02/03/2018
Thời gian qua, Sở TN&MT các tỉnh Đông Nam bộ (thuộc Khối thi đua số 7 của Bộ TN&MT) đã triển khai đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm công tác BVMT.
Theo đó, đến nay, tất cả các tỉnh, thành thuộc Khối (TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Phước, Tây Ninh, Bình Thuận) đã hoàn thành việc xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng theo Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; Xây dựng danh mục và phê duyệt kế hoạch xử lý cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng theo hướng dẫn tại Thông tư 04/2012/TT-BTNMT của Bộ TN&MT.
Tỷ lệ các KCN, khu chế xuất, khu công nghệ cao có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt rất cao, đặc biệt là tại các địa phương có số lượng KCN lớn như TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu đều đạt 100%.
Công tác kiểm tra, kiểm soát ô nhiễm môi trường, giám sát việc chấp hành quy định pháp luật về BVMT của các cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ; Giám sát chất lượng môi trường, kiểm soát vận hành hệ thống xử lý nước thải tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp và các điểm nóng về ô nhiễm môi trường đã được tăng cường.
Các địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt, chất thải công nghiệp không nguy hại, chất thải nguy hại, chất thải y tế đạt tỷ lệ cao. Trong đó, TP.HCM đạt 100% tỷ lệ thu gom, xử lý các loại chất thải; Đồng Nai đạt tỷ lệ 96,4% chất thải sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp thông thường, đạt tỷ lệ 100%, chất thải nguy hại, đạt tỷ lệ 97%, chất thải y tế đạt 100%; Bình Dương đạt 93,6% tỷ lệ chất thải rắn được thu gom, 100% tỷ lệ chất thải rắn y tế được thu gom, xử lý; Bình Phước đạt tỷ lệ 95% thu gom rác thải công nghiệp phát sinh, 99% chất thải rắn nguy hại; Bà Rịa - Vũng Tàu tỷ lệ chất thải nguy hại được thu gom, xử lý đạt khoảng 87%, chất thải rắn công nghiệp thông thường được thu gom, xử lý đạt khoảng 97%, chất thải rắn sinh hoạt đô thị được thu gom, xử lý đạt 91%, chất thải rắn y tế được xử lý, tiêu hủy đạt khoảng 92%; Tây Ninh, tỷ lệ các cơ sở y tế, khu công nghiệp, khu chế xuất xử lý chất thải rắn, nước thải đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đạt 100%, tỷ lệ đô thị xử lý chất thải rắn, nước thải đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia: 100% ).
KCN tại các tỉnh Đông Nam bộ được đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tỷ lệ rất cao
Bên cạnh đó, trong năm 2017, Bình Dương đã xây dựng kế hoạch phân loại chất thải rắn tại nguồn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2018; TP.HCM tổ chức thành công Hội nghị chuyên đề về kêu gọi đầu tư xử lý chất thải rắn bằng công nghệ đốt - phát điện và Hội nghị chuyên đề của HĐND Thành phố về công tác bảo vệ môi trường đô thị, khu dân cư và quản lý chất thải.
Ngoài ra, công tác truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng trong BVMT được các Sở TN&MT chú trọng thực hiện, đặc biệt, có sự tham gia của doanh nghiệp (hình thức xã hội hóa) với nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Các hoạt động truyền thông được triển khai đồng bộ và xuyên suốt từ cấp TP đến địa bàn quận huyện (các Chương trình liên tịch với Ủy ban mặt trận tổ quốc, Thành đoàn - Tỉnh đoàn, Hội Liên hiệp phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Liên đoàn lao động, Hội Người cao tuổi, Hội Nông dân, các tổ chức tôn giáo...)
Cũng trong năm qua, các sự kiện về môi trường tiếp tục được tổ chức đã mang lại hiệu quả rất lớn trong việc nâng cao nhận thức của cộng đồng như: Ngày Tuần lễ Quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường; Ngày môi trường thế giới; Ngày hội bảo vệ TN&MT Biển, đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận, TP.HCM); Ngày hội tái chế (TP.HCM, Đồng Nai). Việc phối hợp với các cơ quan báo, đài thực hiện các chuyên mục, trang tin về lĩnh vực ngành nhằm nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền đến mọi tầng lớp nhân dân được mở rộng với tần suất ngày càng nhiều và đa dạng, phong phú. Các đơn vị còn tổ chức các lớp tập huấn, hội nghị, hội thảo nhằm phổ biến kiến thức, quy định của pháp luật về BVMT đến các tổ chức, đoàn thể, doanh nghiệp ... góp phần huy động cộng đồng chung tay BVMT.
Đặc biệt, trong năm 2017, các tỉnh, thành trong Cụm thi đua số VII đã ký kết “Quy chế phối hợp về quản lý nhà nước trong lĩnh vực tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, BVMT ở các vùng giáp ranh”. Qua đó giúp cho công tác phối hợp giải quyết các vấn đề liên quan đến vùng giáp ranh được thuận lợi, hướng đến mục tiêu tạo sự đồng bộ trong công tác quản lý, khai thác tài nguyên, BVMT liên vùng, phục vụ cho định hướng phát triển kinh tế - xã hội toàn vùng.
Công tác quản lý tài nguyên khoáng sản có nhiều chuyển biến tích cực, đạt được nhiều kết quả khả quan như: Giảm tình trạng khai thác cát lậu diễn ra trên địa bàn; Giải quyết được tình trạng ô nhiễm môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản gây bức xúc trong nhân dân; Xây dựng, ban hành quy chế phối hợp với các địa phương lân cận trong việc quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản (cát) khu vực vùng giáp ranh; Rà soát, đánh giá nhu cầu sử dụng nguyên liệu xây dựng trên địa bàn, tham mưu cấp phép khai thác hợp lý để đảm bảo lượng khai thác phù hợp với nhu cầu sử dụng, tiết kiệm tài nguyên...
Hồng Cẩm (Theo baotainguyenvamoitruong.vn)