Banner trang chủ

Thành tựu và thách thức qua 5 năm thực hiện Luật Đa dạng sinh học

02/09/2013

Với mục tiêu bảo tồn và phát triển bền vững nguồn tài nguyên đa dạng sinh học (ĐDSH) của Việt Nam phục vụ cho chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và BVMT, Đảng và Nhà nước đã luôn đưa ra các chủ trương, chính sách cùng với việc ban hành các luật pháp trong đó có một số bộ luật liên quan trực tiếp đến công tác quản lý bảo tồn ĐDSH như Luật Bảo vệ và phát triển rừng năm 1991 được sửa đổi bổ sung năm 2004; Luật Đất đai năm 1993 được sửa đổi bổ sung năm 1998 và năm 2003; Luật BVMT năm 1993 được sửa đổi, bổ sung năm 2005; Luật Thủy sản năm 2003 và gần đây nhất là Luật ĐDSH đã được Quốc hội thông qua ngày 13/11/2008.

            Luật ĐDSH đã kế thừa, tiếp nối được các bộ luật đã ban hành trước đó và đưa ra những điều khoản đáp ứng được tính thời sự, tính hòa nhập, tính thực tiễn, tính mong muốn của dân tộc là bảo vệ và phát triển bền vững, sử dụng khôn khéo các hệ sinh thái, các dạng tài nguyên vốn có của thiên nhiên, cũng như các tài nguyên và sinh vật do con người tạo ra qua nhiều thế hệ. Việc thực thi tốt, hiệu quả Luật ĐDSH cùng các luật pháp của Việt Nam chính là chúng ta đã tỏ lòng tri ân biết ơn các bậc tiền bối, các thế hệ cha ông, các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước mà đại diện là Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, kính mến đã luôn dạy dỗ nhắc nhở nhân dân là phải biết bảo vệ thiên nhiên, BVMT sống.

            Qua 5 năm thực hiện Luật ĐDSH, thời gian tuy chưa dài nhưng cũng đã có nhiều thành tích đáng được ghi nhận trong công tác quản lý. Bước đầu, Luật ĐDSH cũng đã phát huy tác dụng của một văn bản pháp luật thể hiện tính hài hòa giữa bảo tồn và phát triển nghĩa là các điều khoản trong Luật đã kết hợp tính khoa học, tính nhân văn, tính hòa nhập trong chiến lược quy hoạch, quản lý bảo tồn tại chỗ (Insitu) và bảo tồn chuyển chỗ (Exsitu) mà trọng tâm duy nhất là phục vụ cho chất lượng cuộc sống của con người và duy trì sự bền vững của di sản thiên nhiên Việt Nam.

            Luật ĐDSH ra đời và đã đi qua chặng đường 1.825 ngày (5 năm) đã tiếp thêm nhựa sống cho công tác quản lý bảo tồn ĐDSH trong các hệ sinh thái trên cạn, đất ngập nước, vùng biển của Việt Nam với một số thành tích đáng khích lệ chẳng hạn đã thu thập nhiều tư liệu bổ sung, đánh giá hiện trạng ĐDSH ở 164 khu rừng đặc dụng làm cơ sở cho việc đề xuất trong chiến lược rà soát, quản lý hệ thống khu bảo tồn thiên nhiên Việt Nam, hỗ trợ nâng cao năng lực quản lý, tổ chức bảo tồn các vườn quốc gia (VQG), các khu bảo tồn thiên nhiên. Ở một số địa phương đã xây dựng các tiêu chí cụ thể xác định loài và chế độ quản lý bảo vệ thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ (Điều 37 Luật ĐDSH). Hiện nay, danh mục các loài đang hoàn thiện để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong đó danh mục các loài ưu tiên bảo vệ đã nêu giá trị về khoa học, kinh tế, sinh thái, cảnh quan, văn hóa, lịch sử, đặc biệt là nguồn gen quý, hiếm của thiên nhiên Việt Nam mà Luật ĐDSH đã đề cập ở điều 16 đến điều 33, Luật ĐDSH.

            Việc xác định chế độ quản lý đối với các cơ sở bảo tồn ngoại vi (Exsitu) đã cung cấp nhiều thông tin cơ bản về hệ thống quản lý, các vườn động vật, các vườn thực vật, các cơ sở cứu hộ động vật, các cơ sở bảo quản mẫu vật di truyền, đồng thời cũng đưa ra những nguyên tắc trong vấn đề trao đổi, mua, bán, tặng, cho, lưu giữ, vận chuyển loài thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ làm căn cứ pháp lý cho công tác quy hoạch quản lý và phát triển hệ thống các cơ sở bảo tồn Exsitu về ĐDSH ở Việt Nam, đã đáp ứng một phần công tác phục hồi các nguồn gen quý, để từng bước trả về thiên nhiên thích hợp với đặc điểm sinh thái của loài.

             Luật ĐDSH đã đề xuất cơ chế quản lý tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích có được từ nguồn gen ở Việt Nam (Điều 55 về quản lý nguồn gen). Điều đó thể hiện sự nghiêm túc của Việt Nam trong việc thực hiện mục tiêu thứ ba của Công ước ĐDSH đó là chia sẻ một cách công bằng và hợp lý những lợi ích thu được từ việc sử dụng nguồn gen. Đây là vấn đề rất mới và khó nhưng trong thời gian qua, các cơ quan quản lý (Cục Bảo tồn Đa dạng sinh học, Tổng cục Môi trường, Bộ TN&MT) cũng đã cố gắng vận dụng các điều khoản trong Luật ĐDSH để tiến hành thử nghiệm ở một số VQG, khu bảo tồn như Bạch Mã, Ba Vì, Cát Bà, Côn Đảo, Bidoup Núi Bà, Vân Long… Qua đó, cộng đồng sống xung quanh các khu bảo tồn thiên nhiên được cải thiện chất lượng cuộc sống bằng các sinh kế, tăng việc làm thông qua hoạt động bảo tồn ĐDSH là giải pháp tạo sự đồng thuận, nhất trí tham gia của cộng đồng trong chiến lược bảo tồn ĐDSH.

Anh seu011.tif

Sếu đầu đỏ là một loài chim quý, hiếm nằm trong Sách đỏ Việt Nam và của thế giới

            Trong thời gian qua, nhiều địa phương trong cả nước như Hà Nội, Nghệ An, Vĩnh Phúc đã tiến hành khảo sát điều tra các loài sinh vật ngoại lai xâm hại để có biện pháp kiểm soát ngăn ngừa mà Điều 50 của Luật ĐDSH đã nêu: UBND cấp tỉnh tổ chức điều tra lập danh mục loài ngoại lai xâm hại để có biện pháp quản lý ngăn chặn. Để giúp các địa phương có tiêu chí xác định loài ngoại lai xâm hại, Bộ TN&MT đã có Thông tư số 22 ngày 1/7/2011 hướng dẫn đưa ra danh mục các loài ngoại lai xâm hại cần quan tâm phát hiện ở các địa phương. Kỳ vọng các địa phương tiến hành kịp thời thì các nguy cơ tiềm ẩn của các loài sinh vật ngoại lai xâm hại đến các hệ sinh thái và ĐDSH của nước ta sẽ được ngăn ngừa có kết quả. Triển khai tốt việc này là nghiêm chỉnh chấp hành Luật ĐDSH.

            Các công trình nghiên cứu khoa học ở cấp Trung ương và địa phương đã cung cấp nhiều dẫn liệu khoa học về địa lý, cảnh quan, về sử dụng đất và tài nguyên sinh vật phục vụ cho việc xây dựng quy hoạch tổng thể ĐDSH ở cấp vi mô, cấp tỉnh đến năm 2020 định hướng đến năm 2030. Đây cũng là kết quả bước đầu thực hiện Luật ĐDSH mà nhiều địa phương đã triển khai trong thời gian gần đây.

            Điều cực kỳ ấn tượng trong 5 năm thực thi Luật ĐDSH là Cục Bảo tồn ĐDSH đã phối hợp với các cục, vụ, viện của Bộ NN&PTNT, với các tổ chức quốc tế tổ chức nhiều lớp học nâng cao nhận thức, phổ biến các điều khoản của Luật đến các cấp quản lý, cộng đồng ở các địa phương từ Cao Bằng đến Côn Đảo, Bà Rịa -Vũng Tàu.

            Rõ ràng, Luật ĐDSH đã từng bước đi vào cuộc sống và phát huy tác dụng tuy còn ở mức độ khiêm nhường. Dẫu rằng còn có nhiều điều phải bàn trong quá trình thực thi, Luật cần sớm có những điều chỉnh, bổ sung nhằm hoàn chỉnh Luật ĐDSH, phục vụ cho chiến lược bảo tồn, phát triển bền vững ĐDSH ở Việt Nam. Để góp phần thực hiện mục tiêu quan trọng đó, tác giả xin nêu một số điều còn tồn tại trong 5 năm thực hiện Luật ĐDSH. Đó là:

            Một là, hiện nay, công tác quản lý nhà nước về ĐDSH là chưa rõ ràng, còn có nhiều điều chồng chéo giữa hai cơ quan cấp Bộ là Bộ TN&MT và Bộ NN&PTNT. Đây là vấn đề quan trọng trong công tác quản lý tài nguyên thiên nhiên, quản lý sử dụng bền vững ĐDSH. Như chúng ta đều biết, ĐDSH trên cạn, trong vùng đất ngập nước, trên biển và thềm lục địa là nguồn tài nguyên vô cùng quý, là tiềm năng hiện thực trong phát triển kinh tế, xã hội và BVMT; là tài sản của đất nước mà người đại diện cho dân tộc là Nhà nước, là Chính phủ phải có trách nhiệm quản lý, bảo vệ, phát triển làm giàu vốn của tự nhiên cho thế hệ hôm nay và mai sau được hưởng. Để quản lý bất kỳ một dạng tài nguyên nào trong thiên nhiên phải dựa vào luật pháp. Theo Luật ĐDSH năm 2008 quy định: Bộ TN&MT chịu trách nhiệm trước Chính phủ (tức là đại diện cho nhân dân) quản lý nhà nước về ĐDSH (Khoản 2 điều 6) trong khi Luật Bảo vệ và Phát triển rừng năm 2004 quy định Bộ NN&PTNT chịu trách nhiệm quản lý nhà nước đối với ĐDSH rừng. Đây là điều cần phải chỉnh sửa để cho việc quản lý, bảo tồn và phát triển bền vững ĐDSH phải quy về một đầu mối bởi vì trong quản lý tài nguyên thiên nhiên, cụ thể ĐDSH là sự phong phú của mọi cơ thể sống có từ tất cả các nguồn trong các hệ sinh thái trên cạn, ở biển và các hệ sinh thái thủy vực. ĐDSH bao gồm sự đa dạng trong loài (đa dạng di truyền hay còn gọi là đa dạng gen), giữa các loài (đa dạng loài) và các hệ sinh thái (đa dạng hệ sinh thái), vì vậy, tài nguyên ĐDSH còn được gọi là tài nguyên sinh vật.

            Chính vì vậy, Luật ĐDSH quy định là phải quản lý bao quát tất cả các hệ sinh thái tự nhiên. Các loài và nguồn gen sinh vật mà không phân chia và phụ thuộc vào tính chất loại hình của từng hệ sinh thái. Vấn đề quản lý ĐDSH là vấn đề chung của quốc gia nhưng đã nảy sinh một số vấn đề phức tạp làm ảnh hưởng không nhỏ tới công tác quản lý, bảo tồn và phát triển nguồn tài nguyên quý giá này. Nếu Nhà nước không có biện pháp khoa học trong công tác phân công trách nhiệm rõ ràng thì vấn đề quản lý ĐDSH của Việt Nam kết quả sẽ không như mong muốn, không đáp ứng được nguyện vọng yêu cầu của cộng đồng trong xã hội. Chính vì thế mà trong điều khoản Luật ĐDSH cũng có nêu rõ cơ chế đa ngành, liên ngành trong quản lý ĐDSH. Nhưng nhất thiết phải có cơ quan đầu mối đứng ra chịu trách nhiệm quản lý, đầu tư cho sự nghiệp bảo tồn phát triển bền vững ĐDSH.

            Hai là, Luật ĐDSH chưa nêu rõ căn cứ để cấm nuôi sinh sản, nuôi sinh trưởng và trồng cấy nhân tạo trái phép - (khoản 5 điều 42 Luật ĐDSH). Đây là vấn đề cần cân nhắc lợi, hại của việc nuôi sinh sản và trồng cấy nhân tạo. Trên thực tế ở Việt Nam, nhiều loài thực vật, động vật ngay cả những loài quý hiếm ưu tiên bảo vệ nhưng lại có giá trị thực tế trong nhu cầu sử dụng của con người, trong y học, văn hóa tâm linh, giáo dục, nghiên cứu khoa học, đặc biệt khoa học vũ trụ. Chính vì thế, Luật cần quy định cụ thể các nguyên tắc, quy trình nhân nuôi, trồng cấy các loài mà không làm ảnh hưởng đến việc xáo trộn nguồn gen cũng như hệ sinh thái tự nhiên.

            Ba là, trong Luật có đưa ra quy định cấm tiếp cận trái phép nguồn gen thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ. Trong thực tế, việc cấm là thiếu tính khả thi bởi vì nhiều khi việc tiếp cận nguồn gen các loài quý, hiếm là rất cần thiết, quan trọng có ý nghĩa trong nghiên cứu tìm ra các giải pháp công nghệ để phục hồi và phát triển. Thực tế ở Việt Nam đã có nhiều thành công bước đầu trong việc tiếp cận và phát triển nuôi trồng các nguồn gen quý, đặc hữu như sâm ngọc linh, cây bách bệnh, cây trầm hương, hươu sao, hổ, cá sấu nước ngọt, gà lôi Hà Tĩnh, voọc Hà Tĩnh, rùa biển… Do vậy, Luật cần tạo cơ chế để việc tiếp cận nguồn gen được thuận lợi.

            Bốn là, hiện nay, trong một số luật của Việt Nam kể cả Luật ĐDSH có rất nhiều điều khoản nặng về cấm đoán. Thực ra việc cấm đoán có tính khả thi hay không chính là do ý thức tuân thủ của người dân cùng với kỹ năng quản lý của các cán bộ công quyền. Vì vậy, Luật phải mang tính hài hòa giữa nghĩa vụ và quyền lợi của các bên liên quan.

            Qua 5 năm Luật ĐDSH ra đời đã thể hiện được tính ưu việt, tính tổng hợp, tính khái quát, tính khoa học và tính hòa nhập, tính thực tiễn của một đạo luật chuyên ngành về quản lý, bảo tồn và phát triển ĐDSH của đất nước và đóng góp quan trọng trong chiến lược quản lý bảo tồn ĐDSH ở Việt Nam. Tuy còn một số điều tồn tại, bất cập trong quá trình thực thi, Luật ĐDSH cần được đề nghị xem xét, chỉnh sửa, bổ sung trong thời gian tới. Nhưng có thể khẳng định, Luật ĐDSH trong 5 năm qua đã từng bước đi vào cuộc sống và đạt được những kết quả đáng khích lệ.

GS.TS. Đặng Huy Huỳnh

Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật

Nguồn: Tạp chí MT, số 5/2013

Ý kiến của bạn