Banner trang chủ

Triển khai Đề án Bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai năm 2019 - 2020 và đề xuất kế hoạch thời gian tới

16/12/2019

     Hiện trạng và diễn biến môi trường nước lưu vực hệ thống sông Đồng Nai năm 2019

     Trong năm 2019, Bộ TN&MT đã tiến hành quan trắc 49 điểm tại 7 tỉnh/thành phố (TP) trên lưu vực hệ thống sông (LVHTS) Đồng Nai, bao gồm 19 thông số quan trắc nước mặt và 4 thông số quan trắc trầm tích, với tần suất quan trắc 6 đợt. Đến thời điểm hiện nay đã hoàn thành và tổng hợp thông tin của 4/6 đợt quan trắc. Kết quả tính toán Chỉ số chất lượng nước (WQI) tại 49 điểm quan trắc trên LVHTS sông Đồng Nai cho thấy, chất lượng nước khu vực thượng nguồn và trung lưu trên các sông chính còn khá tốt, có 61% giá trị WQI từ 75 - 100, chất lượng nước sử dụng tốt cho mục đích cấp nước sinh hoạt và sử dụng cho mục đích cấp nước sinh hoạt nhưng cần các biện pháp xử lý phù hợp; 4% giá trị WQI < 25, chất lượng nước ô nhiễm nặng tại vị trí thuộc nội ô TP. Hồ Chí Minh, gồm: Cầu Ông Buông (kênh Tân Hóa - Lò Gốm) và Cầu An Lộc (kênh Tham Lương - Bến Cát - Vàm Thuật) và cảng Phú Định (sông Chợ Đệm) trong đợt 3 và 4.

     Kết quả quan trắc tại 11 địa phương cho thấy, chất lượng môi trường nước trên LVHTS Đồng Nai cơ bản được duy trì ổn định, tuy còn một số khu vực hạ lưu vẫn còn bị ô nhiễm cục bộ bởi chất dinh dưỡng. Tình hình ô nhiễm môi trường nước cục bộ tại các đô thị nhìn chung đã dần được cải thiện, đặc biệt khi các dự án thoát nước, xử lý nước thải và vệ sinh môi trường đô thị được đưa vào vận hành như tại TP.HCM, Bình Dương, Đà Lạt, Biên Hòa, Phan Rang - Tháp Chàm... Chất lượng nước tại các sông, suối và hồ chứa trên thượng nguồn (sông Đồng Nai, sông Bé, sông La Ngà) cơ bản được duy trì ổn định, biến đổi không nhiều. Trong khi đó, chất lượng nước các sông, kênh rạch hạ nguồn tuy còn ô nhiễm cục bộ nhưng từng bước dần được khống chế. Hệ thống cơ chế, chính sách trong công tác BVMT nói chung đã từng bước được xây dựng, bổ sung và dần hoàn thiện từ Trung ương xuống địa phương. Mặc dù gặp khó khăn về ngân sách, UBND các tỉnh/TP trên lưu vực vẫn ưu tiên kinh phí cho các chương trình, dự án, nhiệm vụ thuộc kế hoạch triển khai Đề án sông Đồng Nai trên địa bàn. Đặc biệt, sự đầu tư cho công tác quan trắc, giám sát chất lượng môi trường nước mặt và tuân thủ quy định về quan trắc nước thải tự động liên tục đối với các nguồn thải lớn. Bên cạnh đó, công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về BVMT; đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật môi trường; kiểm soát ô nhiễm, lập quy hoạch và phân vùng xả thải, thẩm định, cấp phép ngày càng hiệu quả. Các vấn đề môi trường liên ngành, liên vùng và lưu vực sông được quan tâm và phối hợp giải quyết. Công tác điều tra, thống kê nguồn thải đã và đang được Bộ TN&MT và các địa phương triển khai thực hiện, cơ bản xác định được danh mục các đối tượng nguồn thải cần quản lý, xử lý theo các mức độ lưu lượng xả thải. UBND các tỉnh/TP trên LVHTS Đồng Nai đã tăng cường chỉ đạo các Sở/ngành, địa phương xây dựng kế hoạch hàng năm và tổ chức triển khai các đợt ra quân khai thông dòng chảy và vệ sinh môi trường. Các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và nâng cao nhận thức cho tổ chức, doanh nghiệp và cộng đồng được tăng cường với nhiều hình thức phong phú, đa dạng.

 

Hệ thống xử lý nước thải KCN Long Thành 1, tỉnh Đồng Nai

 

     Theo các chỉ tiêu của Quyết định số 187/2007/QĐ-TTG về việc phê duyệt “Đề án BVMT LVHTS Đồng Nai đến năm 2020”, phần lớn các địa phương đã hoàn thành việc xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo Quyết định số 64. Ngoài ra, các địa phương đang tích cực triển khai Quyết định số 1788/QĐ-TTg ngày 1/10/2013 theo hướng dẫn tại Thông tư số 04/2012/TT-BTNMT ngày 8/5/2012 của Bộ TN&MT. Các chỉ tiêu về thu gom, xử lý chất thải (chất thải rắn (CTR) sinh hoạt, CTR công nghiệp, chất thải y tế, chất thải nguy hại) phần lớn các tỉnh đều đạt tỷ lệ khá cao, tuy nhiên vẫn chưa đạt mục tiêu đề ra tại Quyết định số 187/2007/QĐ-TTg. Chỉ tiêu về tỷ lệ che phủ rừng có sự phân hóa rõ giữa các địa phương thượng nguồn và hạ nguồn, hiện chỉ có 1/11 tỉnh đạt 50% theo mục tiêu đến năm 2020 tỷ lệ che phủ rừng toàn lưu vực; Tỷ lệ KCN, khu chế xuất, khu công nghệ cao có hệ thống XLNT tập trung đạt rất cao, hiện có 8/11 địa phương đạt 100%.

     Để nâng cao hiệu quả các vấn đề môi trường liên vùng, liên tỉnh thuộc lưu vực hệ thống sông Đồng Nai, trong năm 2018 - 2019, các tỉnh/TP trên LVHTS Đồng Nai đã ban hành văn bản liên quan đến công tác BVMT, cụ thể: Kế hoạch số 3941/KH-UBND ngày 9/4/2019 của UBND tỉnh Đồng Nai về BVMT trên địa bàn; Quyết định 721/QĐ-UBND ngày 27/2/2019 của UBND thành phố về Kế hoạch triển khai Đề án BVMT LVHTS Đồng Nai trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh đến năm 2020; Quy định quản lý tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh Bình Dương theo Quyết định số 04/2019/QĐ-UBND ngày 11/3/2019; Kế hoạch số 1085/KH-UBND ngày 29/5/2019 của UBND tỉnh về việc triển khai thực hiện phong trào “Chống rác thải nhựa” và tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường do sử dụng túi ni lông khó phân hủy trên địa bàn tỉnh Tây Ninh…

     Bên cạnh kết quả nêu trên, vẫn còn một số khó khăn, hạn chế về cơ chế hoạt động, cụ thể: Các quyết nghị của UBND không mang tính ràng buộc, chủ yếu dựa trên sự đồng thuận giữa các tỉnh trên LVS, do đó việc triển khai thực hiện Đề án LVHTS Đồng Nai còn nhiều vướng mắc, chưa giải quyết triệt. Chủ tịch Ủy ban BVMT LVS là các Chủ tịch UBND tỉnh/TP luân phiên đảm nhận nên việc chỉ đạo phối hợp giữa các tỉnh còn hạn chế; Thiếu nguồn lực đầu tư, đặc biệt là tài chính thực hiện Đề án BVMT LVS do các nhiệm vụ của Đề án không có nguồn tài chính riêng mà được tính chung trong tổng nguồn kinh phí BVMT nên địa phương. Việc lập và triển khai quy hoạch quản lý tổng hợp trên toàn bộ LVS gặp nhiều vướng mắc về cơ sở pháp lý, tổ chức lập và triển khai thực hiện quy hoạch.

     Kế hoạch triển khai Đề án BVMT LVHTS Đồng Nai năm 2020

     Trước hết, cần xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách. Trong đó, cần hoàn thiện tổ chức điều phối LVS; Triển khai các quy hoạch, chương trình, dự án liên ngành, liên vùng; Tiếp tục thực hiện Kế hoạch triển khai Đề án sông Đồng Nai đã được UBND các tỉnh/TP phê duyệt. Mặt khác, cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực BVMT; thống kê các nguồn thải, kiểm soát ô nhiễm, thẩm định và cấp phép. Tập trung đầu tư xây dựng hệ thống quan trắc và cơ sở dữ liệu môi trường phục vụ công tác quản lý tại địa phương; xúc tiến đầu tư, tìm kiếm nguồn vốn nước ngoài và xã hội hóa trong xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật về môi trường. Đẩy mạnh công tác đào tạo, tập huấn, tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng về công tác BVMT nói chung, BVMT nước lưu vực sông nói riêng. Tăng cường phối hợp giải quyết các vấn đề môi trường liên tỉnh, phân rõ trách nhiệm của từng địa phương trong công tác BVMT tổng thể toàn lưu vực; Triển khai đồng bộ các hoạt động theo kết luận của Ủy ban BVMT LVHTS Đồng Nai.

     Một số đề xuất, kiến nghị trong thời gian tới

     Về xây dựng, sửa đổi Luật: Tổ chức rà soát, đánh giá các kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế trong quá trình triển khai Quyết định số 187/2007/QĐ-TTg về phê duyệt “Đề án BVMT LVHTS Đồng Nai đến năm 2020”. Qua đó, xem xét ban hành Quyết định thay thế Quyết định số 187/2007/QĐ-TTg; Sớm ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định 40/2019/NĐ-CP ngày 13/5/2019 của Chính phủ sửa đổi bổ sung một số điều của các nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật BVMT; Xây dựng và ban hành các cơ chế, chính sách nhằm thu hút đầu tư và khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện các giải pháp ngăn ngừa, giảm thiểu ô nhiễm cũng như miễn giảm thuế, cho vay ưu đãi, hỗ trợ tài chính đối với các doanh nghiệp thực hiện các giải pháp sản xuất sạch hơn, thực hiện quản lý môi trường theo tiêu chuẩn quốc tế ISO 14000, tái chế, tái sử dụng chất thải, xử lý ô nhiễm. Đồng thời, nhanh chóng sửa đổi lại Nghị định 155/2016/NĐ-CP ngày 18/11/2016 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực BVMT theo hướng quy định rõ hơn và tăng chế tài xử lý các chủ nguồn thải cố trình trì hoãn kéo dài việc khắc phục các thiết bị quan trắc tự động bị hư hỏng...

     Đối với Bộ TN&MT: Đơn vị chủ trì, làm đầu mối thu thập và chia sẻ các thông tin về môi trường cho các tỉnh trong lưu vực biết để theo dõi, quản lý tốt hơn môi trường nước trong lưu vực; đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án xây dựng cơ sở dữ liệu và hệ thống thông tin môi trường cho LVHTS Đồng Nai; chủ trì rà soát, tăng cường hệ thống quan trắc và giám sát môi trường trên toàn lưu vực; Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về nguồn thải đảm bảo tính thống nhất để các địa phương... Sớm phê duyệt Đề án thành lập Ủy ban LVS trên cả nước, quy định khung thể chế và tăng cường năng lực hoạt động để Ủy ban BVMT LVHTS nói chung và Ủy ban BVMT LVHTS Đồng Nai hoạt động hiệu quả.

     Đối với UBND các tỉnh/TP trên LVHTS Đồng Nai: Xây dựng, thực hiện cơ chế hợp tác trong trao đổi, cung cấp thông tin liên quan đến dấu hiệu vi phạm pháp luật về BVMT có nguy cơ tác động tiêu cực ở phạm vi liên tỉnh. Khi tổ chức kiểm tra công tác BVMT các địa phương cần mời đại diện cấp, ngành liên quan của các tỉnh giáp ranh, liên vùng phối hợp cùng tham gia; sau khi kết thúc công tác kiểm tra, báo cáo kết quả kiểm tra cho UBND các tỉnh biết để cùng kịp thời chỉ đạo, xử lý dứt điểm theo hướng đồng bộ, liên vùng.

     Mặt khác, cần kêu gọi các tổ chức đầu tư vào việc trồng và bảo vệ rừng, xây dựng các hồ chứa thủy lợi, công tác quan trắc môi trường định kỳ tại các sông hồ lớn, xây dựng các bãi xử lý chất thải hợp vệ sinh thuộc LVS Đồng Nai trên địa bàn tỉnh Đắk Nông.

     Tăng cường nguồn lực của các địa phương và sự hỗ trợ của Bộ TN&MT, các cơ quan Trung ương về bố trí biên chế, kinh phí nhằm tháo gỡ khó khăn về nguồn lực thực hiện nhiệm vụ ở lĩnh vực quản lý BVMT LVS.

     Thường xuyên tổ chức tập huấn đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, hướng dẫn cụ thể thi hành các quy định pháp luật chuyên ngành cho cán bộ cấp tỉnh để nâng cao trình độ, năng lực cho cán bộ làm công tác trong từng ngành nhằm triển khai thực hiện được đồng bộ, đúng quy định, nhất là lĩnh vực BVMT và biến đổi khí hậu.

 

Cao Lê Hưng

Cục BVMT miền Nam, Tổng cục Môi trường

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 11/2019)

 

Ý kiến của bạn