Banner trang chủ

Tiếp nhận và xử lý thông tin phản ánh về ô nhiễm môi trường thông qua đường dây nóng

12/10/2017

     Trong thời gian qua, tình hình ô nhiễm và sự cố môi trường có xu hướng gia tăng trên phạm vi cả nước. Cùng với đó, thông tin phản ánh, kiến nghị của người dân và báo chí đối với các vấn đề về môi trường ngày một đa dạng và mang tính thời sự. Tuy nhiên, công tác tiếp nhận và xử lý từ Trung ương đến địa phương còn hạn chế, lúng túng, chưa nắm bắt nhanh và xử lý kịp thời.

     Nhằm tạo bước chuyển biến trong công tác ứng phó, xử lý ô nhiễm môi trường, đồng thời, phát huy vai trò của người dân và cộng đồng trong BVMT, ngày 10/10/2017, Bộ trưởng TN&MT Trần Hồng Hà đã ký ban hành Chỉ thị số 03/CT-BTNMT về việc lập, vận hành đường dây nóng tiếp nhận, xử lý thông tin phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân về ô nhiễm môi trường từ Trung ương đến địa phương, hoạt động thông suốt, liên tục 24/24 giờ trong ngày và 7 ngày trong tuần, bao gồm cả ngày nghỉ, ngày lễ.

 

Tình trạng ô nhiễm môi trường có xu hướng ngày càng gia tăng

 

    Theo đó, Tổng cục Môi trường được giao thiết lập, công khai đường dây nóng của Bộ TN&MT (đường dây nóng cấp Trung ương) trên các phương tiện thông tin đại chúng và Cổng thông tin điện tử của Bộ TN&MT (www.monre.gov.vn), Tổng cục Môi trường (www.vea.gov.vn); hoàn thành trước ngày 30/10/2017. Đồng thời, chỉ định một đơn vị trực thuộc làm đầu mối vận hành, quản lý đường dây nóng cấp Trung ương; Bố trí cán bộ thường trực 24/24 giờ để tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị qua đường dây nóng; Chịu trách nhiệm xử lý, phản hồi thông tin đối với các trường hợp: Ô nhiễm môi trường có tính chất liên vùng, liên tỉnh; Các tổ chức, cá nhân gây ô nhiễm môi trường thuộc thẩm quyền phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường (hoặc văn bản tương đương) của Bộ TN&MT và các Bộ có chức năng quản lý nhà nước về BVMT.

    Bên cạnh đó, Tổng cục Môi trường bố trí kinh phí thường xuyên cho việc quản lý, vận hành đường dây nóng cấp Trung ương; Kinh phí cho việc xác minh, xử lý, phản hồi thông tin qua đường dây nóng cấp Trung ương theo thẩm quyền. Đồng thời, là đầu mối theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra việc tiếp nhận, xử lý thông tin phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân trên phạm vi cả nước; Định kỳ hàng tháng, quý, năm tổng hợp, báo cáo Bộ trưởng kết quả thực hiện.

     Sở TN&MT các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương quy định cụ thể và bố trí cán bộ thường trực 24/24 giờ để tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị qua đường dây nóng cấp địa phương; Chịu trách nhiệm xử lý, phản hồi thông tin đối với các trường hợp: Ô nhiễm môi trường diễn ra trên địa bàn thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước về BVMT của UBND các cấp; Các trường hợp khác ngoài vấn đề ô nhiễm môi trường có tính chất liên vùng, liên tỉnh; Các tổ chức, cá nhân gây ô nhiễm môi trường thuộc thẩm quyền phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường (hoặc văn bản tương đương) của Bộ TN&MT và các Bộ có chức năng quản lý nhà nước về BVMT. Ngoài ra, chịu trách nhiệm bố trí kinh phí thường xuyên cho việc quản lý, vận hành đường dây nóng cấp địa phương; Kinh phí cho việc xác minh, xử lý, phản hồi thông tin qua đường dây nóng cấp địa phương theo thẩm quyền; Định kỳ tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện về Bộ TN&MT thông qua Tổng cục Môi trường trước ngày 30 hàng tháng.

     Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng giao Tổng cục Môi trường xây dựng, ban hành quy trình tiếp nhận, xác minh, xử lý và phản hồi thông tin phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân về ô nhiễm môi trường thống nhất từ Trung ương đến địa phương; Tổng cục Môi trường, Sở TN&MT các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương thực hiện thống nhất quy trình tiếp nhận, xác minh, xử lý phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân về ô nhiễm môi trường.

    Cục Công nghệ thông tin và Dữ liệu TN&MT tổ chức xây dựng, trình Bộ trưởng Bộ TN&MT phần mềm trực tuyến tiếp nhận, xử lý thông tin phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân về vi phạm pháp luật trong lĩnh vực TN&MT từ Trung ương đến địa phương; hoàn thành trước ngày 30/6/2018.

    Văn phòng Bộ, Vụ Thi đua - Khen thưởng và Tuyên truyền, Báo TN&MT, Tạp chí TN&MT có nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến thông tin để các tổ chức, cá nhân nắm bắt được việc tiếp nhận, xử lý thông tin phản ánh, kiến nghị về ô nhiễm môi trường qua đường dây nóng.

 

Thu Hằng

Ý kiến của bạn