Banner trang chủ

Triển khai đồng bộ các biện pháp hỗ trợ, ổn định đời sống của người dân sau sự cố môi trường biển miền Trung

30/09/2016

     Ngay sau khi xảy ra sự cố môi trường nghiêm trọng tại ven biển 4 tỉnh miền Trung (Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế), làm hải sản chết bất thường, gây thiệt hại lớn về kinh tế - xã hội, hủy hoại môi trường biển, Đảng và Nhà nước đã quyết liệt chỉ đạo triển khai kịp thời các biện pháp hỗ trợ, ổn định cuộc sống của người dân vùng bị thiệt hại; đồng thời giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; bước đầu đánh giá thiệt hại về kinh tế, xã hội, môi trường.

     1. Khẩn trương xây dựng định mức bồi thường thiệt hại cho nhân dân

     Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ban hành Quyết định thành lập Ban chỉ đạo về các giải pháp để ổn định đời sống và sản xuất, kinh doanh cho nhân dân 4 tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng sự cố môi trường. Theo Quyết định, Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ tổ chức phối hợp liên ngành, giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo việc xây dựng, ban hành và triển khai thực hiện các giải pháp để ổn định đời sống và sản xuất, kinh doanh cho nhân dân 4 tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng sự cố môi trường.

     Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình - Trưởng Ban Chỉ đạo đã yêu cầu các Bộ, cơ quan là thành viên cần tập trung giải quyết dứt điểm việc bồi thường thiệt hại, hỗ trợ ổn định đời sống, phát triển sản xuất cho người dân; khắc phục hậu quả sự cố môi trường, phục hồi môi trường biển. Đồng thời phải đảm bảo Công ty Formosa Hà Tĩnh không tái phạm, khắc phục đầy đủ các sai phạm, thực hiện đầy đủ các cam kết, tuân thủ nghiêm các quy định pháp luật về xả thải ra môi trường (nước thải, khí thải, chất thải rắn…).

     Phó Thủ tướng yêu cầu UBND 4 tỉnh chỉ đạo các cơ quan chuyên môn khẩn trương hoàn thành công tác kê khai, thống kê thiệt hại theo đúng tiến độ đã đề ra. Căn cứ kết quả thống kê thiệt hại và định mức áp dụng chung được ban hành, UBND 4 tỉnh chỉ đạo UBND cấp huyện chịu trách nhiệm tính toán, xác định số tiền bồi thường đối với từng đối tượng gửi UBND tỉnh tổng hợp. Tỉnh ủy, UBND cấp tỉnh huy động toàn bộ hệ thống chính trị, đoàn thể tham gia kiểm tra, giám sát chặt chẽ, không để xảy ra tiêu cực, xử lý nghiêm các vi phạm xảy ra.

     2. Công bố thông tin về môi trường biển và việc khai thác, sử dụng hải sản

     Sau 4 tháng Công ty Formosa xả chất thải chưa qua xử lý ra môi trường làm cá chết hàng loạt, với sự vào cuộc quyết liệt của các Bộ, ngành chức năng, tại cuộc họp giao ban báo chí của Ban Tuyên giáo Trung ương diễn ra vào ngày 20/9/2016, các Bộ: Y tế, TN&MT, NN&PTNT đã công bố thông tin về môi trường biển và việc khai thác, sử dụng hải sản tại 4 tỉnh miền Trung.

     Chất lượng môi trường nước biển đạt quy chuẩn

     Ngày 22/8/2016, Bộ TN&MT đã tổ chức công bố kết quả điều tra, đánh giá mức độ, phạm vi ô nhiễm môi trường biển do sự cố môi trường gây ra tại 4 tỉnh ven biển miền Trung. Tại Lễ công bố, Bộ TN&MT đã kết luận: Chất lượng môi trường nước biển tại tất cả các khu vực được quan trắc đã nằm trong giới hạn quy định của QCVN 10-MT:2015/BTNMT, đạt quy chuẩn đối với vùng bãi tắm, thể thao dưới nước, nuôi trồng thủy sản và bảo tồn thủy sinh.

 

Người dân vùng biển Quảng Bình đã yên tâm ra khơi trở lại

 

      Trên cơ sở kết quả phân tích của 1.080 mẫu (tháng 5), 331 mẫu (tháng 6) và 68 mẫu kiểm chứng (tháng 8), so sánh, đối chiếu với QCVN 10- MT:2015/BTNMT về chất lượng nước biển, Bộ TN&MT cho biết, về cơ bản hầu hết các thông số đều nằm trong giới hạn cho phép. Đối với các thông số sắt, tổng phenol và xyanua (là các nguyên nhân chính gây sự cố môi trường), hàm lượng sắt và xyanua đã giảm đi đáng kể (xyanua nằm trong ngưỡng cho phép, chỉ còn một số khu vực thuộc vùng biển Quảng Bình và Thừa Thiên - Huế có giá trị thông số sắt ở tầng nước đáy vượt nhẹ ngưỡng cho phép của QCVN). Riêng thông số tổng phenol, trong tháng 6/2016 hàm lượng có tăng lên và một số mẫu vượt giới hạn cho phép, chủ yếu là mẫu tầng đáy. Nguyên nhân là do cơ chế nhả hấp phụ phenol từ dạng phức hỗn hợp dưới dạng hệ keo sắt và từ trầm tích đáy vào nước biển. Đến tháng 8/2016, hàm lượng tổng phenol trong nước biển đã giảm đến giá trị nhỏ hơn giới hạn cho phép.

     Việc đánh giá màng bám hệ keo sắt hấp phụ các độc tố phenol, xyanua… được thực hiện tại 9 khu vực có rạn san hô và các dạng nền đáy khác trong vùng biển 4 tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế với tổng cộng 63 điểm khảo sát. Kết quả cho thấy, thời điểm tháng 7/2016 vẫn còn hiện tượng lớp màng màu vàng bám trên bề mặt đá, rạn san hô và các khe đá tại các khu vực có rạn san hô và rạn đá ngầm, tuy nhiên lớp màng bám này đã giảm nhiều so với thời điểm khảo sát vào tháng 4 và tháng 5/2016. Hàm lượng phenol trong màng bám hệ keo sắt ở 9 khu vực được khảo sát đã giảm mạnh trong giai đoạn tháng 6 và tháng 7/2016. Điều này cho thấy, phenol trong màng bám hệ keo sắt đã được nhả hấp phụ vào nước. Nhiều nơi, hàm lượng phenol đã giảm trên 90% so với tháng 4 và tháng 5/2016 (hòn Sơn Dương, Chân Mây, Sơn Chà, Hải Vân).

     Đối với các hệ sinh thái rạn san hô, cỏ biển và nguồn lợi hải sản ở khu vực bị tác động của sự cố môi trường, nay đã bắt đầu có dấu hiệu phục hồi tích cực. Trên rạn san hô đã thấy hiện tượng san hô phục hồi tự nhiên từ những tập đoàn đã bị chết từng phần và ấu trùng san hô bắt đầu định cư và phát triển trên nền đáy rạn (rạn san hô khu vực Hòn Nồm, Hải Vân, Sơn Chà). Khu vực đảo Hòn La vẫn còn điểm san hô phát triển khá tốt. Cá kích thước nhỏ và các động vật đáy cỡ lớn khác trên các rạn san hô đã có dấu hiệu phục hồi tích cực với mật độ cao hơn giai đoạn trước.

     Hiện nay, Bộ TN&MT vẫn tiếp tục triển khai chương trình quan trắc môi trường biển các tỉnh miền Trung để theo dõi hiện trạng và diễn biến chất lượng môi trường. Theo kết quả thông báo trong tháng 8/2016, có 3 khu vực cách bờ 1,5 km bao gồm: khu vực Sơn Dương, tỉnh Hà Tĩnh (diện tích 300 km2); cửa Nhật Lệ, tỉnh Quảng Bình (diện tích khoảng 330 km2); hòn Sơn Chà, tỉnh Thừa Thiên - Huế (diện tích khoảng 160 km2), do chịu tác động của dòng xoáy cục bộ nên có một số thông số môi trường trong nước biển cao hơn so với các khu vực khác. Đến nay, theo kết quả quan trắc môi trường biển do Bộ TN&MT thực hiện tại 3 khu vực nêu trên cho thấy, tất cả các thông số quan trắc đều nằm trong giới hạn quy định của QCVN 10-MT:2015/BTNMT, đạt quy chuẩn đối với vùng nuôi trồng thủy sản và bảo tồn thủy sinh. Như vậy, có thể thấy, với sự kiểm soát chặt chẽ các nguồn phát thải từ Công ty Formosa Hà Tĩnh và do cơ chế làm sạch tự nhiên của môi trường, hàm lượng các chất ô nhiễm từ sự cố môi trường đã giảm theo thời gian.

     Hải sản sống ở tầng nổi đảm bảo an toàn để sử dụng làm thực phẩm

     Để trả lời câu hỏi đang được dư luận đặc biệt quan tâm là hải sản ở khu vực này đã an toàn hay chưa, Bộ Y tế đã có kết luận, tất cả hải sản như cá ngừ, cá thu, cá nục các loại, cá chỉ vàng, cá bạc má, cá hố, cá bò, cá cam, cá trích, cá đối, cá cơm và các loại hải sản khác sống ở tầng nổi, hải sản sống ở đầm nuôi của 4 tỉnh miền Trung đều đảm bảo an toàn để sử dụng làm thực phẩm. Đối với các hải sản như ghẹ, tôm, tôm tít, ốc, mực, cá đuối, cá đục, bạch tuộc, cua đá và các hải sản khác sống ở tầng đáy trong vòng 13,5 hải lý chưa đảm bảo an toàn để sử dụng làm thực phẩm.

     Kết luận trên dựa trên kết quả nghiên cứu được triển khai quy mô lớn với 1.040 mẫu hải sản được lấy hàng ngày, ở tất cả các cảng cá, gò cá, các thuyền đánh bắt cá, đầm nuôi tại 4 tỉnh miền Trung. Các mẫu được kiểm nghiệm các chỉ tiêu xyanua, phenol, thủy ngân, camidi, chì, crom, asen và sắt. Song song với việc lấy mẫu tại 4 tỉnh, Bộ Y tế cũng tiến hành lấy 300 mẫu hải sản tại 3 tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Khánh Hòa và Bà Rịa - Vũng Tàu là các tỉnh không chịu ảnh hưởng của sự cố môi trường để làm nhóm đối chứng, so sánh.

     Theo kết quả nghiên cứu, Bộ Y tế khẳng định, tất cả các loại hải sản tại 4 tỉnh miền Trung và 3 tỉnh nhóm đối chứng đều không phát hiện bất kỳ mẫu nào có xyanua – chất được xác định là một trong những nguyên nhân gây ra cá chết hàng loại. Các chỉ số: thủy ngân, cadimi, chì, crom, asen và sắt trong hải sản ở 7 tỉnh trên đều nằm trong giới hạn cho phép, đảm bảo an toàn theo quy định. Các kết quả xét nghiệm đối với hải sản tại các đầm nuôi 4 tỉnh miền Trung đều đảm bảo an toàn.

     Đối với phenol, tất cả các mẫu hải sản tầng nổi (cá ngừ, cá thu, cá nục các loại, cá chỉ vàng, cá bạc má, cá hố, cá bò, cá cam, cá trích, cá đối, cá cơm và các loại hải sản khác sống ở tầng nổi) tại 4 tỉnh miền Trung đều không phát hiện mẫu nào có phenol. Tuy nhiên, phát hiện 132/1.040 mẫu hải sản có phenol, bao gồm: ghẹ, tôm, tôm tít, ốc, mực, cá đuối, cá đục, bạch tuộc, cua đá – đây là các hải sản sống ở tầng đáy. Trong số 132 mẫu hải sản có phát hiện phenol đều nằm trong vùng từ 5 - 25 km (tương đương với khoảng từ 2,7- 13,5 hải lý) với tỉ lệ mẫu nhiễm cao nhất tại Hà Tĩnh, Quảng Bình và thấp nhất tại biển Lăng Cô, Thừa Thiên - Huế.

     Để đảm bảo an toàn sức khỏe người tiêu dùng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân không sử dụng các loại hải sản: ghẹ, tôm, tôm tít, ốc, mực, cá đuối, cá đục, bạch tuộc, cua đá và các hải sản khác sống ở tầng đáy trong vòng 20 hải lý (các loại hải sản tầng đáy theo danh mục của Bộ NN&PTNT). Bộ Y tế đề nghị UBND 4 tỉnh: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế tiếp tục chỉ đạo Sở NN&PTNT, Sở Công Thương (đơn vị được giao quản lý kho hàng đông lạnh) phân loại hải sản theo từng lô; Sở Y tế chỉ đạo lấy mẫu theo từng lô và trả kết quả cho đơn vị quản lý được UBND giao nhiệm vụ; Chỉ cho phép lưu hành lô sản phẩm khi được xét nghiệm an toàn. Đối với các lô hàng không an toàn phải buộc tiêu hủy và đền bù theo quy định. Trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ NN&PTNT thực hiện giám sát định kỳ đối với các hải sản được khai thác tại 4 tỉnh miền Trung nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm và sức khỏe cho nhân dân. Đồng thời, tiếp tục lấy mẫu các loại hải sản có phát hiện phenol nêu trên và các hải sản ở tầng đáy trong vòng 20 hải lý để giám sát, xét nghiệm.

     3. Hướng dẫn việc nuôi trồng, khai thác thủy sản, giám sát an toàn thực phẩm

     Trong lĩnh vực sản xuất thủy sản, Bộ NN&PTNT đã hướng dẫn các địa phương nuôi trồng thủy sản, khai thác thủy sản, giám sát an toàn thực phẩm và sản xuất muối tại 4 tỉnh miền Trung. Theo đó, các địa phương đã tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn người dân hoạt động nuôi trồng thủy hải sản mặn, lợ bình thường với tất cả các phương thức nuôi: lồng bè, bãi triều và trong ao, đầm. Cùng với việc nuôi trồng, thực hiện công tác quan trắc môi trường tại các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung, trong đó lưu ý quan trắc bổ sung các thông số phenol, xyanua. Đối với lĩnh vực khai thác hải sản, các địa phương hướng dẫn người dân hoạt động khai thác hải sản bình thường trên các vùng biển, kết hợp với lấy mẫu giám sát về an toàn thực phẩm đối với sản phẩm hải sản khai thác. Đối với vấn đề giám sát an toàn thực phẩm sản phẩm hải sản, các địa phương tổ chức thực hiện giám sát tại cảng cá, bến cá khi tàu của ngư dân cập bờ và lưu ý các loại hải sản tầng đáy thường gặp ở vùng biển 4 tỉnh miền Trung. Thời điểm lấy mẫu giám sát là khi sản phẩm khai thác được bốc dỡ từ tàu khai thác đưa lên bờ tiêu thụ. Tần suất lấy mẫu 2-3 ngày/lần, tùy vào điều kiện thực tế ở địa phương.

     Để phục hồi nguồn lợi thủy sản và các hệ sinh thái thủy sinh là nơi cư trú của các loài thủy sản, Bộ NN&PTNT khuyến cáo ngư dân chưa khai thác tại 3 khu vực biển (Hòn Sơn Dương, tỉnh Hà Tĩnh, cách bờ 1,5 km với diện tích 300 km2; Cửa Nhật Lệ, tỉnh Quảng Bình, cách bờ 1,5 km với diện tích 330 km2); hòn Sơn Chà, tỉnh Thừa Thiên - Huế, cách bờ 1,5 km với diện tích 160 km2). Đồng thời không sử dụng các nghề khai thác tầng đáy như lưới kéo, rê đáy, lặn câu đáy, lồng bẫy, khai thác nhuyễn thể hai mảnh vỏ tự nhiên trong vùng biển 20 hải lý trở vào bờ thuộc 4 tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế.

     4. Các vấn đề cần tập trung thực hiện

     Để giải quyết dứt điểm việc bồi thường thiệt hại, hỗ trợ ổn định đời sống và phát triển sản xuất cho nhân dân, Chính phủ đã yêu cầu các Bộ, ban, ngành chức năng cần tập trung vào các vấn đề:

     - Các Bộ chủ động đề xuất các chính sách hỗ trợ thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của mình, đảm bảo mục tiêu hỗ trợ là để phục hồi, phát triển sản xuất; tập trung vào đào tạo nghề, dạy nghề, khởi nghiệp, phát triển đội tàu... gửi về Bộ NN&PTNT để tổng hợp vào Đề án chung.

     - Bộ Y tế và Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu, đề xuất cụ thể về việc miễn học phí, miễn tiền bảo hiểm y tế cho những đối tượng bị ảnh hưởng; Bộ Y tế tiếp tục lấy mẫu giám sát; chủ trì, phối hợp với các Bộ, ban, ngành xây dựng, thống nhất kịch bản, phương án công bố chất lượng, an toàn thực phẩm đối với hải sản khai thác.

     - UBND 4 tỉnh chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thống kê chính xác khối lượng hải sản hiện đang tồn kho và chỉ đạo giải quyết dứt điểm trong tháng 9/2016.

     - Bộ NN&PTNT sớm hoàn thiện, trình Đề án xác định, bồi thường thiệt hại và hỗ trợ khắc phục hậu quả, khôi phục sản xuất, chuyển đổi nghề cho người dân bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường.

     - Bộ TN&MT đẩy nhanh tiến độ xây dựng, lắp đặt hệ thống các trạm quan trắc môi trường biển tại 4 tỉnh, đồng thời có định hướng xây dựng hệ thống trạm quan trắc tại các tỉnh ven biển trực thuộc Trung ương trên phạm vi toàn quốc.

 

Nguyên Hằng

 

 

Ý kiến của bạn