Banner trang chủ

Tập trung nguồn lực giải quyết các vấn đề môi trường liên tỉnh, liên ngành tại lưu vực sông Cầu

29/01/2019

       Phiên họp lần thứ 14 Ủy ban BVMT lưu vực sông (LVS) Cầu (Ủy ban) đã đánh giá các kết quả đạt được cũng như những khó khăn, tồn tại trong quá trình triển khai thực hiện Đề án tổng thể bảo vệ và phát triển bền vững môi trường sinh thái, cảnh quan LVS Cầu (Đề án) nhiệm kỳ IV (2016 - 2018), đồng thời, đề xuất kế hoạch triển khai Đề án nhiệm kỳ V (2019 - 2020). Trong khuôn khổ Phiên họp cũng đã diễn ra Lễ chuyển giao chức vụ Chủ tịch Ủy ban nhiệm kỳ V cho Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương, theo quy định luân phiên.

     Nhân dịp này, Tạp chí Môi trường có cuộc trao đổi với Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Nguyễn Anh Cương về một số nhiệm vụ giải pháp, trọng tâm trong công tác BVMT LVS Cầu thời gian tới.

     PV: Xin ông cho biết một số kết quả triển khai Đề án trên toàn LVS nói chung và tỉnh Hải Dương nói riêng trong giai đoạn 2016 - 2018?

     Ông Nguyễn Anh Cương: Thời gian qua, được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Thủ tướng Chính phủ, sự vào cuộc quyết liệt của Bộ TN&MT, các Bộ, ngành liên quan và UBND các tỉnh trên LVS Cầu, việc triển khai Đề án đã có những kết quả tích cực: Từng bước xây dựng và hoàn thiện các chính sách, pháp luật từ Trung ương đến địa phương, tạo tiền đề thúc đẩy công tác BVMT LVS Cầu. Đặc biệt, Bộ TN&MT đã đề xuất, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường (ÔNMT) nghiêm trọng thuộc đối tượng công ích giai đoạn 2016 - 2020; Quyết định số 140/QĐ-TTg ngày 26/1/2018 về việc phê duyệt "Điều tra, đánh giá, phân loại và xây dựng cơ sở dữ liệu về nguồn thải”; Thông tư số 76/2017/TT-BTNMT quy định đánh giá khả năng tiếp nhận và đánh giá sức chịu tải của sông, hồ. Các tỉnh trên LVS Cầu cũng đã ban hành hơn 40 văn bản quy phạm pháp luật tập trung vào xử lý nước thải và rác thải sinh hoạt. Đồng thời, triển khai hàng chục dự án, công trình hạ tầng, mô hình quản lý, BVMT LVS Cầu: Dự án nạo vét sông Cầu đoạn chảy qua nội thành thành phố Bắc Cạn; Xây dựng lò đốt rác thải công suất 150 tấn/ngày, đêm tại Thái Nguyên; dự án xử lý nước thải làng nghề Vân Hà của tỉnh Bắc Giang; các dự án về hỗ trợ xử lý rác thải, nước thải sinh hoạt của tỉnh Bắc Ninh, Vĩnh Phúc; xây dựng cơ chế thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt khu vực nông thôn Bắc Giang, Vĩnh Phúc…

 

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Nguyễn Anh Cương

 

     Việc phối hợp giải quyết các vấn đề môi trường đã được triển khai một cách đồng bộ và chuyển biến rõ rệt. Một số địa phương đã chủ động đề xuất các vấn đề môi trường cấp bách cần giải quyết liên vùng, liên tỉnh…

     Nhìn chung, trong giai đoạn 2016 - 2018, chất lượng nước trên LVS Cầu đã được cải thiện; chất lượng nước sông ở nhiều nơi đã được đảm bảo, có thể sử dụng cho sinh hoạt, điển hình ở khu vực thượng nguồn đoạn chảy qua tỉnh Bắc Kạn. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại ô nhiễm cục bộ tại một số điểm, như đoạn trên sông Cầu chảy qua TP. Thái Nguyên, đoạn sông Cầu giáp ranh giữa 2 tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang, trên sông Ngũ Huyện Khê…

     Đối với Hải Dương, UBND tỉnh đã ban hành 8 văn bản pháp luật liên quan tới lĩnh vực BVMT như: Đăng ký khai thác nước dưới đất; quy định về quản lý hoạt động thoát nước và xử lý nước thải; mức thu phí BVMT đối với khai thác khoáng sản; giá dịch vụ thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước; Quy hoạch quản lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh...

     Từ năm 2016 - 2018, UBND tỉnh giao Sở TN&MT thực hiện hướng dẫn và trình UBND tỉnh tổ chức thẩm định Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) cho 192 dự án đầu tư, 35 đề án BVMT chi tiết; xác nhận 33 Kế hoạch BVMT cho các dự án; cấp huyện đã xác nhận 304 kế hoạch BVMT và 92 đề án BVMT đơn giản. Ngoài ra, tỉnh cũng giao Sở tổ chức thanh tra, kiểm tra khoảng 300 lượt cơ sở sản xuất kinh doanh, xử phạt vi phạm hành chính đối với 28 doanh nghiệp, với tổng số tiền phạt 2,950 tỷ đồng. Năm 2016 và 2017, lực lượng cảnh sát môi trường tỉnh đã tiến hành xử lý vi phạm hành chính 83 vụ việc, với tổng số tiền phạt là 1.786 triệu đồng.

     Hải Dương có 14 cơ sở nằm trong danh sách các cơ sở gây ÔNMT nghiêm trọng (11 cơ sở theo Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg và 3 cơ sở theo Quyết định số 1788/QĐ-TTg). Đến nay, các cơ sở đã cơ bản hoàn thành yêu cầu xử lý triệt để ÔNMT, chỉ còn 3/11 cơ sở trong Quyết định số 64/2003/QĐ - TTg chưa được chứng nhận hoàn thành các biện pháp xử lý ÔNMT.

     Bên cạnh đó, các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về BVMT được UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo thông qua nhiều hoạt động thiết thực nhân Ngày Môi trường thế giới 5/6, Tuần lễ Quốc gia về Nước sạch và vệ sinh môi trường (29/4 - 6/5), Chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn (20/9), Ngày Đa dạng sinh học (22/5)... tạo thành phong trào sâu rộng, thu hút đông đảo quần chúng nhân dân tham gia.

     PV: Để ngăn chặn các nguồn thải gây ÔNMT trên LVS Cầu, tỉnh Hải Dương đã triển khai những giải pháp gì, thưa ông?

     Ông Nguyễn Anh Cương: Để có được kết quả trên, trong thời gian qua, UBND tỉnh đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp như: Tổ chức quán triệt, phổ biến rộng rãi các chủ trương, đường lối của Đảng, chỉnh sách pháp luật của Nhà nước về công tác BVMT đến cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn tỉnh; Tuyên truyền, phổ biến kiến thức, giáo dục pháp luật, các điều ước quốc tế liên quan đến BVMT, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong mọi tầng lớp nhân dân về BVMT, ứng phó với biến đổi khí hậu.

 

Công ty CP Đá mài Hải Dương đã hoàn thành yêu cầu xử lý triệt để ÔNMT nghiêm trọng theo Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg

 

     Đồng thời, các cấp ủy Đảng, chính quyền tỉnh đẩy mạnh công tác chỉ đạo về BVMT trên địa bàn; ban hành các văn bản cụ thể của tỉnh theo quy định của Luật BVMT; giải quyết triệt để các cơ sở sản xuất gây ÔNMT nghiêm trọng theo Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; chỉ đạo các cơ quan quản lý, địa phương tăng cường phối hợp trong quản lý và BVMT; Tổ chức kiểm tra đột xuất, giám sát quan trắc chất lượng môi trường định kỳ nhằm phát hiện và xử lý kịp thời các cơ sở sản xuất kinh doanh, khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh gây ÔNMT. Mặt khác, đẩy mạnh thanh, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm Luật BVMT và các quy định của UBND tỉnh, kiên quyết đình chỉ các cơ sở gây ÔNMT nghiêm trọng kéo dài, không đầu tư xử lý đạt quy chuẩn môi trường.

     Đặc biệt, tỉnh tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế chính sách về BVMT, trong đó có cơ chế, chính sách thúc đẩy xã hội hóa công tác BVMT; tăng dần tỷ lệ chi thường xuyên từ ngân sách nhà nước cho BVMT, phấn đấu đạt 2% tổng chi ngân sách; thúc đẩy việc sử dụng hợp lý, hiệu quả nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường. khuyến khích các cơ sở sản xuất, kinh doanh đầu tư và cải tiến các thiết bị sản xuất thân thiện với môi trường, xây dựng hệ thống xử lý nước thải, khí thải và chất thải rắn, đảm bảo quy chuẩn môi trường; xây dựng cơ chế ưu đãi và khuyến khích đầu tư dự án công nghệ cao, công nghệ sạch, không tiếp nhận các dự án lạc hậu, không thân thiện với môi trường như tái chế phế liệu, mạ cơ khí, luyện kim, sản xuất giấy...

     PV: Ông đánh giá thế nào về những thuận lợi, khó khăn trong công tác BVMT trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn qua?

     Ông Nguyễn Anh Cương: Trong thời gian qua, việc triển khai Đề án đã đạt được những kết quả tích cực. Bên cạnh những thuận lợi như sự vào cuộc đồng bộ của Bộ TN&MT và các tỉnh trên LVS; nhận thức về BVMT của nhân dân đã được nâng lên... thì vẫn còn một số khó khăn, tồn tại. Việc vi phạm pháp luật về BVMT trên LVS vẫn diễn biến phức tạp. Các đơn vị sản xuất, kinh doanh hoạt động vi phạm với phướng thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, nhằm đối phó với các cơ quan chức năng; xuất hiện tình trạng gia tăng ô nhiễm ở phần thượng lưu và trung lưu. Việc xử lý các cơ sở ÔNMT nghiêm trọng tuy đã được các địa phương chú trọng thực hiện, nhưng chưa đạt được mục tiêu xử lý triệt để 100% cơ sở gây ÔNMT nghiêm trọng theo Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg.

     Trong khi, công tác thống kê các nguồn thải vào LVS của các địa phương chưa được triển khai thường xuyên. Vai trò của cộng đồng trong việc tham gia công tác BVMT còn hạn chế, chưa phát huy mạnh mẽ trong công tác giám sát, phản ánh các hành động gây ÔNMT…

     PV: Với cương vị là Chủ tịch Ủy ban nhiệm kỳ V, ông có đề xuất gì để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý BVMT LVS Cầu trong thời gian tới?

     Ông Nguyễn Anh Cương: Để nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý môi trường LVS và triển khai Đề án, trong thời gian tới, các Bộ, ngành và địa phương cần tiếp tục thực hiện tốt các nhiệm vụ:

     Đối với UBND các địa phương trên LVS Cầu: Chỉ đạo rà soát tiến độ triển khai các nhiệm vụ, dự án đã được UBND tỉnh, TP phê duyệt theo kế hoạch, đồng thời tổ chức đánh giá kết quả thực hiện Đề án đến năm 2020 và kiến nghị trong thời gian tới. Tiến hành thống kê toàn bộ nguồn nước thải trên địa bàn; xây dựng cơ sở dữ liệu các nguồn nước thải trên LVS; đánh giá, khoanh vùng các nguồn nước thải lớn, tiềm ẩn rủi ro gây sự cố môi trường và áp dụng biện pháp kiểm soát chặt chẽ. Tăng cường công tác thanh, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về BVMT; đầu tư hệ thống quan trắc tự động; yêu cầu các khu công nghiệp và cơ sở có nguồn thải lớn 1.000 m3 phải lắp đặt hệ thống quan trắc tự động liên tục, truyền số liệu về cơ quan quản lý nhà nước để giám sát; tập trung xử lý triệt để cơ sở gây ÔNMT nghiêm trọng. Tăng cường nguồn lực tài chính cho BVMT; quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn chi ngân sách nhà nước cho hoạt động sự nghiệp BVMT...

     Đối với các Bộ, ngành: Bộ TN&MT tăng cường vai trò đầu mối và hỗ trợ các Bộ, ngành, địa phương thực hiện Đề án, đảm bảo đến năm 2020 thực hiện các mục tiêu của Đề án theo Quyết định số 174/2006/QĐ-TTg. Bộ Xây dựng thúc đẩy tổ chức, đánh giá thực hiện Quy hoạch các bãi chôn lấp chất thải rắn, hệ thống thoát nước và xử lý nước thải khu dân cư, khu công nghiệp LVS Cầu đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Bộ NN&PTNT tiếp tục hỗ trợ phát triển rừng đầu nguồn; quy hoạch phát triển chăn nuôi gia súc tập trung tương ứng với quy hoạch BVMT; kiểm soát các hoạt động sử dụng thuốc bảo vệ thực vật; từng bước đưa công nghệ sinh học thân thiện với môi trường vào sản xuất nông nghiệp. Bộ Giao thông vận tải phối hợp với Bộ TN&MT chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức thực hiện Thông tư liên tịch số 21/2013/TTLT-BGTVT-BTNMT về hướng dẫn quản lý và BVMT trong hoạt động giao thông đường thủy nội địa; tăng cường công tác quản lý, giám sát các dự án nạo vét, tận thu cát, nhằm đảm bảo an toàn giao thông và BVMT LVS Cầu…

     Đặc biệt, các thành viên Ủy ban BVMT LVS Cầu cần thực hiện nghiêm Quy chế làm việc của Ủy ban, tham dự đầy đủ Phiên họp của Ủy ban BVMT LVS Cầu; có báo cáo hoạt động triển khai Đề án tổng thể BVMT LVS Cầu; đồng thời, đánh giá kết quả triển khai Đề án đến năm 2020 và có đề xuất kiến nghị trong thời gian tới.

 

Đức Anh (Thực hiện)

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 1/2019)

 

Ý kiến của bạn