Banner trang chủ

Từng bước giải bài toán ô nhiễm môi trường làng nghề Hà Nội

09/05/2014

     Không phải ngẫu nhiên mà Hà Nội được mệnh danh là “đất trăm nghề”, bởi nơi đây đã và đang tồn tại hàng trăm làng nghề từ xa xưa nổi tiếng khắp vùng đồng bằng Bắc Bộ, với những cái tên như gốm sứ Bát Tràng, lụa Vạn Phúc, mây tre đan Phú Vinh, sơn mài Hạ Thái… Theo thống kê, hiện nay trên địa bàn TP. Hà Nội có 1.350 làng có nghề, trong đó có 272 làng được UBND TP cấp bằng công nhận làng nghề với 116 “Nghệ nhân Hà Nội” và hàng nghìn thợ giỏi. Những làng nghề đó đã tạo nên bức tranh đa sắc cho Thủ đô, với những nét văn hóa đặc trưng và các giá trị truyền thống quý báu. Bên cạnh đó, sự phát triển của các làng nghề với nhiều loại hình sản xuất phong phú, đa dạng cũng góp phần phát triển kinh tế địa phương, giải quyết việc làm, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực thì tình trạng ô nhiễm ở các làng nghề đã và đang ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển bền vững của TP. Hà Nội.

     Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến ô nhiễm là do hầu hết các cơ sở sản xuất tại các làng nghề đều có quy mô nhỏ hộ gia đình, nằm xen kẽ trong khu dân cư, mặt bằng chật hẹp nên khó xây dựng các công trình xử lý môi trường. Đa số các làng nghề chưa đầu tư bất kỳ giải pháp nào để giảm thiểu ô nhiễm không khí, tiếng ồn, nước thải, bụi, chất thải rắn. Nước thải sản xuất chưa qua xử lý được hòa chung với nước thải sinh hoạt của làng nghề và thải vào hệ thống thoát nước mặt. Theo kết quả quan trắc của Trung tâm Quan trắc và Phân tích Tài nguyên Môi trường Hà Nội tại 22 làng nghề trên địa bàn TP vào năm 2013, nước thải tại hầu hết các làng nghề đều có các chỉ số BOD5, COD vượt quy chuẩn cho phép. Đáng chú ý là tình trạng ô nhiễm bụi Cr trong không khí tại các làng nghề cơ khí. Ngoài ra, công tác quản lý và thực hiện các giải pháp BVMT chưa được quan tâm đúng mức. Ý thức và nhận thức về BVMT của các hộ gia đình làm nghề còn chưa cao. Ô nhiễm môi trường làng nghề Hà Nội đang là mối đe dọa tới môi trường sinh thái, sức khỏe cộng đồng, cũng như sự tồn tại, phát triển của các làng nghề và là một trong những thách thức lớn của TP.

     Nhận thức rõ vấn đề này, nhiều năm qua, UBND TP luôn coi giải quyết ô nhiễm tại các làng nghề là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. UBND TP đã chỉ đạo Sở TN&MT chủ trì thực hiện nhiệm vụ “Khắc phục và cải thiện môi trường tại các làng nghề ô nhiễm đặc biệt nghiêm trọng” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia về khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường giai đoạn 2012 - 2015. Triển khai nhiệm vụ này, Sở TN&MT đã và đang tiến hành khảo sát, điều tra nhằm phân loại, đánh giá mức độ ô nhiễm môi trường tại các làng nghề, từ đó đề xuất các phương án giảm thiểu ô nhiễm, cải thiện chất lượng môi trường, xây dựng dự án đầu tư và triển khai xây dựng hệ thống xử lý chất thải tại các làng nghề bị ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

 

Làng nghề mây tre đan Phú Vinh (Chương Mỹ)

 

     Trong năm 2013, Sở đã triển khai điều tra và khảo sát hiện trạng môi trường tại 4 làng nghề trên địa bàn TP. Bên cạnh đó, Sở còn phối hợp với các Sở, Ban, Ngành liên quan triển khai nhiều dự án xử lý, cải thiện ô nhiễm môi trường tại các làng nghề như: Mô hình trình diễn tại làng nghề cơ kim khí Thanh Thùy (Thanh Oai); Xây dựng thử nghiệm mô hình xử lý bụi làng nghề đồ gỗ mỹ nghệ tại xã Vân Hà (Đông Anh); Thí điểm xử lý nước thải cho làng nghề chế biến tinh bột sắn xã Tân Hòa (Quốc Oai); Đầu tư xây dựng trạm xử lý nước thải cụm làng nghề tại xã Dương Liễu (Hoài Đức); Nhà máy xử lý nước thải tại xã Vân Canh (huyện Hoài Đức); Nhà máy xử lý nước thải tại xã Sơn Đồng (huyện Hoài Đức). Ngoài ra, Sở cũng đề xuất với UBND TP triển khai xây dựng các mô hình xử lý ô nhiễm tại một số làng nghề như: Mây tre đan Phú Vinh (Chương Mỹ), Xương sừng Thụy Ứng (Thường Tín), Cơ kim khí Rùa Hạ (Thanh Oai)…

     Đồng thời, UBND TP đã đưa ra các giải pháp tổng hợp nhằm phòng ngừa ô nhiễm. Cụ thể là tăng cường năng lực quản lý, tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức BVMT trong cộng đồng và triển khai các giải pháp kỹ thuật xử lý chất thải phù hợp với đặc điểm địa phương, đặc điểm sản xuất và kinh tế, xã hội của làng nghề. Với sự quyết tâm, đồng lòng nỗ lực của chính quyền địa phương, các doanh nghiệp, các hộ dân sinh sống và làm việc tại các làng nghề, hy vọng trong thời gian tới, môi trường các làng nghề TP sẽ từng bước được cải thiện, các làng nghề sẽ phát triền bền vững và mãi là một nét văn hóa đặc sắc của Thủ đô Hà Nội.

 

 

Phạm Văn Khánh

Phó Giám đốc Sở TN&MT Hà Nội

Nguồn: Tạp chí Môi trường, số 4/2014

Ý kiến của bạn