Banner trang chủ

Tăng cường hiệu lực và hiệu quả công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường

21/01/2014

     Nhìn lại một năm đã qua, công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường ở nước ta đã tiếp tục có những chuyển biến. Hệ thống chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường được hoàn thiện. Lần đầu tiên Chính phủ đã ban hành một nghị quyết chuyên đề riêng về bảo vệ môi trường, Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 18/3/2013 về một số vấn đề cấp bách trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã hoàn thành tốt việc tổng kết, đánh giá 8 năm thi hành Luật Bảo vệ môi trường năm 2005, xây dựng dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi), trình Quốc hội khóa XIII thảo luận và cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6 vừa qua. Việc xây dựng các văn bản pháp luật, chương trình, đề án đã được quan tâm thực hiện với 22 văn bản được ban hành trong năm, khắc phục kịp thời các vướng mắc, bất cập trong công tác quản lý môi trường. Công tác phổ biến, tổ chức và theo dõi việc thực thi pháp luật cũng được Bộ Tài nguyên và Môi trường, các Bộ, ngành và địa phương quan tâm thực hiện.
 
 
Hội thảo triển khai Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 11/10/2013, tại Hà Nội
 

     Công tác thanh tra, kiểm tra đã được triển khai một cách thường xuyên, liên tục, có trọng tâm, trọng điểm, bám sát tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, qua đó hoàn thành tốt các mục tiêu đặt ra. Trong năm 2013, Tổng cục Môi trường đã tiến hành kiểm tra trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường của UBND 11 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; thanh tra đối với 636 cơ sở, khu công nghiệp, cụm công nghiệp; thanh tra đối với 47 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg; tiến hành lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính đối với 368 cơ sở, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và chuyển hồ sơ cho người có thẩm quyền ra quyết định xử phạt với số tiền lên đến hơn 52 tỷ đồng; đang tiếp tục hoàn thiện hồ sơ đề nghị xử phạt với mức phạt tiền lên đến hàng chục tỷ đồng đối với 125 cơ sở vừa kết thúc kiểm tra cuối tháng 12/2013. Tiếp tục tập trung đẩy mạnh xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; kết quả đến nay đã có 380/439 cơ sở đã hoàn thành biện pháp xử lý ô nhiễm triệt để, chiếm 86,56%.

     Thời gian vừa qua, chúng ta đã và đang siết chặt dần việc quản lý bảo vệ môi trường đối với các doanh nghiệp bằng việc ban hành nhiều văn bản để quản lý, điều chỉnh hành vi của doanh nghiệp về bảo vệ môi trường, nâng mức xử phạt lên gấp hàng chục lần đối với 1 hành vi vi phạm (từ 70 triệu lên 500 triệu đồng và đến nay là 2 tỷ đồng). Nhiều địa phương cũng đã kiên quyết tạm đình chỉ hoạt động các cơ sở vi phạm để khắc phục tình trạng ô nhiễm như: đình chỉ 9 cơ sở dệt nhuộm tại cụm công nghiệp làng nghề xã Thái Phương của UBND tỉnh Thái Bình, đình chỉ hoạt động Công ty Miwon tại tỉnh Phú Thọ, Công ty Tung Kuang và Nhà máy B.C.H tại tỉnh Hải Dương, Công ty chế biến thủy sản 30-4 tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu,... Tuy nhiên, trên thực tế, còn nhiều địa phương do sợ ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách, ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng kinh tế hay vì lý do nào đó nên chưa xử lý kiên quyết hoặc né tránh dẫn đến tình trạng “nhờn luật”, do vậy ở một số địa phương, hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường vẫn diễn ra, làm giảm hiệu lực và hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường.

     Ngày 14/11/2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 179/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, thay thế Nghị định số 117/2009/NĐ-CP với nhiều điểm mới được sửa đổi, bổ sung, trong đó phải kể đến việc tăng mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm lên gấp nhiều lần. Điều đó cho thấy quyết tâm cao của Chính phủ trong việc chấn chỉnh tình trạng vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường đang ngày càng diễn biến phức tạp. Và thanh tra, kiểm tra sẽ được coi là công cụ quan trọng để thực hiện quyết tâm này, qua đó tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường.

     Các đề án bảo vệ môi trường lưu vực sông đã được triển khai tích cực, chất lượng môi trường nước tại các sông, kênh, rạch tại một số đô thị lớn đã được cải thiện, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ môi trường nước lưu vực sông cũng được quan tâm xây dựng, tiêu biểu là Quy hoạch bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy, sông Đồng Nai đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020; 22/22 tỉnh, thành phố trên 3 lưu vực sông đã phê duyệt và triển khai Kế hoạch triển khai đề án; 16/16 tỉnh, thành phố trên lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy và hệ thống sông Đồng Nai đã thành lập Ban chỉ đạo triển khai đề án trên địa bàn. Công tác kiểm soát ô nhiễm môi trường khu kinh tế, khu công nghiệp, quản lý phế liệu, quản lý phát thải hóa chất, kiểm soát ô nhiễm xuyên biên giới; kiểm soát ô nhiễm do sử dụng bao bì ni lông khó phân hủy; quản lý hóa chất độc hại và khắc phục sự cố về môi trường đã có nhiều chuyển biến. Hiện nay, trong cả nước có 141/194 khu công nghiệp (chiếm 73%) đã có hệ thống xử lý nước thải theo quy định, 19 khu công nghiệp (chiếm tỷ lệ 10%) đang đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung, 17% số khu công nghiệp còn lại hoạt động trước khi có Luật Bảo vệ môi trường năm 2005 nên chưa có hệ thống xử lý nước thải.

     Chính sách và hướng dẫn pháp luật về đa dạng sinh học đã được tập trung triển khai thực hiện và đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;  Quy hoạch tổng thể bảo tồn đa dạng sinh học của cả nước đến năm 2020 và định hướng đến 2030 đã được Thủ tướng ký ban hành.

     Nếu như năm 2013 đánh dấu sự chuyển biến của công tác bảo vệ môi trường trong quá trình xây dựng thể chế, chính sách, pháp luật thì năm 2014 sẽ là sự đánh dấu một bước của việc đưa các thể chế, chính sách, pháp luật vào thực tiễn cuộc sống, thông qua việc đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra về bảo vệ môi trường. Mục tiêu đặt ra cho công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường trong năm 2014 đó là “Tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, tập trung xử lý các điểm phức tạp về ô nhiễm môi trường”, trong đó sẽ tập trung triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm:

      Thứ nhất, tập trung hoàn thiện, trình Quốc hội xem xét, thông qua dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 7 sắp tới; xây dựng, trình Chính phủ ban hành các Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật, bảo đảm phải được ban hành ngay sau khi Luật được thông qua và có hiệu lực thi hành. Chuẩn bị thật tốt các điều kiện cần thiết để đưa Luật đi vào cuộc sống.

     Thứ hai, đẩy mạnh hoạt động thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường tại các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề, lưu vực sông và hoạt động khai thác, vận chuyển và chế biến khoáng sản; nâng cao năng lực, thực hiện đồng bộ, hiệu quả các biện pháp phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm và quản lý chất thải; thực hiện công khai thông tin các doanh nghiệp vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường theo quy định; xử lý nghiêm, kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường. Kiên quyết không để nảy sinh các điểm phức tạp về ô nhiễm môi trường. Song song với đó là với các Bộ, ngành và địa phương tổ chức triển khai thật tốt các nhiệm vụ, giải pháp mà Chính phủ đã nêu trong Nghị quyết số 35/NQ-CP về một số vấn đề cấp bách trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

 

Cần đẩy mạnh hoạt động thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật

về BVMT tại các KCN, CCN

 

     Thứ ba, tăng cường kiểm soát ô nhiễm tại các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề và lưu vực sông; hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương tiến hành điều tra, xác định các khu vực bị ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và xây dựng lộ trình xử lý; tổ chức cảnh báo và tuyên truyền, hướng dẫn các biện pháp phòng ngừa, giảm thiểu nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe người dân. Không để người dân bị ảnh hưởng bởi các điểm ô nhiễm môi trường.

     Thứ tư, khẩn trương rà soát, ban hành chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các đơn vị trực thuộc Tổng cục Môi trường phù hợp với yêu cầu mới; phối hợp với Bộ Nội vụ hướng dẫn kiện toàn tổ chức cơ quan quản lý môi trường tại các địa phương. Yêu cầu đặt ra là xây dựng hệ thống tổ chức bộ máy gọn nhẹ, đồng bộ, đủ mạnh, xuyên suốt từ Trung ương đến địa phương, thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường.

     Thứ năm, tiếp tục nâng cao chất lượng của hoạt động thẩm định, phê duyệt báo cáo ĐMC, ĐTM, hồ sơ dự án ký quỹ, cải tạo phục hồi môi trường đối với các dự án khai thác khoáng sản; trước tiên tập trung sửa đổi các quy định cho phù hợp với tình hình thực tiễn, thực hiện cải cách hành chính thông qua cơ chế “một cửa” trong hoạt động tiếp nhận hồ sơ, thẩm định và phê duyệt; tăng cường tập huấn, nâng cao năng lực của các Bộ, ngành, địa phương trong việc lập và thẩm định báo cáo ĐMC, ĐTM; đẩy mạnh hoạt động kiểm tra, xác nhận việc thực hiện các công trình, biện pháp bảo vệ môi trường theo yêu cầu của báo cáo ĐTM.

     Thứ sáu, triển khai và thực hiện tốt các nội dung của chiến lược quốc gia về  đa dạng sinh học đến năm 2020 tầm nhìn 2030 và Quy hoạch tổng thể bảo tồn đa dạng sinh học của cả nước; bảo vệ các hành lang đa dạng sinh học theo quy định của Luật Đa dạng sinh học và các luật liên quan; bảo vệ các hệ sinh thái tự nhiên có tầm quan trọng quốc gia, quốc tế; ngăn ngừa, kiểm soát chặt chẽ và phòng trừ có hiệu quả các loài sinh vật ngoại lai xâm hại. Xây dựng cơ chế tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích từ nguồn gen; cơ chế và ban hành đơn giá chi trả dịch vụ môi trường.

     Trong thời gian tới, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ có những kiến nghị cụ thể với Chính phủ về các giải pháp nhằm gắn kết chặt chẽ hơn vấn đề bảo vệ môi trường trong các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, khai thác tài nguyên; phải đưa môi trường trở thành thước đo chất lượng của sự tăng trưởng, là tiêu chí để đánh giá sự phát triển kinh tế - xã hội của một địa phương. Và đó mới chính là những biện pháp có tính căn cơ, lâu dài.

 

PGS.TS Bùi Cách Tuyến

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường

Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường

Nguồn: Tạp chí Môi trường, số 1/2014

Ý kiến của bạn