Banner trang chủ

Thanh Hóa xử lý hiệu quả các điểm nóng về môi trường trong năm 2016

06/03/2017

   Cùng với sự phát triển chung của cả nước, tỉnh Thanh Hóa đã góp phần không nhỏ vào việc chuyển dịch cơ cấu và đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế, nâng cao đời sống của nhân dân. Bên cạnh những mặt tích cực, tăng trưởng kinh tế cũng tạo nên áp lực về môi trường với các điểm nóng như: các bãi chôn lấp rác thải quá tải, không được xử lý hợp vệ sinh; các bệnh viện với hệ thống xử lý chất thải xuống cấp; các cụm công nghiệp, làng nghề… không có hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung... Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn nhiều các điểm tồn dư hóa chất thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) từ những năm 1980 trở về trước đã và đang gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường (ÔNMT) nghiêm trọng.

Trường THCS Vĩnh Tiến, huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa là một trong điểm phải di dời do tồn dư hóa chất thuốc BVTV

   Tính đến hết năm 2016, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có hơn 90 cơ sở nằm trong danh sách các cơ sở gây ÔNMT nghiêm trọng, gồm: 28 bệnh viện, 45 Khu vực tồn lưu hóa chất BVTV, 6 làng nghề, 7 bãi chứa rác thải sinh hoạt, 4 cơ sở sản xuất và 1 khu vực bị ô nhiễm xăng dầu. Xác định việc xử lý triệt để các cơ sở gây ÔNMT nghiêm trọng, đặc biệt là các dự án thuộc khu vực công ích là nhiệm vụ cấp bách trong công tác quản lý, UBND tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo Sở TN&MT tích cực triển khai các biện pháp nhằm xử lý dứt điểm các cơ sở gây ÔNMT nghiêm trọng trên địa bàn. Thời gian qua, Sở TN&MT đã tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo các cấp, các ngành chủ động lập dự án xử lý triệt để ÔNMT trình UBND tỉnh thẩm định, phê duyệt và tổ chức thực hiện.

   Mặc dù nguồn ngân sách của địa phương còn hạn chế trong khi phần lớn các cơ sở gây ÔNMT nghiêm trọng đều thuộc khu vực công ích, việc xử lý đòi hỏi chi phí rất cao nhưng UBND tỉnh đã bố trí 50% ngân sách của tỉnh cùng với 50% ngân sách của Trung ương để xử lý dứt điểm một số cơ sở gây ÔNMT nghiêm trọng. Đến nay, đã có 29/91 cơ sở (chiếm hơn 30%) hoàn thành xử lý ô nhiễm và được rút ra khỏi danh mục cơ sở gây ÔNMT nghiêm trọng.

   Năm 2016, UBND tỉnh đã giao Sở TN&MT làm chủ đầu tư để thực hiện 7 dự án xử lý hóa chất BVTV tồn lưu. Các dự án sau khi triển khai thực hiện đã được bàn giao cho địa phương để quản lý, sử dụng. Đối với các điểm tồn lưu hóa chất BVTV còn lại, trong thời gian chưa có nguồn kinh phí, Sở đã phối hợp với các cơ quan chức năng của tỉnh khảo sát, khoanh vùng, cô lập và cảnh báo cho nhân dân biết để tránh không tiếp xúc với khu vực bị ô nhiễm và có văn bản hướng dẫn các cơ sở, địa phương thực hiện các biện pháp khống chế ô nhiễm môi trường. Sở đã phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng của tỉnh mở các chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền phổ biến về tác hại do ô nhiễm từ hóa chất BVTV tồn lưu đến sức khỏe để nhân dân có biện pháp phòng ngừa.

   Với sự quyết tâm trong việc khắc phục, cải tạo môi trường các khu vực đã bị ÔNMT nghiêm trọng, cải thiện điều kiện sống của người dân, Sở đã tham mưu tỉnh ban hành Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 18/8/2016 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BVMT đến năm 2020, định hướng đến năm 2025. Trên cơ sở yêu cầu của Nghị quyết, UBND tỉnh đã xây dựng Chương trình hành động, đề ra các giải pháp và giao nhiệm vụ cụ thể cho các cấp, các ngành.

   Bên cạnh sự chỉ đạo quyết liệt và vào cuộc khẩn trương, tích cực, kịp thời của các cấp, các ngành để giải quyết tình trạng ÔNMT, đặc biệt là các sự cố môi trường nghiêm trọng trên địa bàn tỉnh như các sự việc cá chết hàng loạt trên sông Bưởi, huyện Thạch Thành; vùng cửa sông Lạch Bạng, huyện Tĩnh Gia; cá nuôi lồng chết tại khu vực ven biển xã Nghi Sơn, huyện Tĩnh Gia và sự cố ngao chết tại một số vùng nuôi trên địa bàn huyện Hậu Lộc và Hoằng Hóa... đã mang lại niềm tin cho nhân dân địa phương.

   Với phương châm “phòng ngừa là chính”, Sở TN&MT Thanh Hóa xác định việc tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về BVMT tiếp tục là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2017, nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm trong công tác BVMT cho chủ các cơ sở sản xuất kinh doanh, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, góp phần xây dựng Thanh Hóa có môi trường sống trong lành.

Lưu Trọng Quang  
Phó Giám đốc, Sở Tài nguyên & Môi trường Thanh Hóa

Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 2/2017

Ý kiến của bạn