03/04/2019
Đề án tổng thể về điều tra cơ bản và quản lý tài nguyên, môi trường biển đến năm 2010, tầm nhìn đến 2020 (Đề án 47) là đề án lớn, mang tính tổng thể, toàn diện về điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển. Sau hơn 10 năm thực hiện, công tác điều tra cơ bản về tài nguyên, môi trường biển đã đạt nhiều kết quả tích cực.
Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 36 - NQ/TW về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045, đặt ra mục tiêu đưa Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh; đạt cơ bản các tiêu chí phát triển bền vững kinh tế biển; hình thành văn hóa sinh thái biển; chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; ngăn chặn ô nhiễm, suy thoái môi trường biển, tình trạng sạt lở bờ biển và biển xâm thực; phục hồi và bảo tồn các hệ sinh thái biển quan trọng. Những thành tựu khoa học mới, tiên tiến, hiện đại trở thành nhân tố trực tiếp thúc đẩy phát triển bền vững kinh tế biển”.
Đề án 47 mang tính tổng thể, toàn diện về điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển với sự tham gia triển khai của nhiều bộ, ngành
Các chỉ tiêu tổng hợp về quản trị biển và đại dương, quản lý vùng bờ theo chuẩn mực quốc tế đạt mức nhóm nước trung bình cao trở lên trên thế giới. Nước ta đã tiếp cận, tận dụng tối đa thành tựu khoa học, công nghệ tiên tiến và thuộc nhóm nước dẫn đầu trong ASEAN, có một số lĩnh vực khoa học và công nghệ biển đạt trình độ tiên tiến, hiện đại trên thế giới…
Đến hết năm 2018, Việt Nam đã thành lập hải đồ tỷ lệ 1:200.000 với khoảng 53% diện tích các vùng biển Việt Nam; hoàn thành điều tra địa hình đáy biển khoảng 24,5% diện tích vùng biển Việt Nam ở các tỷ lệ từ 1:500.000 đến 1:50.000; cơ bản làm chủ công nghệ tìm kiếm, thăm dò dầu khí trên biển.
Ưu tiên đầu tư công tác điều tra
Trong thời gian tới, Chương trình trọng điểm điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo sẽ tập trung xây dựng và triển khai theo các mục tiêu như: Điều tra, đánh giá điều kiện tự nhiên, tài nguyên biển và hải đảo với 50% diện tích vùng biển Việt Nam được điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển ở tỷ lệ 1:500.000 và điều tra ở tỷ lệ lớn một số khu vực trọng điểm; đánh giá hiện trạng, rủi ro môi trường và hệ sinh thái biển, hải đảo; Thành lập bản đồ phân vùng rủi ro ô nhiễm và sức chịu tải của hệ sinh thái, tài nguyên, môi trường biển ở tỷ lệ tối thiếu 1:500.000 khu vực biển ven bờ đến độ sâu 100m nước; xác định những khu vực biển thuận lợi cho nhận chìm, biển đối với các vật liệu khác nhau.
Bên cạnh đó, sẽ tăng cường công tác quản lý nhà nước và năng lực điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, cơ bản hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật, bảo đảm nguồn lực phục vụ công tác điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển; có cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành và các địa phương có biển trong việc khai thác, chia sẻ và sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực, phương tiện, trang thiết bị, dữ liệu về điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển; thiết lập được hệ thống dự báo, cảnh báo, môi trường, phòng chống thiên tai đồng bộ, hiệu quả; có được đội tàu nghiên cứu biển với các trang thiết bị đồng bộ, hiện đại thuộc nhóm dẫn đầu khu vực Đông Nam Á; Thiết lập được bộ cơ sở dữ liệu số hoá về biển và hải đảo, bảo đảm tính tích hợp, chia sẻ và cập nhật.
Một trong 7 giải pháp Nghị quyết đặt ra là phải ưu tiên đầu tư cho công tác điều tra cơ bản, nghiên cứu khoa học, công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực biển; hình thành các trung tâm nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sinh học biển, khai thác đáy biển sâu. Đánh giá tiềm năng và lợi thế về điều kiện tự nhiên; xây dựng và thực hiện có hiệu quả chương trình trọng điểm điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; mở rộng nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế trong điều tra, nghiên cứu ở các vùng biển quốc tế.
Đức Anh