06/02/2018
Ngày 1/2/2018, tại Cần Thơ, Tổng cục Hải quan phối hợp với Dự án Tăng trưởng nhằm phát triển toàn diện (GIG, USAID) tổ chức Hội thảo về tăng cường năng lực thực thi pháp luật phòng chống buôn bán, vận chuyển trái phép động thực vật hoang dã cho lực lượng kiểm soát Hải quan.
Toàn cảnh Hội thảo
Nhằm chung tay với cộng đồng quốc tế trong việc bảo tồn, kiểm soát, ngăn chặn các hoạt động buôn bán, vận chuyển trái phép các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm, ngày 20/4/1994, Chính phủ Việt Nam đã chính thức tham gia Công ước về buôn bán quốc tế những loài động thực vật hoang dã nguy cấp (Công ước CITES).
Với vai trò là lực lượng mũi nhọn trong việc kiểm soát, ngăn chặn ngay từ biên giới các hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép động thực vật hoang dã, những năm qua, Tổng cục Hải quan đã chủ động tổ chức thực hiện hiệu quả các giải pháp từ công tác tham mưu, chỉ đạo, điều hành đến công tác triển khai các biện pháp nghiệp vụ kiểm soát phòng ngừa, đấu tranh, nhất là các hoạt động phòng chống buôn bán, vận chuyển trái phép ngà voi, sừng tê giác, tê tê và các loại gỗ quý hiếm thuộc danh mục các Phụ lục Công ước Cites. Theo đó, Chính phủ đã có nhiều hành động quyết liệt thông qua việc hoàn thiện cơ sở pháp lý liên quan đến hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, tái xuất khẩu và quá cảnh động thực vật hoang dã nguy cấp, quy hiếm; nội luật hóa quy định về xử lý hình sự đối với tội phạm vi phạm các quy định về quản lý, bảo vệ động vật hoang dã nhằm tạo cơ sở pháp lý rõ ràng. Chính phủ cũng giao cho các Bộ, ngành, địa phương tăng cường triển khai hiệu quả các biện pháp phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của từng đơn vị nhằm phòng ngừa, ngăn chặn, đấu tranh triệt để, xử lý nghiêm minh các hoạt động buôn bán, vận chuyển trái pháp luật các loài động thực vật hoang dã.
Kết quả, từ năm 2010 đến nay, cơ quan Hải quan đã phát hiện, bắt giữ, xử lý gần 200 vụ buôn lậu, vận chuyển trái phép động thực vật hoang dã, trong đó có 65 vụ liên quan đến buôn lậu, vận chuyển trái phép ngà voi và 25 vụ liên quan đến sừng tê giác. Tuy nhiên, tình hình buôn bán trái phép diến biến ngày càng phức tạp, khó lường. Giải pháp then chốt mà Tổng cục Hải quan đưa ra là tăng cường năng lực cho lực lượng kiểm soát Hải quan trong phòng, chống buôn bán, vận chuyển trái phép động thực vật hoang dã nhằm trang bị, củng cố những kỹ năng, nghiệp vụ cho lực lượng kiểm soát Hải quan để ứng phó linh hoạt, kiểm soát chặt chẽ, kịp thời các hành vi vi phạm.
Tại Hội thảo, các đại biểu được cung cấp nhiều thông tin bổ ích như các quy định chung về quản lý động thực vật hoang dã; tình hình buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp; quy định của pháp luật về xử phạt hành chính, cũng như xử lý hình sự đối với hoạt động buôn bán, vận chuyển trái phép động thực vật hoang dã và cách quản lý, xử lý tang vật…
Dự kiến, Ban Tổ chức sẽ tiếp tục tổ chức Hội thảo dành cho lực lượng kiểm soát Hải quan khu vực phía Bắc từ ngày 5 - 6/2/2018, tại Hải Phòng.
Nhật Minh