Banner trang chủ

Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam: Tăng cường công tác quản lý rác thải nhựa đại dương vì xu thế phát triển chung toàn cầu

16/01/2020

     Với nỗ lực thực hiện cam kết giải quyết vấn đề ô nhiễm rác thải nhựa, năm qua, hàng loạt hoạt động trong nước và quốc tế được thực hiện như ký kết Ý định thư giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường(TN&MT) và Ban Thư ký Diễn đàn Kinh tế Thế giới về hợp tác xử lý rác thải nhựa; thành lập Liên minh chống rác thải nhựa… Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ vừa mới ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030 theo Quyết định số 1746/QĐ-TTg ngày 4/12/2019. Nhân dịp Xuân Canh Tý năm 2020, Tạp chí Môi trường có cuộc phỏng vấn TS. Tạ Đình Thi - Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam về việc xây dựng kế hoạch thực hiện các hoạt động phòng chống rác thải nhựa; từng bước thay đổi nhận thức, hành vi ứng xử với các sản phẩm nhựa tại Việt Nam trong xu thế phát triển chung toàn cầu.

 

TS. Tạ Đình Thi - Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam

 

     PV: Thưa ông, vừa qua, Thủ tướng ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030, vậy Tổng cục có hoạt động gì nhằm triển khai Kế hoạch này?

     TS. Tạ Đình Thi: Năm 2019, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam được Bộ TN&MT giao nhiệm vụ xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030. Theo đó, Tổng cục đã hoàn thiện và trình Bộ để trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch tại Quyết định số 1746/QĐ-TTg ngày 4/12/2019.

     Tháng 1/2020, Tổng cục sẽ phối hợp với Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) chuẩn bị Hội thảo triển khai Kế hoạch tới các tổ chức quốc tế, các Bộ/ngành, địa phương. Ngoài ra, Tổng cục cũng đang xây dựng kế hoạch cụ thể và khởi động một số hoạt động nhằm triển khai thực hiện Quyết định như phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ TN&MT và các cơ quan, tổ chức có liên quan chuẩn bị các nội dung thực hiện cụ thể, xác định rõ các nhiệm vụ, cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp, phân công trách nhiệm và lộ trình thích hợp; đề xuất cấp có thẩm quyền phân bổ nguồn vốn và phương án huy động các nguồn lực ngoài ngân sách. Tổng cục sẽ tiếp tục phát huy vai trò là cơ quan quản lý tổng hợp về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo nhằm thực hiện thành công Quyết định 1746/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

     PV: Sau hơn 3 năm Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo đi vào thực tiễn, vậy trong quá trình triển khai Luật có những khó khăn, vướng mắc gì, thưa ông?

     TS. Tạ Đình Thi: Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo được Quốc hội thông qua từ ngày 25/6/2015, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2016. Để quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật này, Chính phủ đã ban hành 2 nghị định, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 2 quyết định, Bộ TN&MT đã ban hành 9 Thông tư, Bộ Tài chính đã ban hành 3 Thông tư tạo hành lang pháp lý cho công tác quản lý tổng hợp tài nguyên, BVMT biển và hải đảo, trong đó có nhiều nguyên tắc, chế định rất mới như: quản lý tổng hợp tài nguyên biển và hải đảo dựa trên tiếp cận hệ sinh thái; bảo đảm quyền tiếp cận của người dân với biển; thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển; phân vùng khai thác, sử dụng tài nguyên vùng bờ; quản lý tài nguyên hải đảo; phân vùng rủi ro, cấp rủi ro ô nhiễm môi trường biển và hải đảo; cấp giấy phép nhận chìm ở biển…

     Thực hiện Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo và các văn bản hướng dẫn thi hành, trong thời gian hơn 3 năm qua, Bộ TN&MT đã phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có biển triển khai, bước đầu đã đưa công tác quản lý tổng hợp tài nguyên, BVMT biển và hải đảo đạt kết quả khá tốt trong bối cảnh tổ chức, bộ máy đang dần hoàn thiện, kinh phí đầu tư, trang thiết bị và lực lượng còn nhiều hạn chế, thiếu thốn. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai nhiệm vụ, còn một số khó khăn, vướng mắc, bất cập trong công tác quản lý tài nguyên biển, điều tra cơ bản, kiểm soát tài nguyên, BVMT biển và hải đảo, cụ thể như nhận thức và hành động triển khai phương thức quản lý tổng hợp tài nguyên biển và hải đảo còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu quản lý theo các nguyên tắc, nội dung của Luật; các công cụ quan trọng của quản lý tổng hợp tài nguyên biển và hải đảo còn thiếu như Quy hoạch không gian biển quốc gia, Quy hoạch tổng thể khai thác sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ; một số chế định chậm được triển khai như công tác thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển, thực hiện quản lý tổng hợp vùng bờ, lập hồ sơ tài nguyên hải đảo; phân vùng rủi ro ô nhiễm môi trường biển và hải đảo; còn chưa có sự phân định ranh giới và quy định cụ thể về thẩm quyền, trách nhiệm quản lý hành chính trên biển; công tác phối hợp giữa Bộ, ngành và địa phương còn chưa thống nhất, thiếu gắn kết trong thực hiện nhiệm vụ; năng lực thực hiện và nguồn kinh phí còn chưa tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ... Do đó, năm 2020 và 2021, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam sẽ tham mưu với Bộ TN&MT tiến hành sơ kết 5 năm thực hiện Luật và đề xuất các nội dung sửa đổi nếu thấy cần thiết.

     PV: Trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam với vai trò là Chủ tịch ASEAN và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Hội nghị quốc tế về Kinh tế đại dương bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH) có ý nghĩa như thế nào đối với nâng cao vai trò, vị thế và tầm ảnh hưởng của Việt Nam trong khu vực và quốc tế, thưa ông?

     TS. Tạ Đình Thi: Việc Việt Nam phối hợp với Na Uy thông qua UNDP tổ chức Hội nghị quốc tế về Kinh tế đại dương bền vững và thích ứng với BĐKH ngày 26 -27/3/2020 tại Đà Nẵng (với sự tham gia của 71 quốc gia và các tổ chức quốc tế) sẽ tạo được tiếng vang và tầm ảnh hưởng trong khu vực và trên trường quốc tế với vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2020 và Thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021, cụ thể như:

     Triển khai mạnh mẽ đường lối đối ngoại của Đảng theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XII về hội nhập quốc tế sâu rộng; góp phần thực hiện thành công Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 3/6/2013 về Chủ động ứng phó với BĐKH, tăng cường quản lý tài nguyên và BVMT; Kết luận số 56-KL/TW ngày 23/8/2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa XI về chủ động ứng phó với BĐKH, tăng cường quản lý tài nguyên và BVMT và Chỉ thị số 25-CT/TW ngày 8/8/2018 của Ban Bí thư về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030.

 

Toàn cảnh Hội thảo khoa học quốc tế “Ô nhiễm rác thải nhựa trên biển Việt Nam: Thực trạng và giải pháp”

do Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam tổ chức

 

      Thể hiện vai trò chủ động và tích cực, nâng cao vị thế của Việt Nam trong khu vực ASEAN và trên thế giới; thể hiện là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, sẵn sàng tham gia vào các nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế trong công tác bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường, thích ứng với BĐKH và thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc.

      Truyền đạt thông điệp đến cộng đồng quốc tế về quyết tâm, nỗ lực và cam kết mạnh mẽ của Việt Nam về phát triển bền vững, đặc biệt trong việc thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam về phát triển bền vững kinh tế biển, chống rác thải nhựa đại dương và ứng phó với BĐKH;

     Góp phần tăng cường, thúc đẩy hợp tác song phương và đa phương; tìm kiếm các cơ hội tiếp nhận hỗ trợ tài chính, công nghệ, tăng cường năng lực trong các lĩnh vực: quản trị biển và đại dương, vận tải hàng hải, nuôi trồng thủy hải sản, du lịch biển, xây dựng đô thị thông minh thích ứng với BĐKH và nước biển dâng và các lĩnh vực khác liên quan đến biển, hải đảo và BĐKH.

     Tạo dấu ấn về khả năng tổ chức một sự kiện lớn tầm quốc tế thông qua sự mến khách, chu đáo, chuyên nghiệp; quảng bá du lịch, văn hóa, danh lam, thắng cảnh và con người Việt Nam tới bạn bè quốc tế.

     PV: Để công tác quản lý tổng hợp tài nguyên, BVMT biển và hải đảo đạt hiệu quả, năm 2020 ông có đề xuất, kiến nghị với các cơ quan chức năng?

     TS. Tạ Đình Thi: Tiếp tục triển khai hiệu quả Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, khẩn trương đưa Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương 8 Đảng khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đi vào cuộc sống. Đồng thời, từng bước nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về tài nguyên và BVMT biển và hải đảo, trong thời gian tới; Nâng cao nhận thức và quyết liệt hành động, tập trung nguồn lực để sớm khắc phục được những khó khăn, vướng mắc, bất cập nêu trên. Trong năm 2020, cùng với việc tổ chức thành công Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 – 2025, chúng tôi ưu tiên thực hiện một số công việc trọng tâm sau:

     Thứ nhất, tập trung triển khai các đề án đã và ngay sau khi được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thông qua nhằm triển khai Nghị quyết số 36-NQ/TW, cụ thể: Kế hoạch tổng thể và kế hoạch 5 năm của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW; Chương trình trọng điểm điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo đến năm 2030; Đề án tăng cường năng lực và hiện đại hóa cơ sở vật chất phục vụ công tác điều tra cơ bản và quản lý tổng hợp tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo đến năm 2030; Đề án kiện toàn Cơ quan điều phối chỉ đạo thống nhất thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam; Đề án hợp tác quốc tế về phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030; Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030; Lập Quy hoạch không gian biển quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Lập Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

     Thứ hai, chuẩn bị sơ kết 5 năm thực hiện Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; tổng kết việc thực hiện Chiến lược quản lý tổng hợp đới bờ Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên và BVMT biển đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, đề xuất ban hành chung Chiến lược mới cho giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; xây dựng Nghị định quy định về chuyển nhượng, góp vốn, thế chấp, cho thuê quyền sử dụng khu vực biển và tài sản gắn liền với khu vực biển được giao để nuôi trồng thủy sản; bồi thường thiệt hại khi Nhà nước thu hồi khu vực biển đã được giao để nuôi trồng thủy sản vì mục đích công cộng, quốc phòng, an ninh; xây dựng Hồ sơ đề nghị ban hành Nghị định quản lý hoạt động lấn biển.

     Thứ ba, đề xuất ban hành Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về đôn đốc, triển khai thực hiện Chương trình trọng điểm và triển khai hiệu quả các dự án điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển đã được cấp kinh phí năm 2020, đề xuất các biện pháp để tăng nguồn vốn bố trí cho một số dự án trọng điểm; rà soát và đề xuất các giải pháp hoàn thiện cơ sở dữ liệu về biển, đảo, bảo đảm số hóa, tích hợp, chia sẻ và cập nhật. Tập trung hoàn thiện các quy định quản lý và tổ chức thẩm định, trình phê duyệt, bảo đảm chặt chẽ, nâng cao chất lượng, hiệu quả của hoạt động cấp phép nhận chìm ở biển, giao khu vực biển và hoạt động nghiên cứu khoa học trong vùng biển Việt Nam của các tổ chức, cá nhân người nước ngoài. Tổ chức thực hiện tốt Kế hoạch năm 2020 về thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách, pháp luật quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo; chủ động nắm bắt thông tin và xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh trong hoạt động kiểm soát tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo. Phối  hợp hiệu quả với Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển, Cục Cảnh sát môi trường và các lực lượng khác trên biển, các bộ, ngành, địa phương có liên quan trong hoạt động quản lý.

     Thứ tư, tiếp tục đẩy mạnh hợp tác quốc tế về biển, trọng tâm là tổ chức thành công 3 các sự kiện hợp tác quốc tế năm 2020: Diễn đàn đối thoại chính sách Biển Việt Nam - Nhật Bản; Hội nghị quốc tế  về kinh tế đại dương bền vững và thích ứng với BĐKH; Hội nghị đặc biệt cấp Bộ trưởng ASEAN về tăng cường điều phối và hợp tác môi trường biển.

 

Phạm Tuyên (Thực hiện)

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 1/2020)

 

Ý kiến của bạn