Banner trang chủ

Thực trạng ô nhiễm nguồn nước và giải pháp giảm thiểu tại tỉnh Điện Biên

04/05/2017

   Điện Biên là tỉnh duy nhất có chung đường biên giới với 2 quốc gia Lào và Trung Quốc, với 10 đơn vị hành chính và 130 xã, phường, thị trấn, dân số toàn tỉnh hơn 547,8 nghìn người, gồm 19 dân tộc. Địa hình ở Điện Biên khá hiểm trở, chủ yếu là đồi núi dốc, chia cắt mạnh nên gặp nhiều khó khăn trong việc phát triển sản xuất, xây dựng hạ tầng, nhất là giao thông và tổ chức dân cư, xã hội.

   Theo Báo cáo Hiện trạng Môi trường toàn tỉnh năm 2010 - 2015 và kết quả quan trắc môi trường qua các năm cho thấy, chất lượng môi trường nước mặt tương đối tốt, các chỉ tiêu phân tích hầu hết vượt từ 1,1 - 1,8 lần ở một số thông số so với QCVN 08-MT:2015/BTNMT; Chỉ tiêu DO ở một số vị trí phân tích có xu hướng giảm so với kết quả năm 2015, điểm có nồng độ DO giảm sâu nhất là Hồ Co Nôm, xã Noong Luống giảm xuống 2,8 mg/l (thấp hơn tiêu chuẩn 1,5 lần); Chỉ tiêu COD ở một số khu vực vượt quy chuẩn cho phép từ 1,1 - 1,8 lần như điểm đầu, cuối sông Nậm Rốm, hồ Huổi Phạ (TP. Điện Biên Phủ), sông Nậm Lúa (huyện Điện Biên), hồ Co Nôm (xã Noong Luống), suối Nậm Cản (huyện Mường Chà); Chỉ tiêu BOD ở một số khu vực vượt từ 1,4 - 1,7 lần so với quy chuẩn cho phép (điểm đầu, cuối sông Nậm Rốm, hồ Co Nôm, lòng hồ thủy điện Sơn La). Tuy nhiên, tại một số khu vực đã có dấu hiệu bị ô nhiễm cục bộ chủ yếu là do sản xuất công nghiệp, nông nghiệp và sinh hoạt.

Bệnh viện đa khoa tỉnh Điện Biên đã khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg

   Hiện nay, việc sử dụng nước trong hoạt động công nghiệp trên địa bàn tỉnh chủ yếu là hoạt động khoáng sản chì - kẽm (3 mỏ, trong đó có 1 điểm đang hoạt động là mỏ chì - kẽm Huổi Tao A, xã Pú Nhi, huyện Điện Biên Đông và 2 điểm đang tiến hành thăm dò gồm mỏ chì - kẽm Mùn Chung, huyện Tuần Giáo; Háng Chờ - Xã Nhè, huyện Tủa Chùa), gây tác động tiêu cực tới môi trường nước. Bên cạnh đó, nước thải phát sinh trong nông nghiệp chủ yếu từ hoạt động sản xuất dong riềng trên địa bàn các huyện Điện Biên và Mường Ảng, hiện có 9 cơ sở sản xuất và chế biến dong riềng với trung bình 30 - 40 tấn củ/ngày. Mặc dù, các chủ cơ sở chế biến đã có những giải pháp giảm thiểu tình trạng ô nhiễm do nguồn thải sau sơ chế dong riềng, nhưng mới xử lý sơ bộ bằng hệ thống các bể lọc, lắng sơ bộ, dẫn đến việc nước thải xả ra môi trường chưa đạt tiêu chuẩn theo quy định. Mặt khác, nước thải phát sinh trong lĩnh vực dịch vụ và sinh hoạt chủ yếu là từ các hoạt động kinh doanh nhà hàng, khách sạn cũng ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng môi trường nước trong khu vực. Hiện trên địa bàn tỉnh mới có khách sạn Mường Thanh lập hồ sơ cấp giấy phép xả nước thải vào nguồn nước.

   Trước thực trạng trên, những năm qua, UBND tỉnh Điện Biên đã quan tâm tới công tác tổ chức, kiện toàn đối với lĩnh vực tài nguyên nước (TNN). Ngày 20/5/2015, tỉnh đã thành lập Phòng TNN, Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu thuộc Sở TN&MT theo Quyết định số 690/QĐ-UBND về việc kiện toàn cơ cấu tổ chức bộ máy của Sở. Đặc biệt, tỉnh đã ban hành các văn bản chỉ đạo, tăng cường năng lực quản lý, phòng, chống suy thoái, cạn kiện ô nhiễm nguồn nước như Văn bản số 3163/UBND-TN về việc tăng cường công tác quản lý TNN trên địa bàn tỉnh; Quyết định số 06/2015/QĐ-UBND ban hành quy chế quản lý, sử dùng TNN trên địa bàn tỉnh Điện Biên; Quyết định số 1615/QĐ-UBND phê duyệt quy hoạch TNN tỉnh Điện Biên đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035. Đồng thời, tỉnh đã đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật, nâng cao nhận thức cho cộng đồng về TNN trên các phương tiện thông tin đại chúng, các trang thông tin điện tử, xây dựng phim, ảnh, chương trình hỏi đáp, xuất bản Bản tin TN&MT tỉnh Điện Biên.

   Đối với các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, có phát sinh nước thải theo Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, hiện tại có 2 cơ sở đã khắc phục tình trạng ô nhiễm là Bệnh viện Đa khoa tỉnh Điện Biên và Bệnh viện Y học cổ truyền; còn 2 cơ sở là bãi rác Noong Bua và hệ thống thoát nước, thu gom và xử lý nước thải TP. Điện Biên Phủ đang tiến hành các biện pháp khắc phục, xử lý. Với bãi rác Noong Bua, UBND tỉnh đã phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM); Quyết định số 1472/QĐ-UBND ngày 22/11/2016 về việc phê duyệt thiết kế bãn vẽ thi công và dự toán xây dựng công trình cải tạo xử lý triệt để ô nhiễm bãi chôn lấp rác thải Noong Bua. Đối với hệ thống thoát nước, thu gom và xử lý nước thải TP. Điện Biên Phủ, Dự án đã hoàn thành hạng mục kè đá từ trạm bơm 1 đến cửa sông Nậm Rốm và phần xây dựng cho các trạm bơm nước thải số 1, 2, 4, 5, 6. Hiện tại, Dự án đang thi công hạng mục san nền và triển khai hoàn thiện toàn bộ phần tuyến ống dịch vụ, trạm bơm nước thải số 3 và giếng tách; tiếp tục hoàn thành công tác đền bù giải phóng mặt bằng đường vào khu vực nhà máy xử lý nước thải.

   Để tăng cường công tác quản lý TNN, giảm thiểu ô nhiễm nguồn nước, thời gian tới, tỉnh sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức, trách nhiệm, nhất là bảo vệ TNN, phòng, chống ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước; Tập trung triển khai thực hiện Luật TNN năm 2012;

   Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực TNN; Giám sát việc khai thác, sử dụng TNN, xả nước thải; theo dõi, đánh giá, dự báo tình hình suy thoái, cạn kiệt nguồn nước;

   Nâng cao năng lực quản lý TNN ở các cấp; đẩy nhanh tiến độ công tác thẩm định hồ sơ cấp phép, đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, xử lý việc thực hiện các quy định của Giấy phép;

   Triển khai, nhân rộng các mô hình tự quản nhằm giữ sạch nguồn nước như không vứt rác bừa bãi, không thải trực tiếp vào nguồn nước sạch và sử dụng thuốc trừ sâu đúng quy định; hạn chế việc sử dụng các loại hóa chất gây ô nhiễm môi trường và đặc biệt là môi trường nước; tiết kiệm nước sạch, sử dụng hợp lý nguồn nước để không lãng phí nước sạch.

Đặng Thị Hồng Loan

Sở TN&MT tỉnh Điện Biên

Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 4/2017

Ý kiến của bạn