08/09/2020
Thanh Hóa là tỉnh nằm ở khu vực Bắc Trung bộ, có tổng diện tích tự nhiên là 1.112.948 ha; có 27 huyện, thành phố, thị xã, gồm 559 xã, phường, thị trấn; quy mô dân số, tính đến tháng 5/2019 là 3.560.180 người. Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, hàng ngày trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đang phải tiếp nhận một lượng lớn chất thải từ các hoạt động của con người, trong đó có chất thải rắn (CTR) từ quá trình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, sinh hoạt hoặc các hoạt động khác. Nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế với nhiệm vụ BVMT, tỉnh Thanh Hóa đã đặt mục tiêu, đến năm 2025, tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải rắn (CTR) đô thị đạt 95%; tỷ lệ thu gom, xử lý CTR nông thôn đạt 85%. Đến năm 2050, tất cả loại CTR phát sinh đều được thu gom, tái sử dụng, tái chế…
Tập trung phấn đấu hoàn thành mục tiêu xử lý CTR cho từng giai đoạn
Cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp thực hiện tại Chiến lược Quản lý tổng hợp chất thải rắn (CTR) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh tại Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 7/5/2018 và Kế hoạch số 144/KH-UBND ngày 6/8/2016 của UBND tỉnh về Kế hoạch thực hiện Chiến lược, ngày 8/5/2020, UBND tỉnh đã phê duyệt Phương án xử lý CTR tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo đó, phương án xử lý các loại CTR gồm: CTR sinh hoạt, công nghiệp thông thường và nguy hại, CTR xây dựng, y tế và bùn thải trên địa bàn toàn tỉnh Thanh Hóa. Với mục tiêu định hướng, phân vùng thu gom, xử lý CTR; từng bước áp dụng các công nghệ hiện đại trong xử lý, đảm bảo các loại CTR phải được phân loại tại nguồn, được thu gom, tái sử dụng, tái chế và xử lý triệt để bằng những công nghệ tiên tiến và phù hợp, nâng cao tỷ lệ thu gom, xử lý CTR trên địa bàn toàn tỉnh, hạn chế tối đa lượng chất thải phải chôn lấp nhằm tiết kiệm tài nguyên đất và hạn chế gây ô nhiễm môi trường. Đồng thời, khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia đầu tư xây dựng các khu xử lý CTR tập trung trên địa bàn tỉnh bằng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường. Nâng cao nhận thức của cộng đồng dân cư và hiệu quả công tác quản lý nhà nước về xử lý CTR nhằm cải thiện môi trường, mang lại cuộc sống ngày càng bền vững.
Phấn đấu đến năm 2025, 95% tổng lượng CTR sinh hoạt đô thị, 90% tổng lượng rác thải sinh hoạt nông thôn phát sinh phải được thu gom và xử lý đảm bảo môi trường. Trong đó, tỷ lệ thu gom, xử lý toàn tỉnh đạt 90%; tỷ lệ chôn lấp dưới 30%; 100% tổng lượng CTR công nghiệp thông thường tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và làng nghề phát sinh được thu gom, tái sử dụng, tái chế và xử lý; 80% tổng lượng tro, xỉ, thạch cao phát sinh từ các nhà máy nhiệt điện, sản xuất phân bón, gang thép... được tái chế, tái sử dụng làm nguyên liệu sản xuất, vật liệu xây dựng, san lấp đáp ứng yêu cầu. Đối với CTR nguy hại, 100% tổng lượng phát sinh từ hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, cơ sở y tế, nông nghiệp và 85% tổng lượng CTR nguy hại phát sinh tại các hộ gia đình được thu gom, vận chuyển và xử lý; 90% tổng lượng CTR xây dựng phát sinh tại các đô thị được thu gom, xử lý đáp ứng yêu cầu BVMT; trong đó, 60% được tái sử dụng hoặc tái chế thành các sản phẩm, vật liệu tái chế bằng các công nghệ phù hợp; 100% tổng lượng bùn bể tự hoại thu gom của các đô thị được xử lý đảm bảo môi trường; 80% CTR phát sinh từ hoạt động sản xuất nông nghiệp được thu gom, tái sử dụng, tái chế làm phân compost, các nguyên liệu, nhiên liệu sản phẩm thân thiện với môi trường...
Đến năm 2050, tất cả loại CTR phát sinh đều được thu gom, tái sử dụng, tái chế và xử lý bằng những công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường, hạn chế khối lượng CTR phải chôn lấp đến mức thấp nhất. Ước tính vốn đầu tư khoảng 2.691 tỷ đồng; trong đó giai đoạn đến năm 2025 khoảng 1.389 tỷ đồng; Giai đoạn 2026 - 2030 khoảng 1.302 tỷ đồng. Nguồn vốn từ ngân sách nhà nước, vốn đầu tư của các doanh nghiệp và vốn hợp pháp khác.
Dây chuyền lò đốt CTR sinh hoạt của Công ty cổ phần môi trường Nghi Sơn
Phương án thu gom, phân loại, vận chuyển và xử lý CTR trên địa bàn
Dự báo khối lượng CTR phát sinh từ năm 2025 đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa rất lớn, do đó công tác thu gom, phân loại và vận chuyển CTR được tỉnh tính toán cụ thể đối với từng loại chất thải. Đối với CTR sinh hoạt, khuyến khích thực hiện phân loại tại nguồn thành 3 loại: hữu cơ (rau, quả, thức ăn thừa...); vô cơ có thể tái chế (giấy, nhựa, nilon, kim loại...); các loại CTR còn lại. Thực hiện thu gom, vận chuyển hằng ngày từ nơi phát sinh tới các điểm tập kết, trạm trung chuyển hoặc được vận chuyển đến cơ sở xử lý cấp huyện hoặc thực hiện theo quy hoạch các khu xử lý liên huyện. CTR công nghiệp được phân thành 2 loại (Công nghiệp thông thường và CTR nguy hại). Chủ nguồn thải phát sinh CTR thực hiện thu gom, vận chuyển hoặc ký hợp đồng thu gom, vận chuyển CTR công nghiệp thông thường, đối với CTR nguy hại phải có hợp đồng với các đơn vị có chức năng thu gom, vận chuyển và xử lý theo quy định. CTR y tế được phân thành 2 loại (CTR y tế nguy hại và thông thường), trong đó, CTR y tế thông thường tiếp tục được phân loại như CTR sinh hoạt.
Đối với CTR y tế nguy hại, thực hiện thu gom, vận chuyển trực tiếp từ cơ sở y tế đến cụm xử lý tập trung theo quy hoạch. Trong khi đó, CTR xây dựng, bùn thải (bao gồm bùn thải từ hệ thống thoát nước và bùn thải bể tự hoại) được phân thành các loại có thể tái chế, tái sử dụng. Chủ đầu tư xây dựng công trình chịu trách nhiệm ký hợp đồng với các đơn vị có chức năng thực hiện thu gom, vận chuyển CTR xây dựng đến cơ sở xử lý theo quy hoạch, đảm bảo các yêu cầu an toàn và vệ sinh môi trường. Thực hiện thu gom, vận chuyển bùn thải đến các cơ sở xử lý tập trung đã được quy hoạch hoặc vị trí do cơ quan có thẩm quyền cho phép.
Về phương án xử lý CTR: Các cơ sở xử lý CTR đảm bảo khoảng cách an toàn về môi trường theo đúng các tiêu chuẩn, quy chuẩn hiện hành. Đảm bảo CTR được thu gom phù hợp với công suất, quy mô của cơ sở xử lý chất thải. Địa điểm xây dựng các khu xử lý có khả năng phục vụ liên vùng đối với các nguồn thải gần nhau, tạo thuận lợi cho đầu tư hạ tầng kỹ thuật và công nghệ xử lý hiện đại, giảm nhu cầu chiếm đất và giảm ô nhiễm môi trường.
Khu xử lý CTR sinh hoạt: Đối với khu xử lý liên huyện được chia 3 khu: Khu xử lý liên huyện tại xã Đông Nam, huyện Đông Sơn, diện tích khu xử lý 25 ha; công nghệ xử lý hỗn hợp; công suất khu xử lý 500 - 1.000 tấn/ngày; Khu xử lý CTR liên huyện tại xã Trường Lâm, thị xã Nghi Sơn, diện tích khu xử lý: 80,4 ha; công suất khu xử lý 500 - 1.000 tấn/ngày; Khu xử lý CTR liên huyện tại phường Đông Sơn, thị xã Bỉm Sơn, diện tích khu xử lý khoảng 11,0 ha; công suất khu xử lý 500 - 1.000 tấn/ngày. Đối với các huyện, bố trí 28 khu xử lý của từng huyện; trong đó, các huyện vùng đồng bằng, ven biển, miền núi thấp mỗi huyện 1 khu xử lý bằng công nghệ đốt hoặc công nghệ hỗn hợp; các huyện miền núi cao (Lang Chánh, Quan Hóa, Bá Thước, Quan Sơn, Mường Lát), mỗi huyện có 2 khu chôn lấp hợp vệ sinh. Khu xử lý CTR y tế, tiếp tục thu gom xử lý tại 9 cụm xử lý chất thải y tế tập trung theo Quyết định số 3261/QĐ-UBND ngày 30/8/2017 của UBND tỉnh về phê duyệt kế hoạch thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải y tế. Thời gian tới thêm 2 cụm xử lý tại Bệnh viện đa khoa huyện Mường Lát và Quan Sơn. Khu xử lý CTR nguy hại chia thành các khu vực tại thị xã Nghi Sơn; thị xã Bỉm Sơn và xử lý chất thải nguy hại trong lò nung clanhke của các nhà máy xi măng…
Định hướng lựa chọn công nghệ xử lý CTR trong thời gian tới
Trước hết, công nghệ xử lý CTR được lựa chọn phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội; khả năng phân loại, tính chất, thành phần CTR của từng địa phương.Ưu tiên các công nghệ trong nước, công nghệ hiện đại, tiết kiệm năng lượng và BVMT, các công nghệ tái chế có sản phẩm phù hợp với thị trường tiêu thụ của mỗi địa phương.
Đối với CTR sinh hoạt, đầu tư công nghệ hỗn hợp (chế biến phân bón hữu cơ, tái chế phế liệu kết hợp đốt); công nghệ đốt (đốt thu hồi năng lượng hoặc đốt không thu hồi năng lượng), chỉ áp dụng công nghệ chôn lấp đối với 5 huyện miền núi cao (Lang Chánh, Bá Thước, Quan Sơn, Quan Hóa, Mường Lát). Đồng thời, áp dụng các công nghệ tái chế, tái sử dụng, công nghệ đốt, hạn chế chôn lấp đối với CTR công nghiệp thông thường. Đối với CTR nguy hại, sử dung công nghệ xử lý hóa lý, làm sạch thu hồi nguyên liệu, công nghệ đốt, đóng rắn để chôn lấp. Với CTR y tế, đầu tư công nghệ vi sóng kết hợp nghiền cắt chất thải. Riêng CTR xây dựng và bùn thải có thể tái chế, chôn lấp hợp vệ sinh. Ngoài ra, CTR xây dựng được tận dụng, tái sử dụng làm vật liệu san lấp mặt bằng, phần không xử lý đưa về khu xử lý chất thải rắn của các huyện; bùn thải đưa về các vị trí quy hoạch trồng cây xanh cách ly theo quy hoạch đô thị. Trong giai đoạn 2020 - 2025, tỉnh sẽ dừng hoạt động 11 bãi chôn lấp rác thải và 18 khu xử lý bằng lò đốt có công suất nhỏ.
Để thực hiện mục tiêu trên, Sở TN&MT chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan công bố Phương án xử lý CTR của tỉnh Thanh Hóa đã được phê duyệt; Chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố, thị xã, các đơn vị liên quan kiểm tra việc thực hiện đầu tư xây dựng, quản lý vận hành các công trình xử lý CTR.
Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì tham mưu cho UBND tỉnh triển khai các bước thực hiện quản lý về đầu tư xây dựng các khu xử lý CTR đúng quy định; Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan, căn cứ Phương án xử lý CTR tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050 đã được phê duyệt tổ chức tích hợp vào Quy hoạch tỉnh, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định. Sở Xây dựng Chủ trì hướng dẫn các địa phương điều chỉnh các quy hoạch liên quan cho phù hợp với phương án xử lý CTR của tỉnh.
Các Sở, ban ngành, đơn vị liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, phối hợp với Sở TN&MT, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Xây dựng thực hiện các nội dung Phương án, tham mưu cho UBND tỉnh Thanh Hóa kêu gọi thu hút, xã hội hóa đầu tư về công tác thu gom, vận chuyển, xử lý CTR.
UBND các huyện, thị xã, thành phố rà soát, điều chỉnh các quy hoạch xây dựng và quy hoạch khác của địa phuơng cho phù hợp phương án xử lý CTR của tỉnh đã đuợc Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt; Xây dựng kế hoạch đầu tư các khu xử lý CTR phù hợp với từng thời kỳ; lập kế hoạch sử dụng đất cho các công trình xử lý CTR; Kêu gọi xã hội hóa đầu tư các khu xử lý và đôn đốc các chủ đầu tư thực hiện đầu tu khu xử lý đã được chấp thuận; Tổ chức thông tin, tuyên truyền các nội dung phương án xử lý CTR của tỉnh; tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về BVMT, thu gom xử lý chất thải.
Lê Văn Bình - Chi cục trưởng
Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh Thanh Hóa
(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 8/2020)