Banner trang chủ

Tăng cường công tác bảo vệ môi trường trong ngành Giao thông vận tải giai đoạn 2016 - 2020

02/03/2017

     Thực hiện Chỉ thị số 25/CT-TTg ngày 31/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách về BVMT, ngày 24/10/2016 Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã ban hành Quyết định số 3309/QĐ-BGTVT về Chương trình hành động nhằm tăng cường công tác BVMT trong ngành GTVT giai đoạn 2016 - 2020.

     Theo đó, Chương trình hành động tập trung vào 5 nhiệm vụ và giải pháp, cụ thể như sau:

     Thứ nhất, tập trung đẩy mạnh quán triệt, tuyên truyền, phổ biến Nghị quyết của Bộ Chính trị, các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước về BVMT đến các cơ quan, đơn vị và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành GTVT; Tổ chức các khóa bồi dưỡng nâng cao kiến thức về BVMT và lồng ghép giáo dục pháp luật về BVMT trong công tác đào tạo; Chủ động cung cấp thông tin, phát huy vai trò của truyền thông trong công tác BVMT…

     Thứ hai, kiện toàn bộ máy tổ chức quản lý, nâng cao trách nhiệm, năng lực, trình độ của đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác BVMT ngành GTVT; nghiên cứu lồng ghép tiêu chí về BVMT trong bình xét khen thưởng hàng năm đối với các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ; Tổ chức, phân công cụ thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm về công tác BVMT và tăng cường bộ phận chuyên trách, cán bộ, công chức có chuyên môn về BVMT, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; Chủ động tìm kiếm các nguồn lực trong và ngoài nước để tổ chức tập huấn, đào tạo nâng cao năng lực quản lý, trình độ chuyên môn..

     Thứ ba, tăng cường công tác BVMT trong phát triển hạ tầng GTVT: Tổ chức thực hiện nghiêm túc công tác lập báo cáo đánh giá môi trường chiến lược(ĐMC), báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM), kế hoạch BVMT theo quy định; Bảo đảm việc lồng ghép các biện pháp giảm thiểu tác động xấu đến môi trường của dự án đầu tư xây dựng công trình GTVT vào trong thiết kế kỹ thuật, thiết kế thi công, biện pháp thi công. Đồng thời, lập, niêm yết công khai kế hoạch quản lý môi trường và tổ chức thực hiện công tác BVMT, công tác quan trắc, giám sát môi trường theo nội dung ĐTM đã được phê duyệt hoặc kế hoạch BVMT đã được xác nhận. Thường xuyên kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc tuân thủ các biện pháp BVMT trong thi công xây dựng dự án; Rà soát ĐTM đã được phê duyệt, biện pháp BVMT của các dự án đầu tư xây dựng công trình GTVT, nhất là các dự án có nguy cơ cao tác động xấu đến môi trường để có điều chỉnh kịp thời...

 

 

     Thứ tư, nâng cao hiệu quả công tác kiểm soát phát thải các loại chất thải từ hoạt động vận tải và phương tiện giao thông, trong đó: Thúc đẩy phát triển vận tải hàng hóa đa phương thức, nâng cao thị phần của hệ thống vận tải đường sắt, đường thủy và vận tải ven biển; nâng cao năng lực vận tải hành khách công cộng tại các đô thị; ưu tiên đầu tư, khai thác vận hành các loại xe buýt, xe taxi tiết kiệm nhiên liệu, thân thiện môi trường.

     Triển khai áp dụng tiêu chuẩn khí thải mức 3, 4 đối với xe ô tô, xe mô tô hai bánh sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới; thực hiện từng bước việc kiểm soát khí thải xe mô tô, xe gắn máy tham gia giao thông tại các tỉnh/thành phố; nâng cao mức tiêu chuẩn khí thải đối với xe cơ giới qua sử dụng nhập khẩu và xe ô tô đang lưu hành.

     Rà soát xây dựng, cập nhật các văn bản quy phạm pháp luật, hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật về ngăn ngừa ô nhiễm đối với tàu biển, phương tiện thủy nội địa; tăng cường kiểm soát các nguồn thải từ tàu biển, phương tiện thủy nội địa theo quy định pháp luật về BVMT của Việt Nam và các Công ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

     Nghiên cứu xây dựng các quy định về  BVMT trong lĩnh vực hàng không dân dụng và lĩnh vực đường sắt phù hợp với yêu cầu quản lý; Hoàn thiện bản đồ tiếng ồn cho các cảng hàng không, sân bay và phương án giảm thiểu ô nhiễm tiếng ồn do hoạt động hàng không dân dụng; Phát triển dịch vụ thu gom, xử lý chất thải từ tàu biển, phương tiện thủy nội địa tại các cảng biển, cảng, bến thủy nội địa và tổ chức thu gom, xử lý chất thải từ tàu bay theo quy định pháp luật về BVMT.

     Thứ năm, thúc đẩy doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, dịch vụ GTVT xanh; Chủ động rà soát hồ sơ môi trường của cơ quan, đơn vị và các tổ chức trực thuộc để thực hiện việc lập, trình phê duyệt đề án BVMT theo quy định tại khoản 2 Điều 22 Nghị định số 18/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ.

     Đẩy mạnh thiết lập, triển khai áp dụng hệ thống quản lý môi trường theo ISO 14001; khuyến khích áp dụng hệ thống quản lý năng lượng theo ISO 5001 và xây dựng, thực hiện các định mức tiêu thụ nhiên liệu, các quy chế về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; Xây dựng kế hoạch (hoặc lộ trình) để tăng cường đầu tư đổi mới công nghệ, thay thế các trang thiết bị tiêu tốn nhiều năng lượng, gây ô nhiễm môi trường. Thực hiện xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và không để phát sinh mới cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trong ngành GTVT.

     Đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị thu gom, phân loại, lưu giữ, xử lý các loại chất thải phát sinh trong hoạt động của cơ quan, đơn vị; thu gom, phân loại, lưu giữ và hợp đồng với các tổ chức có chức năng để vận chuyển, xử lý chất thải rắn, chất thải nguy hại; xử lý triệt để nước thải gây ô nhiễm môi trường, đáp ứng quy chuẩn môi trường; tổ chức quan trắc định kỳ các thông số môi trường về nước thải, khí thải, tiếng ồn, độ rung, … theo quy định; Tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc tuân thủ pháp luật BVMT trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ GTVT.

     Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao năng lực về BVMT trong hoạt động GTVT nói chung và trong phát triển hạ tầng GTVT nói riêng.

 

Trần Ánh Dương

Vụ Môi trường, Bộ GTVT

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 2/2017)

 

 

Ý kiến của bạn