01/04/2020
Thời gian qua, công tác quản lý, xử lý chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã được quan tâm thực hiện, song đến nay, vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Trước sức ép lượng CTRSH gia tăng, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đang xây dựng lộ trình đến năm 2021 sẽ chuyển đổi phương án xử lý CTRS từ chôn lấp sang phương pháp đốt, tái chế. Tạp chí Môi trường có cuộc phỏng vấn ông Đặng Sơn Hải, Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu về việc triển khai thực hiện những giải pháp này trên địa bàn tỉnh, từng bước hạn chế chôn lấp CTRSH như hiện nay.
PV: Xin ông cho biết thực trạng công tác thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thời gian qua?
Ông Đặng Sơn Hải: Hiện nay, khối lượng CTRSH phát sinh trên địa bàn toàn tỉnh vào khoảng 950 tấn/ngày. Trong đó, lượng phát sinh trên đất liền của 7 địa phương, gồm (TP. Vũng Tàu, TP. Bà Rịa, Thị xã Phú Mỹ và các huyện Châu Đức, Long Điền, Đất Đỏ, Xuyên Mộc) được thu gom, chôn lấp hợp vệ sinh tại Khu xử lý chất thải tập trung Tóc Tiên, với khối lượng trung bình khoảng 850 tấn/ngày. Đối với lượng phát sinh còn lại tại huyện đảo Côn Đảo khoảng 12 tấn/ngày được thu gom, vận chuyển về khu vực Bãi Nhát để lưu giữ; một phần được đốt tại chỗ bằng lò đốt nhỏ (khoảng 5 tấn/ngày), phần còn lại tiếp tục được lưu giữ tại đây bằng cách đổ đống (đến nay, lượng chất thải đang tồn đọng lên đến khoảng 72.000 tấn).
Ông Đặng Sơn Hải, Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
Việc tổ chức thu gom, vận chuyển CTRSH trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chủ yếu là do các Công ty dịch vụ môi trường đô thị thực hiện. Ngoài ra, còn có một số công ty tư nhân và tổ thu gom do người dân đứng ra thực hiện (được triển khai áp dụng chủ yếu tại các khu vực đô thị đông dân cư). Phương tiện thu gom, vận chuyển được sử dụng gồm khác nhiều loại khác nhau; ngoài những xe chuyên dụng, còn có những xe tải nhẹ được cải hoán, chuyển đổi...đảm bảo an toàn.
PV: Là địa phương vừa có đảo, vừa có đất liền, vậy trong quá trình đầu tư xây dựng khu CTRSH có gặp những khó khăn gì không thưa ông?
Ông Đặng Sơn Hải: Theo Quy hoạch CTR tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 đã được phê duyệt tại Quyết định số 1880/QĐ-UBND ngày 20/8/2013 và Quyết định điều chỉnh số 2553/QĐ-UBND ngày 19/9/2016, việc xử lý CTR được quy hoạch tại 3 khu vực chính: Khu xử lý CTR tập trung Tóc Tiên, thị xã Phú Mỹ, diện tích khoảng 137 ha đã hoàn thành hạ tầng kỹ thuật; Khu xử lý chất thải tập trung Láng Dài, huyện Đất Đỏ, diện tích 52 ha (Giai đoạn 1 của dự án được quy hoạch với diện tích 20 ha để thực hiện dự án xử lý CTRSH bằng biện pháp chôn lấp với lộ trình đưa vào vận hành hoạt động năm 2019) Nhà máy xử lý CTRSH bằng công nghệ đốt tại huyện Côn Đảo đang được quy hoạch đầu tư.
Trong thời gian qua, do có quy hoạch kịp thời, cùng với sự hỗ trợ của tỉnh về các chính sách ưu đãi nên hoạt động xã hội hóa xử lý chất thải được đẩy mạnh, góp phần giải quyết phần lớn các vấn đề môi trường phát sinh trong quản lý, xử lý CTR trên địa bàn tỉnh.Từ đó, CTRSH được chuyển từ chôn lấp hở, không hợp vệ sinh sang chôn lấp hợp vệ sinh. Tiến tới các giải pháp khác thân thiện môi trường, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên như tái chế (phân compost), đốt kết hợp xử lý khí thải, phát điện, bảo đảm tuân thủ các quy chuẩn kỹ thuật về môi trường.
Tuy nhiên, việc thực hiện chủ trương của tỉnh cũng gặp phải không ít thách thức. Với mục tiêu kinh doanh là tối đa lợi nhuận, các chủ đầu tư dự án xử lý CTRSH trên địa bàn tỉnh chủ yếu lựa chọn phương pháp chôn lấp hợp vệ sinh, do đây cũng là loại hình dự án dễ thực hiện, có chi phí đầu tư và vận hành thấp so với các phương pháp khác, thời gian triển khai nhanh không sử dụng nhiều nhân lực có kỹ năng, được đào tạo chuyên sâu…Trong khi đó, chính sách ưu đãi trong đầu tư xử lý chất thải đến nay không còn phù hợp, gây khó khăn trong việc xử lý những vấn đề thực tiễn phát sinh; nhất là do việc miễn tiền sử dụng đất được áp dụng cho tất cả các loại hình xử lý chất thải mà không có sự phân biệt (ưu tiên, khuyến khích, hạn chế, cấm…) đã trở thành rào cản lớn, không thúc đẩy được việc thực hiện chủ trương của tỉnh.
Bên cạnh đó, do xử lý chất thải là loại hình hoạt động tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro cao cho môi trường. Nhằm ngăn ngừa, giảm thiểu tác động, việc kiểm soát đánh giá trình độ công nghệ của dự án là yêu cầu bắt buộc. Tuy nhiên, do thiếu thông tin trong việc xác định tiêu chí nhằm ngăn ngừa, loại bỏ công nghệ lạc hậu, phát thải lớn, tiêu tốn năng lượng… nên công tác thẩm định công nghệ lựa chọn dự án đầu tư gặp không ít trở ngại.
PV: Ông đánh giá như thế nào về các dự án đốt rác thu hồi năng lượng đang triển khai hiện nay tại một số địa phương trên cả nước. Tỉnh có kế hoạch gì thực hiện lộ trình chuyển đổi mô hình xử lý chất thải cũng như cơ chế khuyến khích doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực này?
Ông Đặng Sơn Hải: Yêu cầu chuyển đổi phương pháp xử lý chất thải bằng chôn lấp (hợp vệ sinh), tiêu tốn quỹ đất lớn sang xử lý bằng các phương pháp khác, tiết kiệm sử dụng đất hiệu quả hơn như tái chế chất thải kết hợp làm phân compost thu hồi khí sinh học (biogas) hay xử lý đốt thu hồi năng lượng đang là xu hướng tất yếu trong quản lý chất thải của các địa phương trong cả nước hiện nay.
Qua kết quả tham quan, khảo sát ở một số địa phương tại hai dự án Nhà máy xử lý chất thải Cần Thơ (Công ty Everbright International) và Quảng Bình (Công ty TNHH phát triển dự án Việt Nam) vào tháng 4/2019, cho thấy, đây là các dự án xử lý chất thải có quy trình quản lý khoa học, trình độ thiết bị công nghệ tiên tiến, giải pháp xử lý thân thiện môi trường, sử dụng hợp lý, hiệu quả tài nguyên, nhất là tài nguyên đất. Hơn nữa, dự án tại Quảng Bình còn có thêm ưu điểm là kết hợp được sản xuất điện mặt trời và khu thực hành mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong không gian dự án, làm tăng hiệu quả sử dụng đất. Thực tế đã làm thay đổi hoàn toàn quan điểm trước đây cho rằng, các dự án xử lý chất thải với dây chuyền công nghệ tiên tiến, hiện đại được các nhà đầu tư nhận chuyển giao nhập toàn bộ từ nước ngoài để đầu tư thực hiện tại Việt Nam là không khả thi, vì chi phí đầu tư lớn và không hiệu quả (do chất thải không được phân loại tại nguồn). Vì vậy, có thể xem đây là những mô hình mẫu, làm căn cứ để tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu kêu gọi đầu tư và đánh giá tính khả thi dự án (về yêu cầu BVMT và trình độ công nghệ dự án) trong quyết định chủ trương đầu tư.
Công tác thu gom CTRSH tại phường 10, TP. Vũng Tàu về Khu xử lý chất thải tập trung Tóc Tiên (TX. Phú Mỹ)
Về góc độ quản lý, để công tác xử lý chất thải đạt hiệu quả, song song với việc tiếp tục triển khai thực hiện các cơ chế chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư trong xử lý chất thải theo quy định, việc lựa chọn dự án đầu tư theo chủ trương của tỉnh nhằm chuyển đổi phương pháp xử lý CTR sinh hoạt hiện nay sẽ được tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu làm căn cứ lựa chọn dự án đầu tư.
PV: Thời gian tới, tỉnh có giải pháp nào nhằm nâng cao hiệu quả quản lý CTR trên địa bàn?
Ông Đặng Sơn Hải: Toàn bộ CTRSH của tỉnh hiện nay được chôn lấp hợp vệ sinh tại Khu chôn lấp của Công ty TNHH KBEC Vina (Khu xử lý chất thải tập trung Tóc Tiên). Vì vậy, để thực hiện đúng chủ trương của tỉnh về lộ trình chuyển đổi từ hình thức chôn lấp sang phương pháp đốt, tái chế thu hồi năng lượng, tránh nguy cơ ô nhiễm môi trường trước mắt và lâu dài, các giải pháp triển khai áp dụng nhằm nâng cao hiệu quả quản lý CTR trên địa bàn tỉnh được đề xuất thực hiện như sau:
Căn cứ Quy hoạch quốc gia về BVMT, sẽ xây dựng phương án BVMT và bảo tồn đa dạng sinh học trong quy hoạch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giai đoạn năm 2021 - 2030, trong đó có phương án quy hoạch các khu xử lý chất thải. Trước mắt, rà soát, điều chỉnh Quy hoạch quản lý CTR của tỉnh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 nhằm đáp ứng được nhu cầu hiện tại và trong những năm sắp tới.
Xây dựng Tiêu chí lựa chọn đối tác thực hiện xử lý ô nhiễm khu vực Bãi Nhát như: Lắp đặt lò đốt tại chỗ; thời gian đốt không quá một năm (ưu tiên tập trung thực hiện trong mùa nắng với thời gian ngắn nhất); chất thải trước khi đưa vào lò đốt phải được phân loại, sàng lọc; khí thải lò đốt phải bảo đảm đáp ứng được yêu cầu phát thải theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về lò đốt CTR sinh hoạt QCVN 61:2016/BTNMT. Đồng thời, xây dựng Tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư xây dựng Nhà máy xử lý CTR hoạt ứng dụng công nghệ đốt, tái chế thu hồi năng lượng tại Khu xử lý chất thải tập trung Tóc Tiên làm cơ sở kêu gọi đầu tư theo yêu cầu của tỉnh.
Chuyển đổi mô hình quy hoạch, quản lý Khu xử lý chất thải tập trung Tóc Tiên sang mô hình quy hoạch, quản lý khu công nghiệp; rà soát, đánh giá và có giải pháp phù hợp để cải tạo, phục hồi môi trường một số khu chôn lấp CTRSH tạm, không hợp vệ sinh đã đóng cửa.
PV: Ông có kiến nghị gì nhằm điều chỉnh các chính sách, quy định liên quan đến công tác quản lý nhà nước về CTRSH?
Ông Đặng Sơn Hải: Ngoài việc tập trung nguồn lực của tỉnh để thực hiện có hiệu quả công tác quản lý CTR, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng rất cần sự hỗ trợ của Trung ương, do đó, kiến nghị Bộ TN&MT một số vấn đề sau:
Thứ nhất, rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật về quản lý CTR, nhất là việc xem xét lại chính sách ưu đãi đang được triển khai áp dụng để có điều chỉnh cho phù hợp, có ưu tiên chọn lọc, như không khuyến khích loại hình xử lý chất thải bằng phương pháp chôn lấp hợp vệ sinh; ưu tiên lựa chọn những dự án đầu tư có thiết bị, công nghệ tiên tiến, hiện đại đã được triển khai, áp dụng thành công trong thực tế... Đồng thời, cho phép áp dụng linh hoạt các đòn bẩy công cụ hành chính, kinh tế (thuế, phí…), xã hội (tuyên truyền giáo dục) phù hợp với điều kiện thực tế của mỗi địa phương.
Thứ hai, có hướng dẫn lộ trình thực hiện cắt giảm, tiến tới không sử dụng ngân sách nhà nước chi trả cho hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH.
Thứ ba, hướng dẫn để Sở TN&MT làm cơ quan đầu mối thực hiện quản lý nhà nước về CTR để tỉnh tổ chức triển khai (quy trình chuyển giao; quy định chức năng, nhiệm vụ; nguồn nhân lực, vật chất điều động từ các cơ quan khác sang Sở TN&MT,...).
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
Phạm Tuyên (Thực hiện)
(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 3/2020)