Banner trang chủ

Tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích từ việc sử dụng nguồn gen: Chính sách và thực tiễn triển khai tại Việt Nam

08/05/2020

    Nằm trên bán đảo Đông dương, Việt Nam được biết đến với sự phong phú về loài và xếp hạng thứ 16 trên thế giới về sự đa dạng tài nguyên di truyền. Đến nay, Việt Nam đã xác định được hơn 51.400 loài sinh vật, bao gồm 7.500 loài/chủng vi sinh vật; 20.000 loài thực vật; 10.900 loài động vật trên cạn; 2.000 loài động vật không xương sống và cá ở nước ngọt; có trên 11.000 loài sinh vật biển.. Nguồn tài nguyên di truyền này đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.Việc bảo tồn và sử dụng hợp lý nguồn gen (NG) sẽ góp phần phát triển nhiều ngành kinh tế, đặc biệt là nông, lâm ngư nghiệp, dược phẩm, BVMT, phát triển bền vững đất nước. Tuy nhiên, những năm gần đây với quá trình toàn cầu hóa, sự gia tăng dân số và yêu cầu của sự phát triển kinh tế, NG của Việt Nam đang bị mai một và mất dần. Nhận thức được tầm quan trọng của ĐDSH (ĐDSH) nói chung và giá trị to lớn của nguồn tài nguyên di truyền nói riêng, thời gian qua, Việt Nam đã gia nhập các Điều ước quốc tế và ban hành các văn bản quản lý nhà nước về bảo tồn và sử dụng bền vững NG.

Nghị định thư Nagoya về tiếp cận NG và chia sẻ công bằng, hợp lý lợi ích phát sinh từ việc sử dụng NG

    Nghị định thư Nagoya về tiếp cận NG và chia sẻ công bằng, hợp lý lợi ích phát sinh từ việc sử dụng NG (Nghị định thư Nagoya) trong khuôn khổ Công ước ĐDSH(CBD) được thông qua tại Hội nghị lần thứ 10 của các bên tham gia CBD (COP-CBD 10) ngày 29/10/2010 tại Nagoya, Nhật Bản. Việc thông qua Nghị định thư được xem là một thành công của COP-CBD 10, là một trong những công cụ pháp lý quốc tế góp phần ngăn chặn việc sử dụng trái phép và xâm phạm nguồn tài nguyên sinh học quốc gia.

    Nghị định thư Nagoya lần đầu tiên chính thức điều chỉnh một số vấn đề cơ bản đảm bảo cho việc tiếp cận NG và chia sẻ lợi ích từ việc sử dụng NG (ABS) được thực thi như: các định nghĩa về mục tiêu, thuật ngữ, phạm vi và mối quan hệ với các văn kiện quốc tế khác, các nguyên tắc và yêu cầu chính về chia sẻ lợi ích công bằng và hợp lý khi tiếp cận NG, tri thức truyền thống, cơ chế để thực thi bao gồm cả cơ chế chia sẻ lợi ích đa phương và một cơ chế trao đổi thông tin về ABS, các biện pháp để thúc đẩy nâng cao nhận thức, xây dựng năng lực và hoạt động chuyển giao công nghệ về ABS.

    Tính đến tháng 3/2020 đã có hơn 120 quốc gia gia nhập Nghị định thư Nagoya. Việt Nam gia nhập Nghị định thư năm 2014 và là quốc gia thứ 31 gia nhập Nghị định thư. Việc tham gia Nghị định thư Nagoya thể hiện quyết tâm của Chính phủ Việt Nam trong công tác bảo tồn và sử dụng bền vững tài nguyên ĐDSH. Bên cạnh đó, tham gia Nghị định thư Nagoya tạo điều kiện thuận lợi cho Việt Nam trong một số hoạt động như tạo lập cơ sở pháp lý vững chắc trong bảo vệ quyền và lợi ích công bằng của bên cung cấp NG và tri thức truyền thống về NG ở Việt Nam; góp phần thực hiện nghĩa vụ đối với các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên, đặc biệt là Công ước ĐDSH và Tuyên bố Rio về Phát triển bền vững; tạo cơ hội để Việt Nam tiếp cận các nguồn lực quốc tế trong hỗ trợ xây dựng năng lực về vấn đề này; nâng cao nhận thức về quản lý NG, thúc đẩy các hoạt động ứng dụng NG, tri thức truyền thống về NG, góp phần nâng cao đời sống của cộng đồng dân cư và bảo tồn ĐDSH.

Chính sách và quy định pháp luật về tiếp cận NG và chia sẻ lợi ích tại Việt Nam

    Các nội dung về ABS đã được quy định lần đầu tiên tại Luật ĐDSH, năm 2008 từ Điều 55 đến Điều 61. Do thời điểm đó, Nghị định thư Nagoya chưa được thông qua, nên các quy định này được xây dựng theo tinh thần của Công ước ĐDSH mà Việt Nam là thành viên từ năm 1994. Trên tinh thần đó, bên tiếp cận NG có nghĩa vụ phải chia sẻ lợi ích cho Nhà nước, bên cung cấp và các bên liên quan khác theo quy định. Tuy nhiên, các quy định về ABS tại Luật ĐDSH chỉ là các quy định khung cơ bản, cần có văn bản hướng dẫn chi tiết để thực thi trong thực tiễn.

    Nhằm hướng dẫn các nội dung về ABS tại Luật ĐDSH và thực hiện nghĩa vụ là quốc gia thành viên của Nghị định thư Nagoya, Bộ TN&MTđã chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị định số 59/2017/NĐ-CP ngày 12/5/2017 về quản lý tiếp cận NG và chia sẻ lợi ích từ việc sử dụng NG. Nghị định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2017 và thay thế các quy định của Điều 18, Điều 19 và Điều 20 về ABS tại Nghị định số 65/2010/NĐ-CP ngày 11/6/2010 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật ĐDSH. Nghị định bao gồm các nội dung quy định chính như sau:

- Về đối tượng phải đăng ký và đề nghị cấp Giấy phép tiếp cận NG, bao gồm: Tổ chức, cá nhân Việt Nam có nhu cầu tiếp cận NG để nghiên cứu vì mục đích thương mại, phát triển sản phẩm thương mại; Tổ chức, cá nhân nước ngoài có nhu cầu tiếp cận NG trên lãnh thổ Việt Nam vì bất cứ mục đích nào; Tổ chức, cá nhân Việt Nam có nhu cầu đưa NG được tiếp cận ra nước ngoài, trừ trường hợp đưa NG ra nước ngoài phục vụ học tập, nghiên cứu không vì mục đích thương mại.

- Về trình tự đăng ký và đề nghị cấp Giấy phép tiếp cận NG, gồm 5 bước: Đăng ký tiếp cận NG với cơ quan nhà nước có thẩm quyền; Thỏa thuận và ký Hợp đồng với Bên cung cấp; Đề nghị UBND cấp xã xác nhận Hợp đồng; Nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép tiếp cận NG tới cơ quan nhà nước có thẩm quyền; Cung cấp thông tin, tài liệu bổ sung; hoàn thiện hồ sơ khi có yêu cầu. Thời gian xử lý hồ sơ có sự khác nhau giữa hồ sơ đăng ký tiếp cận NG vì mục đích thương mại và không vì mục đích thương mại, lần lượt với thời gian là 90 ngày và 30 ngày.

    Nghị định cũng quy định trình tự rút gọn cấp phép đưa NG ra nước ngoài để học tập, nghiên cứu không vì mục đích thương mại đối với học sinh, sinh viên, nghiên cứu sinh, tổ chức khoa học và công nghệ Việt Nam, theo đó thời gian để xử lý các hồ sơ này là 15 ngày. Quy định này nhằm tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy nghiên cứu khoa học trong nước về NG và phù hợp với nội dung quy định tại Điều 8 của Nghị định thư Nagoya.

- Về chia sẻ lợi ích từ việc sử dụng NG, Nghị định quy định chia sẻ lợi ích từ việc sử dụng NG dưới hai hình thức bằng tiền và không bằng tiền. Lợi ích bằng tiền gồm: Tiền thu thập mẫu vật di truyền; tiền bản quyền; tiền nhượng quyền thương mại; các khoản tiền thanh toán một lần hoặc theo đợt theo thỏa thuận; các lợi ích bằng tiền khác phát sinh trong quá trình sử dụng NG. Lợi ích không bằng tiền gồm: Chia sẻ kết quả nghiên cứu; quyền được tham gia hoạt động hợp tác nghiên cứu, phát triển, sản xuất các sản phẩm thương mại; quyền được tiếp cận với thông tin khoa học, kỹ thuật liên quan; chuyển giao công nghệ cho Bên cung cấp NG; đào tạo, nâng cao năng lực nghiên cứu và phát triển nguồn gen; quyền sở hữu trí tuệ chung tương ứng với tỷ lệ đóng góp đối với kết quả sáng tạo trên cơ sở tiếp cận NG; các lợi ích không bằng tiền khác.

    Cơ chế chia sẻ lợi ích từ việc sử dụng NG sẽ giúp các bên liên quan thúc đẩy nghiên cứu để phát triển và ứng dụng những kết quả từ việc sử dụng NG, thông qua đó giúp bảo tồn và sử dụng bền vững ĐDSH.

- Về vấn đề thông tin, báo cáo, Nghị định quy định cơ chế báo cáo bằng văn bản gửi cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã cấp phép kết quả thực hiện tiếp cận NG và chia sẻ lợi ích định kỳ 2 năm một lần, theo yêu cầu tại Giấy phép tiếp cận NG và báo cáo đột xuất khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu. Chậm nhất 3 tháng, kể từ ngày kết thúc chương trình học tập, nghiên cứu, học sinh, sinh viên, nghiên cứu sinh, tổ chức khoa học và công nghệ Việt Nam có trách nhiệm báo cáo về kết quả học tập, nghiên cứu, gửi cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã cho phép đưa NG ra nước ngoài.

   Việc Nghị định số 59/2017/NĐ-CP được ban hành đánh dấu Việt Nam là một trong những quốc gia thành viên Nghị định thư Nagoya đầu tiên trong khu vực thiết lập được khung pháp lý tương đối đầy đủ về ABS. Đây là văn bản quan trọng để điều chỉnh các hoạt động thực tiễn về tiếp cận NG tại Việt Nam trong thời gian tới đây. Nhằm hỗ trợ công tác thẩm định, cấp Giấy phép tiếp cận NG, ngày 11/9/2019, Bộ TN&MT đã ban hành Thông tư số 15/2019/TT-BTNMT quy định về tổ chức và hoạt động của Hội đồng thẩm định hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép tiếp cận NG để nghiên cứu vì mục đích thương mại, phát triển sản phẩm thương mại.

    Song song với quá trình xây dựng và ban hành Nghị định số 59/2017/NĐ-CP, Bộ TN&MT cũng đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1141/QĐ-TTg ngày 27/6/2016 phê duyệtĐề án tăng cường năng lực về quản lý tiếp cận NG và chia sẻ công bằng, hợp lý lợi ích phát sinh từ việc sử dụng NG giai đoạn 2016-2025. Đề án đã xác định các nhiệm vụ và giải pháp cụ thể để tăng cường năng lực cho các cơ quan liên quan, nhằm bảo đảm đến năm 2025, hệ thống tổ chức, các công cụ quản lý và kỹ thuật tiếp cận và chia sẻ lợi ích từ việc sử dụng NG, tri thức truyền thống về NG được hoàn thiện và vận hành hiệu quả.

 

Cơ chế chia sẻ lợi ích từ việc sử dụng nguồn gen sẽ góp phần bảo tồn và sử dụng bền vững ĐDSH

 

Các hoạt động triển khai tiếp cận NG và chia sẻ lợi ích tại Việt Nam

Thiết lập các cơ quan có thẩm quyền về ABS

    Nghị định số 59/2017/NĐ-CP đã quy định cơ quan đầu mối quốc gia thực hiện Nghị định thư Nagoya và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp, gia hạn và thu hồi Giấy phép tiếp cận NG:

- Cơ quan đầu mối quốc gia thực hiện Nghị định thư Nagoya: Bộ TN&MT được Chính phủ giao nhiệm vụ này theo quy định tại Điều 5 của Nghị địnhsố 59/2017/NĐ-CP. Cơ quan đầu mối quốc gia có trách nhiệm: Thực hiện thống nhất quản lý hoạt động cấp, gia hạn và thu hồi Giấy phép tiếp cận NG; Làm đầu mối cung cấp, trao đổi thông tin với Ban thư ký Công ước ĐDSH thông qua Cổng trao đổi thông tin quốc tế về tiếp cận NG và chia sẻ lợi ích theo quy định của Nghị định thư Nagoya; chủ trì xây dựng Báo cáo quốc gia về việc thực hiện Nghị định thư Nagoya tại Việt Nam; kiến nghị, đề xuất việc thực hiện và tổ chức thực hiện theo phân công của Chính phủ các quyết định của Hội nghị các bên tham gia Nghị định thư Nagoya; điều phối, tổ chức việc thực hiện các nghĩa vụ của quốc gia đối với Nghị định thư Nagoya; Phối hợp với các quốc gia khác trong việc thực hiện các biện pháp tuân thủ Nghị định thư Nagoya áp dụng đối với các NG của Việt Nam ở nước ngoài; tổ chức thực hiện các hoạt động hợp tác quốc tế song phương và đa phương về tiếp cận NG và chia sẻ lợi ích.

- Các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp, gia hạn và thu hồi Giấy phép tiếp cận NG: Bộ TN&MT và BộNN&PTNT được Chính phủ giao nhiệm vụ này theo quy định tại Điều 6của Nghị địnhsố 59/2017/NĐ-CP. Trong đó, Bộ NN&PTNT cấp, gia hạn và thu hồi Giấy phép tiếp cận NG đối với NG của giống cây trồng, giống vật nuôi, giống thủy sản và giống cây lâm nghiệp; Bộ TN&MT cấp, gia hạn và thu hồi Giấy phép tiếp cận NG đối với các trường hợp còn lại.

Thực hiện các hoạt động tăng cường năng lực, nâng cao nhận thức về ABS

    Với vai trò là cơ quan đầu mối quốc gia thực hiện Nghị định thư Nagoya và triển khai Quyết định số 1141/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ,trong thời gian qua, Bộ TN&MT đã phối hợp với các Bộ, ngành và các tổ chức trong nước, quốc tế thực hiện các hoạt động tăng cường năng lực và nâng cao nhận thức về bảo tồn NG và ABS tại Việt Nam:

- Xây dựng và phổ biến các văn bản hướng dẫn việc thực hiện các quy định của Việt Nam về ABS như: Tài liệu hướng dẫn thực hiện Nghị địnhsố 59/2017/NĐ-CP, tài liệu “Hỏi đáp về ABS”, tài liệu về các mô hình ABS, các tờ rơi về ABS cho các nhóm đối tượng khác nhau.

- Tổ chức các khóa tập huấn, hội thảo nhằm tăng cường năng lực về quản lý tiếp cận NG và chia sẻ lợi ích, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc bảo tồn và sử dụng bền vững tài nguyên di truyền.

- Tiến hành các đợt khảo sát, làm việc với các cơ sở bảo tồn (viện nghiên cứu, trường đại học), ban quản lý các khu bảo tồn thiên nhiên về thực hiện tiếp cận, thu thập NG tại các cơ sở và hướng dẫn các cơ sở áp dụng các văn bản hiện hành có liên quan trong lĩnh vực quản lý tiếp cận NG và chia sẻ lợi ích.

- Thực hiện việc hướng dẫn các hoạt động tiếp cận NG và chia sẻ lợi ích tại Việt Nam: Bộ TN&MT với vai trò là cơ quan đầu mối quốc gia đã tiếp nhận văn bản của các đơn vị, tổ chức trong nước và nước ngoài đề nghị hướng dẫn thực hiện các quy định về tiếp cận NG và chia sẻ lợi ích tại Việt Nam. Đa số hồ sơ đề nghị hướng dẫn tiếp cận NG là hoạt động hợp tác nghiên cứu giữa các trường đại học, cơ sở nghiên cứu trong nước với các đối tác nước ngoài. Mục đích tiếp cận bao gồm thương mại và phi thương mại với các điều khoản chia sẻ lợi ích rõ ràng. Bộ TN&MT đã hướng dẫn để các hoạt động tiếp cận NG của các đơn vị, tổ chức tuân thủ các quy định của Việt Nam về vấn đề này, cũng như phù hợp với các quy định tại Nghị định thư Nagoya.

Thực hiện việc tiếp nhận, thẩm định và ban hành các Quyết định cấp phép liên quan đến việc tiếp cận NG

    Sau khi Nghị định số 59/2017/NĐ-CP có hiệu lực thi hành, Bộ TN&MT và Bộ NN&PTNT (các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp, gia hạn và thu hồi Giấy phép tiếp cận NG) đã tiếp nhận, thẩm định các hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép tiếp cận NG và đăng ký đưa NG ra nước ngoài, cụ thể:

- Bộ TN&MT đã tiếp nhận, thẩm định và ban hành 1 Giấy phép tiếp cận NG để nghiên cứu không vì mục đích thương mại và trên 40 Quyết định cho phép đưa NG ra nước ngoài phục vụ học tập, nghiên cứu không vì mục đích thương mại. Hiện nay, Bộ TN&MT đang tiếp tục thẩm định 3 hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép tiếp cận NG để nghiên cứu vì mục đích thương mại, phát triển sản phẩm thương mại.

- Bộ NN&PTNT đã đã tiếp nhận, thẩm định 3 hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép tiếp cận NG để nghiên cứu vì mục đích thương mại, phát triển sản phẩm thương mại và 3 hồ sơ đăng ký đưa NG ra nước ngoài phục vụ học tập, nghiên cứu không vì mục đích thương mại.

Thực hiện thí điểm mô hình công tư về tiếp cận NG và chia sẻ lợi ích từ việc sử dụng NG

    Trong khuôn khổ Dự án “Xây dựng năng lực cho việc phê chuẩn và thực hiện Nghị định thư Nagoya về tiếp cận NG và chia sẻ lợi ích tại Việt Nam” do Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF)tài trợ thông qua Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), Cục Bảo tồn thiên nhiên và ĐDSHđã phối hợp với Sở TN&MT tỉnh Lào Cai, Sở NN&PTNT tỉnh Lào Cai, UBND xã Tả Phìn (thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai) thực hiện mô hình hợp tác công tư về tiếp cận NG và chia sẻ lợi ích từ việc sử dụng NG. Mô hình này nhằm tạo cơ chế hỗ trợ cộng đồng tham gia cùng với các đối tác liên quan là khu vực tư nhân, nhà khoa học trong quá trình bảo tồn NG, đồng thời hưởng lợi từ việc thoả thuận tiếp cận NG trên địa bàn.

    Kể từ khi gia nhập Nghị định thư Nagoya, Việt Nam đã thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ là quốc gia thành viên của Nghị định thư, khẩn trương xây dựng và ban hành các chính sách, quy định về quản lý tiếp cận NG và chia sẻ lợi ích cũng như đưa chính sách ABS vào thực tiễn. Mặc dù vậy, ABS còn là vấn đề tương đối mới đối với các cơ quan Trung ương cũng như địa phương và các Bên cung cấp NG (Ban quản lý Khu bảo tồn, các đơn vị nghiên cứu và doanh nghiệp tư nhân, cộng đồng) nên công tác quản lý ABS vẫn còn nhiều khó khăn và thách thức để đưa quy định pháp lý vào thực tiễn. Vì vậy, việc cần thiết hiện nay là sự vào cuộc tích cực của các cơ quan chức năng và chung tay phối hợp của cộng đồng trong triển khai các quy định về bảo tồn NG, sử dụng bền vững ĐDSH. Việc thực hiện tốt cơ chế ABS sẽ thúc đẩy kinh tế phát triển, hỗ trợ công tác xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống của cộng đồng, góp phần quan trọng vào bảo tồn ĐDSH nói chung và nguồn tài nguyên di truyền nói riêng.

 

Hoàng Thị Thanh Nhàn, Trần Trọng Anh Tuấn, Nguyễn Bá Tú

Cục Bảo tồn thiên nhiên và ĐDSH, Tổng cục Môi trường

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 4/2020)

Ý kiến của bạn