13/01/2017
Tỉnh ủy Phú Thọ vừa ban hành Nghị quyết số 23 -NQ/TU về tăng cường công tác BVMT, trong đó nhấn mạnh BVMT là yêu cầu xuyên suốt trong quá trình phát triển; phát triển kinh tế - xã hội gắn kết với việc coi trọng và thực hiện tốt công tác BVMT, đảm bảo phát triển bền vững; thu hút đầu tư phải bảo đảm các yêu cầu về BVMT; không cho phép đầu tư vào các loại hình sản xuất, sử dụng công nghệ sản xuất lạc hậu có nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường (ÔNMT); từng bước hoàn thiện quy trình xử lý, phục hồi môi trường theo quy chuẩn.
Theo đó, đến năm 2020, tỉnh phấn đấu 100% các cơ sở sản xuất mới xây dựng phải áp dụng công nghệ sạch, hoặc trang bị các thiết bị giảm thiểu ô nhiễm, xử lý chất thải đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn môi trường; 100% cụm công nghiệp xây dựng mới phải có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt quy chuẩn theo quy định của Luật BVMT; Tỷ lệ rác thải đô thị được thu gom, xử lý đạt 100%, khu dân cư tập trung ở nông thôn đạt 65%; 100% chất thải rắn và chất thải y tế được xử lý đạt tiêu chuẩn.
Bảo tồn những giá trị ĐDSH của VQG Xuân Sơn |
Các kết quả đạt được và một số tồn tại trong công tác BVMT
Trong thời gian qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền và cả hệ thống chính trị của tỉnh Phú Thọ đã vận dụng, cụ thể hóa các chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác quản lý tài nguyên, BVMT, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH) và bước đầu đã đạt được một số kết quả quan trọng. Nhận thức và hành động của các cấp, các ngành và người dân về BVMT được nâng lên rõ rệt; công tác quản lý nhà nước có sự chuyển biến tích cực và phát huy hiệu lực, hiệu quả; công tác thanh tra, kiểm tra được tăng cường; việc thẩm định, đánh giá tác động môi trường được chú trọng; cơ bản đã giải quyết các điểm nóng về môi trường; từng bước cải tạo, phục hồi khu vực ô nhiễm, công tác bảo tồn đa dạng sinh học (ĐDSH), được quan tâm, giữ vững độ che phủ rừng... Qua đó, tạo bước chuyển biến trong quản lý, sử dụng và bảo vệ tài nguyên theo hướng hợp lý và hiệu quả, chủ động ứng phó với BĐKH, bảo đảm chất lượng môi trường, duy trì cân bằng sinh thái, hướng tới nền kinh tế xanh, thân thiện với môi trường và phát triển bền vững.
Tuy nhiên, ÔNMT vẫn tiếp tục gia tăng, có nơi nghiêm trọng; tài nguyên chưa được quản lý, khai thác, sử dụng có hiệu quả và bền vững; công tác ứng phó với BĐKH còn bị động, thiếu giải pháp đồng bộ; việc thu gom xử lý chất thải, nước thải trong các khu, cụm công nghiệp, cơ sở sản xuất, vệ sinh môi trường ở nông thôn và làng nghề còn bất cập; việc phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt hạn chế; việc xử lý chất thải rắn, chất thải nguy hại chưa triệt để; tình trạng ÔNMT trong chăn nuôi chưa được giải quyết tốt; trang thiết bị phục vụ cho công tác giám sát, quản lý môi trường còn thiếu, chưa đồng bộ...
Nguyên nhân của những tồn tại trên là do nhận thức, ý thức và trách nhiệm của một số cấp ủy, chính quyền, tổ chức xã hội, doanh nghiệp và người dân về BVMT, ứng phó với BĐKH, chưa đầy đủ, chưa xác định đây là một nhiệm vụ quan trọng gắn với phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Một số cơ chế, chính sách còn nhiều bất cập, thiếu đồng bộ, chưa sát với thực tế, tính khả thi thấp; công tác quản lý nhà nước, tổ chức thực hiện chưa thực sự chủ động, sự phối hợp còn thiếu chặt chẽ; nguồn lực đầu tư hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu, thiếu các cơ chế hiệu quả để thu hút đầu tư; các biện pháp phòng ngừa, kiểm soát áp dụng chưa triệt để; hiệu lực, hiệu quả trong kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm chưa cao; chưa thực hiện được nhiều chủ trương xã hội hóa trong quá trình triển khai thực hiện.
Một số giải pháp nhằm tăng cường công tác BVMT
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền: Các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội… tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về vai trò, tầm quan trọng của công tác BVMT. Mặt trận Tổ quốc tỉnh và các tổ chức thành viên phối hợp, phản biện, giám sát hoạt động BVMT; phát huy vai trò của báo chí trong công tác BVMT. Đồng thời, xây dựng tiêu chí môi trường trong quá trình bình xét thi đua; nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến; tổ chức tuyên dương, khen thưởng tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong BVMT và có biện pháp xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về BVMT.
Tăng cường công tác quản lý nhà nước về BVMT: Rà soát, sắp xếp tổ chức bộ máy, tăng cường năng lực quản lý môi trường, ưu tiên cấp huyện, xã và cơ quan quản lý có liên quan. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra; xử lý nghiêm, kịp thời các vi phạm pháp luật về BVMT; kiểm soát chặt chẽ môi trường của các khu, cụm công nghiệp, cơ sở sản xuất có nguồn thải, công suất xả thải lớn, nguy cơ gây ô nhiễm cao. Bên cạnh đó, nâng cao chất lượng báo cáo đánh giá tác động môi trường, xác nhận hoàn thành công trình, biện pháp BVMT; sửa đổi, bổ sung các quy định về BVMT theo hướng ngăn chặn các dự án đầu tư sử dụng công nghệ lạc hậu, có nguy cơ cao gây ÔNMT.
Khắc phục tình trạng ô nhiễm và suy thoái môi trường; bảo vệ và khai thác hợp lý, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên: Trên cơ sở quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, các dự án đầu tư phải có kế hoạch sử dụng đất được chấp thuận, phải đầu tư công trình, biện pháp BVMT để kiểm tra trước khi đưa vào hoạt động chính thức; nâng cao hiệu quả sử dụng đất trong nông nghiệp, cần tăng cường áp dụng các biện pháp canh tác đảm bảo cân bằng sinh thái, chống rửa trôi, xói mòn, nâng cao chất lượng đất, giảm thoái hóa đất; Thực hiện quy hoạch, chiến lược về khai thác và sử dụng bền vững tài nguyên khoáng sản; các dự án khai thác khoáng sản phải được thẩm định đánh giá tác động môi trường, lập phương án cải tạo và ký quỹ cải tạo phục hồi môi trường theo đúng quy định; Tổ chức lập và triển khai thực hiện quy hoạch, khai thác và sử dụng tài nguyên nước; kiểm soát các nguồn thải xả vào nguồn nước; xây dựng các biện pháp nhằm bảo vệ nguồn tài nguyên nước.
Bảo tồn thiên nhiên và ĐDSH: Khẩn trương hoàn thiện và triển khai thực hiện “Quy hoạch Bảo tồn ĐDSH tỉnh Phú Thọ đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”, làm cơ sở thực hiện các biện pháp bảo tồn ĐDSH trên địa bàn; Tăng cường các biện pháp bảo vệ rừng đặc dụng, giữ gìn các khu bảo tồn thiên nhiên như VQG Xuân Sơn, Khu Di tích lịch sử Đền Hùng; Thực hiện các biện pháp đảm bảo chất lượng rừng phòng hộ, tăng diện tích rừng trồng phát huy hiệu quả kinh tế, góp phần BVMT và cân bằng sinh thái; Chủ động bảo vệ ĐDSH, bảo tồn các loài, giống gen quý; kiểm soát chặt chẽ việc săn bắn, buôn bán các động vật quý hiếm, loại bỏ phương thức khai thác hủy diệt và tăng cường kiểm soát sinh vật ngoại lai xâm hại.
Tăng cường đầu tư, đẩy mạnh xã hội hóa công tác quản lý tài nguyên, BVMT, chủ động ứng phó với BĐKH: Xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích cá nhân, tổ chức và cộng đồng tham gia BVMT; khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia các dịch vụ thu gom, vận chuyển, tái chế, xử lý chất thải và các dịch vụ khác về BVMT. Đồng thời, không để phát sinh cơ sở gây ÔNMT nghiêm trọng; có giải pháp xử lý triệt để các cơ sở, nhà máy, khu, cụm công nghiệp gây ÔNMT nghiêm trọng như Công ty Cổ phần Giấy Lửa Việt; bãi chôn lấp rác thải huyện Đoan Hùng, Yên Lập; Bệnh viện Đa khoa các huyện Yên Lập, Tân Sơn, Thanh Ba, Tam Nông…
Áp dụng các biện pháp kinh tế trong BVMT: Thực hiện các biện pháp thu phí BVMT đối với nước thải, phí BVMT trong khai thác khoáng sản, thuế môi trường, ký quỹ cải tạo phục hồi môi trường trong khai thác khoáng sản… đảm bảo đúng, đầy đủ nội dung và đối tượng quy định. Xây dựng và tổ chức thu phí thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt theo cơ chế giá dịch vụ do Nhà nước quy định. Thực hiện nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải trả tiền khắc phục hậu quả”, “tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sử dụng thành phần môi trường, được hưởng lợi từ môi trường có nghĩa vụ đóng góp tài chính cho BVMT”. Đồng thời, Nhà nước có chính sách, cơ chế hỗ trợ về vốn, khuyến khích về thuế, trợ giá đối với hoạt động BVMT.
Lê Phương Linh
Thành ủy Việt Trì
Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 12/2016