04/08/2016
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan chức năng đã vào cuộc quyết liệt, tiến hành xác định nguyên nhân, đối tượng gây ra sự cố một cách khoa học, chặt chẽ, đúng pháp luật, phù hợp với thông lệ quốc tế. Đồng thời kết hợp đồng bộ nhiều phương pháp với sự huy động tham gia của đông đảo các chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành; cập nhật liên tục diễn biến hiện trường, tổ chức lấy các mẫu vật kết hợp với việc hồi cố về điều kiện thực địa khi xảy ra sự cố, thông tin về khí tượng thủy văn, dòng hải lưu, dữ liệu viễn thám, ứng dụng các mô hình lan truyền ô nhiễm để truy dấu vết nguồn gây ô nhiễm môi trường biển. Bên cạnh đó, tổ chức lấy mẫu, phân tích mẫu cá, hải sản chết, mẫu trầm tích đáy, nước biển; có sự hợp tác của các chuyên gia quốc tế trong việc tư vấn về phương pháp, bổ sung dữ liệu, tăng cường độ tin cậy, tính chính xác và khách quan.
Bộ KH&CN đã chủ trì, phối hợp với Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, Bộ TN&MT và các Bộ, ngành có liên quan thành lập Hội đồng chuyên gia KH&CN quốc gia với sự tham gia của hơn 100 chuyên gia từ hơn 30 viện nghiên cứu, trường đại học; thành lập Tổ công tác thường trực tại 4 tỉnh phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương để khảo sát thực địa, lấy mẫu và xử lý một số mẫu vật, kịp thời giải quyết các vấn đề liên quan. Thành lập, tổ chức họp Hội đồng phản biện và kết luận về nguyên nhân hải sản chết bất thường. Kết luận nghiên cứu đã khẳng định độc tố hóa học (phenol, xyanua...) là nguyên nhân gây hải sản chết hàng loạt tại 4 tỉnh miền Trung vừa qua. Các kết quả thí nghiệm mô phỏng, phân tích ảnh vệ tinh, kiểm toán chất thải và những mẫu vật thu được tại hiện trường chứng minh đã có một nguồn thải lớn từ khu vực Vũng Áng (Hà Tĩnh) có chứa các hạt keo sắt dưới dạng mixel hấp phụ các độc tố như phenol, xyanua, kim loại nặng, hydrocacbon thơm đa vòng,… di chuyển theo dòng hải lưu đã gây nên cá chết hàng loạt.
Bộ TN&MT đã phối hợp với các Bộ, ngành và 4 tỉnh ven biển nêu trên rà soát toàn bộ các nguồn thải lớn ra biển, kết quả cho thấy các nguồn thải lớn chỉ tập trung ở Khu kinh tế Vũng Áng, tỉnh Hà Tĩnh; đồng thời Bộ đã thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành về BVMT và tài nguyên nước đối với các cơ sở có nguồn thải ra biển tại Khu kinh tế Vũng Áng (gồm có: Công ty Formosa Hà Tĩnh, Công ty Điện lực Dầu khí Hà Tĩnh và Trung tâm Dịch vụ Hạ tầng Khu kinh tế Hà Tĩnh) với sự tham gia của 72 cán bộ, chuyên gia đầu ngành trong các lĩnh vực: môi trường, viễn thám, khí tượng thủy văn, hải văn, sinh thái học, hóa học, luyện gang thép... được chia thành 6 tổ do các Viện trưởng, Phó Viện trưởng các cơ quan khoa học làm Tổ trưởng. Kết quả kiểm tra cho thấy, Công ty Formosa Hà Tĩnh đã có nhiều hành vi vi phạm hành chính về BVMT và tài nguyên nước, phát hiện một số dấu hiệu là nguyên nhân gây ra sự cố môi trường; đồng thời với kết quả rà soát nguồn thải của các cơ sở hoạt động trên địa bàn 4 tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế, Bộ TN&MT xác định chỉ có nguồn thải của Công ty Formosa Hà Tĩnh mới có các độc tố phenol, xyanua.
Bộ Trưởng Trần Hồng Hà dẫn đầu đoàn công tác tại tỉnh Hà Tĩnh tìm nguyên nhân gây nên hiện tượng cá chết hàng loạt (Ảnh: baohatinh) |
Từ kết quả nghiên cứu, rà soát và kiểm tra, Bộ TN&MT, Bộ KH&CN, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam và các Bộ, ngành thống nhất nguyên nhân sự cố môi trường gây hải sản chết bất thường tại 4 tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế vừa qua là do các độc tố phenol, xyanua từ nguồn thải của Công ty Formosa Hà Tĩnh.
Qua đấu tranh pháp lý, Công ty Formosa Hà Tĩnh nhận trách nhiệm về việc gây ra sự cố môi trường, làm hải sản chết hàng loạt tại 4 tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế trong thời gian qua, đồng thời cam kết: (1) Công khai xin lỗi Chính phủ và nhân dân Việt Nam vì để xảy ra sự cố môi trường nghiêm trọng; (2) Thực hiện việc bồi thường thiệt hại kinh tế cho người dân và hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp; bồi thường xử lý ô nhiễm và phục hồi môi trường biển tại 4 tỉnh miền Trung của Việt Nam với tổng số tiền tương đương trên 11.500 tỷ đồng (500 triệu USD); (3) Khắc phục triệt để các tồn tại, hạn chế của hệ thống xử lý chất thải, nước thải, hoàn thiện công nghệ sản xuất, bảo đảm xử lý triệt để các chất thải độc hại trước khi thải ra môi trường theo yêu cầu của các cơ quan quản lý nhà nước của Trung ương và tỉnh Hà Tĩnh để không tái diễn sự cố môi trường như đã xảy ra; (4) Phối hợp với các bộ, ngành của Việt Nam và các tỉnh miền Trung xây dựng các giải pháp đồng bộ để kiểm soát môi trường biển miền Trung, bảo đảm phòng, chống ô nhiễm, không để xảy ra sự cố môi trường tương tự để tạo niềm tin với người dân Việt Nam và quốc tế; (5) Thực hiện đúng và đầy đủ các cam kết, không để tái diễn các hành vi vi phạm pháp luật về BVMT.
Việc xác định nguyên nhân và đối tượng gây ra sự cố môi trường là kết quả của việc chỉ đạo khẩn trương, quyết liệt của Lãnh đạo Đảng và Nhà nước, sự vào cuộc tích cực của các bộ, ngành và địa phương có liên quan. Trên thực tế, nhiều sự cố tương tự trên thế giới, việc xác định nguyên nhân và đối tượng gây ra sự cố phải mất nhiều thời gian, ngay cả ở các nước phát triển, thậm chí có nơi còn không xác định được nguyên nhân, thủ phạm gây ra sự cố.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc làm việc với các địa phương bị ảnh hưởng do hiện tượng hải sản chết bất thường Ảnh: VGP |
Cùng với việc tìm kiếm nguyên nhân, thủ phạm gây ra sự cố, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 772/QĐ-TTg ngày 9/5/2016 hỗ trợ khẩn cấp cho người dân tại các tỉnh: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế bị ảnh hưởng do hiện tượng hải sản chết bất thường; Quyết định số 1138/QĐ-TTg ngày 25/6/2016 về việc tăng thời gian hỗ trợ ngư dân, diêm dân 4 tỉnh miền Trung theo Quyết định số 772/QĐ-TTg. Theo đó hỗ trợ hộ nông dân, ngư dân, chủ trang trại, tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản bị ảnh hưởng do hiện tượng hải sản chết bất thường như cơ chế hỗ trợ thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh; hỗ trợ 15 kg gạo/người/tháng trong thời gian 6 tháng đối với các nhân khẩu thuộc hộ gia đình chủ tàu và hộ gia đình của lao động trên tàu; hỗ trợ một lần tối đa 5 triệu đồng/tàu đánh bắt ven bờ và vùng lộng phải tạm ngừng ra khơi; hỗ trợ 100% lãi suất vay vốn tín dụng trong thời gian tạm trữ 6 tháng đối với các doanh nghiệp, chủ vựa, tàu dịch vụ hậu cần nghề cá để thu mua, tạm trữ hải sản từ ngày 5/5/2016 đến ngày 5/7/2016; hỗ trợ không quá 70% giá trị hải sản không đảm bảo an toàn buộc phải tiêu hủy; hỗ trợ khắc phục hậu quả môi trường. Đến nay, Chính phủ đã xuất cấp gần 4.182 tấn gạo từ dự trữ quốc gia; Quỹ BVMT Việt Nam đã hỗ trợ ban đầu cho 4 tỉnh bị ảnh hưởng để xử lý, tiêu hủy cá chết (khoảng 4 tỷ đồng); Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã hỗ trợ trên 5 tỷ đồng cho người dân bị thiệt hại.
Ngay sau khi xảy ra sự cố hải sản chết bất thường và tiếp nhận báo cáo của các địa phương trong khu vực xảy ra sự cố, Bộ TN&MT đã triển khai hoạt động quan trắc tại các khu vực xảy ra sự cố từ ngày 21/4/2016 đến ngày 2/5/2016. Đồng thời, Bộ cũng đã có văn bản hướng dẫn UBND 4 tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế thực hiện quan trắc hàng ngày tại các bãi tắm từ ngày 29/4/2016 và duy trì đến thời điểm hiện nay với các thông số được quy định trong Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước biển ven bờ cho vùng bãi tắm và thể thao dưới nước (QCVN 10-MT:2015/BTNMT). Các kết quả quan trắc được công bố hàng ngày trên các Cổng thông tin điện tử của Bộ TN&MT, Tổng cục Môi trường và cung cấp cho 300 đầu mối các kênh thông tin truyền thông (Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Báo Nhân dân, Lao động, Tiền phong…) để kịp thời thông báo tới nhân dân được biết.
Bộ TN&MT đã huy động tổng lực các trạm quan trắc môi trường biển thuộc hệ thống quan trắc môi trường quốc gia và 4 tỉnh xảy ra sự cố để thực hiện Chương trình quan trắc môi trường biển ven bờ, gần bờ và xa bờ từ Thanh Hóa đến Quảng Nam với tần suất, mật độ tăng cường tối đa được quy định tại Quyết định số 977/QĐ-BTNMT. Chương trình thực hiện quan trắc chất lượng nước tại 50 điểm quan trắc vùng ven bờ, 27 điểm quan trắc gần bờ và 16 điểm quan trắc xa bờ; quan trắc chất lượng trầm tích tại 14 điểm quan trắc gần bờ với các thông số được quy định trong Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước biển (QCVN 10-MT:2015/BTNMT) và Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng trầm tích (QCVN 43:2012/BTNMT). Kết quả quan trắc cho thấy, tại thời điểm xảy ra sự cố, môi trường nước biển và trầm tích khu vực ven bờ và gần bờ tại 4 tỉnh bị ô nhiễm đối với một số thông số như sắt, phenol, amoni... Tuy vậy đến nay, môi trường nước biển đã dần được hồi phục, hầu hết các thông số đã đạt ngưỡng cho phép đảm bảo an toàn.
Hiện nay, Bộ TN&MT đang triển khai chương trình khảo sát, điều tra, đánh giá ô nhiễm môi trường biển tại 4 tỉnh ven biển miền Trung; trong đó tiến hành khảo sát tại 36 tuyến vuông góc với đường bờ biển, với tổng số 146 điểm khảo sát, tổng chiều dài các tuyến khảo sát khoảng 348 km. Chương trình điều tra, đánh giá ô nhiễm môi trường biển thực hiện đối với các thành phần: môi trường nước (tầng mặt, tầng giữa và tầng đáy); trầm tích, sinh vật phù du, sinh vật đáy, hệ sinh thái rạn san hô, hệ sinh thái cỏ biển và mẫu mảng bám keo tụ trên san hô, các nền đáy cứng thông qua các nhóm quan trắc khảo sát trên biển, thợ lặn vùng đáy biển, ghi hình, quay phim hệ sinh thái biển. Chương trình đã được triển khai để cung cấp thêm thông tin về hiện trạng chất lượng môi trường biển tại 4 tỉnh và trên cơ sở đó tiến hành các biện pháp xử lý ô nhiễm và phục hồi các hệ sinh thái biển.
Như vậy, sự cố ô nhiễm môi trường làm hải sản chết hàng loạt vùng biển ven bờ các tỉnh miền Trung là sự cố môi trường biển nghiêm trọng nhất, lần đầu tiên xảy ra trên diện rộng ở nước ta, lúc đầu việc ứng phó sự cố có nhiều lúng túng, chưa hiệu quả. Tuy nhiên, sau khi có sự chỉ đạo của Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương đã vào cuộc quyết liệt, phối hợp nhịp nhàng với tinh thần khẩn trương, thận trọng, khách quan, khoa học. Với sự tham gia của nhiều cán bộ quản lý, chuyên gia, nhà khoa học kết hợp phân tích lý thuyết, hình ảnh viễn thám, mô phỏng, khảo sát thực địa, lấy mẫu phân tích, đối chứng, kiểm tra các dự án lớn trong khu vực, đấu tranh pháp lý chỉ chưa đầy 3 tháng đã tìm ra nguyên nhân, buộc đối tượng phải nhận trách nhiệm gây ra sự cố, cam kết bồi thường và khắc phục sự cố, các vi phạm pháp luật. Cùng với quá trình tìm kiếm nguyên nhân và thủ phạm gây ra sự cố, Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương đã ban hành các chính sách, có các hoạt động hỗ trợ ổn định đời sống của người dân, phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh trong khu vực. Bên cạnh đó, Bộ TN&MT cũng đã phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, UBND 4 tỉnh tiến hành quan trắc, khảo sát đánh giá mức độ ô nhiễm môi trường, tổn thương của các hệ sinh thái biển, diễn biến chất lượng môi trường nước biển và trầm tích để công bố nhân dân biết cũng như triển khai các biện pháp khắc phục hậu quả do sự cố gây ra.
Qua sự cố môi trường này, chúng ta rút ra được nhiều bài học trong công tác chỉ đạo điều hành, phối hợp giải quyết vấn đề môi trường có tính liên ngành, liên vùng, được dư luận đặc biệt quan tâm. Sự chỉ đạo quyết liệt, nhất quán và sâu sát Lãnh đạo Đảng, Chính phủ; sự phối hợp nhịp nhàng, hiệu quả giữa các Bộ, ngành, giữa Trung ương và địa phương; huy động sự tham gia đông đảo các chuyên gia, các nhà khoa học; hỗ trợ kịp thời người dân trong khu vực bị ảnh hưởng; kết hợp đấu tranh pháp lý buộc Công ty Formosa Hà Tĩnh phải nhận trách nhiệm, bồi thường thiệt hại, đồng thời tiến hành kịp thời các hoạt động khảo sát, đánh giá hậu quả đối với môi trường để đưa ra các giải pháp khắc phục.
Sự cố ô nhiễm môi trường dẫn đến hải sản chết hàng loạt ven biển 4 tỉnh miền Trung và nhiều điểm nóng ô nhiễm môi trường cùng lúc bùng phát ở nhiều tỉnh thành trên cả nước là hệ quả của giai đoạn phát triển nóng, thiếu bền vững trong thời gian qua. Nhiều địa phương đã chú trọng đến mục tiêu tăng trưởng kinh tế mà chưa quan tâm đúng mức đến công tác BVMT. Đối mặt cùng lúc với nhiều thách thức lớn về ô nhiễm môi trường cần phải có các giải pháp đồng bộ và toàn diện để phòng ngừa, ứng phó trước mắt và lâu dài, trong đó cần tập trung thực hiện một số giải pháp:
Một là, tiến hành rà soát, đánh giá, khoanh vùng các nguồn thải lớn, rủi ro gây ra sự cố môi trường và áp dụng các biện pháp kiểm soát chặt chẽ từng nguồn thải (quan trắc, lấy mẫu tự động, hồ điều hòa lưu giữ nước thải sau xử lý, sử dụng chỉ thị sinh học, camera tự động để giám sát). Tăng cường kiểm tra, thanh tra để kịp thời phát hiện các bất cập, vi phạm pháp luật về BVMT, cảnh báo nguy cơ gây ô nhiễm, sự cố môi trường, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Hai là, tăng cường năng lực quan trắc, theo dõi, đánh giá hiện trạng, diễn biến môi trường, cảnh báo kịp thời các dấu hiệu bất thường để chủ động ứng phó, nhất là tại các vùng kinh tế trọng điểm, khu vực tập trung nhiều nguồn thải lớn, khu vực môi trường nhạy cảm. Bên cạnh đó, cần tăng cường năng lực tiếp nhận, xử lý số liệu quan trắc; xây dựng cơ chế chia sẻ thông tin, số liệu quan trắc, cảnh báo về môi trường.
Ba là, xây dựng và ban hành quy chế ứng phó sự cố môi trường theo hướng quy định rõ quy trình, các bước thực hiện, trách nhiệm của các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương và chính quyền địa phương theo hướng Trung ương chỉ đạo thống nhất và địa phương xây dựng năng lực tự ứng phó theo phương châm “ba tại chỗ” (nhân lực, thiết bị, nguồn lực). Quy chế này cũng được áp dụng cho việc xử lý các vấn đề ô nhiễm môi trường đang bùng phát cùng lúc ở nhiều địa phương trên cả nước.
Bốn là, quán triệt quan điểm đầu tư phát triển bền vững, không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế, không thu hút đầu tư bằng mọi giá; cần xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật, quy chuẩn, các hàng rào kỹ thuật để phòng ngừa, ngăn chặn, sàng lọc có hiệu quả, không để lọt các loại hình sản xuất, công nghệ sản xuất lạc hậu, các dự án đầu tư tiêu tốn tài nguyên, năng lượng, gây ô nhiễm môi trường vào nước ta, đặc biệt là vào các vùng, khu vực nhạy cảm về môi trường.
Năm là, khắc phục những bất cập trong công tác quản lý nhà nước về BVMT, nhất là trong việc áp dụng các công cụ, biện pháp phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm môi trường từ đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường, kiểm tra, xác nhận công trình, biện pháp BVMT, kiểm tra, thanh tra, quan trắc, giám sát nguồn thải… bảo đảm các công cụ, biện pháp này phát huy hiệu lực, hiệu quả trên thực tế để kiểm soát chặt chẽ các nguồn thải ra môi trường.
Sáu là, xem xét kiện toàn tổ chức bộ máy, tăng cường năng lực của cơ quan quản lý nhà nước về môi trường từ Trung ương đến địa phương đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ ngày càng lớn, phức tạp và sự bùng phát các sự cố gây ô nhiễm môi trường.
TS. Nguyễn Văn Tài
Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường
Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 7/2016