Banner trang chủ

Tăng cường kiểm soát rác thải nhựa vùng ven biển Việt Nam

03/07/2018

     Rác thải nhựa đại dương đã và đang trở thành hiểm họa mang tính toàn cầu. Không ngoại lệ, vùng ven biển Việt Nam cũng đang gia tăng ô nhiễm rác thải nhựa đại dương. Điều này dẫn đến những hệ lụy to lớn về kinh tế - xã hội (KT-XH), đòi hỏi phải có những giải pháp tăng cường kiểm soát rác thải nhựa đại dương vùng ven biển Việt Nam.

     Hệ lụy ô nhiễm rác thải nhựa đại dương

     Rác thải nhựa do có trọng lượng nhẹ nên khi ra biển và đại dương sẽ nhanh chóng phát tán trên toàn cầu từ châu lục này sang châu lục khác bởi sóng biển. Theo các nhà nghiên cứu, rác thải nhựa trong môi trường biển có tính phân hủy chậm nên đã tác động tiêu cực đến sinh vật biển. Hàng năm, có đến hàng triệu cá thể động vật biển khác nhau bị tiêu diệt. Rác thải nhựa còn đe dọa hơn 700 loài sinh vật biển rơi vào tình trạng tuyệt chủng. Rác thải nhựa có kích thước nhỏ dễ xâm nhập vào chuỗi thức ăn dưới biển và gây tổn hại đến sinh vật biển cũng như các hệ sinh thái (HST) biển. Các loại rác thải nhựa có kích thước lớn như lưới, ngư cụ trôi nổi trên biển còn gây hại nghiêm trọng cho các sinh vật biển khi chúng bị mắc kẹt.

     Mặt khác, rác thải nhựa không những gây tổn hại đến sinh vật biển và các HST biển mà còn gây tác hại đến đời sống con người. Việc sử dụng các sinh vật biển và các sản phẩm từ biển có chứa vi hạt nhựa (người ta còn tìm thấy các hạt vi nhựa ở cả trong muối ăn) làm thức ăn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người. Bên cạnh đó, rác thải nhựa đại dương cũng tác động trực tiếp tới các hoạt động kinh tế và các cộng đồng dân cư vùng ven biển. Nó làm gia tăng các tai nạn hàng hải, giảm năng suất đánh bắt thủy hải sản, ảnh hưởng xấu đến du lịch biển.

     Rác thải nhựa vùng ven biển Việt Nam

     Vùng ven biển Việt Nam (bao gồm vùng biển ven bờ và vùng đất ven biển) là nơi chuyển tiếp giữa lục địa và biển. Tại đây nguồn thải từ lục địa ra biển chiếm 60% - 70% ô nhiễm biển, trong đó có ô nhiễm rác thải nhựa.

     Vùng ven biển Việt Nam có 28/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, là nơi tập trung đến 50% dân số cả nước với khoảng 400 đô thị các loại. Do sự phát triển của khoa học và công nghệ, giá thành lại rẻ, nhựa ngày càng được sử dụng phổ biến trong sản xuất các trang thiết bị, đồ dùng, đồ gia dụng phục vụ đời sống. Ngay cả ở khu vực nông thôn vùng ven biển nước ta, nhựa cũng dần thay thế các chất liệu truyền thống như gỗ, tre, nứa, mây, cói…trong cuộc sống hàng ngày của dân cư. Cùng với đó, tâm lý sử dụng đồ nhựa vài lần rồi bỏ đi cũng ngày càng tăng trong dân cư. Chính vì vậy, vùng ven biển là nơi phát sinh nguồn thải sinh hoạt rất lớn, trong đó có rác thải nhựa.

     Lãnh thổ ven biển Việt Nam là nơi hội tụ nhiều nguồn tài nguyên tự nhiên và nhân văn đa dạng, phong phú đã tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển KT-XH, đặc biệt là du lịch biển. Vùng ven biển và hải đảo Việt Nam là nơi hội tụ của các di sản, khu dự trữ sinh quyển thế giới, các vườn quốc gia cùng 44 vũng vịnh và 125 bãi biển có khả năng khai thác phát triển du lịch. Thời gian gần đây, vùng ven biển nước ta đón hàng chục triệu khách du lịch mỗi năm. Lượng khách du lịch cũng tạo ra nguồn thải sinh hoạt lớn, trong đó có rác thải nhựa.

     Vùng ven biển Việt Nam còn có trên 300 địa điểm sản xuất công nghiệp là các khu kinh tế biển, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất ven biển cùng nhiều cơ sở công nghiệp rải rác, nhiều làng nghề ven biển. Các tỉnh ven biển cũng có sản lượng sản xuất nông nghiệp lớn. Những hoạt động công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy hải sản này đã phát thải lớn ra môi trường, trong đó có thải thải nhựa, thức ăn chăn nuôi, phân bón, hóa chất bảo vệ thực vật.

     Ở Việt Nam có 2.345 con sông trên 10 km, mỗi năm đổ ra biển khoảng 880 km3 nước cùng với hàng trăm triệu tấn vật chất. Do đặc trưng hình thế phần đất liền Việt Nam hẹp chiều ngang (không có nơi nào cách biển trên 500km) nên vật chất từ sâu trong lục địa cũng nhanh chóng theo sông đổ ra biển, trong đó có rác thải nhựa được rửa trôi từ các khu đô thị, khu công nghiệp, khu nông nghiệp. Ngoài ra, vùng ven biển Việt Nam còn chịu các nguồn thải khác, trong đó có rác thải nhựa từ lục địa như các hoạt động giao thông vận tải, xây dựng kết cấu hạ tầng, cảng biển, chất thải y tế…

     Những hoạt động KT-XH từ đất liền nói trên cộng với những hạn chế, yếu kém trong việc kiểm soát ô nhiễm từ nguồn thải lục địa đã phát thải nguồn thải rất lớn ra vùng ven biển Việt Nam, trong đó có rác thải nhựa. Theo ước tính của Jenna R. Jambeck và cộng sự, Việt Nam đứng thứ 4 trên thế giới về lượng rác thải nhựa phát thải ra biển với 0,28 đến 0,73 triệu tấn mỗi năm (tương đương 6% tổng lượng rác thải nhựa phát thải ra biển và đại dương của thế giới).

     Không những ô nhiễm rác thải nhựa từ nguồn lục địa, vùng ven biển Việt Nam còn chịu ô nhiễm rác thải nhựa từ các hoạt động trên biển. Việt Nam là nước nằm sát đường hàng hải quốc tế, nơi có mật độ tàu biển qua lại vào loại nhộn nhịp nhất thế giới cùng với điều kiện thuận lợi về phát triển kinh tế hàng hải, lượng tàu thuyền vận tải hoạt động trên vùng biển Việt Nam rất lớn. Cùng với đó, trên vùng biển nước ta có khoảng 126.000 tàu cá với gần 1 triệu ngư dân, trong đó mỗi ngày có 10.000 tàu hoạt động trên biển với khoảng 80.000 lao động. Các hoạt động của tàu vận tải, tàu cá ở vùng biển Việt Nam cũng như các hoạt động sản xuất khác như khai thác dầu khí, lắp đặt đường ống dưới đáy biển, du lịch trên biển, các dịch vụ kinh tế trên biển… phát sinh lượng lớn rác thải xuống biển, trong đó có rác thải nhựa.

 

Hãy để con người và các loài sống chan hòa trong lòng một đại dương xanh - Thông điệp

hành động hưởng ứng chủ đề Ngày Đại dương thế giới năm 2018

 

     Vùng biển Việt Nam nằm trong khu vực khí hậu nhiệt đới gió mùa điển hình - khu vực gió mùa của Đông Nam châu Á. Khí hậu được chi phối bởi hai chế độ gió mùa chính là gió mùa Tây Nam (hướng gió thịnh hành Nam Tây Nam) và gió mùa Đông Bắc. Với khí hậu điển hình như vậy cộng với tính chất nhẹ về trọng lượng, rác thải nhựa không rõ nguồn gốc từ khắp nơi ở Biển Đông, thậm chí ngoài khu vực Biển Đông luôn có xu hướng dạt vào vùng ven biển Việt Nam. Điều này làm cho vùng ven biển nước ta chịu áp lực rất lớn bởi nguy cơ cao ô nhiễm rác thải nhựa đại dương không rõ nguồn gốc.

     Giải pháp tăng cường kiểm soát rác thải nhựa vùng ven biển Việt Nam

     Những năm qua, công tác BVMT nói chung, BVMT biển và hải đảo nói riêng đã được Đảng và nhà nước Việt Nam đặc biệt quan tâm trong tiến trình xây dựng và phát triển đất nước. Hệ thống các văn bản pháp luật về BVMT luôn được rà soát, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình mới. Hành lang pháp lý cho công tác BVMT trong quản lý vùng, lĩnh vực liên ngành và tại địa phương được chú trọng. Hệ thống các cơ quan quản lý nhà nước về môi trường được thành lập từ Trung ương đến địa phương. Tại các Tổng công ty, Tập đoàn kinh tế, Ban quản lý khu công nghiệp cũng thành lập các phòng, ban hoặc có cán bộ chuyên trách về môi trường. Chi ngân sách nhà nước cho hoạt động sự nghiệp môi trường từ năm 2006 đạt mức không dưới 1% tổng chi ngân sách; từng bước huy động và hình thành nguồn kinh phí từ đóng góp của nhân dân, sự hỗ trợ của quốc tế đối với công tác BVMT.

     Mặc dù công tác BVMT ở Việt Nam đã được chú trọng, quan tâm song môi trường biển ở nước ta đang có chiều hướng xấu đi. Đặc biệt là rác thải nhựa đại dương không những là vấn đề bức thiết ở Việt Nam mà còn là vấn đề mang tính chất toàn cầu. Để giảm thiểu và ngăn ngừa những tác động tiêu cực từ rác thải nhựa trên biển hiện nay, thế giới và Việt Nam đang có nhiều nỗ lực từ những nỗ lực mang tính pháp lý đến những hoạt động, dự án cụ thể.

     Do đó, trong thời gian tới cần tăng cường kiểm soát rác thải nhựa vùng ven biển Việt Nam thông qua các giải pháp đồng bộ sau:

     Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện hệ thống thể chế chính sách, pháp luật về BVMT nói chung, BVMT biển nói riêng. Từ đó, xây dựng những quy định và biện pháp mang tính đồng bộ về phòng ngừa, ngăn chặn, kiểm soát ô nhiễm biển từ nguồn thải lục địa, trong đó có rác thải nhựa. Hoàn thiện cơ chế, chính sách về quản lý tổng hợp vùng bờ; hoàn thiện bộ tiêu chuẩn môi trường quốc gia về biển; quy định về hạn chế sử dụng sản phẩm nhựa thông qua việc đánh thuế cao những sản phẩm từ nhựa; quy định hạn chế nhựa sử dụng một lần và quy định về tái chế nhựa; khuyến khich sử dụng các vật liệu thay thế nhựa thân thiện với môi trường. Hoàn thiện các quy phạm pháp luật về thu gom, xử lý, quản lý chất thải rắn, trong đó có rác thải nhựa từ các hoạt động sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, quản lý môi trường đô thị và sinh hoạt.

     Hoàn thiện chính sách, pháp luật BVMT cũng cần có cơ chế, chính sách khuyến khích cộng đồng dân cư, tổ chức, cá nhân tham gia kiểm soát rác thải nhựa đại dương.

     Thứ hai, vận hành thông suốt thiết chế BVMT. BVMT là chức năng quản lý nhà nước của Bộ TN&MT. Tuy nhiên, việc kiểm soát rác thải nhựa đòi hỏi phải có sự phối hợp đồng bộ giữa các cấp chính quyền, các ngành, các địa phương thì mới có hiệu quả. Chính vì vậy, cần phải xây dựng cơ chế phối hợp giữa các cấp chính quyền, các ngành, các địa phương trong kiểm soát rác thải nhựa đại dương. Bộ TN&MT giữ vai trò chủ trì, phối hợp với các Bộ/ngành, địa phương xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch kiểm soát rác thải nhựa đại dương ở cấp quốc gia; thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chương trình, kế hoạch kiểm soát rác thải nhựa đại dương cũng như giữ vai trò đầu mối hợp tác quốc tế về kiểm soát rác thải nhựa đại dương. Các Bộ/ngành, địa phương phối hợp với Bộ TN&MT xây dựng các chương trình, kế hoạch kiểm soát rác thải nhựa đại dương trong phạm vi quản lý của mình. Đặc biệt, các cơ quan hữu quan cần tổ chức tiến hành kiểm kê định kỳ, kiểm soát thường xuyên đối với nguồn rác thải nhựa từ đất liền ra biển.

     Tăng cường năng lực năng lực tham mưu, hoạch định và tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch kiểm soát rác thải nhựa đại dương; nâng cao năng lực nghiên cứu về các vấn đề của rác thải nhựa đại dương để có những giải pháp ứng phó phù hợp.

     Thứ ba, đầu tư nguồn lực thích đáng cho kiểm soát nguồn thải từ lục địa. Kiểm soát rác thải nhựa đại dương cũng đòi hỏi nguồn lực rất lớn. Do đó, nhà nước cần đầu tư nguồn lực thích đáng để tổ chức, triển khai các biện pháp kiểm soát rác thải nhựa đại dương. Cần đầu tư cơ sở vật chất, trang bị các thiết bị thu gom, xử lý và tái chế rác thải nhựa. Đầu tư xây dựng hệ thống quan trắc, cơ sở dữ liệu về rác thải nhựa đại dương.

     Bên cạnh việc đầu tư nguồn lực từ ngân sách nhà nước cũng cần phải tổ chức xã hội hóa các hoạt động kiểm soát rác thải nhựa đại dương.

     Thứ tư, thường xuyên tổ chức tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các cấp, các ngành, tổ chức, cá nhân, cộng đồng và doanh nghiệp về tác hại của rác thải nhựa đại dương. Từ đó, giúp thay đổi thói quen của người dân trong việc thải bỏ rác thải nhựa ra môi trường biển; thúc đẩy sự phối hợp của các cấp, các ngành trong hoàn thiện thể chế chính sách, pháp luật về BVMT biển, trong đó có kiểm soát rác thải nhựa đại dương; giúp chính quyền, người dân và doanh nghiệp tích cực thực hiện các giải pháp dài hạn để giảm thiểu rác thải nhựa ra môi trường biển như mở rộng hệ thống sản xuất có trách nhiệm, kiềm chế gia tăng nhựa sử dụng một lần, đưa nhựa về nơi tái chế…

     Thứ năm, đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong kiểm soát rác thải nhựa đại dương. Rác thải nhựa đại dương có tính chất phát tán xuyên biên giới nên kiểm soát chúng là trách nhiệm chung của cộng đồng quốc tế. Chính vì vậy, chúng ta cần tích cực hợp tác với các nước, các tổ chức quốc trong kiểm soát rác thải nhựa đại dương thông qua việc đề xuất các sáng kiến, triển khai các chương trình, dự án quốc tế, kêu gọi và tiếp nhận các nguồn tài trợ quốc tế về tài chính, khoa học và công nghệ…

     Ở quy mô quốc tế, Việt Nam cần tham gia, đề xuất các thiết chế cấp độ toàn cầu về kiểm soát rác thải nhựa đại dương.

     Đối với quy mô khu vực, trong 5 quốc gia đứng đầu thế giới về rác thải nhựa đại dương thì có 4 nước thuộc khu vực biển Đông Á (Trung Quốc, Inđônêxia, Philipin và Việt Nam) nên đây là vấn đề cấp bách đối với khu vực. Vì vậy, Việt Nam cần tích cực hợp tác, vận động các nước khu vực biển Đông Á cùng phối hợp với Tổ chức Đối tác quản lý môi trường các biển Đông Á (PEMSEA) sớm thiết lập một thiết chế khu vực về kiểm soát rác thải nhựa đại dương và triển khai các chương trình, dự án chung cho khu vực để kiểm soát rác thải đại dương tại các khu vực biển Đông Á.

     Ở bình diện quốc gia, cần thiết lập những cơ sở nghiên cứu về rác thải nhựa đại dương để sớm có những giải pháp cho vấn đề này.

     Như vậy, rác thải nhựa đại dương đang là một vấn đề cần quan tâm cả trên bình diện quốc tế và quốc gia. Đặc biệt, đối với vùng ven biển Việt Nam, rác thải nhựa đại dương có xu hướng gia tăng do các hoạt động phát triển KT-XH ở vùng bờ, các hoạt động trên biển và tình trạng phát tán xuyên biên giới của rác thải nhựa đại dương. Để giảm thiểu tác hại cũng như kiểm soát tốt rác thải nhựa vùng ven biển Việt Nam, cần có hệ thống giải pháp đồng bộ cũng như sự nỗ lực vào cuộc của các cấp chính quyền, người dân và doanh nghiệp và sự hợp tác tích cực của cộng đồng quốc tế.

 

TS. Tạ Đình Thi

Tổng cục trưởng

Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 6/2018)

Ý kiến của bạn