03/10/2018
Theo kết quả thực hiện Đề án môi trường “Xây dựng quy trình giám sát ô nhiễm môi trường cảng thủy nội địa, áp dụng thí điểm tại khu vực TP. Hồ Chí Minh và đồng bằng sông Cửu Long” do Cục Đường thủy nội địa Việt Nam thực hiện, hoạt động tại các bến, cảng thủy nội địa đang có những tác động xấu đến môi trường. Tuy nhiên, việc áp dụng các biện pháp giám sát, xử lý ô nhiễm môi trường tại đây chưa được chú trọng.
Hiện nay, trên cả nước có gần 300 cảng thủy nội địa, được chia làm 3 loại: Cảng đầu mối (Trung ương và địa phương quản lý); Cảng, bến chuyên dùng (các nhà máy, xí nghiệp quản lý); Cảng, bến tự do (các xã, huyện, hợp tác xã, tư nhân quản lý). Ngoài ra, có trên 8.000 bến thủy nội địa hoạt động dọc trên các tuyến sông. Cũng theo kết quả Đề án, trong quá trình hoạt động của cảng, bến thủy nội địa có phát sinh chất thải bụi, tiếng ồn, chất thải rắn, nước thải… gây tác động xấu đến môi trường. Có những mặt hàng dễ bay hơi, phát tán mùi như lưu huỳnh, xăng dầu, phân bón, thức ăn gia súc, gây khó chịu cho những người xung quanh. Ngoài ra, tiếng ồn trong khu vực cảng có cường độ âm khá lớn, do tàu thuyền hoạt động, sửa chữa tại cảng; các máy xúc, cẩu, băng chuyền chuyển tải hàng hóa, gây ô nhiễm tiếng ồn, ảnh hưởng đến thính giác của người hoạt động trong khu vực.
Mặt khác, khí thải từ các phương tiện, thiết bị vận chuyển, xếp dỡ, máy móc thi công hoạt động trên cảng và dưới sông có thể gây ô nhiễm môi trường không khí, làm gia tăng hiệu ứng nhà kính... Các bến, bãi không có mái che, hay vật liệu để che chắn, hàng hóa được giữ ngoài bãi thường là hàng rời, vật liệu xây dựng như: Cát, đá, than, quặng, gỗ, phân bón...ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân sống ở khu vực xung quanh, gây các bệnh về hô hấp như viêm phổi, viêm phế quản mãn tính. Việc thu gom, lưu giữ chất thải nguy hại của cảng như ắc quy, bóng đèn, hóa chất, vật liệu sơn, hàn, dầu, mỡ,… chưa đúng quy định, nên nguy cơ phát tán chất độc hại, nguy hiểm ra môi trường còn cao ở nhiều cảng, bến thủy nội địa.
Hoạt động vận chuyển, xếp dỡ… trên cảng và dưới sông tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường không khí
Hiện nay, yêu cầu về công tác BVMT đã được quy định trong Luật BVMT năm 2014, Thông tư liên tịch số 21/TTLT-BTNMT-BGTV về quản lý và BVMT trong giao thông đường thủy nội địa, Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về ngăn ngừa ô nhiễm do phương tiện thủy, và nhiều văn bản pháp luật khác. Tuy nhiên, công tác quản lý, giám sát, BVMT tại các cảng, bến thủy vẫn chưa thật chặt chẽ. Ngoài một số cảng lớn có hệ thống thu gom hoặc phối hợp với cơ quan chuyên môn vận chuyển, xử lý chất thải, tại các cảng, bến còn lại, việc lắp đặt trang thiết bị thu gom và xử lý chất thải chỉ mang tính đối phó với cơ quan chức năng. Cụ thể, chỉ có một số cảng xi măng, than được đầu tư hệ thống lọc bụi, phun sương, chuyển tải hàng hóa xuống tàu theo công nghệ băng truyền, phễu chụp nhằm hạn chế bụi, các cảng xăng, dầu được trang bị hệ thống thu gom dầu và lập kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu.
Một hạn chế khác là hầu hết các cơ sở hoạt động trong lĩnh vực đường thủy nội địa đều không đầu tư công nghệ, kỹ thuật giám sát môi trường. Hiện nay chủ yếu là lấy mẫu định kỳ để phân tích tại phòng thí nghiệm, đo nhanh tại hiện trường một số chỉ tiêu cơ bản, chưa có cảng thủy nội địa nào đầu tư lắp đặt thiết bị công nghệ quan trắc phát thải, giám sát ô nhiễm tự động, liên tục.
Với đặc thù vị trí nằm ven bờ sông và các kênh chảy xuyên qua địa phận nhiều tỉnh/thành phố và thông ra biển, các hoạt động tại cảng, bến thủy nội địa tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ô nhiễm nước sông. Bên cạnh đó, nhiều phương tiện thủy nội địa Việt Nam đã quá cũ, trang thiết bị lạc hậu, hiệu suất đốt cháy nhiên liệu thấp và chưa có hệ thống xử lý khí thải,... nên đã phát thải nhiều khí độc như SO2, CO2, CO, NO2... Đây chính là nguồn gây ra ô nhiễm cho môi trường không khí, tăng khí hiệu ứng nhà kính của ngành đường thủy nội địa.
Trước thực trạng trên, việc xây dựng quy trình giám sát môi trường riêng cho cảng thủy nội địa là rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay. Quy trình giám sát môi trường cảng thủy nội địa được xây dựng sẽ quy định rõ trách nhiệm của nhà quản lý, chủ cảng, bến thủy nội địa và đối tượng tham gia các hoạt động tại cảng, bến thủy nội địa; Các chỉ dẫn, hướng dẫn cụ thể đối với các vấn đề về quản lý chất thải, giám sát ô nhiễm, giám sát sự cố rủi ro môi trường.
Ngoài việc đầu tư công nghệ, thiết bị kỹ thuật, cần ban hành Sổ tay hướng dẫn quy trình giám sát ô nhiễm môi trường, qua đó ngăn ngừa và giảm thiểu ô nhiễm đối với các dòng sông, nhằm hướng vận tải thủy thành một phương thức vận tải bền vững, thân thiện với môi trường.
Trương Trọng Doanh, Nguyễn Đình Luyện
Bộ Giao thông vận tải
(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 9/2018)