31/10/2017
Trong thời gian qua đã xảy ra nhiều sự cố ô nhiễm, suy thoái môi trường trên diện rộng, các điểm nóng về môi trường do xả thải, chôn lấp chất thải diễn ra ở nhiều nơi và có xu hướng ngày càng gia tăng, gây hậu quả lớn về kinh tế, xã hội, môi trường, ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống và sức khỏe của người dân, gây mất an ninh trật tự, bức xúc trong dư luận. Cùng với đó, các thông tin phản ánh, kiến nghị của báo chí, tổ chức và người dân về tình hình ô nhiễm, vi phạm pháp luật về BVMT ngày một đa dạng và mang tính thời sự cao, trở thành kênh thông tin quan trọng phục vụ đắc lực cho công tác quản lý nhà nước về BVMT.
Tuy nhiên, công tác tiếp nhận và xử lý thông tin phản ánh về ô nhiễm môi trường (ÔNMT) từ Trung ương đến địa phương còn lúng túng; chưa nắm bắt kịp thời, xử lý nhanh các thông tin phản ánh, kiến nghị của các tổ chức, cá nhân. Trong thời gian qua, Bộ TN&MT đã nhận được phản ánh của một số cơ quan, báo chí và truyền thông liên quan đến việc phóng viên liên hệ với các cơ quan chức năng của chính quyền địa phương về tình hình gây ÔNMT trên địa bàn quản lý nhưng không nhận được sự phối hợp tích cực và xử lý kịp thời. Trước tình hình đó, Bộ đã có công văn yêu cầu các địa phương chấn chỉnh việc tiếp nhận và xử lý thông tin phản ánh của báo chí, tổ chức và người dân về các hành vi gây ÔNMT trên địa bàn quản lý, song việc thành lập và xử lý thông tin tiếp nhận qua đường dây nóng của các địa phương còn chậm, mang tính hình thức, hiệu quả thấp, thậm chí có địa phương chưa thành lập đường dây nóng để tiếp nhận, xử lý các thông tin về các vấn đề môi trường trên địa bàn. Hầu hết, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chưa thực hiện nghiêm túc yêu cầu báo cáo kết quả tiếp nhận, kiểm tra, xác minh, xử lý thông tin của người dân, cơ quan báo chí và truyền thông phản ánh về tình hình ÔNMT trên địa bàn về Bộ TN&MT.
Nhằm khắc phục những hạn chế nêu trên, tăng cường việc tiếp nhận và xử lý thông tin phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân về ÔNMT, đồng thời phát huy vai trò của người dân và cộng đồng trong BVMT, tạo bước chuyển biến trong công tác ứng phó, xử lý ÔNMT, ngày 10/10/2017, Bộ trưởng Bộ TN&MT đã ký ban hành Chỉ thị số 03/CT-BTNMT về việc tăng cường tiếp nhận và xử lý thông tin phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân về ÔNMT thông qua đường dây nóng (Chỉ thị).
Chỉ thị tập trung giải quyết ba vấn đề chính: Một là, lập, vận hành đường dây nóng (gồm số điện thoại và địa chỉ thư điện tử) để tiếp nhận, xử lý thông tin phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân về ÔNMT từ Trung ương đến địa phương, hoạt động thông suốt, liên tục 24/24 giờ trong ngày và 7 ngày trong tuần, bao gồm cả ngày nghỉ, ngày lễ. Trong đó, đường dây nóng cấp Trung ương được thiết lập và đặt tại Tổng cục Môi trường; đường dây nóng cấp địa phương của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được chấn chỉnh, thiết lập và đặt tại Sở TN&MT. Hai là, xây dựng, ban hành, thực hiện quy trình tiếp nhận, xác minh, xử lý và phản hồi thông tin phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân về ÔNMT qua đường dây nóng thống nhất từ Trung ương đến địa phương (kèm theo danh mục hệ thống đường dây nóng). Ba là, xây dựng, vận hành phần mềm trực tuyến tiếp nhận, xử lý thông tin phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân về vi phạm pháp luật TN&MT từ Trung ương đến địa phương.
Để tổ chức triển khai thực hiện các nội dung trên, Chỉ thị đã quy định trách nhiệm, thời hạn hoàn thành cụ thể đối với các đơn vị liên quan trực thuộc Bộ TN&MT, Sở TN&MT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Theo đó, Tổng cục Môi trường có trách nhiệm: Chỉ định một đơn vị trực thuộc Tổng cục làm đầu mối vận hành, quản lý đường dây nóng cấp Trung ương; bố trí cán bộ thường trực 24/24 giờ để tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị qua đường dây nóng; Xử lý, phản hồi thông tin đối với các vấn đề ÔNMT có tính chất liên vùng, liên tỉnh; các tổ chức, cá nhân gây ÔNMT thuộc thẩm quyền phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường (hoặc văn bản tương đương) của Bộ TN&MT và của các Bộ có chức năng quản lý nhà nước về BVMT; Bố trí kinh phí thường xuyên cho việc quản lý, vận hành đường dây nóng cấp Trung ương; kinh phí cho việc xác minh, xử lý, phản hồi thông tin qua đường dây nóng cấp Trung ương theo thẩm quyền; Đầu mối theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra việc tiếp nhận và xử lý thông tin phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân về ÔNMT thông qua đường dây nóng trên phạm vi cả nước; định kỳ hàng tháng, quý, năm tổng hợp, báo cáo Bộ trưởng kết quả thực hiện.
Văn phòng Bộ, Vụ Thi đua - Khen thưởng và Tuyên truyền, Báo TN&MT, Tạp chí TN&MT tổ chức phổ biến thông tin, tuyên truyền để tổ chức, cá nhân nắm bắt được việc tiếp nhận, xử lý thông tin phản ánh, kiến nghị về ÔNMT qua đường dây nóng trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ, Báo TN&MT, Tạp chí TN&MT. Cục Công nghệ thông tin và Dữ liệu tài nguyên môi trường tổ chức xây dựng, trình Bộ trưởng Bộ TN&MT phần mềm trực tuyến tiếp nhận, xử lý thông tin phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân về vi phạm pháp luật TN&MT từ Trung ương đến địa phương.
Sở TN&MT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm: Quy định cụ thể và bố trí cán bộ thường trực 24/24 giờ để tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị qua đường dây nóng cấp địa phương; Xử lý, phản hồi thông tin đối với các vấn đề ÔNMT diễn ra trên địa bàn thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước về BVMT của Ủy ban nhân dân các cấp; Bố trí kinh phí thường xuyên cho việc quản lý, vận hành đường dây nóng cấp địa phương; kinh phí cho việc xác minh, xử lý, phản hồi thông tin qua đường dây nóng cấp địa phương theo thẩm quyền; Định kỳ tổng hợp, báo cáo Bộ TN&MT trước ngày 30 hàng tháng về kết quả tiếp nhận, xử lý và phản hồi thông tin qua đường dây nóng cấp địa phương.
Việc ban hành và thực hiện Chỉ thị được kỳ vọng sẽ phát huy vai trò của tổ chức, cá nhân và cộng đồng trong BVMT; tạo bước chuyển biến trong công tác ứng phó, xử lý ÔNMT, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về BVMT từ Trung ương đến địa phương, góp phần phòng ngừa, ngăn chặn, hạn chế, xử lý kịp thời tình trạng ÔNMT trên phạm vi cả nước, đồng thời nâng cao sự hài lòng của người dân đối với công tác BVMT.
Hồ Kiên Trung
Chánh Văn phòng Tổng cục Môi trường
Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 10/2017