Banner trang chủ

Tiếp cận hệ sinh thái ttrong phát triển kinh tế - xã hội ở đồng bằng sông Cửu Long

06/11/2014

     Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) với diện tích tự nhiên 4,055 triệu ha, dân số trên 17,39 triệu người, có bờ biển từ Đông sang Tây dài trên 740 km với hải phận trên biển rộng trên 360.000 km2. Đặc trưng cơ bản của ĐBSCL là vùng đất ngập nước với chế độ ngập lũ theo mùa mưa, ngập mặn ven biển theo thủy triều chi phối trên 90% diện tích đất tự nhiên, cùng các hệ sinh thái rừng ngập mặn ven biển, hệ sinh thái rừng tràm nằm sâu vào lục địa tạo những lợi thế tự nhiên rất cơ bản trong phát triển kinh tế - xã hội cho toàn vùng, đặc biệt là phát triển nông - lâm - ngư.

     Thực hiện chủ trương chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông-lâm-ngư của Chính phủ theo định hướng phát huy lợi thế tự nhiên của tiềm năng đất đai, địa hình canh tác, các hệ sinh thái đất ngập nước đặc thù của khu vực và mở rộng khai thác thị trường tiêu dùng và xuất khẩu trong quá trình hội nhập quốc tế, những năm gần đây, các sản phẩm hàng hóa nông-lâm-ngư đã tăng lên rất nhanh trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa và hiện đại hóa tại khu vực ĐBSCL. Sản lượng lúa cả năm đã đạt trên 24,5 triệu tấn, xuất khẩu gạo hàng năm đạt 6,6 triệu tấn. Sản lượng thủy sản nuôi trồng đạt 2,2 triệu tấn (cá nuôi 1,77 triệu tấn, tôm nuôi 0,38 triệu tấn và các loại khác) chiếm 70,94% tổng sản lượng nuôi trồng thủy sản trong toàn quốc với mức tăng trưởng hàng năm khoảng 17,8%/năm, sản lượng trái cây ăn quả đạt khoảng 1,5 - 1,6 triệu tấn… đứng đầu trong 8 vùng kinh tế trong cả nước. Giá trị tổng kim ngạch xuất khẩu toàn vùng ĐBSCL trong năm đã đạt khoảng 9,8 tỷ USD/năm. Điều đó cho thấy khả năng phát huy lợi thế tài nguyên đất ngập nước và các hệ sinh thái trên cơ sở tiếp cận sinh thái trong phát triển kinh tế - xã hội ở khu vực ĐBSCL là rất to lớn, giữ vai trò quan trọng trong tiến trình đẩy mạnh công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước.

     Số liệu về đa dạng sinh học của ĐBSCL cho thấy, trong hệ sinh thái rừng ngập mặn và rừng tràm có 239 loài cây bản địa, 36 loài thú, 182 loài chim, 34 loài bò sát và 6 loài lưỡng cư. Khu vực vùng biển và ven biển có 260 loài cá các loại đã được ghi nhận… Đánh giá về tiềm năng phát triển các hệ canh tác nông - lâm - ngư theo các hệ sinh thái đất ngập nước trong khu vực ĐBSCL cho thấy có khả năng giữ vững độ bền vững về kinh tế trên cơ sở tiếp cận đặc điểm sinh thái trong khu vực. Tiến cận sinh thái trong phát triển kinh tế - xã hội ở khu vực ĐBSCL sẽ có nhiều lợi thế khai thác kinh tế và BVMT từ đó tránh được các bất lợi, tổn thất trong môi trường để phát triển bền vững kinh tế - xã hội và trong thực tế đã khẳng định khu vực ĐBSCL trở thành khu vực phát triển kinh tế-sinh thái trọng điểm của cả nước trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước. Đặc biệt là vấn đề phát triển kinh tế gắn liền với khả năng chịu tải của hệ sinh thái trong việc ứng phó với diễn biến biến đổi khí hậu và nước biển dâng trong khu vực ĐBSCL.

     Các vùng sinh thái đặc thù ở khu vực ĐBSCL đã được tập trung khai thác theo các sản phẩm nông - lâm - ngư có thế mạnh phát triển như: Vùng kinh tế ven biển và cửa sông thông ra biển tập trung ở các tỉnh Cà Mau, Kiên Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre…phát triển rất mạnh nuôi trồng thủy sản nước mặn, nước lợ… với các mô hình nuôi tôm quảng canh (nuôi tự nhiên, mật độ thấp); bán thâm canh; thâm canh hay nuôi tôm công nghiệp. Đặc biệt là các mô hình nuôi tôm sinh thái, mô hình luân canh lúa tôm, mô hình luân canh lúa cá (nuôi tôm vào mùa khô và trồng lúa vào mùa mưa). Ngoài ra, còn có các mô hình đa dạng sản phẩm như nuôi cua biển, nuôi cá kèo, nuôi các loại nhuyễn thể hai mảnh vỏ (nghêu, sò huyết, hàu biển...) cũng đã đem đến nhiều lợi ích kinh tế cho người dân. Khu vực các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Hậu Giang, Vĩnh Long, Bến Tre… thuộc vùng ngập lũ nước ngọt ven sông Tiền và sông Hậu hàng năm, với đặc điểm thích nghi của vùng sinh thái, phát triển nông nghiệp thâm canh cao và nuôi trồng thủy sản nước ngọt phục vụ cho tiêu dùng và xuất khẩu hàng hóa… Đặc biệt, ĐBSCL là vùng tập trung nhiều các loại đất phèn tiềm tàng và phèn hoạt động với khoảng 1,5 triệu ha, tập trung ở các vùng Đồng Tháp Mười, Tứ Giác Long Xuyên, Bán đảo Cà Mau… đã được khai thác hiệu quả với các giải pháp đưa nước ngọt sông Hậu rửa phèn và các biện pháp khử phèn thích ứng vào mùa mưa. Điều đó cho thấy, lợi thế tự nhiên của đất đai và các hệ sinh thái đặc thù của ĐBSCL đã được khai thác.

 

Tiếp cận hệ sinh thái là chiến lược để quản lý tổng hợp đất, nước và các nguồn tài nguyên thiên nhiên

 

     Theo Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) thì tiếp cận hệ sinh thái là một chiến lược để quản lý tổng hợp đất, nước và các tài nguyên thiên nhiên nhằm tăng cường bảo vệ và sử dụng bền vững theo hướng công bằng. Nội dung cơ bản của tiếp cận hệ sinh thái bao gồm các nguyên lý của tiếp cận hệ sinh thái và các bước thực hiện, để tìm kiếm một sự cân bằng thích hợp giữa bảo vệ và sử dụng đa dạng sinh học. Tiếp cận sinh thái trong hoạch định chính sách phát triển ở khu vực ĐBSCL đã từng bước được sử dụng trong Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL đến năm 2020; Quy hoạch tổng thể thủy lợi ĐBSCL trong điều kiện biến đổi khí hậu nước biển dâng; Quy hoạch nông nghiệp, nông thôn vùng ĐBSCL đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 trong điều kiện biến đổi khí hậu; Quy hoạch phát triển nuôi trồng thủy sản vùng ĐBSCL đến năm 2015, định hướng đến năm 2020; Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

     Tuy nhiên, cùng với quá trình phát triển kinh tế - xã hội trong chuyển dịch cơ cấu sản xuất theo định hướng phát huy lợi thế tự nhiên của tiềm năng đất đai, địa hình canh tác, các hệ sinh thái đất ngập nước đặc thù của khu vực, ĐBSCL đang đối mặt với các vấn đề môi trường bức xúc cần giải quyết để đảm bảo phát triển bền vững về kinh tế và sinh thái trong khu vực. Tổn thất môi trường đất, nước, hệ sinh thái trong quá trình khai thác… đã diễn ra, tác động đến tính bền vững của các hệ sinh thái ở khu vực ĐBSCL. Chỉ tính trong giai đoạn 1980-1995, các tỉnh ĐBSCL đã bị mất 72.825 ha rừng ngập mặn ven biển (trung bình 4.855ha/năm). Sự tổn thất rừng ngập mặn ven biển đã kéo theo hàng loạt hệ lụy về biến đổi môi trường sinh thái, đất đai mất sự che phủ của thảm rừng ngập mặn làm gia tăng ô nhiễm phèn mặn trong các ao nuôi tôm, gia tăng quá trình rửa trôi đất và làm suy giảm quá trình bồi tụ phù sa của biển, sụt lở bờ biển cùng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng… dẫn đến việc mất cân bằng sinh thái và tính đa dạng sinh học ở các vùng ven biển. Quá trình xâm nhập mặn gia tăng vào mùa khô đã ngày càng tác động mạnh mẽ đối với các hệ sinh thái nông nghiệp truyền thống, lúa nước, cá đồng, cây ăn trái, cây công nghiệp… kèm theo sự xâm thực của thủy triều biển và các cửa sông tác động rất mạnh đến các hệ sinh thái ven biển ở khu vực ĐBSCL. Các dự án thủy lợi trong các vùng sinh thái mặn hóa, vùng luân canh lúa-tôm, vùng ngăn mặn xổ phèn, vùng ngập lũ… chưa phát huy được các tác dụng trong thực tiễn đang trở thành nỗi trăn trở các các cấp quản lý để sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên của các hệ sinh thái đặc thù và quý giá của ĐBSCL. Bên cạnh đó, các nguồn thải gây ô nhiễm môi trường ở khu vực ĐBSCL đang gây ra các tác động bất lợi đối với các hệ sinh thái và sức khỏe nhân dân trong khu vực: Sản xuất nông nghiệp phát triển đã kéo theo sự gia tăng của các nguồn phân bón hóa học, thuốc trừ sâu và các chế phẩm hóa học sinh học, chất thải nuôi trồng thủy sản, chất thải công nghiệp và sinh hoạt từ các khu công nghiệp và đô thị dân cư…

     Trên cơ sở nguyên lý tiếp cận hệ sinh thái để phát triển kinh tế - xã hội bền vững ở khu vực ĐBSCL, theo tác giả cần tập trung giải quyết hợp lý các vấn đề cơ bản: Tập trung chương trình nghiên cứu cơ bản về tiếp cận các hệ sinh thái, hiểu rõ bản chất phát sinh, phát triển và các điều kiện cơ bản cho bảo tồn và phát triển các hệ sinh thái đặc thù của ĐBSCL, giải quyết hài hòa mối tương quan cân bằng giữa khai thác tài nguyên của các hệ sinh thái với sức chịu tải của môi trường sinh thái, giữ được tính bền vững năng suất sinh học của các hệ thống canh tác lâu dài trong quá trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước.

     Trong hoạch định chính sách phát triển kinh tế - xã hội của vùng đặc trưng sinh thái đất ngập nước ĐBSCL cần tập trung lấy bảo vệ và phát triển bền vững hệ thống sinh thái làm nòng cốt cho việc khai thác kinh tế và phát triển xã hội an toàn trong bối cảnh biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Xây dựng các chính sách cụ thể, phát triển các vùng sinh thái có tầm quan trọng đặc biệt của ĐBSCL trong an ninh lương thực, an ninh quốc phòng, cân bằng sinh thái và BVMT trong khu vực và quốc tế.

     Tăng cường giám sát đánh giá diễn biến chất lượng môi trường của các hệ sinh thái một cách chặt chẽ trên cơ sở quy hoạch môi trường cho phát triển bền vững các hệ sinh thái đặc thù. BVMT và phát triển bền vững trong nuôi trồng và chế biến thủy sản, BVMT trong canh tác nông nghiệp và các hệ thống rừng ngập mặn, hệ sinh thái rừng tràm nội địa, vùng ngập lũ hạ lưu sông Mê Công. BVMT đối với các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, các đô thị và cụm dân cư, xử lý chất thải công nghiệp, chất thải nguy hại, chất thải sinh hoạt, nước sạch vệ sinh môi trường… là các vấn đề cực kỳ quan trọng đối với vùng đất ngập nước của ĐBSCL trong tiến trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước.

 

Phạm Đình Đôn

Phó cục trưởng Cục Môi trường miền Nam

Tổng cục Môi trường

Nguồn: Tạp chí Môi trường, số 10/2014

 

 

Ý kiến của bạn