Banner trang chủ

Vĩnh Phúc: Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường

13/04/2017

   Để tăng cường công tác quản lý nhà nước về môi trường, thời gian qua, tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành Chỉ thị số 13-CT/TU ngày 1/6/2005 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về BVMT trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; Chương trình hành động số 53-CTr/TU ngày 31/7/2013 của Ban Chấp hành (BCH) Đảng bộ tỉnh về thực hiện Nghị Quyết số 24-NQ/TW ngày 3/6/2013 của BCH Trung ương Đảng về chủ động ứng phó biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên thiên nhiên; Nghị Quyết số 27/2011/NQ-HĐND ngày 19/12/2011 về cơ chế hỗ trợ BVMT nông thôn giai đoạn 2012 - 2015; Quyết định số 171/QĐ-UBND ngày 17/01/2012 về phê duyệt Kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2012 - 2020; Quyết định số 335/QĐ-UBND ngày 25/1/2014 về việc phê duyệt Đề án BVMT tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2012 - 2020, hướng tới mục tiêu “Thành phố Xanh”...

Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Sở TN&MT Vĩnh Phúc ra quân trồng cây xanh, BVMT

   Ngoài ra, UBND tỉnh đã giao cho Sở TN&MT rà soát, báo cáo UBND tỉnh điều chỉnh quy định phân vùng môi trường tiếp nhận nước thải và khí thải trên địa bàn tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 01/2012/QĐ-UBND ngày 10/1/2012 cho phù hợp với các quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện hành. Đồng thời, theo Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc có 6 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng (ÔNMTNT), đến tháng 6/2011, các cơ sở này đã được cơ quan có thẩm quyền chứng nhận hoàn thành xử lý ô nhiễm triệt để. Từ năm 2012 đến nay, trên địa bàn tỉnh không phát sinh cơ sở ÔNMTNT và không có cơ sở gây ÔNMTNT thuộc danh mục tại Quyết định số 1788/QĐ-TTg ngày 1/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Kế hoạch xử lý triệt để các cơ sở gây ÔNMTNT đến năm 2020.

   Bên cạnh đó, công tác quản lý môi trường tại các khu, cụm công nghiệp (CCN) cũng được tỉnh đặc biệt quan tâm. Theo thống kê, hiện nay, trên địa bàn tỉnh, có 6 KCN đã đi vào hoạt động và xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung, tổng công suất thiết kế khoảng 18.800 m3/ngày đêm, bao gồm: KCN Kim Hoa - công suất là 1.000 m3/ngày đêm; KCN Khai Quang - 5.800 m3/ngày, đêm; KCN Bình Xuyên - 3.000 m3/ngày, đêm; KCN Bá Thiện - 5.000 m3/ngày, đêm; KCN Bình Xuyên II - 1.000 m3/ngày, đêm và KCN Bá Thiện II - 3.000 m3/ngày, đêm. Đến nay, đã có 2 KCN được lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải tự động là KCN Khai Quang và KCN Bình Xuyên II, 1 cơ sở (Công ty Honda Việt Nam) đang triển khai lắp đặt. Đối với các CCN, làng nghề tiểu thủ công nghiệp, thực trạng đầu tư cơ sở hạ tầng còn manh mún, thiếu đồng bộ. Hiện chưa có CCN, làng nghề nào có hệ thống xử lý nước thải tập trung đáp ứng quy định về BVMT.

   Nhằm kiểm soát môi trường trên địa bàn toàn tỉnh, tỉnh đã đầu tư xây dựng 6 hệ thống quan trắc tự động, cảnh báo về môi trường tại các khu đô thị, các khu vực tập trung nguồn thải lớn, gồm 3 hệ thống quan trắc khí thải, 3 hệ thống quan trắc nước thải. Để chấn chỉnh, tăng cường công tác quản lý rác thải, vệ sinh môi trường nông thôn, tháng 4/2016, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành Chỉ thị số 08/CT-UBND ngày 21/4/2016, Kế hoạch số 2903/KH-UBND ngày 12/5/2016. Đồng thời, tổ chức hội nghị quán triệt đến toàn thể lãnh đạo các Sở, ngành, cấp ủy, chính quyền các cấp.

   Cùng với đó, để tăng cường công tác quản lý chất thải rắn (CTR) sinh hoạt, Vĩnh Phúc đã phê duyệt Quy hoạch quản lý CTR đến năm 2020. Trên địa bàn đã có 1 nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt tập trung, công suất 150 tấn/ngày tại thị trấn Hợp Hòa - huyện Tam Dương và lắp đặt 33 lò đốt rác quy mô cấp xã, thị trấn để xử lý rác thải sinh hoạt ở khu vực nông thôn, góp phần giải quyết những khó khăn, bức xúc ở các địa phương. Để chấn chỉnh, tăng cường công tác quản lý rác thải, vệ sinh môi trường nông thôn, tháng 4/2016, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành Chỉ thị số 08/CT-UBND ngày 21/4/2016, Kế hoạch số 2903/KH-UBND ngày 12/5/2016, đồng thời, tổ chức hội nghị quán triệt đến toàn thể lãnh đạo các Sở, ngành, cấp ủy, chính quyền các cấp.

   Để đánh giá, khoanh vùng và xử lý các khu vực ô nhiễm hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu, Vĩnh Phúc đã hoàn thành việc khảo sát, đánh giá mức độ ô nhiễm và đang xin ý kiến Bộ TN&MT về phương án xử lý để triển khai thực hiện. Trong công tác thanh tra, kiểm tra về BVMT, Sở xác định đây là một nhiệm vụ quan trọng nhằm quản lý, kiểm soát ô nhiễm môi trường, ngăn chặn vi phạm và xử lý nghiêm minh đối với những hành vi hủy hoại môi trường. Định kỳ hàng năm, Sở tổ chức thanh tra, kiểm tra các sơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh về chấp hành các quy định pháp luật về BVMT. Tính riêng năm 2016, Sở TN&MT đã tiến hành thanh, kiểm tra 165 cơ sở sản xuất, kinh doanh, qua đó phát hiện và xử phạt vi phạm hành chính đối với 19 cơ sở, với số tiền nộp phạt là 557 triệu đồng. Ngoài ra, trong năm 2016, Sở cũng phối hợp với Bộ TN&MT tổ chức thanh tra 24 cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn.

Nhà máy xử lý nước thải xã Quất Lưu, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc 

   Thực hiện Chỉ thị số 25/CT-TTg ngày 31/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách về BVMT, Vĩnh Phúc đã phổ biến, quán triệt và triển khai các nội dung của Chỉ thị đến tất cả các cấp, ngành. Đồng thời, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 729/KH-UBND ngày 8/2/2017 về triển khai thực hiện Chỉ thị số 25/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về BVMT trên địa bàn tỉnh; chủ động phòng ngừa, ngăn chặn kịp thời tình trạng gia tăng ô nhiễm, giải quyết dứt điểm các điểm nóng về ô nhiễm môi trường. Theo đó, Kế hoạch tập trung vào 4 nội dung: Tuyên truyền, nâng cao nhận thức về BVMT cho cộng đồng thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng, tăng tần suất, thời lượng và đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền. Đồng thời, tổ chức tập huấn, nâng cao trình độ cho các cán bộ làm công tác quản lý, BVMT của các Sở, ngành, UBND các cấp và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; Tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật BVMT, cụ thể là rà soát, ban hành các quy định về BVMT theo hướng không đầu tư đối với những dự án đầu tư sử dụng công nghệ lạc hậu, tiêu tốn nhiều năng lượng, hoặc loại hình sản xuất, kinh doanh có nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường; Tăng cường và chấn chỉnh công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm, phòng ngừa kiểm soát ô nhiễm, rà soát các nguồn thải để xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về nguồn thải trên toàn tỉnh. Bên cạnh đó, tổ chức rà soát các báo cáo đánh giá tác động môi trường, kế hoạch BVMT, đề án BVMT đã được phê duyệt và đầu tư hoàn thiện hệ thống quan trắc môi trường tự động; Nâng cao năng lực hiệu quả quản lý và huy động nguồn lực cho BVMT, tăng kinh phí sự nghiệp môi trường không dưới 1,0% tổng chi ngân sách nhà nước theo tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế, đa dạng hóa các nguồn vốn đầu tư, đẩy mạnh xã hội hóa công tác BVMT trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, Kế hoạch cũng đã phân công cụ thể các ngành, các cấp thực hiện từng nội dung trên.

Phạm Mạnh Cường

Chi cục BVMT Vĩnh Phúc

Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 3/2017 

Ý kiến của bạn