Banner trang chủ

Siết chặt việc sử dụng phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất

04/12/2018

     Tình trạng nhập khẩu phế liệu vào Việt Nam trong thời gian qua diễn biến phức tạp, nghiêm trọng. Hiện còn tồn đọng nhiều container phế liệu nhập khẩu tại các cảng làm ảnh hưởng đến môi trường và cuộc sống nhân dân. Thực hiện Chỉ thị số 27/CT-TTg ngày 17/9/2018 của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp cấp bách tăng cường quản lý đối với hoạt động nhập khẩu và sử dụng phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất (Chỉ thị số 27/CT-TTg), Bộ Tài chính đã chỉ đạo Tổng cục Hải quan và Cục Hải quan các địa phương tăng cường kiểm soát từ xa đối với phế liệu nhập khẩu có nguy cơ gây ô nhiêm môi trường; buộc tái xuất các lô hàng rác phế liệu.

     Kiểm tra hàng nghìn container phế liệu tồn đọng

     Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, có khoảng 15.442 container phế liệu nhập khẩu đang lưu tại các cảng. Trong đó, nhiều nhất là cảng Hải Phòng với hơn 6.000 container, tiếp đến là Bà Rịa-Vũng Tàu hơn 4.600 container, TP.Hồ Chí Minh 3.000 container, Bình Dương hơn 1.500 container… Số lưu dưới 90 ngày là 10.535 container (chiếm 68%) và số tồn đọng quá 90 ngày là 4.907 container (chiếm 32%). Các phế liệu chủ yếu là nhựa, sắt thép, giấy, nhôm, kim loại màu…

     Mặc dù cơ quan hải quan đã gửi thông báo, nhưng đến nay chỉ số ít doanh nghiệp chịu liên hệ làm thủ tục nhận hàng. Trước thực trạng đó, Hội đồng xử lý hàng tồn đọng của ngành Hải quan (Hội đồng xử lý) trên cả nước đã quyết định đồng loạt mở kiểm tra container để xử lý. Tại địa bàn TP. Hồ Chí Minh, đợt kiểm tra diễn ra từ ngày 31/10 đến 15/11, tại cảng Hiệp Phước. Theo kế hoạch, Hội đồng xử lý sẽ mở kiểm tra toàn bộ hơn 2.500 container hàng đọng theo hình thức cuốn chiếu thành nhiều đợt, mỗi đợt khoảng 200 container. Trong quá trình mở kiểm tra, Hội đồng xử lý sẽ thực hiện kiểm kê, phân loại phế liệu, sau đó sẽ trưng cầu giám định từng loại để có căn cứ xử lý. Đối với phế liệu không đạt tiêu chuẩn, chất lượng sẽ buộc các hãng tàu vận chuyển đưa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam theo quy định. Qua kiểm tra bước đầu, tổ công tác nhận thấy phế liệu chứa trong các container chủ yếu là phế liệu nhựa, ống nhựa, chai lọ nhựa… được đóng thành bánh. Một số container phế liệu lẫn nhiều tạp chất, bốc mùi hôi.

     Để khắc phục tình trạng tồn đọng phế liệu, Bộ Tài chính cũng đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ, với quan điểm: Phế liệu là mặt hàng có nguy cơ cao về gây ô nhiễm môi trường, nhiều lô hàng không đủ điều kiện nhập khẩu hoặc thuộc diện cấm nhập khẩu, sẽ ảnh hưởng lớn đến môi trường, sức khỏe nhân dân. Do vậy, Bộ Tài chính đã đề xuất Thủ tướng Chính phủ là cần có sự kiểm kê, phân loại và kiểm soát chặt chẽ đối với các lô hàng phế liệu tồn đọng, xác định chủ sở hữu, người vận chuyển và buộc tái xuất đối với các lô hàng không đủ điều kiện nhập khẩu.

     Bộ Tài chính đã có văn bản đề nghị Bộ Giao thông vận tải thông báo và yêu cầu các hãng tàu vận chuyển ra khỏi lãnh thổ Việt Nam đối với hàng hóa là chất thải, hàng hóa gây ô nhiễm môi trường theo đúng quy định. Trường hợp các hãng tàu không thực hiện theo quy định thì đề nghị Bộ Giao thông vận tải xem xét áp dụng biện pháp không cho phép hãng tàu đó được khai thác kinh doanh tại Việt Nam cho đến khi vận chuyển toàn bộ hàng hóa nêu trên ra khỏi lãnh thổ Việt Nam, trường hợp vượt thẩm quyền thì báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định.

     Ngăn chặn từ xa chất thải, phế liệu không đủ điều kiện nhập khẩu

     Để triển khai hiệu quả, Bộ Tài chính yêu cầu các Cục Hải quan tỉnh, thành phố thực hiện áp dụng biện pháp ngăn chặn từ xa, không cho phép dỡ hàng xuống cảng đối với hàng hóa là chất thải, phế liệu không đủ điều kiện nhập khẩu.

     Đối với việc tiếp nhận và xử lý hải quan đối với hồ sơ tàu biển nhập cảnh, Bộ Tài chính yêu cầu các Cục Hải quan tỉnh, thành phố kiểm tra trên Bản khai báo hàng hóa (Manifest) phải đầy đủ các thông tin cụ thể về doanh nghiệp nhận hàng tại tiêu chí "Người nhận hàng/Consignee" (tên doanh nghiệp, mã số thuế, địa chỉ, số của giấy xác nhận đủ điều kiện về BVMT trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất, số của Giấy xác nhận ký quỹ); về hàng hóa (loại phế liệu, mã HS tối thiểu 4 số).

     Nếu thông tin tại tiêu chí "Người nhận hàng/Consignee" trên Manifest khi khai báo là "To order" hoặc "To order of…" thì thực hiện kiểm tra thông tin khai báo tại tiêu chí "Người được thông báo/Notificated party" phải đầy đủ các thông tin cụ thể về doanh nghiệp (tên doanh nghiệp, mã số thuế, địa chỉ, số của giấy xác nhận đủ điều kiện về BVMT trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất, số của Giấy xác nhận ký quỹ). Trường hợp không khai báo cụ thể về doanh nghiệp nhận hàng, hàng hóa như trên thì không chấp nhận khai báo, thông báo lý do chưa tiếp nhận và yêu cầu người khai hải quan khai bổ sung thông qua Cổng thông tin một cửa quốc gia; đồng thời thông báo cho hãng tàu, đại lý hãng tàu và doanh nghiệp kinh doanh cảng không được phép dỡ hàng hóa đó xuống cảng.

 

  Cơ quan hải quan kiểm tra container phế liệu tại Cảng Hải Phòng

 

     Bộ Tài chính cũng yêu cầu các Cục Hải quan tỉnh, thành phố thực hiện rà soát, phân tích thông tin khai trên manifest trong thời hạn 4 giờ làm việc kể từ thời điểm tiếp nhận thông tin khai báo trên Hệ thống e-manifest và xử lý như sau:

     - Trường hợp có cơ sở xác định hàng hóa vận chuyển trên tàu biển là chất thải theo quy định tại khoản 12 Điều 3 Luật BVMT thì thông báo ngay cho hãng tàu và doanh nghiệp kinh doanh cảng về việc không được phép dỡ hàng hóa đó xuống cảng; đồng thời yêu cầu hãng tàu vận chuyển hàng hóa đó ra khỏi lãnh thổ Việt Nam và xử lý vi phạm theo quy định.

     - Trường hợp tàu biển chưa cập cảng Việt Nam hoặc đã cập cảng Việt Nam nhưng chưa dỡ hàng hóa xuống bãi cảng, có thông tin hàng hóa khai báo trên Hệ thống e-manifest là phế liệu, đối chiếu thông tin người nhận hàng trên manifest với danh sách các doanh nghiệp đã được cấp giấy xác nhận đủ điều kiện về BVMT trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất còn hiệu lực và xử lý:

     + Người nhận hàng trên manifest có tên trong danh sách các doanh nghiệp đã được cấp Giấy xác nhận đủ điều kiện BVMT trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất còn hiệu lực, còn hạn ngạch nhập khẩu, đã thực hiện ký quỹ bảo đảm phế liệu nhập khẩu thì thực hiện theo quy định.

     + Nếu người nhận hàng trên manifest không có trong danh sách hoặc có trong danh sách nhưng Giấy xác nhận đủ điều kiện BVMT trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất đã hết hiệu lực hoặc doanh nghiệp đã nhập khẩu hết số lượng trên Giấy xác nhận đủ điều kiện BVMT trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất. Hoặc doanh nghiệp chưa thực hiện ký quỹ bảo đảm phế liệu nhập khẩu theo quy định thì thông báo ngay cho hãng tàu và doanh nghiệp kinh doanh cảng về việc không được phép dỡ lô hàng phế liệu đó xuống cảng, đồng thời yêu cầu hãng tàu đưa hàng hóa đó ra khỏi lãnh thổ Việt Nam.

     - Trường hợp hàng hóa khai báo trên manifest là hàng đã qua sử dụng, không khai báo là phế liệu nhưng có đặc trưng của phế liệu và người nhập khẩu hoặc người được thông báo không thuộc danh sách các doanh nghiệp đã được cấp Giấy xác nhận đủ điều kiện về  BVMT trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất còn hiệu lực thì Chi cục Hải quan giám sát chặt chẽ việc dỡ hàng xuống cảng, đưa hàng hóa vào diện kiểm soát trọng điểm và tiến hành thủ tục hải quan theo hướng dẫn của Tổng cục Hải quan.

     Bên cạnh đó, Bộ Tài chính yêu cầu Cục Hải quan các tỉnh, thành phố quản lý cảng biển thông báo cho hãng tàu/đại lý hãng tàu vận chuyển, doanh nghiệp kinh doanh cảng, cơ quan quản lý cảng không cho phép dỡ hàng là phế liệu từ tàu xuống cảng đối với chủ hàng không có trong Danh sách tổ chức, cá nhân đã được cấp Giấy chứng nhận/Giấy xác nhận đủ điều kiện về BVMT trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất còn hiệu lực, hạn ngạch nhập khẩu và chưa thực hiện ký quỹ bảo đảm phế liệu nhập khẩu theo quy định của pháp luật.

     Đối với trường hợp doanh nghiệp được Sở TN&MT cấp Giấy xác nhận, khi thực hiện thủ tục hải quan thực hiện tra cứu, kiểm tra Giấy xác nhận đã được cập nhật công khai trên Cổng thông tin điện tử của Bộ TN&MT hoặc Cổng thông tin một cửa quốc gia đối chiếu với Giấy xác nhận do doanh nghiệp nộp nếu thấy phù hợp thì xem xét, giải quyết thủ tục hải quan theo đúng quy định, trong đó lưu ý về thời hạn hiệu lực của Giấy xác nhận và các nội dung khác có liên quan.

     Trường hợp trên Cổng thông tin điện tử của Bộ TN&MT hoặc Cổng thông tin một cửa quốc gia không có thông tin Giấy xác nhận của Sở TN&MT do doanh nghiệp nộp thì phải trao đổi bằng điện fax hoặc văn bản với Sở TN&MT để xác nhận thông tin, nếu thông tin xác nhận đúng và phù hợp thì xem xét, giải quyết thủ tục hải quan theo đúng quy định.

 

Phạm Mỹ Hạnh

Tổng cục Hải quan

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 11/2018)

 

         

 

 

 

 

 

 

 

 

 

            

 

Ý kiến của bạn