Formosa Hà Tĩnh đã có các hành vi vi phạm: Không phân định, phân loại, xác định đúng số lượng, khối lượng chất thải nguy hại phải đăng ký và quản lý theo quy định tại khoản 5 Điều 21 của Nghị định số 179/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực BVMT; Chuyển giao chất thải nguy hại cho tổ chức, cá nhân không có giấy phép xử lý chất thải nguy hại theo quy định đối với trường hợp chuyển giao từ 5.000 kg trở lên chất thải nguy hại có thành phần nguy hại đặc biệt vượt ngưỡng chất thải nguy hại, quy định tại Điểm h, Khoản 7 Điều 21 của Nghị định số 179/2013/NĐ-CP.
Theo đó, Bộ TN&MT sẽ xử phạt theo quy định và yêu cầu Công ty Formosa Hà Tĩnh phải khắc phục ngay hậu quả do việc chuyển giao bùn thải không đúng quy định, cụ thể: Phối hợp với Công ty Kỳ Anh tiến hành ký hợp đồng chuyển giao ngay 390,72 tấn bùn thải cho đơn vị có giấy phép xử lý chất thải nguy hại phù hợp để xử lý theo quy định và chịu toàn bộ chi phí cho việc xử lý này; Đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại đối với các loại bùn thải nguy hại phát sinh theo quy định tại Điều 6 Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24/4/2015 của Chính phủ về quản lý chất thải và phế liệu.
Đối với Công ty Kỳ Anh, việc chôn lấp trái phép bùn thải nguy hại có dấu hiệu tội phạm về môi trường theo quy định tại Điều 182a của Luật số 37/2009/QH12 sửa đổi, bổ sung một số điều Bộ luật Hình sự số 15/1999/QH10. Do vậy, Bộ TN&MT đã bàn giao toàn bộ hồ sơ vụ vi phạm của Công ty Kỳ Anh cho Công an tỉnh Hà Tĩnh để điều tra, làm rõ.
Ngày 2/8/2016, Công an tỉnh Hà Tĩnh đã công bố Quyết định số 29/CSĐT- PC44 khởi tố vụ án hình sự “Vi phạm quy định về quản lý chất thải nguy hại” liên quan đến Công ty Kỳ Anh tự ý chôn lấp chất thải của Công ty Formosa Hà Tĩnh tại trang trại ở phường Kỳ Trinh, thị xã Kỳ Anh, theo Điều 182a Bộ luật Hình sự .
Nguyễn Hằng
(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 8/2016)