08/09/2020
Vấn đề xử lý chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) của Thủ đô Hà Nội vốn đã được “xới xáo” lên từ nhiều năm nay, nhưng đến giờ vẫn là “bài toán khó” của Thành phố (TP) nghìn năm văn hiến.
Kỳ 1: Nhiều khó khăn trong xử lý rác thải sinh hoạt
Mới đây, việc người dân sống xung quanh khu vực bãi rác Nam Sơn chặn lều bạt ngăn không cho xe chở rác vào Khu Liên hợp xử lý chất thải (KLHXLCT) Nam Sơn (huyện Sóc Sơn, TP. Hà Nội) đã khiến cho dư luận xã hội đặt ra nhiều câu hỏi đối với công tác xử lý rác thải sinh hoạt của TP. Hà Nội.
Câu chuyện này không phải mới diễn ra lần đầu, mà rất nhiều lần kể từ khi KLHXLCT Nam Sơn đi vào hoạt động từ năm 1999 và tình trạng đó cũng không chỉ xảy ra tại mỗi KLHXLCT này, mà còn ở Khu xử lý CTR Xuân Sơn (thị xã Sơn Tây, Ba Vì). Vậy nguyên nhân do đâu? Tại sao từ nhiều năm trước, TP đã phê duyệt đầu tư nhiều dự án xử lý chất thải rắn (CTR) sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường, nhưng đến nay, vẫn chưa có dự án nào đi vào hoạt động?
Sức ép từ các bãi chôn lấp quá tải
Theo Báo cáo của Sở Xây dựng Hà Nội, nguyên nhân khiến người dân bức xúc là do bị chậm chi trả tiền đền bù giải phóng mặt bằng cho các hộ dân phải di dời khỏi vùng ảnh hưởng môi trường của bãi rác, hoặc mức đền bù, hỗ trợ tái định cư chưa thỏa đáng; hoạt động vận chuyển, xử lý rác, nước rỉ rác không hiệu quả, phát tán mùi, ảnh hưởng đến sức khỏe, cuộc sống, sinh hoạt của người dân. Điều đáng nói là khi 2 khu xử lý chất thải rắn (CTR) Nam Sơn và Xuân Sơn không tiếp nhận rác thì Hà Nội gần như “bế tắc”, rác thải ngập tràn trên khắp các tuyến phố trong nội thành, làm mất mỹ quan, vệ sinh môi trường đô thị. Nhiều năm qua, mỗi khi sự việc tương tự xảy ra tại 2 khu xử lý CTR tập trung lớn nhất của TP, các cơ quan chức năng của Hà Nội đều tổ chức đối thoại, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của người dân để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc. Tuy nhiên, sự việc vẫn không được giải quyết triệt để, Lãnh đạo TP lại “đau đầu” tìm giải pháp cho vấn đề xử lý rác thải sinh hoạt của Hà Nội. Vậy “nút thắt” nằm ở đâu và tại sao bao nhiêu năm, TP vẫn chưa tháo gỡ được các “nút thắt” đó?
Giải đáp cho câu hỏi trên, một số chuyên gia cho rằng, những bất cập của Hà Nội trong công tác thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH hiện nay chủ yếu là ở một số vấn đề như: Công nghệ xử lý lạc hậu (chủ yếu sử dụng phương pháp chôn lấp); công tác quy hoạch quản lý CTR chưa hợp lý; việc triển khai mô hình xử lý rác thải còn nhiều vướng mắc; hạ tầng thu gom, phân loại rác thải chưa đồng bộ; nhận thức, sự quan tâm của các cấp chính quyền và người dân Hà Nội còn hạn chế, dẫn tới những hệ lụy về môi trường và xã hội trong thời gian qua.
Đi vào hoạt động từ năm 1999 và là nơi tập kết, xử lý rác thải lớn nhất Hà Nội, KLHXLCT Nam Sơn thuộc địa phận 3 xã Nam Sơn, Bắc Sơn và Hồng Kỳ (huyện Sóc Sơn), với diện tích ban đầu là 83,5 ha, trong đó 53,49 ha là diện tích bãi rác. Theo Quy hoạch xử lý CTR của Thủ đô đến năm 2020, KLHXLCT Nam Sơn có công suất là 4.500 tấn/ngày, nhưng hàng ngày, Khu Liên hợp phải tiếp nhận và xử lý với công suất 5.000 tấn rác từ các quận nội thành của Hà Nội. KLHXLCT Nam Sơn có 18 ô chôn lấp, song do lượng rác thải phải xử lý quá lớn, nên bãi chôn lấp đang trong tình trạng quá tải. Bên cạnh đó, Khu xử lý CTR Xuân Sơn (thị xã Sơn Tây) được xây dựng từ năm 2007, diện tích ban đầu là 13 ha. Theo Quy hoạch đến năm 2020, diện tích của Khu xử lý CTR Xuân Sơn được mở rộng lên 26 ha, công suất xử lý khoảng 700 tấn/ngày đêm, tuy nhiên, hiện Xuân Sơn đang phải tiếp nhận và xử lý vượt công suất từ 1.200 - 1.400 tấn rác/ngày.
Trao đổi về vấn đề này, ông Mai Trọng Thái - Chi cục trưởng Chi cục BVMT Hà Nội (Sở TN&MT Hà Nội) cho biết, hiện nay, mỗi ngày, lượng CTRSH phát sinh trung bình trên địa bàn TP. Hà Nội khoảng 6.500 tấn, bao gồm 3.500 tấn của 12 quận và thị xã Sơn Tây; 3.000 tấn của 17 huyện ngoại thành. Trong đó, 89% lượng CTRSH phát sinh chủ yếu được thu gom, phân luồng vận chuyển về 2 khu xử lý rác thải tập trung lớn nhất của TP là Nam Sơn và Xuân Sơn, sau đó được thực hiện bằng phương pháp chôn lấp hợp vệ sinh. Tuy nhiên, các bãi chôn lấp ở cả 2 khu xử lý này gần như đã đầy, theo tính toán của Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội, cả 2 bãi rác chủ lực của TP đều đã hoạt động quá tải và khả năng sẽ phải ngừng tiếp nhận rác vào tháng 12/2020. Trong khi đó, các bãi rác cấp huyện được xây dựng trên địa bàn các xã Vân Đình, Đông Lỗ (Ứng Hòa), Cao Dương (Thanh Oai), Yến Vĩ (Mỹ Đức)… cũng đã đầy và đóng bãi.
Rõ ràng, đến nay, chôn lấp vẫn là phương pháp xử lý CTRSH chủ yếu của Hà Nội - một phương pháp tiềm ẩn nhiều nguy cơ ô nhiễm môi trường, nước rỉ rác không được thu gom, xử lý triệt để, gây ô nhiễm nguồn nước mặt, thấm xuống đất làm ô nhiễm đất và nước ngầm. Chưa kể, lượng rác thải chưa được xử lý, chất đống tại các bãi hở, không có mái che, làm phát sinh mùi hôi, gây bức xúc trong nhân dân. Chừng nào Hà Nội còn xử lý CTRSH bằng phương pháp chôn lấp thì vẫn còn những mâu thuẫn, xung đột với người dân như câu chuyện Nam Sơn vừa qua.
Nhiều xe chở rác nối đuôi nhau đi vào bãi rác Nam Sơn
Bất cập trong quy hoạch và vướng mắc trong triển khai các dự án xử lý rác thải sinh hoạt
Qua câu chuyện của Nam Sơn có thể thấy, sự bất cập trong công tác quy hoạch khu xử lý CTR tại Hà Nội trong nhiều năm qua. Đề cập đến vấn đề này tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ TN&MT vào tháng 7/2020, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Hoàng Văn Thức nhấn mạnh, theo quy định, giữa khu xử lý rác và khu dân cư phải có một vành đai ngăn cách tối thiểu 500 m, ở giữa vành đai, chỉ có cây xanh và hồ nước để lọc bớt không khí ô nhiễm. Tuy nhiên, ở bãi rác Nam Sơn, trong khu vực vành đai 500 m, vẫn còn hàng nghìn người dân đang ngày ngày phải “sống chung với rác”, chịu đựng ảnh hưởng từ tình trạng ô nhiễm môi trường của bãi rác.
Ngoài ra, khi quy hoạch khu xử lý CTR, TP cũng chưa tính đến khoảng cách thu gom và vận chuyển từ nguồn thải đến khu xử lý khá xa, làm tăng chi phí, nguy cơ rơi vãi rác, gây ô nhiễm môi trường trong quá trình vận chuyển. Trong khi, một số dự án xử lý CTR được quy hoạch ở vị trí ngoài đê, hoặc khu vực có tốc độ đô thị hóa cao, nên mặc dù, sử dụng công nghệ xử lý tiên tiến, nhưng vẫn không đảm bảo khoảng cách hành lang môi trường theo các quy định hiện hành.
Theo Quy hoạch xử lý CTR của TP. Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch), Hà Nội sẽ có 17 khu xử lý CTR, được phân theo 3 vùng: Vùng 1 có 5 khu là Nam Sơn; Việt Hùng; Kiêu Kỵ; Phù Đổng và Cầu Diễn; Vùng 2 có 6 khu là Châu Can; Cao Dương; Hợp Thanh; Mỹ Thành; Vân Đình và Đông Lỗ; Vùng 3 có 6 khu: Xuân Sơn; Đan Phượng; Lại Thương; Đồng Ké; Núi Thoong; Tây Đằng. Thực hiện Quy hoạch trên, TP. Hà Nội đã đưa vào vận hành 4 nhà máy đốt rác không phát điện để giảm tỷ lệ chôn lấp rác thải là: Nhà máy xử lý chất thải Sơn Tây (Nhà máy điện rác Seraphin), công suất 700 tấn/ngày; Nhà máy xử lý chất thải Xuân Sơn, công suất 150 tấn/ngày (đều tại Xuân Sơn, Sơn Tây); Nhà máy xử lý và chế biến rác Phương Đình (Đan Phượng), công suất 200 tấn/ngày; Nhà máy xử lý chất thải Việt Hùng (Đông Anh), công suất 500 tấn/ngày, nhưng hiện chưa đi vào hoạt động. Qua thời gian vận hành, công nghệ của các nhà máy đốt rác không phát điện đã xuống cấp, lạc hậu, đang tạm ngừng để cải tạo, nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn mới về môi trường và phù hợp với định hướng phát triển công nghệ đốt rác phát điện của TP. Trong số đó chỉ còn Nhà máy điện rác Seraphin (trong Khu xử lý CTR Xuân Sơn, Sơn Tây) do Công ty CP Công nghệ Môi trường xanh Seraphin làm chủ đầu tư là còn hoạt động. Cuối năm 2019, UBND TP. Hà Nội đã chấp thuận cho Nhà máy chuyển đổi công nghệ từ đốt không phát điện sang đốt rác phát điện và nâng công suất lên 1.500 tấn/ngày, đêm. Dự kiến, Dự án sẽ khởi công vào quý IV/2020 và đưa vào vận hành trong năm 2022.
Cùng với đó, 2 nhà máy sử dụng công nghệ chế biến, sản xuất phân compost là Nhà máy xử lý CTRSH Kiêu Kỵ (Gia Lâm), đã dừng hoạt động từ tháng 7/2018; Nhà máy xử lý chất thải Cầu Diễn (Nam Từ Liêm), đến nay, vẫn đang vận hành. Ngoài xử lý CTR hữu cơ thành phân compost, Nhà máy này còn xử lý phân bùn bể phốt và CTR y tế nguy hại. Một số khu xử lý đang được UBND TP. Hà Nội thực hiện cải tạo hạ tầng, giải phóng mặt bằng để kêu gọi đầu tư như Châu Can (Phú Xuyên); Phù Đổng (Gia Lâm); Đồng Ké (Chương Mỹ). Còn một số khu xử lý chất thải đã được phê duyệt chủ trương đầu tư, nhưng chậm triển khai như Núi Thoong (Chương Mỹ); Đông Lỗ (Ứng Hòa); Lại Thượng (Thạch Thất); Hợp Thanh (Mỹ Đức). Nguyên nhân chủ yếu liên quan đến vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, người dân chưa đồng thuận với công nghệ nhà đầu tư sử dụng. Ngoài ra, còn 4 khu xử lý chất thải có trong Quy hoạch, nhưng không phù hợp với định hướng công nghệ và phát triển đô thị của Hà Nội hiện nay là Tây Đằng (Ba Vì); Mỹ Thành (Mỹ Đức); Vân Đình (Ứng Hòa); Cao Dương (Thanh Oai).
Nhìn lại bài toán quy hoạch xử lý CTRSH của TP. Hà Nội thời gian qua có thể thấy rõ, việc đầu tư xây dựng, mở rộng, nâng cấp, xây mới các khu xử lý CTR của TP chưa hợp lý, mới chỉ tập trung tại vùng I (Sóc Sơn) và vùng III (Xuân Sơn), trong khi vùng II chưa có nhà máy xử lý CTR nào hoạt động. Các dự án ưu tiên đầu tư đến năm 2020 theo Quy hoạch chưa được thực hiện đúng tiến độ, nên đến nay, Hà Nội vẫn chưa có nhà máy xử lý bằng công nghệ cao với quy mô lớn đi vào hoạt động. Trong khi, một số vị trí xây dựng khu xử lý CTR công suất nhỏ chưa thu hút về hiệu quả đầu tư. Chưa kể, tại một số địa phương, vẫn còn thiếu các điểm trung chuyển rác, điểm chuyển tải thu gom rác, hoặc khu xử lý CTR theo Quy hoạch để giảm tải xử lý cho các khu xử lý CTR tập trung của TP.
Thu Quỳnh - Giáng Hương (Còn nữa)
(Nguồn: Bài đăng trên Tạo chí Môi trường số 8/2020)
Kỳ 2: Gỡ “nút thắt” cho bài toán xử lý rác thải sinh hoạt tại Hà Nội như thế nào?