Banner trang chủ

Thực trạng quản lý, phát triển cấp nước và giải pháp đảm bảo, nâng cao chất lượng nước sạch các đô thị Việt Nam

01/07/2015

   Trong những năm qua, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) của đất nước, hệ thống đô thị được mở rộng cả về quy mô và số lượng. Theo số liệu thống kê của Bộ Xây dựng, đến cuối năm 2014, cả nước có 774 đô thị, bao gồm: 2 đô thị đặc biệt, 15 đô thị loại I, 21 đô thị loại II, 42 đô thị loại III, 65 đô thị loại IV và 629 đô thị loại V; trong đó có khoảng 100 đô thị là trung tâm KT-XH quan trọng của các vùng miền. Tỷ lệ đô thị hóa năm 2014 đạt khoảng 34,5% với dân số đô thị khoảng 31 triệu người. Cùng với phát triển hệ thống đô thị, hệ thống hạ tầng kỹ thuật nói chung và hệ thống công trình cấp nước nói riêng từng bước được đầu tư xây dựng đồng bộ, góp phần phát triển KT - XH và cải thiện đời sống của người dân.

   Thực trạng quản lý, phát triển cấp nước

   Đến nay, cả nước có gần 100 doanh nghiệp cấp nước, quản lý trên 500 hệ thống cấp nước lớn, nhỏ tại các đô thị toàn quốc với tổng công suất cấp nước đạt 7 triệu m3/ngày, đêm tăng trên 800.000 m3/ngày, đêm so với năm 2011; tỷ lệ dân cư thành thị được cung cấp nước qua hệ thống cấp nước tập trung đạt 80%, tăng 4% so với năm 2011; tỷ lệ thất thoát, thất thu bình quân khoảng 25,5% giảm 4,5% so với năm 2010 (30%); mức sử dụng nước sinh hoạt bình quân đạt 105 lít/người/ngày, đêm.

   Để đảm bảo chất lượng nước, Bộ Xây dựng đã đưa việc thực hiện cấp nước an toàn vào quy định pháp luật và hướng dẫn tổ chức triển khai thực hiện tại các đô thị toàn quốc. Với sự hỗ trợ của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), sự phối hợp của các Bộ ngành liên quan, việc thực hiện kế hoạch cấp nước an toàn tại các địa phương đã đạt được những thành công bước đầu. Đối với nhà máy nước, trạm cấp nước tập trung có quy mô lớn tại đô thị, các đơn vị cấp nước đã quản lý, giám sát chặt chẽ chất lượng nước cấp và cơ bản đảm bảo yêu cầu quy định. Điển hình là Công ty Xây dựng và Công nghiệp Thừa Thiên - Huế là đơn vị cấp nước tiên phong công bố thực hiện kế hoạch cấp nước an toàn, đảm bảo uống nước tại vòi. Ngoài ra, Công ty áp dụng thí điểm thành công công nghệ tiên tiến, hiện đại để nước đạt chất lượng cao đầu tiên tại Việt Nam.

   Bên cạnh những thành tích nêu trên, việc cấp nước vẫn còn gặp những khó khăn, thách thức do tốc độ đô thị hóa tăng nhanh, cộng với sự gia tăng dân số, nên việc đầu tư phát triển cấp nước chưa đáp ứng kịp thời yêu cầu, phạm vi bao phủ dịch vụ cấp nước còn thấp (chỉ có khoảng 80% dân số thành thị được cấp nước qua hệ thống cấp nước tập trung), chất lượng dịch vụ cấp nước cũng chưa ổn định. Chất lượng nước của một số trạm cấp nước quy mô nhỏ tại khu đô thị mới, khu chung cư hay tại giếng khoan khai thác quy mô nhỏ lẻ còn hạn chế, chưa đạt yêu cầu quy định như: chỉ số clo dư thấp, ô nhiễm asen, amôni, chỉ tiêu vi sinh và một số chỉ tiêu khác. Mạng lưới đường ống cấp nước đô thị trải qua nhiều giai đoạn đầu tư đã cũ, rò rỉ, gây tỷ lệ thất thoát nước cao, thậm chí có thể có sự xâm nhập của chất thải.

   Nguồn nước đã và đang bị suy thoái cả về chất lượng và trữ lượng. Nguồn nước mặt bị ô nhiễm do chất thải, nước thải sinh hoạt và sản xuất; ngoài ra còn chịu tác động biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn đặc biệt trong mùa khô, nước mặn xâm nhập sâu vào đất liền hàng chục km, khu vực chịu ảnh hưởng mạnh là vùng đồng bằng sông Cửu Long và vùng duyên hải miền Trung. Nguồn nước ngầm khai thác quá mức cho phép dẫn đễn ô nhiễm nguồn nước một số nơi TP. Hà Nội và gây sụt lún ở TP. Hồ Chí Minh và TP. Cà Mau.

   Chất lượng nước cấp của các nhà máy nước tuân thủ theo QCVN 01:2009/BYT với tổng số 109 chỉ tiêu phải xét nghiệm. Ngoài TP. Hà Nội và Hồ Chí Minh, các tỉnh/thành phố khác chưa có phòng thí nghiệm và đủ các trang thiết bị để xét nghiệm 109 chỉ tiêu. Hơn nữa, việc tuân thủ đầy đủ Quy chuẩn này đòi hỏi một nguồn kinh phí lớn để đầu tư trang thiết bị và có thể gây biến động về giá nước do tăng chi phí xét nghiệm.

   Giá nước sạch tại các đô thị được ban hành theo hướng tiệm cận, với nguyên tắc tính đúng, tính đủ, nhưng nhìn chung còn thấp so với yêu cầu đặt ra. Giá bán nước sạch chưa bao gồm đầy đủ các chi phí đầu tư đảm bảo cấp nước an toàn, giảm thất thoát nước, khấu hao một số hạng mục đầu tư công trình; lợi nhuận doanh nghiệp thấp; việc điều chỉnh giá nước chưa phù hợp với sự biến động giá của thị trường. Nhìn chung, giá tiêu thụ nước sạch chưa thực sự khuyến khích được doanh nghiệp tư nhân tham gia đầu tư phát triển cấp nước.

   Nhiệm vụ đặt ra cho lĩnh vực cấp nước đến năm 2020 là rất lớn, đó là tỷ lệ dân số thành thị được cấp nước sạch đối với đô thị loại IV trở lên đạt 90%, đô thị loại V đạt 70%; tỷ lệ thất thoát; thất thu nước sạch dưới 18% đối với đô thị loại IV trở lên, dưới 25% đối với các đô thị loại V; cấp nước liên tục 24 giờ đối với các đô thị loại IV trở lên; chất lượng nước đạt quy chuẩn quy định. Dự kiến, nhu cầu vốn đầu tư phát triển cấp nước giai đoạn 2014 - 2020 khoảng 70.000 tỷ đồng, bình quân vào khoảng 10.000 tỷ đồng/năm.

   Một số giải pháp quản lý, phát triển cấp nước và đảm bảo chất lượng nước sạch

   Hoàn thiện cơ chế chính sách. Rà soát, đánh giá việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật liên quan đến lĩnh vực cấp nước. Nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến quản lý cấp nước tại các khu đô thị mới, khu chung cư; trách nhiệm của đơn vị cấp nước bán buôn và bán lẻ; hợp tác công tư lĩnh vực cấp nước; trách nhiệm và xử lý vi phạm của các bên liên quan trong hợp đồng dịch vụ cấp nước. Nghiên cứu xây dựng Luật cấp nước nhằm nâng cao tính pháp lý lĩnh vực cấp nước và đảm bảo cung cấp nguồn nước sạch cho nhu cầu thiết yếu của con người và sự phát triển KT - XH.

Triển khai các nguồn lực nhằm thu hút vốn đầu tư cấp nước theo mô hình hợp tác công tư (PPP)

   Rà soát, sửa đổi QCVN 01:2009/BYTL do Bộ Y tế chủ trì nhằm giám sát chất lượng nước ăn uống và sinh hoạt phù hợp với điều kiện KT-XH và đảm bảo sức khỏe của người dân, cũng như không gây biến động về giá nước.

   Tổ chức điều tra, khảo sát, đánh giá trữ lượng, chất lượng nguồn nước đặc biệt khả năng khai thác nguồn nước phục vụ công tác quy hoạch, khai thác sử dụng và bảo vệ nguồn nước; Đối với TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và Cà Mau cần quản lý việc cấp phép khai thác và khai thác hợp lý nguồn nước ngầm. Rà soát, đánh giá việc triển khai thực hiện các quy hoạch cấp nước quy mô vùng liên tỉnh, vùng tỉnh và TP. trực thuộc Trung ương.

   Triển khai thực hiện kế hoạch cấp nước an toàn. Tăng cường kiểm soát, bảo vệ nguồn nước, hệ thống cấp nước; đảm bảo chất lượng nước theo quy định và nâng cao chất lượng dịch vụ cấp nước. Tăng cường công tác phối hợp liên ngành trong hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát chất lượng nước tại các nhà máy, cơ sở cấp nước, bể ngầm chứa nước tại các khu chung cư. Với sự hỗ trợ của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tiếp tục phối hợp với các Bộ ngành liên quan đề xuất nghiên cứu xây dựng Chương trình quốc gia về cấp nước an toàn và báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.

   Đẩy mạnh việc triển khai thực hiện Chương trình quốc gia chống thất thoát, thất thu nước sạch như đầu tư, cải tạo các tuyến ống cũ, rò rỉ và các trang thiết bị quản lý hệ thống cấp nước; trong đó tập trung ở các đô thị lớn như TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh.

   Triển khai thực hiện Đề án “Huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng hệ thống cấp, thoát nước và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1196/QĐ-TTg ngày 23/7/2014, nhằm thu hút nguồn vốn đầu tư cho lĩnh vực cấp nước và hỗ trợ đầu tư cấp nước theo mô hình hợp tác công tư (PPP)…

   Đào tạo, phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Trước tiên, tập trung đào tạo, nâng cao năng lực về quản lý, vận hành, bảo dưỡng, bảo trì hệ thống cấp nước cho đơn vị cấp nước, bao gồm cả đơn vị quản lý cấp nước tại các khu đô thị mới, khu chung cư. Sau đó, tổ chức nghiên cứu, tái cấu trúc doanh nghiệp cấp nước đáp ứng yêu cầu phát triển cấp nước và nâng cao chất lượng dịch vụ cấp nước.

   Tổ chức truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ nguồn nước, công trình cấp nước và có ý thức sử dụng nước tiết kiệm.

Ý kiến của bạn