Banner trang chủ

Thực hiện Luật Bảo vệ môi trường năm 2014: Cần tăng cường khen thưởng thành tích trong công tác bảo vệ môi trường

13/03/2015

     Luật BVMT năm 2014 được Quốc hội khóa 13 thông qua là sự kiện quan trọng nhằm tăng cường hoạt động BVMT theo hướng phát triển bền vững trong thời gian tới. Điểm mới Luật BVMT năm 2014 so với các bộ Luật BVMT trước đây là đã quy định rõ một số nội dung về công tác khen thưởng thành tích trong hoạt động BVMT.

     Cụ thể, tại Điều 5 của Luật quy định “Nhà nước ghi nhận, tôn vinh cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân có đóng góp tích cực trong hoạt động BVMT”; Điều 44 quy định “Bộ TN&MT có trách nhiệm phối hợp các cơ quan thông tin truyền thông giới thiệu quảng bá về sản phẩm, dịch vụ thân thiện môi trường”; Điều 143 quy định “Xây dựng nội dung BVMT trong hương ước, hướng dẫn việc đưa tiêu chí BVMT vào đánh giá thôn, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc, khu dân cư và gia đình văn hóa”; Điều 154 quy định “Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong BVMT được khen thưởng theo quy định của pháp luật về thi đua khen thưởng”. Hơn nữa, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng năm 2014 mới được Quốc hội phê chuẩn đã quy định tăng cường khen thưởng trong hoạt động BVMT.

     Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để thực hiện hiệu quả hoạt động khen thưởng thành tích trong BVMT. Hiện nay, cùng với tốc độ phát triển kinh tế - xã hội, khen thưởng thành tích BVMT có ý nghĩa đối với các cơ quan, tổ chức. Theo thẩm quyền, các cơ quan, tổ chức đã có nhiều hình thức khen thưởng cho tập thể, cá nhân có thành tích BVMT thông qua các phong trào, mô hình, sáng kiến công nghệ, cải tiến kỹ thuật trong BVMT. Qua đó góp phần đưa công tác BVMT phát triển rộng khắp trên mọi miền đất nước; tập hợp các tầng lớp nhân dân, tổ chức, thành phần trong xã hội, tăng cường nguồn lực cho công tác xã hội hóa BVMT, tài nguyên thiên nhiên của đất nước.

     Tuy nhiên, khen thưởng trong BVMT hiện nay đang tồn tại các bất cập. Nhận thức chung về việc đánh giá, ghi nhận, biểu dương khen thưởng thành tích BVMT còn hạn chế và lúng túng trong thực hiện. Các Bộ ngành, địa phương, tổ chức chưa thực sự quan tâm phát hiện, nuôi dưỡng, đề xuất điển hình tiên tiến có thành tích tiêu biểu, xuất sắc trong hoạt động BVMT hoặc các phong trào cộng đồng. Đặc biệt, việc khen thưởng thành tích BVMT chưa có quy định chung; chưa có bộ tiêu chí cụ thể…

     Hiện nay, Bộ TN&MT được giao chủ trì tổ chức thực hiện trao Giải thưởng Môi trường Việt Nam. Sau hơn 10 năm có gần 300 tổ chức, cá nhân được tặng thưởng. Đây là Giải thưởng quốc gia tổ chức 2 năm/lần với số lượng khen thưởng không nhiều và chưa thể phản ánh sinh động các hoạt động nổi bật của BVMT trên các vùng miền đất nước.

     Nhằm xác định rõ về khen thưởng thành tích trong công tác BVMT, theo kế hoạch xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, Bộ TN&MT sẽ sửa đổi, bổ sung Thông tư số 13/2010/TT-BTNMT ngày 28/7/2010 quy định về Giải thưởng Môi trường Việt Nam.

 

Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan trao Huân chương cho tập thể, cá nhân

có thành tích xuất sắc trong công tác bảo vệ TN&MT tại Đại hội Thi đua yêu nước

ngành TN&MT lần thứ II năm 2010

 

    Để đạt hiệu quả cao trong thực hiện Luật BVMT năm 2014 và Luật Thi đua, khen thưởng năm 2014, trước tiên cần thống nhất xác định khen thưởng là một công cụ quản lý nhà nước góp phần thực hiện tốt công tác BVMT. Theo đó, Bộ TN&MT cần đề nghị cấp có thẩm quyền cho phép xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật chuyên đề về công tác khen thưởng BVMT, trong đó quy định cụ thể đối tượng, tiêu chí, điều kiện và thẩm quyền trách nhiệm khen thưởng thành tích BVMT của các cơ quan, tổ chức.

     Thứ hai, tập trung nghiên cứu, căn cứ từng đối tượng xã hội để đưa ra hình thức, nội dung, phương pháp tổ chức khen thưởng phù hợp. Công tác khen thưởng cần được tổ chức thường xuyên, sâu rộng, phổ biến đến các tầng lớp nhân dân, cộng đồng, doanh nghiệp, các tổ chức quốc tế; khen thưởng kịp thời, xứng đáng, phù hợp khi có thành tích; thành tích đến đâu khen thưởng đến đó... Huy động các nguồn lực xã hội để phát triển và xây dựng các phong trào cộng đồng, các mô hình; kịp thời phát hiện, nhân rộng các điển hình tiên tiến, nhân tố mới có sáng kiến, công nghệ và thành tích đóng góp trong BVMT. Tăng cường việc khen thưởng gắn với việc tuyên truyền phổ biến thành tích cũng là giải pháp quan trọng hữu ích để nêu gương, soi chiếu cho tập thể, cá nhân có hành vi phạm pháp luật BVMT. Qua đó, từng bước thay đổi hành vi theo hướng tích cực.

     Thứ ba, Bộ TN&MT kịp thời phối hợp Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương để chỉ đạo các các cơ quan chuyên môn phát triển phong trào BVMT; nhất là tổ chức thực hiện nghiêm túc việc đưa tiêu chí BVMT của doanh nghiệp, gắn chặt và nâng cao chất lượng khi xét thưởng. Doanh nghiệp, tổ chức vi phạm hoặc không nâng cao ý thức, cách thức, biện pháp BVMT sẽ không được xét khen thưởng. Nếu khen thưởng tổ chức tổ chức, doanh nghiệp có nhiều thành tích phát triển kinh tế nhưng vi phạm BVMT, tức là khẳng định và nối dài sự vi phạm của chính tổ chức, doanh nghiệp. Hiện nay, doanh nghiệp là đối tượng chính có ảnh hưởng lớn đến BVMT.

     Thứ tư, Bộ TN&MT hướng dẫn đôn đốc, tổ chức kiểm tra, sơ kết, tổng kết công tác khen thưởng trong hoạt động BVMT để rút kinh nghiệm. Với những giải pháp nêu trên hy vọng góp phần hướng đến mục tiêu cải thiện môi trường, xây dựng đất nước Việt Nam “Xanh - Sạch - Đẹp” và phát triển bền vững, để đất nước ngày càng tươi đẹp.

 

Trương Văn Đạt, Phó Vụ trưởng

Phạm Ngọc Bách

Vụ Thi đua, Khen thưởng và Tuyên truyền

Nguồn: Tạp chí Môi trường, số 1+2/2015

 

 

Ý kiến của bạn