Banner trang chủ

Về việc bổ sung, sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường năm 2005

02/12/2013

     Theo đánh giá của nhiều hội viên Hội BVTN&MT Việt Nam, việc sửa đổi, bổ sung lần này được tiến hành bài bản, tham vấn rộng rãi, hy vọng sẽ có được văn bản luật hoàn chỉnh, tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động BVMT.

     Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) sửa đổi lần đầu, được thông qua năm 2005, có hiệu lực từ 2006 (gọi là Luật BVMT năm 2005). Như vậy, sau 8 năm thực hiện, Việt Nam quyết định sửa đổi, bổ sung. So với lần sửa đổi đầu tiên (Luật BVMT 1993, năm thông qua), thời gian phải sửa đổi có nhanh hơn (8 so với 12 năm), nhưng điều đó cũng phù hợp với tình hình hiện nay.

     Theo đánh giá của nhiều hội viên Hội BVTN&MT Việt Nam, việc sửa đổi, bổ sung lần này được tiến hành bài bản, tham vấn rộng rãi, hy vọng sẽ có được văn bản luật hoàn chỉnh, tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động BVMT.

     Từ nay đến khi Quốc hội thông qua Luật BVMT (sửa đổi), còn gần một năm, những điều chia sẻ dưới đây về việc đóng góp ý kiến sửa đổi, bổ sung Luật BVMT năm 2005 của Hội BVTN&MT Việt Nam có thể tiếp tục có tác dụng đối với việc hoàn thiện Luật.

     Trước hết là về những nội hàm tương đối mới mà chúng tôi đề nghị bổ sung: Vấn đề cộng đồng BVMT và vấn đề quy hoạch môi trường. Sau nhiều lần chỉnh sửa, Dự thảo gần đây nhất của Luật BVMT (sửa đổi) đã dành 1 chương về cộng đồng BVMT. Tuy chỉ dự thảo có 3 điều trong chương này, nhưng đây là bước tiến về mặt luật pháp rất đáng được ghi nhận. Chương về cộng đồng BVMT đã xác nhận nghĩa vụ, quyền hạn, quyền lợi BVMT của cộng đồng, tuy còn chưa thật đầy đủ. Điểm yếu nhất là chưa thể chế hóa được việc tăng cường năng lực cho cộng đồng đủ sức BVMT theo quy định của pháp luật. Thậm chí trong nội dung chi Ngân sách cho sự nghiệp BVMT, không có khoản nào dành riêng cho cộng đồng một cách rành mạch, làm cơ sở để triển khai thực tế. Hội BVTN&MT Việt Nam cho rằng, cần thiết quy định trong Luật việc giao Chính phủ ban hành Nghị định riêng về vấn đề này, hoặc trong Nghị định của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật sắp tới, cần có 1 chương riêng chi tiết hóa các quy định Luật tại chương về cộng đồng BVMT.

 

TS. Nguyễn Ngọc Sinh phát biểu tại Hội thảo Góp ý sửa đổi Luật

BVMT năm 2005 do Hội Bảo vệ TN&MT Việt Nam tổ chức tháng 11/2012

 

      Tiếp theo, nội dung đề nghị được bổ sung mới là quy hoạch về môi trường. Trong Luật BVMT năm 2005, có tới 6 nội dung liên quan quy hoạch về môi trường, nhưng nằm rải rác ở các chương, mục khác nhau. Hiện nay, việc quy hoạch về môi trường đã trở nên cấp thiết đến mức nhiều địa phương đã tự xây dựng quy hoạch. Do vậy, cần thiết quy tụ các nội dung về quy hoạch vào một chương hoặc mục, bổ sung các nội dung cần thiết luật hóa vấn đề quy hoạch về môi trường. Hiện có 2 điểm phải thống nhất: Xây dựng quy hoạch môi trường hay quy hoạch BVMT và có hay không quy hoạch ở 3 cấp, bao gồm toàn quốc, vùng kinh tế - xã hội, tỉnh/TP. Lập quy hoạch môi trường hay quy hoạch BVMT đều quan trọng, đều có ý nghĩa thực tế. Nhưng phần lớn, hội viên Hội BVTN&MT Việt Nam thiên về phương án nên luật hóa việc lập Quy hoạch BVMT vì phù hợp với tình hình và có tác dụng thực tiễn rõ ràng hơn. Về đề xuất không nên có Quy hoạch BVMT đối với các vùng kinh tế - xã hội là cũng theo lý do trên.

     Luật BVMT năm 2005 đã bỏ qua một số điều quy định của Luật BVMT năm 1993 mà đến nay, sau 8 năm thực hiện, cần thiết phải nghiên cứu phục hồi. Do bản chất và đặc thù của việc ô nhiễm môi trường, do sự phát triển của trình độ khoa học và công nghệ, do năng lực quản lý môi trường và nhận thức của cộng đồng... không phải lúc nào cũng có thể dễ dàng và ngay lập tức phát hiện ra hậu quả của ô nhiễm môi trường. Mặt khác, cần gắn trách nhiệm BVMT vào các tổ chức và cá nhân có khả năng gây ô nhiễm, bảo đảm nguyên tắc phòng ngừa và răn đe của luật pháp. Vì vậy, cần thể hiện lại yếu tố hồi tố trong Luật BVMT (sửa đổi) như Điều 53, Chương VII của Luật BVMT năm 1993.

     Việc quy định và phân cấp thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) như Luật BVMT năm 2005 đã gây ra những khó khăn trong thực hiện và đưa đến những kết quả không mong muốn. Chính vì vậy, nhiều hội viên Hội BVTN&MT Việt Nam kiến nghị xem xét lại vấn đề này đối với từng loại dự án phải lập báo cáo ĐTM. Trong khi không thực hiện được việc thẩm định báo cáo ĐTM như Luật BVMT năm 1993 đã quy định, Chính phủ cần thu hẹp danh mục các dự án cho Bộ, ngành tự thẩm định, xem xét yêu cầu lập báo cáo ĐTM sơ bộ đối với một số dự án trước khi cấp phép đầu tư. Những vấn đề này thực sự không đơn giản, nhưng bằng thực tế vừa qua, Quốc hội có thể đưa ra phương án tối ưu cho vấn đề được nêu trên.

     Hội BVTN&MT Việt Nam kiên trì với quan điểm của mình về việc không cho phép nhập chất thải dưới bất kỳ hình thức nào. Tuy nhiên, Luật BVMT năm 2005 cho phép nhập “phế liệu” với một số điều kiện. Theo định nghĩa của Luật BVMT (sửa đổi) “phế liệu” thực chất là chất thải, chỉ khác là “chất thải được sử dụng làm nguyên liệu cho sản xuất”. Nếu vậy, việc cho phép nhập “phế liệu” theo định nghĩa này tức là cho phép nhập chất thải, vì suy cho cùng, không có chất thải nào phải bỏ đi cả. Trong quá trình sửa đổi, bổ sung Luật BVMT năm 2005, có ý kiến cho rằng, còn có sự không rõ ràng trong những quy định về việc nhập khẩu “phế liệu”: Chương “Quản lý chất thải” hơn 20 Điều không nhắc gì đến “phế liệu”, những quy định ở điều nhập khẩu “phế liệu” chưa phản ánh hết được các bài học kinh nghiệm thực tế liên quan. Không nên quên rằng, theo nhiều nguồn tin, hàng nghìn contener “phế liệu” không có ai nhận đang nằm ở các bến cảng. Cần có những nỗ lực lớn trong việc soạn thảo các điều quy định về vấn đề “phế liệu”, nếu vẫn tiếp tục chủ trương cho phép nhập khẩu phế liệu thì Việt Nam sẽ trở thành bãi rác thải của thế giới như nhiều cảnh báo đã đưa ra.

     Cuối cùng, vấn đề cần đề cập tới là các quy định về việc xử lý tranh chấp môi trường. Tại một cuộc hội thảo gần đây, có ý kiến đánh giá là các vụ việc tranh chấp môi trường rất nhiều, chỉ đứng sau tranh chấp đất đai. Nhưng cần bổ sung là tranh chấp đất đai có thể giảm, còn tranh chấp môi trường sẽ tiếp tục tăng. Tranh chấp môi trường là vấn đề phức tạp, rất đặc thù. Nhiều nước trên thế giới có luật riêng về tranh chấp môi trường ví dụ như Nhật Bản, Trung Quốc, các nước EU, Ôxtrâylia... Trong khi đó, cũng giống như Luật BVMT năm 2005, Dự thảo Luật chỉ có 1 điều quy định về vấn đề này (Điều 152). Quy định như vậy quá đơn giản, không thể góp phần giải quyết được bức xúc của xã hội.

     Cần bổ sung các nội dung sao cho có thể tổ chức được việc giải quyết tranh chấp trên thực tế. Chẳng hạn, theo ý kiến nhiều chuyên gia, cần luật hóa việc cho phép thành lập tổ chức tư vấn, dạng như trọng tài, làm trung gian hòa giải các bất đồng, mâu thuẫn và tranh chấp về môi trường (ngoài tòa án). Theo kinh nghiệm nhiều nước, việc nghiên cứu thành lập tòa án môi trường cũng không phải là vấn đề quá sớm.

 

 

TS. Nguyễn Ngọc Sinh

Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam

Chuyên đề Xây dựng Luật BVMT (sửa đổi)

 

Ý kiến của bạn