31/07/2017
Ngày 28/7/2017, trên cơ sở kết quả giám sát quá trình khắc phục hậu quả vi phạm của Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh, Bộ TN&MT đã công bố thông tin chính thức tình hình phát sinh và quản lý chất thải rắn của Formosa cũng như bãi lưu giữ xỉ thải lấn biển.
Về tình hình phát sinh và quản lý chất thải rắn của Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh
Trước khi Lò cao số 1 vận hành thử nghiệm (ngày 29/5/2017)
Formosa Hà Tĩnh đã vận hành ổn định các hạng mục trước gồm: nhiệt điện, luyện cốc, thiêu kết,...; các loại chất thải rắn phát sinh được thu gom, phân loại và quản lý theo quy định, chưa có hoạt động đổ thải ra bãi xỉ. Rác thải sinh hoạt được thu gom và định kỳ chuyển giao cho Công ty TNHH MTV Chế biến rác thải sinh hoạt Hoành Sơn (tỉnh Hà Tĩnh) vận chuyển, xử lý. Formosa đã thực hiện phân định các loại chất thải rắn phát sinh để quản lý theo quy định. Tro bay, xỉ và thạch cao của Nhà máy điện được quản lý theo Quyết định số 452/QĐ-TTg ngày 12/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ (đã xuất khẩu 6.802,3 tấn thạch cao sang Philippine); bùn thải sinh hoạt, công nghiệp, sinh hóa và chất thải nguy hại được chuyển giao cho Công ty TNHH MTV Chế biến chất thải công nghiệp Hà Tĩnh là đơn vị có chức năng xử lý. Formosa cũng đã ký hợp đồng nguyên tắc với Công ty CP[ xử lý tái chế chất thải Công nghiệp Hòa Bình và Tập đoàn Xi măng Thành Công là những đơn vị có Giấy phép để xử lý tro, xỉ, thạch cao, chất thải rắn, chất thải nguy hại khi lượng chất thải phát sinh lớn; tiếp tục nghiên cứu để có phương án tái chế, tái sử dụng chất thải theo quy định.
Sau khi Lò cao số 1 và các hạng mục sau Lò cao vận hành
Ngoài các loại chất thải rắn phát sinh nêu trên, Formosa có phát sinh một số loại chất thải rắn gồm: xỉ hạt lò cao, xỉ thép, vật liệu chịu lửa, bùn và bụi (thu hồi từ các hệ thống rửa khí Lò cao và khí lò chuyển) đang được Formosa quản lý như sau:
Xỉ hạt lò cao (GBFS): Khi Lò cao số 1 đạt công suất thiết kế sẽ phát sinh khoảng 1.1 triệu tấn/năm, hiện phát sinh khoảng 90.200 tấn/tháng, theo yêu cầu của Bộ TN&MT, Formosa đã phân định xỉ hạt là chất thải rắn công nghiệp thông thường và đang lưu giữ an toàn tại kho chứa có nền bê tông, xung quanh có hệ thống thu gom nước mưa chảy tràn và được che phủ bạt. Xỉ hạt lò cao tại các Nhà máy sản xuất thép trên thế giới và các Nhà máy luyện thép liên hợp ở Việt Nam vẫn đang được sử dụng để làm nguyên liệu sản xuất xi măng như: Nhà máy thép Hòa Phát ở Hải Dương, Nhà máy gang thép Thái Nguyên. Trong thời gian chờ kết quả công bố hợp quy của Bộ Xây dựng (theo QCVN 16:2014/BXD – Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng) để được bán ra thị trường trong nước, FHS đã hoàn thiện các thủ tục để xuất khẩu sản phẩm xỉ hạt ra nước ngoài theo Thông tư số 103/2015/TT-BTC; dự kiến cuối tháng 8/2017 sẽ xuất khẩu chuyến đầu tiên ra nước ngoài với khối lượng là 23.000 tấn.
Bùn, bụi thu hồi từ các hệ thống rửa khí Lò cao và khí lò chuyển: Bộ TN&MT đã yêu cầu Formosa phân định để quản lý theo quy định. Khi có kết quả là chất thải rắn công nghiệp thông thường, chất thải này sẽ được Formosa tái sử dụng làm nguyên liệu trong sản xuất; trường hợp là chất thải nguy hại sẽ được chuyển giao cho đơn vị có chức năng xử lý theo quy định.
Vật liệu chịu lửa: Phát sinh khoảng 13.349 tấn/năm được Formosa phân định là chất thải thông thường; chất thải này được Formosa tái chế, thu hồi kim loại.
Xỉ thép: Khi Lò cao số 1 hoạt động đạt 100% công suất sẽ phát sinh khoảng 423.150 tấn/năm (gồm: Xỉ khử S, xỉ lò chuyển và xỉ đúc dư). Xỉ thép đã được phân định là chất thải công nghiệp thông thường, đang được xử lý tại Trạm xử lý xỉ thép để thu hồi kim loại làm nguyên liệu cho lò chuyển, phần không thể sử dụng là khoảng 34.100 tấn/năm dự kiến sẽ lưu giữ an toàn tại bãi thải xỉ. Tới đây, khi Bộ Xây dựng ban hành quy chuẩn sử dụng xỉ thép, xỉ lò cao làm vật liệu xây dựng thì cơ bản toàn bộ khối lượng xỉ thải của Formosa sẽ được sử dụng để sản xuất vật liệu xây dựng theo quy định, khối lượng phải lưu giữ tại bãi xỉ thải sẽ còn rất ít.
Bên cạnh đó, Formosa đang tiếp tục phối hợp với các đơn vị tư vấn để nghiên cứu phương án phối trộn phần xỉ thép nêu trên cùng tro bay (của Nhà máy nhiệt điện) và một số loại phụ gia khác để làm vật liệu xây dựng.
Hiện tại, Formosa vẫn đang lưu giữ an toàn các loại chất thải rắn phát sinh trong các khu vực lưu giữ của Nhà máy theo yêu cầu của Bộ TN&MT, chưa lưu giữ trong bãi chứa xỉ lấn biển.
Về bãi lưu giữ xỉ thải lấn biển
Theo nội dung báo cáo ĐTM được Bộ TN&MT phê duyệt năm 2008 và quy hoạch sử dụng đất lấn biển đã được tỉnh Hà Tĩnh phê duyệt, Dự án của Formosa được quy hoạch bãi xỉ lấn biển có diện tích là 281,6 ha (các Nhà máy sản xuất thép liên hợp trên thế giới đều có bãi chứa xỉ lấn biển như: Nhà máy thép liên hợp Gwangyang, Nhà máy thép liên hợp Pohang tại Hàn Quốc). Tuy nhiên, trong quá trình triển khai Dự án, Formosa đã nghiên cứu và đề xuất phương án tái sử dụng phần lớn chất thải rắn công nghiệp thông thường phát sinh để phục vụ quá trình sản xuất. Hiện tại, bãi xỉ của Formosa đã được điều chỉnh xây dựng trên diện tích chỉ còn 143 ha, phần diện tích còn lại của bãi xỉ đang được Formosa hoàn thiện các thủ tục để chuyển đổi thành khu vực lưu giữ nguyên liệu sản xuất cho giai đoạn 2 của Dự án.
Bãi xỉ của Formosa đang được thi công, xây dựng nhằm đảm bảo đáp ứng tiêu chuẩn bãi lưu giữ chất thải rắn thông thường theo TCXDVN 261:2001; xung quanh bãi được xây bờ đê kiên cố bằng đá khối cao khoảng 7 m, phía trong đê được phủ 2 lớp vải lọc theo đúng nội dung báo cáo ĐTM được phê duyệt; lòng bãi đã được khảo sát địa chất (khoan 19 lỗ vào các năm 2010, 2011) và xác định có lớp sét tự nhiên có độ dày trung bình là khoảng 10 m.
Bộ TN&MT đã yêu cầu Formosa khẩn trương nghiên cứu, đề xuất phương án xây dựng, hoàn chỉnh bãi lưu giữ xỉ thải là chất thải rắn công nghiệp thông thường, gồm: Đảm bảo tiêu chuẩn chống thấm đối với đáy bãi; chống thẩm thấu mặt ngang; đảm bảo độ an toàn cao nhất có thể chống chịu được các biến động của tự nhiên như động đất và sóng thần. Trong tháng 8/2017, Formosa sẽ tiếp tục khảo sát địa chất khu vực bãi lưu giữ xỉ và trình Bộ TN&MT xem xét, đánh giá.
Châu Long